Số phận đã cướp đi của anh tứ chi nhưng lại cho anh một ý chí và nghị lực phi thường.
Vượt qua những lời dị nghị, đàm tiếu của người đời, anh dũng cảm giành hạnh phúc cho mình và nỗ lực lao động để nuôi sống vợ con. Người ta gọi anh là “người đàn ông đi bằng lưng”. Còn anh lại lạc quan khi tự nhận mình ngửa mặt để gần hơn với trời.
Giữa xóm Nhân Hậu (xã Nam Sơn, Đô Lương, Nghệ An), đám chuối tốt bời bời đang phất phơ trong gió heo may. Có tiếng đáp nho nhỏ vang lên, chúng tôi manh dạn bước vào. Đoán tiếng bước chân của khách, anh Nguyễn Hải Yến (sinh năm 1959) chỉ dẫn: “Cứ đi tiếp. Tôi ở dưới nhà ngang”. Từ trong nhà, hai con chó xộc ra nhưng bị giằng lại bởi cái dây xích cột cổ. Anh nằm trên giường, quát cho im rồi mời khách vào nhà. Căn nhà bé tin hin vừa là chỗ anh nằm, vừa là nhà bếp. Trên giường la liệt sợi mây, nồi niêu, xoong chảo.
“Lúc sáng tôi vừa chùi mấy cái nồi xong, chưa kịp cất. Vợ đi vắng, thằng con đi học nên phải tự mình làm hết thôi”, anh lý giải. Nằm trên giường là người đàn ông có khuôn mặt to, xương xẩu, hốc hác với hàm râu lởm chởm và mái tóc dài tới tận vai. Kéo chiếc chăn mỏng che đến ngực, với tay lấy chiếc lược, anh Yến chải vội mái tóc hất ngược lên phía sau. Đôi mắt như trũng sâu hơn, hai giọt nước mắt rỉ ra khi anh kể cho chúng tôi nghe những biến cố của cuộc đời mình.
Ba lần tự tử bất thành
Là con thứ 5 trong một gia đình có tới mười người con, tuổi thơ của chú bé Nguyễn Hải Yến trôi qua bình lặng như những đứa trẻ khác. Năm 15 tuổi, trong một lần chặt tre nộp cho hợp tác xã, Yến bị gai tre đâm vào lè chân. Vết thương chẳng có gì to tát nên Yến chủ quan vẫn đi gánh phân bón ruộng như thường. Vết thương bị nhiễm trùng, chân sưng to, Yến lên trạm y tế xã lấy thuốc uống. Thấy đỡ, lại tiếp tục công việc phân tro giống má. Đến khi chân đi không nổi, cơn đau lan từ đầu gối lên xương chậu, rồi lên lưng thì mới tá hỏa đi chữa chạy. Ròng rã mấy năm trời bệnh tình không thuyên giảm mà càng nặng hơn. Khi chân không còn bước đi nổi, xương sống không còn đỡ được tấm thân gầy yếu, các ngón tay bị rút co quắp thì anh mới bàng hoàng nhận ra mình đã là người tàn phế.
“Đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm việc đồng áng cứ phăng phăng bỗng nhiên thành người tàn phế, việc học hành dang dở, tương lai đổ ụp xuống, thử hỏi có ai chịu nổi? Lúc đó, tôi tuyệt vọng cùng cực, chỉ muốn chết đi cho rồi”, anh chua chát nói. Lợi dụng khi không có ai ở nhà, anh lấy chai rượu ngâm hạt mã tiền vẫn dùng để bóp chân uống một hơi. Chất độc không đủ mạnh để quật ngã anh. Sau một trận nôn thốc nôn tháo ra cả mật xanh mật vàng thì anh vẫn sống. Anh tích trữ thuốc ngủ, khi được kha khá thì tự tiễn mình về cõi thiên thu. Lần này được người nhà phát hiện, anh lại “lỡ hẹn” với thần chết.
