Kỳ lạ chuyện cây gạo Di sản hồi sinh nhờ… nước vo gạo

Jolie

Member
[h=2]"Khi phát hiện cây bị trụi hết lá và chết khô, bà con chúng tôi buồn và đau xót lắm, ngày đêm chỉ nghĩ cách cứu sống lại cây", bà Lê Thị Lãng tâm sự.[/h]Nỗ lực phi thường cứu cây
Cây gạo cổ ở làng Lũng Kinh thuộc giống gạo đỏ. Trên thân và gốc cây mọc rất nhiều các u bướu lớn nhỏ với đủ các hình thù kỳ dị. Cây thường nở hoa vào tháng ba hàng năm. Tuy nhiên, tháng ba năm nay thì màu đỏ tươi thắm của những chùm hoa gạo đã biến mất, thay vào đó chỉ là hình ảnh của những cành nhánh xơ xác, khô cằn. Dân làng ai đi qua trông lên cây cũng cảm thấy xót xa.
Khi nhân dân trong vùng làm lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào tháng 11 năm 2012, cây vẫn xanh tốt. Nhưng vào đầu tháng ba năm nay, dân làng đã phát hiện cây bị trụi hết lá, khô khốc từ gốc tới ngọn, khiến mọi người vô cùng lo lắng và ngày đêm tìm cách cứu cây sống trở lại.
Câu chuyện xuất phát từ thời điểm đầu tháng năm vừa qua. Có thể do có duyên mà bà Lê Thị Lãng (thủ nhang đền Lũng Kinh), đã được ai đó mách bảo rằng: “Để cho cây sống lại, dân làng phải nhất tâm tưới cho ta nước vo gạo trong vòng 100 ngày liên tiếp. Mà nước vo gạo phải được vo bằng nước tinh khiết, chứ không được dùng loại khác". Sự việc này càng khiến cho nhiều người dân trong làng bất ngờ và như mở thêm tia hy vọng mới.
Ngay ngày hôm sau, bà Lãng cùng với cháu của mình (trong đó có chị Đàm Thị Thoa) đã tích cực đi xin và gom từng thùng nước vo gạo từ các hộ dân trong làng, đem ra gốc gạo tưới. Trước đó, hai người đã phải mua nước tinh khiết, loại bình 19 lít để cho các hộ dân vo gạo.
2.JPG

