Hiểu đời

Jolie

Member
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già... Chẳng dám nói hiểu hết mọi điều nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì sống mới thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày,

Qua một ngày, vui một ngày,

Vui một ngày, lãi một ngày .

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sống là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền đừng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh", hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn !

Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhìn một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi !

Con tiều tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ !

Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải nhà cha mẹ !

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi viêc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sảng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát triển thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghỉ cả rồi, ai cũng thế cuối cùng trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.


Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian chẳng còn lại bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm, thích làm, thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động, nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu. Mọi thứ đều nên "vừa phải ".

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống...)

Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám bệnh)

Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.

Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh... đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hưởng lợi là bất cứ việc gì đều xem xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy có lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương có vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niêm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn khỏe mạnh.

"Hoàn toàn khỏe mạnh", đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh và có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, ngừơi chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội (có bản ghi: con người tồn tại trong xã hội), không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có một nhóm bạn già. Tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc...

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ lại chuyện xa xưa) ? Đến những năm cuối đời, ngừời ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân yêu, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại niềm vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thể thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
Sinh, lão, bệnh, tử, là qui luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng mà không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

Tháng 12 năm 2008

Cho và nhận
Sự thức tỉnh lần đầu tiên đến với tôi khi đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử" của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền.
Khi còn rất nhỏ, tôi đã nghe và đọc rằng cõi sống của chúng ta chỉ là cõi tạm. Khi chết đi chúng ta chẳng thể mang theo bất cứ thứ gì, chỉ có những gì cho đi là còn truyền lại mãi. Khi còn trẻ, còn vất vả trong cuộc mưu sinh và tìm chỗ đứng trong cuộc sống, rất ít người suy tư về vấn đề này. Tôi cũng vậy, 28 tuổi là cái mốc tôi bắt đầu có những trăn trở và trải nghiệm về triết lý sâu xa này của sự sống.

Sự thức tỉnh bước đầu đến với tôi từ lần đọc cuốn sách "Bí quyết làm giàu vĩ đại nhất trong lịch sử "của Joe Vitale. Tác giả khẳng định rằng bí quyết làm ra tiền vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là hãy đem cho người khác tiền. Ông đã lấy dẫn chứng từ cuộc sống của rất nhiều các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới để chứng minh.

Ông viết, John D. Rockefeller dạy con triết lý sâu xa của đạo làm giàu rằng: Từ khi cha mới có những đồng tiền đầu tiên, từ hồi cha còn là một đứa trẻ, cha đã bắt đầu cho tiền. Cho đến nay cha vẫn tiếp tục làm điều này. Và khi càng có nhiều tiền, cha càng cho nhiều hơn…

John D. Rockefeller muốn con mình hiểu thấu một cơ chế vận động của cuộc sống: Nếu đem tiền cho đi và không mong đợi họ sẽ trả lại thì tiền sẽ quay trở lại với người cho từ một nơi khác, nhiều hơn gấp trăm lần.

Đọc những dòng Joe Vitale viết về bí quyết làm giàu, tôi bắt đầu ý thức được vế thứ 2 của việc “cho đi”. Vế “được” của sự “mất”. Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn - không chỉ là giàu có về vật chất - bạn sẽ thấy: Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận được và trở nên giàu có hơn cái đó.

Cho đi sự tử tế, bạn sẽ nhận về sự tử tế nhiều hơn gấp bội; cho đi tri thức, bạn sẽ nhận về tri thức nhiều hơn gấp bội; cho đi tình yêu, bạn sẽ nhận về tình yêu nhiều hơn gấp bội…

Tương tự như vậy đối với cái ác. Nếu gây thù hận, bạn sẽ nhận được đầy ắp oán thù; Nếu keo kiệt, khi cần bạn sẽ bị người khác phủi tay quay lưng lại… Chính bạn là người tạo nên mạch chảy của cuộc sống tinh thần xung quanh bạn. Đọc đến đây, chắc nhiều người có ý nghĩ rằng không có gì mới. Và một điều nữa cũng rất cũ: Biết và tin là một khoảng cách rất xa. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Những năm tiếp theo của cuộc đời tôi bắt đầu chiêm nghiệm chân lý đó bằng chính trải nghiệm của mình. Tôi chập chững khám phá, thoạt tiên với thái độ nửa tin nửa ngờ, càng ngày phần trăm tin tưởng ngày càng cao. Và cho đến một ngày, sau khi xảy ra một sự kiện đặc biệt, tôi hoàn toàn bị khuất phục.