Những ngày đó, suy nghĩ muốn chết đi cho nhẹ nợ, cho cha mẹ đỡ khổ cứ thường trực trong đầu anh. Anh quyết tuyệt thực để chết. Một tuần liền không ăn uống, người anh quắt lại như con cá khô. Mẹ khóc, cha khóc, chỉ xin anh đừng hành hạ mình. “Nhìn những giọt nước mắt của cha mẹ, tôi không đành lòng chết. Đúng lúc đó, tôi nhận được bức thư của chị Nguyễn Giang (cũng là một người khuyết tật quê ở Cần Thơ). Trong thư, Giang vừa khuyên bảo, vừa khiêu khích: “Tìm đến cái chết chỉ là một sự hèn nhát. Yến phải đối mặt với khắc nghiệt của cuộc sống và phải biết đứng lên để sống...”. Những câu chữ của Giang đã đánh một đòn đau vào ý chí đớn hèn của tôi. Tôi quyết định mình phải sống...”, anh Yến kể tiếp. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn không hề đơn giản với một người chỉ có thể suốt ngày nằm ngửa mặt nhìn lên mái nhà như Yến.
Đi tìm hạnh phúc lứa đôi
Dù nằm một chỗ với những ngón tay co quắp rất khó cử động nhưng Yến vẫn không ngừng khao khát về tình yêu lứa đôi. Một người con gái đã đến với anh nhưng rồi cô ấy không thể vượt qua rào cản của gia đình để gắn bó với Yến. Yến tuyệt vọng nhưng không trách người ta, bởi Yến cũng không đủ tự tin để đem đến hạnh phúc, yên ấm cho cô ấy. Vậy nhưng khát khao có một mái ấm gia đình, tiếng bi bô của con trẻ cứ thôi thúc trong Yến.
Lần này, qua sự giới thiệu của một người họ hàng, Yến làm quen với chị Lê Thị Dần (sinh năm 1962, quê xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An). Khi đó Dần đã có một con gái 4 tuổi và đang mang bầu đứa thứ 2. Mẹ con Dần vừa bị gia đình chồng hắt hủi. Không chịu được sự ghẻ lạnh của chồng, của gia đình chồng, Dần đồng ý ly hôn rồi ôm con về nhà ngoại tá túc. Lúc Dần đang tuyệt vọng cùng cực thì nhận được những bức thư làm quen của Yến. 30 lá thư qua lại thì Dần gật đầu làm vợ anh trong sự dị nghị, hoài nghi của mọi người.
“Để đến được với nhau, chúng tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm. Người ta bảo lấy anh tôi sẽ khổ, thà ở vậy nuôi con còn đỡ cực hơn là về hầu hạ một người nằm liệt giường như Yến. Biết vậy, nhưng tôi nhìn thấy ở anh sự chân thành và nhân hậu. Tôi tin một người ở tận cùng cái khổ như anh ấy sẽ biết yêu thương người khác, nhất là hai đứa con riêng của tôi”, chị Dần từng bộc bạch. Và đúng là những điều tốt đẹp chị nhìn thấy ở anh đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Có một gia đình để lo lắng và những đứa con để yêu thương, Yến đã tự đứng lên để gánh trách nhiệm của người chồng, người cha.
Dù nằm một nơi nhưng anh Yến vẫn không đầu hàng số phận, mà chăm chỉ đan lát rổ, thúng... để phụ vợ.
Từ chỗ chỉ nằm một chỗ, Yến đã học cách đi lại bằng chính cái lưng của mình. Yến cứ tự hẩy cho cơ thể lăn xuống đất rồi lết đi bằng lưng. Tấm lưng gầy guộc ấy tưởng không thể chịu đựng được sự đau đớn do di chuyển nhưng rồi Yến đã bước ra khỏi giường để giúp vợ công việc nhẹ nhàng. Vốn khéo tay, lại biết một chút về đan lát, Yến bảo vợ mua dây mây, ống tre về để đan rổ rá. Bàn tay với những ngón tay co rút nhiều lúc không cầm nổi chiếc dao khiến dao bật ngược vào mặt tóe máu. Hay những khi chuột rút khiến Yến đau buốt đến tận óc nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Dần dà những ngón tay đã tuân theo sự điều khiển của khối óc, những chiếc rổ, chiếc rá dần được hình thành. Lúc đầu rổ chưa thật tròn, nan đan chưa đều nhưng dân làng đã mua để ủng hộ. Tay nghề lên cao, Yến có thể đan được nhiều thứ, từ thúng, mủng, giần, sàng đến những vật dụng lớn hơn như bu gà, sọt gánh rau. Hàng làm ra nhiều lại mẫu mã đẹp nên chị Dần đưa ra chợ bán. Số tiền ít ỏi đó cũng đủ cho Dần mua thêm con cá, mớ rau cho chồng con.
