Cứ mỗi trưa, chị Ngô Thị Công lại tất tả xách chiếc túi đựng đủ dầu gội, dầu xả, dầu gội khô… vào khoa ngoại 1 Bệnh viện ung bướu để bắt đầu một ngày làm việc mới.
“Cạo mặt cho tui nghen, hôm nay tui thấy khỏe lắm!”, “Cô Công nhớ lát nữa gội xong rồi matxa mặt giúp chị luôn, chị đau đầu quá!”… Vừa gặp chị Công, nhiều bệnh nhân í ới gọi.
Bệnh nhân Bạch Tuyết ngồi dốc người về phía trước, ghì chặt chồng, mím cứng đôi môi tím ngắt khô khốc, đôi mắt gần như sắp khóc. Mới vừa mổ xong, bác sĩ khuyên bà Tuyết phải thỉnh thoảng ngồi dậy mới tốt cho cơ thể. Nhưng mỗi lần muốn ngồi dậy, cả chồng và con trai bà nâng đỡ thế nào bà cũng muốn bật khóc vì đau.
Chị Công dịu dàng chỉ dẫn: “Chị ôm tôi, ôm chặt vai tôi nhé, tôi không làm chị đau đâu. Từ từ nào…!”. Thân hình nhỏ bé của chị Công đỡ bổng bà Tuyết lên rồi đặt nằm xuống giường.
Làm đẹp cho bệnh nhân
Mái tóc dài đóng bết của bà Tuyết được xổ ra, theo những gáo nước khéo léo của chị Công tuôn xuống. Chị tẽ từng mớ tóc, gỡ rối rồi thoa dầu gội lên.
Trong một góc giường hẹp chưa đủ hai người đứng, chị Công xoay xở với hai xô nước, một cái máng gội đầu và cả mong muốn được đẹp của những phụ nữ đang khổ sở vì bệnh tật nơi đây.
“Phòng lạnh quá, thôi hôm nay cô đừng gội đầu, để con giúp cô thay quần áo cho thoải mái thôi. Sợ gội xong lại ốm!”, “Anh đỡ chị dậy, vỗ lưng chị thế này nè cho chị dễ thở”, “Con mua cháo thật lỏng, nghiền thật nhuyễn rồi mới cho mẹ ăn”. Tất tả đi từ phòng này sang phòng khác, chị Công vừa gội đầu cho người này, kể chuyện vui ngoài bệnh viện rồi lại chỉ dẫn từng người cách chăm sóc, ăn uống cho người bệnh khác.
Chị Công gội đầu cho bệnh nhân – Ảnh: L.P.
Một bà lão “ngoại trú” ngoài hành lang khoa ngoại nói về chị: “Trưa nào mệt mỏi quá nó hay nằm ngủ ở đây, rồi lại vội vàng vào làm, chủ yếu là làm không công thôi”.
Chị Công giảng giải: “Vừa gội cho người ta phải vừa biết nói chuyện. Người bệnh ung thư tuyệt vọng lắm. Tôi cứ lấy tôi ra nói, tôi có một mình, nuôi ba đứa con, tôi cũng bị ung thư, cắt sạch hết rồi. Vừa nói mình phải vừa vui, làm sao cho người bệnh thấy mình vui thì người ta mới thấy đỡ đau. Không ai vào đây mà chấp nhận ngay việc mình bị bệnh nặng đâu”.
Khi chị rời khỏi phòng bệnh, thân nhân người bệnh vội vàng chạy theo giúi vào tay chị chút tiền. Có người chỉ giúi cho chị 2.000 đồng tiền dầu gội, vội vàng nắm tay chị vừa rưng rưng cảm ơn.
