Gặp cướp cứ nhượng bộ hoặc làm ngơ

Jolie

Member
Câu hỏi bắt cướp hay không cực kỳ khó trả lời với nhiều người.


cuop1.jpg

Người dân đang bắt một tên cướp laptop.


"Thờ ơ" khiến cướp bùng phát
Có thể nói, các thành phố lớn là thiên đường của bọn cướp và Sài Gòn cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Chúng không chỉ cướp giật ban đêm, mà còn cướp ban ngày; không chỉ cướp ở ngoài đường, từ ngoại ô cho tới các quận trung tâm, mà còn nhảy cả vào nhà, quán cà phê để cướp đồ. Ngoài cướp giật, bọn lừa đảo cũng phát triển như nấm sau mưa, giàn cảnh tinh vi và ngày càng manh động.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, từ cả nhà nước lẫn người dân. Khi xảy ra cướp giật, những người xung quanh thường thờ ơ, vô cảm không quan tâm hoặc quan tâm quá chậm; khiến chính nạn nhân cũng không dám chống cự hoặc phản ứng yếu ớt. Còn đối với các chế tài từ luật pháp thì vẫn chưa đủ sức răn đe nên nhiều trường hợp cướp giật vừa mới ra tù đã tái phạm.
Minhtien.jpg

Không khó để mỗi người có thể trở thành hiệp sĩ bắt cướp như anh Minh Tiến

Tuy nhiên, vấn đề nam giải lớn nhất vẫn là ý thức người dân ngăn chặn cướp vẫn chưa cao và quyết liệt. Khi vụ cướp xảy ra, chỉ cần những người gần nạn nhân nhất sau khi nghe tiếng tri hô, vội nhảy vào can thiệp, khả năng ngăn cản thành công vụ cướp là rất cao.
Do, bọn cướp chưa kịp tẩu thoát cũng như rút hung khí ra, tâm lý sợ số đông đè nặng sẽ khiến tên cướp e dè hơn. Ngược lại, chỉ cần người gần nhất thờ ơ bỏ qua, những người xa hơn hoặc đến sau có biết thì thời cơ rượt đuổi hoặc bắt bọn cướp cũng không còn nữa. Thế nên, xác suất thành công của các vụ cướp gần như là 100%. Chính vì làm ăn dễ dàng nên càng ngày bọn cướp lại càng hung hãn và trắng trợn hơn.
cuop2.jpg

Ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã cực kỳ bức xúc vì không ai giúp khi cô bị cướp.

Đầu năm nay, một cô gái tên Phương đã viết trên VnExpress rằng, cô đã đuổi theo bọn cướp iphone qua 6 ngã tư mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ cơ quan chức năng cũng như người dân, khiến cô thất bại. Cũng đầu tháng 10, ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã bức xúc vì khi mình bị cướp vặt kính chiếu hậu xe hơi mà chẳng có ai ra tay giúp đỡ dù nhiều người cùng chứng kiến: “Cướp… Xã hội nào cũng có nhưng quá nhiều và trắng trợn thì chắc vô địch thuộc về chúng ta... Sống kiểu "thân ai nấy lo" thế này thì thật dã man…”.
Lý giải nào cho hợp lý?
Tuy nhiên, cũng không ít những lời phản biện đến từ những người trong cuộc. Nhiều người nói rằng, họ không phải thờ ơ, vô cảm hay hèn nhát mà họ chỉ muốn bảo vệ bản thân mình. Chẳng phải đã có rất nhiều trường hợp nạn nhân hay người đi đường đuổi theo bọn cướp rồi bị mất mạng hoặc bị trọng thương. Thôi thì cứ để của đi thay người.
Bởi, không phải ai cũng chỉ lo cho bản thân mình, mà còn gánh theo rất nhiều trách nhiệm cần phải hoàn thành, còn vợ con, cha mẹ để lo lắng. Nếu có mệnh hệ gì xảy ra với bản thân, họ không những chẳng lo lắng được cho mọi người, ngược lại còn tạo thêm một gánh nặng. Rừng vẫn còn thì chẳng lo thiếu củi, tính mạng còn thì vẫn có thể làm ra được tài sản khác. Thế nên, ai nói họ vô cảm cũng mặc kệ, “mình không thương mình thì trời tru đất diệt”, cứ vậy mà sống thôi.
Còn nhớ, chỉ mới năm ngoái, cả nước rúng động khi báo chí đưa tin, anh Ngọc Tri, sinh năm 1990, tạm trú Bình Chánh đã bị tên cướp tên Lập đâm tới chết khi anh Tri vật lộn với Lập để giành lại chiếc laptop. Đại úy Võ Sỹ Hoàng cũng bị đâm trọng thương khi cố gắng bắt tên Lập. Chưa hết, ngày 12/10 vừa qua, chị Nguyễn Thị Nghiệm, 22 tuổi quê Tiền Giang đã thiệt mạng khi đuổi theo hai tên cướp giật giỏ xách của mình.
vogia.jpg

Tên cướp sát hại anh Tri đã bị kết án tử hình

Thêm nữa, vì người Sài Gòn chủ yếu là dân nhập cư, nên tính cộng đồng không cao. Tư tưởng “thân ai nấy lo” là phổ biến nhất. Không chỉ ở ngoài đường, mà ngay cả khi bọn cướp len lỏi vào các khu dân cư, cũng không gặp bất cứ sự kháng cự nào của hàng xóm láng giềng của nạn nhân và ngay cả nạn nhân. Năm ngoái, một nữ sinh 9x tên Phương Thảo đã cố bắt bằng được một tên cướp vì trước đó cô từng hai lần gặp cướp và cô đã thành công.
cuop3.jpg

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến chị Nghiệm chết.

Giả dụ như tất cả mọi người đều quan tâm, đều xông vào bắt cướp thì sẽ như thế nào? Chẳng nhẽ, tên cướp sẽ đâm tất cả mọi người hoặc chạy thoát được hàng trăm người dân? Hoặc thay vì tránh đường cho bọn cướp chạy, chỉ cần quăng bất cứ chướng ngại vật ra đường, cũng đủ khiến cơ hội bắt được tên cướp tăng lên đáng kể.
Giới truyền thông, bản thân mọi người thay vì khuyên nhau “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, thì nên hướng dẫn hay tìm cách hợp tác bắt cướp làm sao cho đúng cách, để không nguy hiểm tới tính mạng cũng như tài sản của mình và người khác.
Muốn bắt được cướp mà không phải trả giá đắt, ngoài sự dũng cảm của cá nhân còn cần sự đoàn kết của một cộng đồng. Rất nhiều trường hợp, chỉ cần khoảng 2-3 người đứng ra bắt cướp và tri hô, bảo đảm sẽ có rất nhiều người làm theo, khi đó hẳn nhiều tên cướp sẽ phải chột dạ không dám liều lĩnh.
Quỳnh Như (Theo Báo Đất Việt)


Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top