“Đó chỉ là phần phụ thêm thôi chứ phần lớn thu nhập trong nhà đều từ mấy sào ruộng Dần làm một mình cả”, anh Yến cho biết. Niềm vui như nhân lên khi vợ chồng anh tiếp tục đón thêm hai thành viên mới. Càng hạnh phúc hơn khi trong gia đình không có tiếng xì xào “con tôi, con chúng ta”. Chính tình yêu thương của người cha không chung máu mủ khiến Thu, đứa con riêng của vợ rất yêu thương Hằng và Hà - hai đứa em cùng mẹ khác cha (còn đứa bé trong bụng Dần khi về nhà chồng đã tử vong lúc mới lên 2 do bạo bệnh).
“Hồi Thu còn nhỏ, thi thoảng tôi thử hỏi xem nó có muốn về với bố đẻ không. Không phải vì tôi không thể nuôi được con mà tôi không muốn con nghĩ mình ích kỷ, muốn chia rẽ tình cảm cha con nó. Thu rơm rớm nước mắt: “Con ở với ba thôi. Ba đừng đuổi con đi, tội nghiệp lắm”, anh kể pha lẫn niềm tự hào về tình cảm của cô con gái riêng dành cho mình. Ngày Thu lấy chồng, anh cũng cố gắng chu toàn để con có một đám cưới bằng bạn, bằng bè, dù rằng hoàn cảnh gia đình chẳng lấy gì làm khá giả.
Rồi con bé Hằng vào đại học mãi trong Sài Gòn, thêm một khoản lớn phải lo toan trong khi đó thu nhập từ sáu sào ruộng lại bấp bênh quá. Những mặt hàng đan lát của anh cũng không được ưa chuộng như trước, bởi hàng nhựa nhiều mẫu mã mà giá cả rẻ hơn rất nhiều. Thi thoảng, người ta đặt anh cái bu gà hay cái sọt, anh cũng cố gắng làm nhưng chẳng được mấy đồng. Có người bàn chị Dần đi giúp việc ở ngoài Bắc. Nhìn cảnh chồng con như thế này, chị không nỡ đi. Chị lo một mình anh ở nhà không ai chăm nom. Rồi thằng Hà nữa, nó mới hơn 10 tuổi đầu, đã giúp được gì nhiều cho bố đâu. Nhưng rồi chính anh lại động viên chị yên tâm mà đi. “Tôi tự lo được. Mình cứ đi, đừng để cái Hằng phải nghỉ học giữa chừng”, anh động viên vợ.
Chị Dần quyết định ra Hải Phòng làm giúp việc, mình anh Yến ở nhà với đứa con út 13 tuổi. Ngày thằng Hà đi học, anh ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Nói thì nghe nhẹ nhàng là vậy nhưng để có thể làm được những công việc rất đỗi bình thường này đối với anh là cả một sự nỗ lực rất lớn. Mọi thứ cần thiết đều được anh bố trí xung quanh giường, khi cần có thể với tay ra lấy. Mỗi khi cần đi ra ngoài để lấy nước hay giặt giũ, anh nhích dần lưng ra mép giường rồi... tự thả người xuống nền nhà. Sau đó, bằng chính tấm lưng gầy guộc, anh Yến nhích dần ra bể nước. “Nói cô không tin, tuy tay chân co quắp thế này nhưng tôi có thể đào hố trồng cây nữa đấy. Lúc đầu thì chưa quen, vả lại cái thuổng nặng quá không tài nào mà cầm lên được. Gắng mãi thì cũng quen. Giờ làm ngon rồi”, anh Yến tự hào khoe.
Gia đình anh Yến trong ngày cưới của Thu, đứa con riêng của vợ anh.
