Gia đình xe lăn

Jolie

Member
Đến chung cư 300 Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1-TPHCM, khi chúng tôi hỏi về “ngôi nhà xe lăn”, một bác chạy xe ôm nhanh nhảu: “Chú đi về phía sau chung cư, nhìn cuối đường thấy chỗ nào có nhiều xe lăn để phía trước là nhà đó”.
Cả nhà cùng… lăn
Hôm chúng tôi đến, những người đi bán vé số ban ngày đã về nhà nghỉ, còn tốp người đi bán vào ban đêm đang chuẩn bị lên đường. Chị Giàu, người bị tật hai chân, vừa kiểm tra lại mớ vé số vừa thích thú khi nghe chúng tôi thắc mắc về biệt danh “ngôi nhà xe lăn”: “Sở dĩ nhà này có biệt danh vậy là vì tất cả các thành viên ai cũng bị tật, phải dùng xe lăn. Có người vẫn còn đôi chân nhưng chỉ để “làm cảnh” chứ không đi đứng gì được”.


Chị Mến trên đường mưu sinh
Nói rồi chị Giàu cắp chiếc nón, đeo thêm chiếc túi nhỏ, cố lấy sức chống tay nhích người ra cửa. Từ nhà đến nơi đặt chiếc xe lăn chỉ cách khoảng 20 m nhưng phải mất gần 10 phút, chị Giàu mới “đi” được đến nơi.
Sau chị Giàu, nhiều người khác cũng bắt đầu tản ra lấy xe lăn đi về các con đường trên địa bàn TP để mưu sinh. Chị Trung, một phụ nữ bị liệt hai chân, cho biết ở đây có tất cả 20 người và không ai lành lặn cả. Người liệt hai chân, kẻ bị tật ở tay… và hầu như không tự vận động được.
Chính vì cùng cảnh ngộ đó nên ai cũng rất quý nhau, tự chăm sóc cho những người xung quanh như chăm sóc chính bản thân mình. Căn nhà có một lầu, một trệt. Những người di chuyển dễ dàng hơn thì xung phong sống ở trên lầu, dành phần trệt bên dưới cho những thành viên còn lại. “Trong nhà, ai cũng thiếu mất đôi chân nên việc di chuyển gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, trong nhiều công việc tập thể như chuyện bếp núc thì chúng tôi vẫn thay nhau làm” – chị Trung kể.
Ngồi bên chúng tôi, chị Mến tâm sự: “Ban ngày, khi những người khác đi bán thì những người còn lại ở nhà thay nhau cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Dù ai cũng đi lại khó khăn nhưng nhà lúc nào cũng tươm tất, gọn gàng.
Giúp nhau mới dễ sống
Chúng tôi nhận thấy cứ mỗi lần có người đi bán vé số về là nhiều người trong nhà vội ra giúp. Người mang chiếc ghế, người phụ chuyển đồ vào, người giúp đẩy chiếc xe lăn… Cũng chính vì vậy mà những thành viên trong “gia đình xe lăn” ngày càng thân thiết với nhau hơn.

