HLV Miura khó thành công với đội hình hiện tại?

T

T$

Guest
Trần Công Hưng Gửi tới BBC từ Hà Nội

  • 10 tháng 3 2015
Chia sẻ
150310105523_u23_640x360_bbc_nocredit.jpg
Trận thắng Olympic Indonesia 1-0 hôm qua, dù chỉ là giao hữu nhưng cũng có thể coi là trận đấu chính thức đầu tiên của Olympic Việt Nam. Trận đấu đã thành công về mặt kết quả, nhưng những người đã xem trực tiếp thì khó có thể hài lòng về lối chơi.
Sẽ hợp lý khi nghĩ rằng: đây đang là quá trình thử nghiệm và HLV cần phải thử nhiều phương án, nhưng ông Miura sẽ đưa ra những giải pháp nào?
HLV Miura liệu có ưu tiên hơn với U19?
Ông Miura nhậm chức ngay lúc mà ở Việt Nam đang có cơn sốt về U19 – đội bóng thực chất thuộc về cá nhân Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Nhiệm vụ của HLV người Nhật là nắm đội U23 và Đội tuyển quốc gia – những đội bóng qua nhiều năm đã mất hoàn toàn niềm tin vào người hâm mộ.
Như chúng ta đã biết, giải đấu có U19 thì đông nghẹt khán giả, còn những trận đấu của U23 và Đội tuyển quốc gia thì không mấy ai để ý. Nếu ông Miura sang Việt Nam để dẫn dắt đội U19 ấy thì mọi chuyện sẽ đơn giản lắm, nhưng số phận lại đưa ông vào những đội có thể nói là phát triển song song với U19.
Càng thích thú với U19 bao nhiêu, người ta lại càng có lý do để không thích U23 và Đội tuyển quốc gia bấy nhiêu​

Người hâm mộ khi xem U19 hả hê, thỏa mãn như bao nhiêu năm đói khát giờ mới được cho ăn cho uống. Càng thích thú với U19 bao nhiêu, người ta lại càng có lý do để không thích U23 và Đội tuyển quốc gia bấy nhiêu.
Nhiệm vụ của ông Miura, là nắm lấy những đội bị xa lánh ấy, thi đấu trong những sân vận động vắng tanh và làm cho đội bóng ấy chiến thắng qua đó giành lại một chút quan tâm của người hâm mộ từ U19.
Như vậy, HLV người Nhật đã được đặt ở vị trí không thuận lợi về mặt tình cảm với U19 – điều mà không ai dám nói ra. Cần phải hiểu rằng, không có ai là thánh ở trên đời để có thể chống lại những tình cảm hết sức con người.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí ở quê nhà, HLV Miura cũng khá lạnh nhạt khi được đề cập đến lứa U19 và sau khi đến xem HAGL thi đấu 1 trận ở V-League, ông cũng không ngần ngại đưa quan điểm đội bóng này “chưa đủ trình độ để đá V-League”.
Sau khi phân tích như thế, sẽ đoán được rằng khó có chuyện HLV Miura lấy các cầu thủ HAGL làm nòng cốt. Nhưng…
Bóng đá Việt Nam có nhiều tài năng trẻ?
Bóng đá Việt Nam hiện nay, ngoài lứa của HAGL, có bao nhiêu tài năng sáng giá? Khi tập trung ở đội Olympic, người ta có thể so sánh năng lực của các cầu thủ HAGL không quá khác biệt, nhưng bóng đá không phải trò chơi 1+1=2.
150310110703_u23_640x360_huytoan_nocredit.jpg
U23 Việt Nam thắng U23 Indonesia với tỷ số tối thiểu 1-0 nhờ pha làm bàn của tiền vệ Võ Huy Toàn ở phút 75. Tôi có thể dám chắc rằng, trừ vị trí trung vệ - vị trí mà HAGL rất thiếu ra, các cầu thủ trẻ của các đội V-League hiện tại nếu đến thử việc tại HAGL đều sẽ không đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu các cầu thủ HAGL đi thử việc ở CLB khác cũng chưa chắc đã được nhận, vì mỗi đội có tiêu chí khác nhau. Có nơi thì nhỏ con thôi là đã bị loại rồi, ví dụ như ngôi sao sáng nhất của HAGL là Công Phượng chẳng đã bị loại ở đội trẻ Sông Lam Nghệ An rồi mới phải đến Đội bóng phố Núi đó sao.
Nhưng, bóng đá là môn thể thao đồng đội, những cầu thủ có thể không được hoàn hảo lắm nhưng khi cùng chung một màu áo lại trở thành một tập thể mạnh. Barcelona và Real Madrid vài năm trước đây mỗi khi gặp nhau người ta lại tính ra giá trị đội hình của mỗi đội chẳng kém gì nhau, hai đội có nhiều cầu thủ Tây Ban Nha là đồng đội tại tuyển Quốc gia, nhưng khi chia ra làm 2 với 2 màu áo khác nhau, đội áo Trắng (Real) lại không thể thắng được đội sọc Đỏ Xanh (Barca). Không ai dám chắc các cầu thủ nhỏ con như Messi, Iniesta, Xavi sẽ làm được nhiều điều phi thường như thế nếu không cùng nhau chơi ở Barcelona.
Các cầu thủ HAGL cũng thế, nếu chia nhỏ ra thì có thể chỉ là cá nhân tương đối, sức mạnh của họ chỉ được phát huy cao độ khi được chơi cùng nhau, chia sẻ cùng một tư duy thấm nhuần từ bé.
Nếu HAGL có kết quả thi đấu ấn tượng lại V-League thì gần như chắc chắn những cầu thủ thuộc lứa U19 cùng HLV Graechen sẽ là thành phần chủ chốt theo mong muốn của nhiều lãnh đạo. Nhưng kế hoạch này đã bị ảnh hưởng bởi kết quả không tốt của Đội bóng phố Núi trong thời gian qua.
Thật ra những thất bại đầu mùa của HAGL là sự thất bại của một bóng trẻ với những đội bóng già dơ chứ hoàn toàn không phải thất bại của công tác đào tạo trẻ.
Nếu HAGL thi đấu với toàn những cầu thủ đồng trang lứa của những đội thuộc V-Leagua, kết quả có lẽ cũng không khó đoán. Vừa qua U19 HAGL đã thắng U21 Báo Thanh niên (có thể coi là U21 Việt Nam), đội bóng mà trong đội hình có nhiều đàn anh hiện nay tại tuyển Olympic đó sao.
Từ đó có thể thấy, không lấy HAGL làm nòng cốt có thể là một sai lầm lớn.
Cái khó của HLV Miura
Nhưng ông Miura cũng có cái khó của mình. Mỗi HLV có một phong cách riêng, phương pháp rèn luyện riêng, tư duy chiến thuật riêng. Đặt vào vị trí khó xử của ông, có HLV nào lại bê nguyên xi cái đội hình của HLV khác để lấy đó làm thành tích cho mình?
HLV người Nhật muốn xây dựng lối chơi nhanh, ít chạm, đa dạng, nhưng có nhiều lý do để dự đoán rằng rất khó thành công​