Nụ cười vừa mới chớm trên môi vụt tắt khi chúng tôi hỏi chuyện tương lai. Anh buồn bã: “Làm thằng đàn ông mà để vợ phải lăn lộn lo kinh tế cho cả nhà, tôi cũng buồn. Nghĩ mà thương vợ, thương con nhưng đành bất lực. Tôi thì chỉ biết mỗi nghề đan lát mà giờ rổ rá, thúng mủng có mấy ai dùng nữa đâu. Giá gần đây có cái làng nghề mây tre đan nào đó, có mẫu mã sẵn, mình đan rồi nhập cho họ thì tốt quá. Buồn, tiếc, bất lực nhưng phải cố thôi. Thi thoảng ai nhờ tôi cũng đan, kiếm thêm ít đồng phụ vợ nuôi các con. Nghĩ về các con là động lực để tôi cố gắng tự chăm sóc bản thân, thu vén nhà cửa giúp vợ. Nhiều khi cũng nản lắm nhưng phải lạc quan lên thôi. Mình đi bằng lưng là để ngửa mặt gần hơn với trời”, anh Yến tin tưởng.
Áng chừng đã trưa, anh Yến xin lỗi tôi để đi chuẩn bị bữa trưa cho hai cha con. “Mẹ nó phải sát Tết mới về. Phải cố thôi vì ra Tết còn phải lo tiền học phí cho con Hằng. Tết năm nay gia đình cái Thu không về được, có cháu ngoại hai tuổi rồi mà khó khăn quá nên ông cháu cũng chưa được gặp nhau. Cái Hằng cũng không về, nó bảo, về tốn thêm một khoản nên xin ở lại Sài Gòn làm thêm. Cha mẹ nghèo nên nghĩ mà thương con không được ăn Tết cô ạ. Tết năm sau chắc sẽ khá hơn, cả gia đình sẽ được quây quần bên nhau đón năm mới”, anh cười, nụ cười sáng bừng khuôn mặt gầy quắt.
Nhìn anh lê tấm lưng gầy “đi” từng bước tôi chợt thấy vui vui với cái suy nghĩ của anh “ngay cả trong lúc đi, tôi cũng ngửa mặt để nhìn trời”. Và tôi cũng tin trời sẽ không phụ anh, người đàn ông đã không chịu đầu hàng sự khắc nghiệt, trớ trêu của số phận...
Không gặp trực tiếp được chị Dần vì chị đi làm xa, phóng viên đã liên lạc với chị qua điện thoại. Nhiều người cho rằng chị bất hạnh khi lấy người chồng không nguyên vẹn, nhưng với chị Dần đó là số phận...
Khi quyết định đến với anh Yến, chị có lường trước được những khó khăn mình sẽ phải đối mặt không?
Tôi biết chứ. Nhưng một người phụ nữ với một đứa con dắt tay và một đứa đang nằm trong bụng thì không có nhiều lựa chọn. Ban đầu, tôi nghĩ lấy anh để các con của tôi có cha nhưng rồi anh Yến đã cho mẹ con tôi nhiều hơn thế. Tôi và các con đã có một gia đình đúng nghĩa, dù chồng tôi không được khỏe mạnh như những người khác.
Có bao giờ chị thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình?
Mỗi người có một số phận. Số phận của anh và tôi nó buộc chặt vào nhau rồi. Cứ nghĩ như thế thì thấy thanh thản hơn để toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Mối quan hệ giữa anh Yến và đứa con riêng của chị như thế nào?
Nói thật, nhiều khi thấy áp lực cuộc sống đè hết lên vai mình, tôi cũng muốn buông xuôi nhưng cứ nghĩ đến tình cảm anh Yến dành cho Thu, tình cảm của hai cha con dành cho nhau thì tôi lại bình tâm trở lại. Anh Yến đã dành cho con gái tôi thứ tình cảm mà cả cha ruột cũng không thể cho. Điều đó khiến tôi biết ơn anh ấy nhiều hơn. Đó thực sự là một nguồn động viên lớn giúp tôi chèo chống gia đình.
Có bao giờ hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn hay va chạm không?
Bát đũa nhiều khi còn va chạm huống chi là vợ chồng. Cuộc sống không thể tránh được bất hòa, cãi vã, vợ chồng tôi cũng thế. Mặc cảm của một người tàn phế, không giúp được gì nhiều cho vợ con khiến anh bất mãn và phải làm cái gì đó để giải tỏa. Khi anh cáu, to tiếng, thậm chí là chửi vợ con thì tôi cũng bực, nhưng nghĩ lại thấy thương anh hơn. Những lúc như thế, tôi thường lánh đi đâu đó một lát, khi nào cả hai vợ chồng bình tâm thì về.