Có ông chồng đứng len lén ngoài hành lang nhìn chị gội đầu, rửa mặt cho vợ, ngại ngần đợi chị ra ấn vào tay chị 5.000 đồng, mặt khó nhọc rưng rưng: “Cô cầm đỡ, tôi khó quá”. Chị xua tay, lắc đầu. Có người chị nhận, có người chị nhất định từ chối… Đôi lần chị còn móc túi cho lại họ…
Trả nợ ân tình
Hơn mười năm trước, chị Công vào Sài Gòn sau nhiều tháng trời cơ thể ra máu, đau đớn trải qua năm bệnh viện khác nhau. Chị đã khóc khi bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ chuyển sang Bệnh viện Ung bướu vì nghe đồn “ai qua ung bướu là chết chắc rồi!”.
Chị khóc vì những cơn đau, vì không một xu dính túi, vì nỗi tủi cực của người vợ bị chồng bỏ. Đôi mắt tròn của đứa con gái theo chị đi chữa bệnh và tiếng bi bô của hai đứa nhỏ ở quê nhà Quảng Nam làm chị sợ cái chết. Chị sợ con mình phải mồ côi giữa sóng đời, sợ phải xa những vòng tay nhỏ chỉ biết ôm chị khi chị đau đến bật khóc.
Ở Bệnh viện Ung bướu, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ chị, lẳng lặng lo từng toa thuốc, từng đợt hóa trị, xạ trị cho căn bệnh ung thư tử cung mà chị mắc phải.
Chị nằm ở hành lang bệnh viện, rồi lê chân đi từng phòng bệnh bán từng xấp vé số kiếm miếng ăn trong thời gian điều trị. Chị Công ứa nước mắt nhớ lại: “Người ta cũng bệnh, cũng đau như mình, nhưng thấy mình đi bán ai cũng mua ủng hộ, nhiều người an ủi mỗi khi tôi khóc”.
Như một phép lạ, chị khỏe dần rồi quyết tâm ở Sài Gòn kiếm tiền nuôi ba đứa nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Chị nói: “Tôi tự hứa với lòng phải trả lại ân tình mà bao người đã giúp mình, tôi đi gội đầu, người ta cho tiền hay không cũng được, người khó khăn thì mình làm không công giúp họ”.
Mười năm qua chị Công ở lại khoa ngoại 1, vừa làm đủ việc lặt vặt kiếm sống vừa giúp các bác sĩ nuôi những bệnh nhân giai đoạn cuối mà cảnh nhà neo đơn, để thực hiện tâm nguyện của mình là chăm sóc những người bệnh hiểm nghèo cơ nhỡ.
Mấy năm qua, các bác sĩ, y tá đã quen với việc nhờ chị Công hỗ trợ giúp đỡ những người bệnh không có người nhà chăm sóc. Có những người bị chảy dịch rất hôi thối, thuê những người bán vé số giặt quần áo cũng không ai giặt.
Lúc ấy chị Công lại cặm cụi giặt mà không nhận thù lao. Chị bảo: “Lấy tiền thì tiền nào trả để chịu nổi mùi đó, nhức đầu lắm, nên thôi làm không cho người ta cho rồi…”.
Người phụ nữ từng chịu đựng đau đớn như chị hiểu từng tiếng thở hổn hển, tiếng rên nghẹn, hiểu cả cái bấu tay trên vai có nghĩa là đau đớn biết bao nhiêu. Chị gội đầu, matxa mặt, cạo mặt để giữ niềm an ủi bé nhỏ của phái đẹp nơi những phụ nữ đang phải chịu đựng bệnh tật.
Chị Công bảo: “Tôi chỉ cố làm sao nuôi con học thành người, tôi mãn nguyện cả đời ở đây chăm sóc bệnh nhân”. Khi bệnh viện chìm vào đêm khuya theo tiếng trở mình của những người ngủ lay lắt ngoài hành lang, chị Công mới lẳng lặng về nhà với những tiếng thở khó nhọc vì căn bệnh hở van tim và cả một ngày làm việc vất vả.
Lan Phương ( Theo Tuổi Trẻ)