Một đôi vợ chồng đang kiểm tra lại vé số trước khi đi bán

17 giờ, chị Trung, người chị cả của “gia đình xe lăn”, hết đứng lại ngồi. Thỉnh thoảng, chị lại chống tay nhích người lên rồi ngồi xuống, ra vẻ hết sức nóng ruột. Khi chúng tôi hỏi, chị lo lắng: “Vẫn còn em Linh chưa về”. Nói rồi chị lấy điện thoại ra gọi nhưng không liên lạc được.
Chị Trung vừa buông máy xuống thì chị Linh cũng vừa về đến cửa. Gần chục người từ trong nhà ùa ra nghênh đón. Mến, người cụt hai chân, phải di chuyển bằng 2 chiếc ghế, tiến đến giúp Linh giữ chiếc xe lăn để chị xuống đất. Một người khác đưa 2 chiếc ghế đến để chị Linh dùng làm “chân” đi vào nhà. Thấy tôi là người lạ, chị Linh ngượng ngùng nói: “Ở đây là thế đó anh à, phải hỗ trợ nhau mới dễ sống. Với những khuyết tật như tụi tui, ai cũng quý chiếc ghế như đôi chân của mình”.
Do hầu hết những người tề tựu về “ngôi nhà xe lăn” đều đến từ các tỉnh miền Trung xa xôi nên thoạt tiên còn thiếu thốn về tình cảm. Vì vậy, việc hỗ trợ nhau về mặt tinh thần nhiều khi cũng rất quan trọng. “Mỗi khi người nào có thư nhà gửi tới là cùng truyền tay nhau đọc, ai cũng xem đó như của mình” – chị Nữ cho biết. Rồi mỗi lúc có chuyện vui buồn họ lại cùng nhau chia sẻ, tâm sự. “Ở đây không ai giấu giếm nhau bất cứ chuyện gì, dù vui hay buồn, thậm chí cả những chuyện khó nói” – chị Trung thổ lộ.
Ngôi nhà tác hợp
“Đi lại khó khăn vậy chứ ở đây, nhiều người yêu đương cũng “ác chiến” lắm nhé! Đến nay, đã có 4 đôi nên duyên chồng vợ và có con” – chị Huỳnh Thị Nguyên tiết lộ.
Cặp đôi mở màn là anh Quốc Thanh Sơn và chị Huỳnh Thị Nguyên. Dù đã lấy nhau được 4 năm, có với nhau được một cậu con trai nhưng đến nay, chị Nguyên vẫn nhớ như in về những ngày hai người còn “cưa cẩm, tìm hiểu nhau”. “Anh ấy yêu chị mà không nói, chị cũng vậy. Rồi qua những lần đi bán vé số cùng đường, tự dưng không ai nói với ai thế mà nên duyên chồng vợ” – chị Nguyên kể.
Hằng ngày, anh Sơn đi bán vé số từ 6 giờ đến 17 giờ thì về, thay vợ chăm sóc con, lo cơm nước để chị đi bán từ tối đến sáng hôm sau mới về. Hạnh phúc lớn nhất của anh Sơn và chị Nguyên là dù cả hai đều bị tật cả hai chân nhưng đứa con của họ lại bình thường, rất kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Anh Trần Kim Phước và chị Phạm Thị Dung cũng nên duyên chồng vợ từ những lần gặp nhau trên một số địa điểm khi họ đi bán vé số. “Hồi đó mới vào TP, chị đi bán vé số cứ bị lạc đường hoài, có khi từ sáng tới tối vẫn không tìm được đường về nhà. Sau nhiều lần bị lạc như vậy, thấy khó khăn quá, chị đã tính đến nước về lại quê” – chị Dung nhớ lại. Rồi chị gặp anh Phước, sau nhiều lần được anh dẫn đường đã tự đi bán vé số một mình được. “Ảnh là người “soi đường dẫn lối” cho chị đi đó”- chị Dung tếu táo.
Rồi nhiều đêm nhớ nhà khó ngủ, anh Phước lại ngồi “kể chuyện đêm khuya” về quê hương, gia đình cho chị Dung nghe. Cũng chính từ những lần ấy, hai người đã yêu nhau từ lúc nào không hay. “Đến giờ, chị vẫn không tin nổi mình lại may mắn đến vậy, dù tàn tật cũng có một mái ấm gia đình như bao người bình thường khác”- chị Dung bộc bạch.
Ở “ngôi nhà xe lăn”, tình yêu đẹp nhất có lẽ là của anh Trung và chị Linh. Trung là người khỏe mạnh, lành lặn nhưng thán phục trước nghị lực của người phụ nữ tàn tật mà xinh đẹp nên đã tình nguyện “trồng cây si” rồi theo chị Linh. Ngoài những cặp đôi đã nên duyên chồng vợ, hiện một số bạn nam nữ trẻ ở đây đang được các “tiền bối” đi trước vun đắp tình cảm để đến với nhau. Hiện có 3 đôi đã ngỏ lời yêu; 2 đôi khác thì “tình trong như đã…”.
Hằng đêm, trong ngôi nhà ấm áp này luôn vang lên những tiếng cười của những con người dù thiếu may mắn nhưng luôn sống lạc quan. Những đứa trẻ lần lượt sinh ra lành lặn và lớn lên ở “gia đình xe lăn” trong sự hạnh phúc tột cùng của cha mẹ các em…
Bà chủ nhà tốt bụng
Chủ “ngôi nhà xe lăn” là chị Biên Thị Trung (quê Bình Định), cũng là người bị tật hai chân. Khi mới vào TP, chị cũng chỉ với mục đích tìm kế mưu sinh qua ngày nhưng rồi đi nhiều nơi, thấy còn rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình, chị có ý định quy tụ họ về sống trong cùng một nhà để tiện giúp đỡ nhau. Chị thuê nhà và cho nhiều người khuyết tật ở với giá tượng trưng. Hằng ngày, chị dậy rất sớm, đến các đại lý lấy vé số về phát cho người trong nhà đi bán.


Anh Đinh An trong “ngôi nhà xe lăn”
Anh Đinh An (quê Bình Định), một thành viên trong “ngôi nhà xe lăn”, tâm sự: “Không chỉ mình mà hầu hết các thành niên trong nhà đều được chị Trung giúp đỡ rất nhiệt tình, từ chỗ ăn ở cho đến việc lấy vé số. Khi gia đình có việc cần hoặc đau ốm, chính chị cũng là người chạy vạy để anh em có thể về quê, vào các bệnh viện chữa bệnh”.


Bài và ảnh: Thành Đồng
(theo nld)


Today Handpicked Deals: (Please support our sponsors)

<<>>Vivitar 10.1 MP iTwist Camera by JCPenney $79.99<<>>

<<>>Nikon Coolpix L120 14.1MP Digital Camera - Black - Digital Cameras $259.86<<>>

<<>>Casio Exilim EXS6SR Silver 12.1-megapixel Digital Camera $99.77<<>>

<<>>Mitsubishi 60" Class 1080p 3D-Ready DLP HDTV, WD-60638 $888.00<<>>

<<>>Nikon D3100 14.2-Megapixel Digital SLR Camera - Black $598.99<<>>

<<>>GE Profile PFSS6PKXSS 25.5 CuFt French Door Refrigerator - Stainless Steel $1,597.69<<>>

<<>>Hoover UH70085 Pet Cyclonic WindTunnel Vacuum Cleaner $147.99<<>>

<<>>Cuisinart Prep 9-Cup Food Processor in Aluminum DLC-2009CHB $146.00<<>>

<<>>JVC Everio GZMS110 Black Flash Memory Camcorder w/ 39x Optical Zoom $129.00<<>>

<<>>Garmin Nuvi 255W 4.3" GPS Navigation with Text to Speech $99.99<<>>

<<>>Brother TN360 Compatible Black Toner Cartridge $21.90<<>>

<!--@vbbanners:0@-->
 
Back
Top