Lam Anh (Mốt & Cuộc Sống)
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn
Vượt qua những lời dị nghị, đàm tiếu của người đời, anh dũng cảm giành hạnh phúc cho mình và nỗ lực lao động để nuôi sống vợ con. Người ta gọi anh là “người đàn ông đi bằng lưng”. Còn anh lại lạc quan khi tự nhận mình ngửa mặt để gần hơn với trời.
Giữa xóm Nhân Hậu (xã Nam Sơn, Đô Lương, Nghệ An), đám chuối tốt bời bời đang phất phơ trong gió heo may. Có tiếng đáp nho nhỏ vang lên, chúng tôi manh dạn bước vào. Đoán tiếng bước chân của khách, anh Nguyễn Hải Yến (sinh năm 1959) chỉ dẫn: “Cứ đi tiếp. Tôi ở dưới nhà ngang”. Từ trong nhà, hai con chó xộc ra nhưng bị giằng lại bởi cái dây xích cột cổ. Anh nằm trên giường, quát cho im rồi mời khách vào nhà. Căn nhà bé tin hin vừa là chỗ anh nằm, vừa là nhà bếp. Trên giường la liệt sợi mây, nồi niêu, xoong chảo.
“Lúc sáng tôi vừa chùi mấy cái nồi xong, chưa kịp cất. Vợ đi vắng, thằng con đi học nên phải tự mình làm hết thôi”, anh lý giải. Nằm trên giường là người đàn ông có khuôn mặt to, xương xẩu, hốc hác với hàm râu lởm chởm và mái tóc dài tới tận vai. Kéo chiếc chăn mỏng che đến ngực, với tay lấy chiếc lược, anh Yến chải vội mái tóc hất ngược lên phía sau. Đôi mắt như trũng sâu hơn, hai giọt nước mắt rỉ ra khi anh kể cho chúng tôi nghe những biến cố của cuộc đời mình.
Ba lần tự tử bất thành
Là con thứ 5 trong một gia đình có tới mười người con, tuổi thơ của chú bé Nguyễn Hải Yến trôi qua bình lặng như những đứa trẻ khác. Năm 15 tuổi, trong một lần chặt tre nộp cho hợp tác xã, Yến bị gai tre đâm vào lè chân. Vết thương chẳng có gì to tát nên Yến chủ quan vẫn đi gánh phân bón ruộng như thường. Vết thương bị nhiễm trùng, chân sưng to, Yến lên trạm y tế xã lấy thuốc uống. Thấy đỡ, lại tiếp tục công việc phân tro giống má. Đến khi chân đi không nổi, cơn đau lan từ đầu gối lên xương chậu, rồi lên lưng thì mới tá hỏa đi chữa chạy. Ròng rã mấy năm trời bệnh tình không thuyên giảm mà càng nặng hơn. Khi chân không còn bước đi nổi, xương sống không còn đỡ được tấm thân gầy yếu, các ngón tay bị rút co quắp thì anh mới bàng hoàng nhận ra mình đã là người tàn phế.
“Đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm việc đồng áng cứ phăng phăng bỗng nhiên thành người tàn phế, việc học hành dang dở, tương lai đổ ụp xuống, thử hỏi có ai chịu nổi? Lúc đó, tôi tuyệt vọng cùng cực, chỉ muốn chết đi cho rồi”, anh chua chát nói. Lợi dụng khi không có ai ở nhà, anh lấy chai rượu ngâm hạt mã tiền vẫn dùng để bóp chân uống một hơi. Chất độc không đủ mạnh để quật ngã anh. Sau một trận nôn thốc nôn tháo ra cả mật xanh mật vàng thì anh vẫn sống. Anh tích trữ thuốc ngủ, khi được kha khá thì tự tiễn mình về cõi thiên thu. Lần này được người nhà phát hiện, anh lại “lỡ hẹn” với thần chết.