Đầu năm 2009, tôi cùng một số người bạn tâm huyết thành lập ra nhóm thiện nguyện "Lá Me Xanh". Bắt đầu với chưa tới 50 người, đến nay đã có tới hơn 200 thành viên. Sáng Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều tới Viện K2 ở Tam Hiệp, Hà Nội - bệnh viện chuyên điều trị căn bệnh ung thư - thăm các bệnh nhân nhỏ tuổi bị căn bệnh hiểm nghèo. Ở đây, chúng tôi tự tay nhóm bếp, nấu cháo, bón cháo và kể chuyện, đọc thơ cho các em.

Những dịp lễ Tết, chúng tôi tổ chức những buổi văn nghệ nho nhỏ. Sân khấu được dàn dựng đơn giản trong chính phòng họp của các bác sĩ hoặc ngay ngoài sân bệnh viện. Mắt các khán giả nhỏ lấp lánh niềm vui, cho dù các em ngồi xem với những ống truyền treo lủng lẳng, với những cái đầu trọc lốc vì những đợt hóa trị, với những gương mặt còn tái dại sau những ca phẫu thuật…

Những lần đến đây, tôi thường xuyên cho cậu con trai 6 tuổi đi cùng. Tùy theo sức của mình, cháu tham gia vào những việc của chúng tôi. Có lẽ, tại đây lần đầu tiên, cháu nhìn thấy những góc khác của cuộc sống từ những người bạn kém may mắn hơn mình. Những bệnh nhân nhỏ tuổi ở đây không những phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, mà còn phải chiến đấu với sự nghèo khó. Tôi cảm nhận được sự xao động mạnh trong tâm hồn cháu sau sự ra đi của bé Giàng Mí Phình, 3 tuổi, người dân tộc Mèo ở Hà Giang, bị ung thư hốc mắt.

Mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng bé Phình ra đi không vì căn bệnh quái ác này mà bị suy kiệt thể chất vì gia đình không có điều kiện chăm sóc tốt. Trong những ngày điều trị tại Hà Nội, hai bố con cháu Phình chỉ có 5 nghìn đồng chi trả cho sinh hoạt 1 ngày. Bé Phình mất cuối năm 2009. Sáu tuổi, con tôi đủ hiểu với 5 nghìn đồng thì có thể mua được những gì.

Bẵng đi hơn 2 tháng. Sau Tết, cháu ngồi đếm số tiền mừng tuổi của mình. Tần ngần mất một lúc, cháu mang toàn bộ số tiền đó đưa cho tôi và nhờ bố chuyển cho các bạn ở bệnh viện K2. Để thử con, tôi đã gợi ý rằng, con có thể dùng số tiền này để mua ô tô, mua bộ đồ chơi siêu nhân mà con thích nhưng cậu con trai vẫn nhất quyết: "Bố mua đồ ăn cho các bạn giúp con". Tôi sửng sốt cảm nhận được một quyết định đã chín của một đứa trẻ còn non nớt trên mọi phương diện.

Hành động của con làm tôi thao thức cả đêm hôm đó. Vào lúc đưa cho tôi cái phong bì, con trai tôi đã làm chủ được cảm xúc của mình, chế ngự được lòng ham muốn của bản thân - điều không dễ đối với cả một người đã trưởng thành và ít nhiều từng trải như tôi. Khi đã làm chủ được một hành động, cháu sẽ dễ dàng làm chủ được những hành động khác của mình. Đây thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tôi.

Cho đi sự tử tế, tôi nhận về sự tử tế từ một khía cạnh hoàn toàn khác. Cho đi cái gì, bạn sẽ nhận về đúng cái đó, nhưng nhiều hơn gấp bội. Tôi hoàn toàn tin tưởng và bị chân lý này thuyết phục. Hãy vận dụng nó trong cuộc sống để gặt hái những điều mình mong muốn.









Lê Dũng
Email
 
Back
Top