Khi nắm một đội bóng, HLV nào mà chả muôn thể hiện cá tính và sự khác biệt. Nhưng khó khăn của ông Miura, như phân tích ở trên, là bóng đá Việt Nam hiện tại đâu có nhiều tài năng để ông lựa chọn. Nếu cứ cố để gọi các cầu thủ trẻ khác cạnh tranh vị trí với các cầu thủ HAGL, kết quả không thấy đâu mà có khi lại làm loãng đi tập thể đã được xây dựng nhiều năm nay.
Việc tập thể không thế kết thành một khối, ngoài mặt lối chơi ra còn có mặt tình cảm cá nhân nữa khi mà các cầu thủ ở đội bóng khác ngoài HAGL cũng bị đặt chung hoàn cảnh trớ trêu, tức là đã từng đứng ở vị trí đối lập với lứa U19 như ông Miura, nên rất dễ nảy sinh những tình cảm rất “con người”.
HLV người Nhật muốn xây dựng lối chơi nhanh, ít chạm, đa dạng, nhưng có nhiều lý do để dự đoán rằng rất khó thành công:
Thứ nhất: Các cầu thủ giỏi nhất – tức thuộc HAGL thì không quen, còn các cầu thủ khác thì lại không giỏi. Đội tuyển có thể tạt bóng đấy, nhưng có ai để đánh đầu? Ông không muốn chơi kiểm soát bóng, nhưng sự pha trộn có thể làm nên một phong cách không rõ ràng trong khi thời gian tập trung đội tuyển là tương đối ngắn.
Thứ hai: Ông muốn có nhiều cầu thủ khỏe hơn, nhưng khỏe mà không tài năng thì cũng không để làm gì. Sẽ hợp lý hơn khi cố gắng huấn luyện các cầu thủ chủ lực khỏe hơn chứ không phải chọn những người khỏe làm chủ lực.
Bây giờ con đường mà HLV Miura đang đi có thể coi là tất yếu với những người đang đứng ở vị trí khó khăn như ông, nhưng thời gian tới nếu thất bại, rất có thể đội tuyển sẽ phải trở lại với mô hình “HAGL + phần còn lại”, tức chỉ bổ xung những vị trí yếu như trung vệ để hỗ trợ bộ khung đã hình thành vững chắc trong thời gian qua.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.



Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top