Những ngày đó, suy nghĩ muốn chết đi cho nhẹ nợ, cho cha mẹ đỡ khổ cứ thường trực trong đầu anh. Anh quyết tuyệt thực để chết. Một tuần liền không ăn uống, người anh quắt lại như con cá khô. Mẹ khóc, cha khóc, chỉ xin anh đừng hành hạ mình. “Nhìn những giọt nước mắt của cha mẹ, tôi không đành lòng chết. Đúng lúc đó, tôi nhận được bức thư của chị Nguyễn Giang (cũng là một người khuyết tật quê ở Cần Thơ). Trong thư, Giang vừa khuyên bảo, vừa khiêu khích: “Tìm đến cái chết chỉ là một sự hèn nhát. Yến phải đối mặt với khắc nghiệt của cuộc sống và phải biết đứng lên để sống...”. Những câu chữ của Giang đã đánh một đòn đau vào ý chí đớn hèn của tôi. Tôi quyết định mình phải sống...”, anh Yến kể tiếp. Dẫu vậy, cuộc sống vẫn không hề đơn giản với một người chỉ có thể suốt ngày nằm ngửa mặt nhìn lên mái nhà như Yến.
Đi tìm hạnh phúc lứa đôi
Dù nằm một chỗ với những ngón tay co quắp rất khó cử động nhưng Yến vẫn không ngừng khao khát về tình yêu lứa đôi. Một người con gái đã đến với anh nhưng rồi cô ấy không thể vượt qua rào cản của gia đình để gắn bó với Yến. Yến tuyệt vọng nhưng không trách người ta, bởi Yến cũng không đủ tự tin để đem đến hạnh phúc, yên ấm cho cô ấy. Vậy nhưng khát khao có một mái ấm gia đình, tiếng bi bô của con trẻ cứ thôi thúc trong Yến.
Lần này, qua sự giới thiệu của một người họ hàng, Yến làm quen với chị Lê Thị Dần (sinh năm 1962, quê xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An). Khi đó Dần đã có một con gái 4 tuổi và đang mang bầu đứa thứ 2. Mẹ con Dần vừa bị gia đình chồng hắt hủi. Không chịu được sự ghẻ lạnh của chồng, của gia đình chồng, Dần đồng ý ly hôn rồi ôm con về nhà ngoại tá túc. Lúc Dần đang tuyệt vọng cùng cực thì nhận được những bức thư làm quen của Yến. 30 lá thư qua lại thì Dần gật đầu làm vợ anh trong sự dị nghị, hoài nghi của mọi người.
“Để đến được với nhau, chúng tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm. Người ta bảo lấy anh tôi sẽ khổ, thà ở vậy nuôi con còn đỡ cực hơn là về hầu hạ một người nằm liệt giường như Yến. Biết vậy, nhưng tôi nhìn thấy ở anh sự chân thành và nhân hậu. Tôi tin một người ở tận cùng cái khổ như anh ấy sẽ biết yêu thương người khác, nhất là hai đứa con riêng của tôi”, chị Dần từng bộc bạch. Và đúng là những điều tốt đẹp chị nhìn thấy ở anh đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Có một gia đình để lo lắng và những đứa con để yêu thương, Yến đã tự đứng lên để gánh trách nhiệm của người chồng, người cha.
Dù nằm một nơi nhưng anh Yến vẫn không đầu hàng số phận, mà chăm chỉ đan lát rổ, thúng... để phụ vợ.
Từ chỗ chỉ nằm một chỗ, Yến đã học cách đi lại bằng chính cái lưng của mình. Yến cứ tự hẩy cho cơ thể lăn xuống đất rồi lết đi bằng lưng. Tấm lưng gầy guộc ấy tưởng không thể chịu đựng được sự đau đớn do di chuyển nhưng rồi Yến đã bước ra khỏi giường để giúp vợ công việc nhẹ nhàng. Vốn khéo tay, lại biết một chút về đan lát, Yến bảo vợ mua dây mây, ống tre về để đan rổ rá. Bàn tay với những ngón tay co rút nhiều lúc không cầm nổi chiếc dao khiến dao bật ngược vào mặt tóe máu. Hay những khi chuột rút khiến Yến đau buốt đến tận óc nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Dần dà những ngón tay đã tuân theo sự điều khiển của khối óc, những chiếc rổ, chiếc rá dần được hình thành. Lúc đầu rổ chưa thật tròn, nan đan chưa đều nhưng dân làng đã mua để ủng hộ. Tay nghề lên cao, Yến có thể đan được nhiều thứ, từ thúng, mủng, giần, sàng đến những vật dụng lớn hơn như bu gà, sọt gánh rau. Hàng làm ra nhiều lại mẫu mã đẹp nên chị Dần đưa ra chợ bán. Số tiền ít ỏi đó cũng đủ cho Dần mua thêm con cá, mớ rau cho chồng con.
