Xung quanh cánh đồng rau là hàng chục điểm nắp cống bị bật tung, để lộ ra những hố nước đen sì…
Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh người dân đặt máy bơm hay gánh nước từ cống ngầm tưới ruộng rau thơm, hành ống… thì ít ai biết rằng rau ở đây đang được trồng bằng nước thải. Không chỉ Bắc Ninh, các thương lái Hà Nội cũng về đây mua rau vì giá cả được cho là khá “mềm”.
Không dùng nước thải không xong?!
Múc nước thải từ cống tưới rau.
“Ngày thời tiết mát mẻ này còn đỡ, ngày nắng hạn như đợt trước họ đặt hàng chục máy bơm, bơm liên tục đến mức bọt xà phòng sùi lên, bay khắp nơi. Nhìn thấy chắc hết muốn ăn rau!”.Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh người dân đặt máy bơm hay gánh nước từ cống ngầm tưới ruộng rau thơm, hành ống… thì ít ai biết rằng rau ở đây đang được trồng bằng nước thải. Không chỉ Bắc Ninh, các thương lái Hà Nội cũng về đây mua rau vì giá cả được cho là khá “mềm”.
Không dùng nước thải không xong?!
Múc nước thải từ cống tưới rau.
Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân sống cạnh ruộng rau Bồ Sơn, Bắc Ninh
Chạy theo quốc lộ 1A (mới) về phía Bắc Ninh đến đoạn cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km, đứng trên cầu Bồ Sơn nhìn về phía TP Bắc Ninh sẽ thấy ngay cánh đồng rau xanh mướt thuộc phường Vạn Phúc và phường Võ Cường. Đây là khu đất hàng chục hecta trồng rau nằm quanh Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nơi được coi là nguồn cung cấp rau xanh dồi dào cho địa phương và nhiều vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên…
Xung quanh cánh đồng rau này là hệ thống cống ngầm, mương nước thải sinh hoạt của TP Bắc Ninh. Dọc theo cống ngầm này hàng chục điểm nắp cống bị bật tung, để lộ ra những hố nước đen sì, nổi lều phều những túi nilon, chai lọ, thậm chí cả băng vệ sinh, xác động vật…
Vậy nhưng, người nông dân ở đây vẫn hồn nhiên bơm, gánh nước từ nguồn nước ô nhiễm này tưới các luống rau như cải thìa, hành, su hào, cải bắp… thậm chí cả các loại rau ăn lá, cần được trồng đảm bảo vệ sinh. Đỡ tốn sức đi xa gánh nước thải, người trồng rau bật luôn nắp cống ngầm để tiện cho việc đặt máy bơm hay múc nước.
Theo người dân, thời gian này không phải là lúc “cao điểm” chăm sóc, tưới nước song lác đác trên ruộng rau ngút ngát vẫn có một số máy bơm đang hút nước cống dẫn nước vào những luống hành. Từ xa nhìn lại đã thấy những đám bọt đùn cao trắng xóa quanh các máy bơm này. Bọt bay khắp nơi lẫn mùi khăm khẳm tanh lợm của nước cống.
Anh Ngô Đức Hạnh, một người trồng rau ở phường Đại Phúc hồn nhiên cho biết: “Nhiều năm nay, khu rau này chúng tôi đều lấy nước dưới cống ngầm tưới chứ làm gì có nguồn nước khác. Bên cạnh có đầm nước nhưng cũng là nước cống dồn ra thôi. Tất cả nước thải toàn thành phố ra đây hết!”.
Theo tay anh Hạnh chỉ, chúng tôi tìm đến cái đầm nước. Nói là đầm nhưng thực ra đó là một khu ruộng trũng. “Trước đây khu này dân cấy lúa, nước thải đổ ra nhiều, lúa bị sâu bệnh không phát triển, nhiều năm không được thu hoạch nên mấy năm nay dân bỏ hoang luôn. Nước thải đổ ra thành đầm nước đọng, đen sì, có chỗ còn sủi bong bóng. Nhiều hôm nước đổi màu xanh lét, rất hôi thối”, bà Nguyễn Thị Minh, một người dân sống gần đồng rau nói.
Lái buôn khắp nơi lấy hàng tạ rau tại ruộng
Không chỉ bà Minh mà rất nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này cũng bức xúc về tình trạng nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm, gây mùi hôi thối ở cái đầm này. Họ cho biết, những ngày oi ả, mùi hôi từ đầm nước còn xộc vào tận nhà dân quanh vùng, rất khó chịu. Vậy mà, người trồng rau vẫn sử dụng nước này để tưới rau.
“Có ai nhắc nhở gì đâu?”
Khi hỏi về việc dùng nước thải tưới rau như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thì một số người trồng rau ở đây cho rằng “không vấn đề gì”. Có lẽ tưởng chúng tôi hỏi về sức khỏe của họ khi tiếp xúc với nước thải để tưới rau nên họ giải thích thêm: “Làm lúa thì phải ngâm chân liên tục, tưới rau nước ngấm rồi lại khô ngay. Mà không lấy nước ở đây lại không có nước để tưới”. Thậm chí, anh Ngô Đức Hạnh còn tỏ ra vui mừng cho rằng: “Nước này lại hợp với cây màu, các loại rau lớn nhanh trông thấy. Hơn nữa, gần chục năm nay, chúng tôi lấy nước thải này tưới rau cũng không thấy ai nhắc nhở hay khuyến cáo gì”(?!).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ nguồn nước tưới rau ở đây đều là nước thải sinh hoạt. Sau khi thu hoạch, để làm sạch đất cát bám trên lá, củ, rau còn được người trồng đem rửa trực tiếp bằng chính nước thải này. Đầm nước thải vừa đục vừa đen nhưng lại được người dân tận dụng triệt để, rau sau khi cắt, nhổ được mang ra đầm nhúng vào nước cho tươi, rồi bó thành từng bó, xếp thành đống chờ thương lái đến “ăn” hàng.
Tận mắt chứng kiến cảnh người nông dân đặt máy bơm, gánh nước cống đen sì này lên để tưới ruộng rau, rồi rửa, nhúng rau ở đây có lẽ ai cũng phát “hoảng” khi nghĩ đến việc chọn rau ăn.
Theo GiađinhNet