Hình ảnh kì vĩ của cây gạo
"Vì nhất tâm muốn cứu cây nên làm việc này tôi cũng không cảm thấy mệt gì cả, nhất là lại có thêm được sự ủng hộ và giúp đỡ của ông xã nữa", chị Thoa tâm sự. Dân làng cũng tích cực bóc tách lấy đi nhiều mẩu gạch vỡ đang găm và cứa vào rễ cây. Bà Lãng đã nhờ thợ dùng máy khoan cạy từng mẩu gạch vỡ, miếng bê tông đó ra khỏi gốc cây; sau đó, đi tìm đất màu tốt, đổ vào gốc cây như hiện nay. Kế đến là thần cây báo cho dân biết việc đào đất để đặt tấm bia Di sản gần gốc cây đã làm đứt rễ cây. Thế là hôm sau, dân làng lại đào tấm bia lên, đặt ở góc bên trái gần lối vào cách xa gốc cây.
"Cây gạo cổ của làng được dân làng vô cùng yêu quý và coi như một thành viên trong gia đình vậy. Từ những năm tháng chiến tranh khó khăn như thế, nhiều người dân trong thôn hay ra gốc cây lượm hoa gạo về để ăn chống đói. Nên khi cây bị chết khô như thế, lòng chúng tôi thấy đau xót lắm", chị Thoa cho biết.
Qua tìm hiểu, chính người dân xung quanh khu vực đền là những người đầu tiên phát hiện cây bị khô chết. Không đợi đến khi chính quyền địa phương vào cuộc để phun thuốc kích thích, bà con đã vận động nhau góp nước vo gạo để tưới cho cây. Kinh phí địa phương vẫn chưa hề hỗ trợ nhưng bà con đã tự bảo nhau đóng góp tiền để mua nước tinh khiết về vo gạo.
Khi tưới cây tới ngày thứ 26 mới có một cán bộ của chính quyền cử xuống để phun thuốc kích thích cứu cây. Trước đó, họ đã nhờ một số người tiến hành phun nước rửa cây, cạo và làm sạch những lớp vỏ chết của cây. Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau bao ngày nỗ lực và chăm chỉ tưới bón, cây đã ra rất nhiều mầm chồi và lộc non. Ông Hoàng Chí Thìn, Trưởng thôn đã xác nhận việc này.
Cây gạo đã có dấu hiệu hồi sinh trước khi phun thuốc. Những ngày sau, việc tưới tắm vẫn được bà con duy trì kết hợp với việc phun thuốc kích thích cho cây nên tình hình ngày một khả quan hơn. Cây bắt đầu ra lá non, nảy lộc nhiều hơn.
Có thể nói, tinh thần và ý thức bảo tồn cây Di sản của nhân dân thật đáng được ghi nhận và biểu dương, không ngại khó, ngại khổ để một lòng cứu sống cây. Cho dù, nắng hay mưa thì công việc tưới bón vẫn không bị ngưng trệ. Có những hôm trời mưa tầm tã, nhiều người dân vẫn thấy chị Thoa mặc áo mưa đem nước vo gạo ra gốc gạo tưới. Nhiều người không hiểu, còn cho chị là dở hơi. Tuy nhiên, chị Thoa cho rằng, đó là chuyện bình thường. "Việc mình đã chí tâm làm thì cứ làm, kệ cho người khác có nói thế nào đi nữa. Đến nay thì trời đã chiều lòng người có tâm rồi", chị Thoa nói.
Trong quá trình phục hồi sự sống cho cây suốt từ tháng năm đến nay, công lao tưới bón của bà Lê Thị Lãng và chị Đàm Thị Thoa được nhiều người dân đánh giá rất cao. Anh Lý Đàm Nghĩa (43 tuổi), người dân cùng thôn nói: "Cô Lãng và chị Thoa là hai người có công đầu trong việc cứu cây gạo cổ này. Phải có một niềm tin mãnh liệt vào việc hồi sinh cây thì mới có kết quả như ngày nay…".
Cây di sản bị chiếm không gian sống
Mặc dù niềm vui được nhìn thấy cây hồi sinh của bà con nhân dân là không thể kể xiết nhưng niềm vui đó vẫn chưa trọn vẹn.
Nhìn vào không gian sống của cây, ta có cảm giác như cây gạo cổ đang sống trên một cái chậu cảnh. Rất bức bí, nếu không có đủ đất để rễ cây vươn xa lấy thức ăn nuôi cây, rất có thể điệp khúc cây bị chết khô sẽ lại xảy ra.
Nguyên nhân cây gạo vừa qua bị chết khô như vậy một phần là do ý thức của các hộ dân xung quanh ngôi đền. Họ đã lấn chiếm không gian đất sống của cây Di sản để xây dựng nhà ở. "Thực tế hiện nay, đường vào đền chỗ rộng nhất chưa đầy 80cm, chỗ hẹp nhất cũng chỉ 40cm nên khó bề đi lại", cụ Cao Thị Cầm (74 tuổi) bức xúc nói.
Ông Hoàng Chí Thìn (Trưởng thôn Lũng Kinh) cho biết: "Việc xin kinh phí để phục vụ công tác bảo tồn cây gạo Di sản đã được chính quyền và nhân dân thôn chúng tôi kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy cấp trên hỗ trợ. Tới đây, chính quyền và bà con thôn sẽ soạn và gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, để tiến hành giải tỏa không gian sống cho cây gạo Di sản của thôn. Chứ để như thế này thì liệu cây sẽ thọ thêm được bao lâu nữa", ông Thìn nói thêm.
Như vậy, việc trả lại cho cây gạo cổ không gian sống vốn có của nó đang là yêu cầu rất bức thiết và chính đáng của chính quyền, nhân dân thôn Lũng Kinh. Có làm được như thế, một biểu tượng văn hóa, một nhân chứng lịch sử của làng mới có thể trường tồn cùng thời gian.
Tuệ Đình





Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top