“Đó chỉ là phần phụ thêm thôi chứ phần lớn thu nhập trong nhà đều từ mấy sào ruộng Dần làm một mình cả”, anh Yến cho biết. Niềm vui như nhân lên khi vợ chồng anh tiếp tục đón thêm hai thành viên mới. Càng hạnh phúc hơn khi trong gia đình không có tiếng xì xào “con tôi, con chúng ta”. Chính tình yêu thương của người cha không chung máu mủ khiến Thu, đứa con riêng của vợ rất yêu thương Hằng và Hà - hai đứa em cùng mẹ khác cha (còn đứa bé trong bụng Dần khi về nhà chồng đã tử vong lúc mới lên 2 do bạo bệnh).
“Hồi Thu còn nhỏ, thi thoảng tôi thử hỏi xem nó có muốn về với bố đẻ không. Không phải vì tôi không thể nuôi được con mà tôi không muốn con nghĩ mình ích kỷ, muốn chia rẽ tình cảm cha con nó. Thu rơm rớm nước mắt: “Con ở với ba thôi. Ba đừng đuổi con đi, tội nghiệp lắm”, anh kể pha lẫn niềm tự hào về tình cảm của cô con gái riêng dành cho mình. Ngày Thu lấy chồng, anh cũng cố gắng chu toàn để con có một đám cưới bằng bạn, bằng bè, dù rằng hoàn cảnh gia đình chẳng lấy gì làm khá giả.
Rồi con bé Hằng vào đại học mãi trong Sài Gòn, thêm một khoản lớn phải lo toan trong khi đó thu nhập từ sáu sào ruộng lại bấp bênh quá. Những mặt hàng đan lát của anh cũng không được ưa chuộng như trước, bởi hàng nhựa nhiều mẫu mã mà giá cả rẻ hơn rất nhiều. Thi thoảng, người ta đặt anh cái bu gà hay cái sọt, anh cũng cố gắng làm nhưng chẳng được mấy đồng. Có người bàn chị Dần đi giúp việc ở ngoài Bắc. Nhìn cảnh chồng con như thế này, chị không nỡ đi. Chị lo một mình anh ở nhà không ai chăm nom. Rồi thằng Hà nữa, nó mới hơn 10 tuổi đầu, đã giúp được gì nhiều cho bố đâu. Nhưng rồi chính anh lại động viên chị yên tâm mà đi. “Tôi tự lo được. Mình cứ đi, đừng để cái Hằng phải nghỉ học giữa chừng”, anh động viên vợ.
Chị Dần quyết định ra Hải Phòng làm giúp việc, mình anh Yến ở nhà với đứa con út 13 tuổi. Ngày thằng Hà đi học, anh ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Nói thì nghe nhẹ nhàng là vậy nhưng để có thể làm được những công việc rất đỗi bình thường này đối với anh là cả một sự nỗ lực rất lớn. Mọi thứ cần thiết đều được anh bố trí xung quanh giường, khi cần có thể với tay ra lấy. Mỗi khi cần đi ra ngoài để lấy nước hay giặt giũ, anh nhích dần lưng ra mép giường rồi... tự thả người xuống nền nhà. Sau đó, bằng chính tấm lưng gầy guộc, anh Yến nhích dần ra bể nước. “Nói cô không tin, tuy tay chân co quắp thế này nhưng tôi có thể đào hố trồng cây nữa đấy. Lúc đầu thì chưa quen, vả lại cái thuổng nặng quá không tài nào mà cầm lên được. Gắng mãi thì cũng quen. Giờ làm ngon rồi”, anh Yến tự hào khoe.
Gia đình anh Yến trong ngày cưới của Thu, đứa con riêng của vợ anh.
Nụ cười vừa mới chớm trên môi vụt tắt khi chúng tôi hỏi chuyện tương lai. Anh buồn bã: “Làm thằng đàn ông mà để vợ phải lăn lộn lo kinh tế cho cả nhà, tôi cũng buồn. Nghĩ mà thương vợ, thương con nhưng đành bất lực. Tôi thì chỉ biết mỗi nghề đan lát mà giờ rổ rá, thúng mủng có mấy ai dùng nữa đâu. Giá gần đây có cái làng nghề mây tre đan nào đó, có mẫu mã sẵn, mình đan rồi nhập cho họ thì tốt quá. Buồn, tiếc, bất lực nhưng phải cố thôi. Thi thoảng ai nhờ tôi cũng đan, kiếm thêm ít đồng phụ vợ nuôi các con. Nghĩ về các con là động lực để tôi cố gắng tự chăm sóc bản thân, thu vén nhà cửa giúp vợ. Nhiều khi cũng nản lắm nhưng phải lạc quan lên thôi. Mình đi bằng lưng là để ngửa mặt gần hơn với trời”, anh Yến tin tưởng.
Áng chừng đã trưa, anh Yến xin lỗi tôi để đi chuẩn bị bữa trưa cho hai cha con. “Mẹ nó phải sát Tết mới về. Phải cố thôi vì ra Tết còn phải lo tiền học phí cho con Hằng. Tết năm nay gia đình cái Thu không về được, có cháu ngoại hai tuổi rồi mà khó khăn quá nên ông cháu cũng chưa được gặp nhau. Cái Hằng cũng không về, nó bảo, về tốn thêm một khoản nên xin ở lại Sài Gòn làm thêm. Cha mẹ nghèo nên nghĩ mà thương con không được ăn Tết cô ạ. Tết năm sau chắc sẽ khá hơn, cả gia đình sẽ được quây quần bên nhau đón năm mới”, anh cười, nụ cười sáng bừng khuôn mặt gầy quắt.
Nhìn anh lê tấm lưng gầy “đi” từng bước tôi chợt thấy vui vui với cái suy nghĩ của anh “ngay cả trong lúc đi, tôi cũng ngửa mặt để nhìn trời”. Và tôi cũng tin trời sẽ không phụ anh, người đàn ông đã không chịu đầu hàng sự khắc nghiệt, trớ trêu của số phận...
Không gặp trực tiếp được chị Dần vì chị đi làm xa, phóng viên đã liên lạc với chị qua điện thoại. Nhiều người cho rằng chị bất hạnh khi lấy người chồng không nguyên vẹn, nhưng với chị Dần đó là số phận...
Khi quyết định đến với anh Yến, chị có lường trước được những khó khăn mình sẽ phải đối mặt không?
Tôi biết chứ. Nhưng một người phụ nữ với một đứa con dắt tay và một đứa đang nằm trong bụng thì không có nhiều lựa chọn. Ban đầu, tôi nghĩ lấy anh để các con của tôi có cha nhưng rồi anh Yến đã cho mẹ con tôi nhiều hơn thế. Tôi và các con đã có một gia đình đúng nghĩa, dù chồng tôi không được khỏe mạnh như những người khác.
Có bao giờ chị thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình?
Mỗi người có một số phận. Số phận của anh và tôi nó buộc chặt vào nhau rồi. Cứ nghĩ như thế thì thấy thanh thản hơn để toàn tâm toàn ý cho gia đình.
Mối quan hệ giữa anh Yến và đứa con riêng của chị như thế nào?
Nói thật, nhiều khi thấy áp lực cuộc sống đè hết lên vai mình, tôi cũng muốn buông xuôi nhưng cứ nghĩ đến tình cảm anh Yến dành cho Thu, tình cảm của hai cha con dành cho nhau thì tôi lại bình tâm trở lại. Anh Yến đã dành cho con gái tôi thứ tình cảm mà cả cha ruột cũng không thể cho. Điều đó khiến tôi biết ơn anh ấy nhiều hơn. Đó thực sự là một nguồn động viên lớn giúp tôi chèo chống gia đình.
Có bao giờ hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn hay va chạm không?
Bát đũa nhiều khi còn va chạm huống chi là vợ chồng. Cuộc sống không thể tránh được bất hòa, cãi vã, vợ chồng tôi cũng thế. Mặc cảm của một người tàn phế, không giúp được gì nhiều cho vợ con khiến anh bất mãn và phải làm cái gì đó để giải tỏa. Khi anh cáu, to tiếng, thậm chí là chửi vợ con thì tôi cũng bực, nhưng nghĩ lại thấy thương anh hơn. Những lúc như thế, tôi thường lánh đi đâu đó một lát, khi nào cả hai vợ chồng bình tâm thì về.
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn