Khát vọng sống phi thường của “dị nhân” 70 centimét

Jolie

Member
[h=2]Xahoi - Người ta gọi anh là Sơn “phích”. Bởi, anh bị liệt từ nhỏ, đôi mắt lại mù loà, còn cơ thể thì teo tóp, co quắp và nhỏ như… cái phích.[/h]
di-nhan.jpg

“Dị nhân” Sơn “phích”
Hơn 40 tuổi đời, nhưng người đàn ông này đã phải “quanh quẩn” trên chiếc giường nhỏ hơn 30 năm. Thế nhưng, bằng niềm tin, nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt, anh quyết vượt qua số phận, và anh đã làm được.
Dị nhân… Sơn “phích”
Chuyến công tác về vùng ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), tôi được nghe nhiều người kháo nhau về Sơn “phích”. Nghe cái tên ngồ ngộ, khơi trí tò mò nên tôi lân la tìm về để tận mắt xem anh ta là ai, người như thế nào. Về đến đầu thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh, hỏi tên “Sơn phích”, hầu như người dân nào cũng biết…
Khi bước vào ngôi nhà ấy, ban đầu quả thực tôi “choáng” trước người mà mình tìm gặp, bởi thân hình của anh Sơn co quắp, teo tóp và ngắn đúng như… cái phích vậy. Khi nhìn vào đôi mắt của anh, tôi chỉ thấy một màu đục như nước vo gạo. Nghe tiếng tôi chào, anh đỡ lời rất nhanh, đồng thời hỏi ngay tôi là ai, ở đâu, đến nhà anh có việc gì… Tôi chưa kịp trả lời, thì thấy anh cựa quậy từ góc giường sát tường rồi lắc đi lắc lại. Thì ra, anh đang trườn ra phía ngoài giường để trò chuyện với khách. Nghe tôi giới thiệu thì ngay lập tức người đàn ông này cất tiếng cười giòn giã, miệng liếng thoắng nói chuyện. Chẳng mấy chốc, cuộc trò chuyện giữa chủ nhà và khách trở nên thân tình.
“Dị nhân” này có tên là Trịnh Thanh Sơn, tuổi Canh Tuất (1970). Ngày ấy, anh Sơn sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi, vừa tròn 1 tuổi, mẹ anh qua đời, còn bố bỏ đi biệt xứ. Anh Sơn được vợ chồng ông Trịnh Văn Toại, bà Đồng Thị Xuyên (anh em họ ngoại) nhận về nuôi. Những tưởng cuộc đời anh sẽ được xoa dịu bớt nỗi đau không cha, mất mẹ trong tình thương của bố mẹ nuôi, thì số phận nghiệt ngã một lần nữa lại tìm tới anh.
Năm Sơn tròn 10 tuổi, trong lúc đi hái lá dâu giúp mẹ nuôi tằm, anh bỗng thấy chân mình đau, các khớp ở đầu gối, ngón chân, ngón tay sưng tấy rồi không thể đi lại được. Bố mẹ nuôi đưa anh đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không khỏi. Các bác sĩ kết luận anh bị viêm đa khớp nặng, sau này sẽ không thể đi lại được. Cũng năm ấy (1980), bố nuôi bị bạo bệnh một thời gian rồi qua đời.
Trong căn nhà dột nát, chỉ còn người mẹ nuôi và anh. Lúc bấy giờ, do cuộc sống của hai mẹ con khốn khó vô cùng, nên hai mẹ con đã không đi được đến cùng để chữa trị khiến bệnh của anh mỗi lúc một nặng. Dần dần, tay chân anh co quắp hoàn toàn, cơ thể anh bị co rút lại, hình hài giống như đứa trẻ lên 3.
Từ một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, anh Sơn bỗng chốc sống như một đứa bé, suốt ngày nằm trên giường. Người mẹ nuôi gầy gò ốm yếu phải sớm hôm tần tảo vừa chăm sóc anh, vừa lo kiếm miếng cơm manh áo. Ngần ấy bất hạnh dường như vẫn chưa đủ, năm 1996, anh Sơn tiếp tục bị viêm giác mạc dẫn đến mù loà, mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không được. Hiện giờ, tuy đã hơn 40 tuổi, nhưng anh Sơn chỉ dài chừng 70 centimét, cân nặng khoảng 25kg, đôi mắt mù lòa, tay, chân teo tóp...
Quyết không gục ngã
Hơn 30 năm nay, Sơn “phích” không đi đâu khỏi giường. Cơ thể của anh chỉ ở một tư thế nằm ngửa, hai chân co lên, đầu cách mặt giường 20cm mà không bị mỏi; đầu và cổ tạo thành đường cong, cứng như que củi, không nâng lên cũng không hạ xuống được. Mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh..., anh đều phải nhờ mẹ nuôi.
Người bình thường, việc học tập và làm kinh tế đã rất khó khăn, nhưng với người không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều dựa vào người khác như anh Sơn còn khó hơn nhiều. Quyết tâm vươn lên thoát khỏi số phận với khát khao được sống có ích, sống đúng nghĩa là một con người chứ không phải một phế nhân, anh bảo: “Khi đôi mắt của mình không thấy gì nữa, nhiều lúc muốn cắn lưỡi một phát cho xong đời.
Thế nhưng, cứ nghĩ đến mẹ đang phải sống vì mình, thì không tài nào mà làm được điều đó. Giờ nghĩ lại, mới thấy lúc đó mình thật ấu trĩ. Hồi ấy, đêm nào cũng thức trắng để nghĩ vơ vẩn. Hết nghĩ lại khóc, nhưng nào có dám khóc to, sợ mẹ biết mình khóc. Khóc chán, lại nghĩ, lại bi quan, chán nản. Người ta bảo “thân bại, danh liệt”, nhưng mình chẳng có danh để liệt mà chỉ có thân bị bại thôi. Nhưng nếu không tìm ra việc gì làm, thì sống bằng cách nào đây”.
Những ngày đầu bắt tay làm kinh tế, anh mày mò vay mượn bạn bè được 300.000 đồng để cùng mẹ buôn hàng tạp hoá ở nhà. Gọi là tạp hóa, nhưng thực ra hàng của mẹ con Sơn chỉ là mấy lạng chè khô, vài gói kẹo lạc, dăm cái bánh đa…, được bà con chòm xóm thương tình mua ủng hộ. Tuy lời lãi không đáng là bao nhưng cũng giúp Sơn thấy vui, vì đỡ đần phần nào khó khăn cho mẹ. Nhưng rồi, thời buổi “thóc cao, gạo kém”, việc buôn bán khó khăn, thu vốn về chậm, nên anh quyết định vừa buôn bán vừa chăn nuôi.
Ngày ấy, anh và mẹ nuôi một đôi lợn nái sinh sản và gà, vịt thả vườn với mục đích lấy ngắn nuôi dài, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, nếu gặp dịch bệnh thì không chống chọi nổi. Những trăn trở, những suy nghĩ phải làm gì để tự cứu mình trước khi được người khác cứu, khiến anh bao đêm thức trắng. Năm 2006, anh đưa ra quyết định táo bạo: Chuyển hết vốn liếng sang nuôi gà, ấp trứng. Ý tưởng của anh bị mẹ nuôi và bà con phản đối kịch liệt. Liên tiếp hàng tháng trời, Sơn “phích” quyết tâm thuyết phục mẹ cho bằng được. Thấy đứa con nuôi tật nguyền của mình không cam chịu đầu hàng số phận, nên mẹ mủi lòng đồng ý.
Vậy là anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Suốt 3 tháng trời, Sơn “phích” nằm nghe bác giảng giải kỹ thuật ấp trứng. Nhờ có trí nhớ đặc biệt hơn người, những gì bác chỉ bảo anh đều nhớ rất chi tiết và chính xác từng công đoạn nhỏ. Khi “khóa học” vừa “bế giảng”, ngay lập tức Sơn “phích” về động viên mẹ xây dựng chuồng trại và mua con giống.
Ban đầu, do không có vốn anh chỉ vay mượn anh em bạn bè hàng xóm đủ mua được 30 con gà giống. Chỉ sau 1 năm, số gà của anh đã tăng lên tới hơn 100 con gà mái đẻ và 30 gà trống. Thấy số lượng gà tăng, anh bắt đầu bán thu vốn và xây chuồng cũng như tường bao quanh để nhốt gà. Chưa thỏa mãn với những gì mình làm được, Sơn “phích” tiếp tục vay mượn để đầu tư mua sắm một máy ấp trứng, công suất 500 quả/lần ấp.
Thế nhưng, năm 2009, do dịch cúm gia cầm (H5N1), đàn gà của anh Sơn chết sạch. Mẹ anh khóc cạn nước mắt vì tiếc công, tiếc của và thương con. Quyết tâm vượt qua khó khăn, anh chờ hết dịch và kiên trì làm lại. Sơn “phích” kể tiếp: “Mình nghĩ không thể ỷ lại cho số phận được, không thể nằm chờ sự giúp đỡ của người khác mãi được, mình phải tự nghĩ ra cách cứu mình. Sau hơn 3 tháng với sự giúp đỡ, tin tưởng của bạn bè, hàng xóm, đàn gà của mình lại tiếp tục được nhân lên từ 30 con gà giống ban đầu. Lúc cao điểm, cũng lên tới hơn 150 con gà thịt và gần 100 gà mái đẻ, nên mình đã phải thuê thêm 2 người làm. Mình như chết đi sống lại, vui lắm…”.
Những tưởng những tháng ngày gian khó mẹ con cố gắng vượt qua, giờ là những ngày vui hưởng hạnh phúc, thì cuối năm 2011, người mẹ nuôi của anh qua đời do bạo bệnh. Một lần nữa, Sơn như héo hon hơn, đôi mắt đã loà của anh dường như không còn nước mắt để khóc mẹ, khóc cho số phận của mình. Từ ngày mẹ nuôi qua đời, mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, ăn uống đến vệ sinh anh đều phải nhờ cậy người giúp việc hoặc bà con trong xóm.
Để tự phục vụ bản thân mình, Sơn “phích” trang bị 3 dụng cụ bất ly thân, đó là một cành tre nhỏ bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 50cm, một chiếc radio và một điện thoại bàn. Anh cầm chiếc que lên rồi bảo: “Chiếc que tre này là “tay” của mình đấy. Mình phải dùng nó để rửa mặt, gãi đầu, gãi chân…
Còn chiếc đài là do cô giáo và học trò trường Chu Văn An (Nga Sơn) đến thăm, tặng cho mình để nghe tin tức thời sự hằng ngày. Và đây nữa, mình phải mua điện thoại bàn để “cầu cứu” khi có công việc hay ốm đau. Nằm một chỗ, người giúp việc hay bà con trong xóm không thể thường xuyên ở bên. Nhất là ban đêm, vì chỉ có một thân một mình”. Mỗi buổi sáng dậy, Sơn “phích” thường phải “đánh vật” với việc rửa mặt. Sau khi nhờ người giặt khăn cho ướt, anh lấy chiếc que kẹp vào khuỷu tay, trên đầu que là chiếc khăn quấn chặt đưa qua đưa lại trên mặt.
Sơn “phích” không còn đơn độc
Không còn mẹ bên cạnh, anh chỉ còn biết trông chờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, hàng xóm và giờ có thêm người cha đỡ đầu. Ông Tịnh (người nhận anh là con đỡ đầu) mỗi ngày 2 buổi đến giúp anh mọi công việc của gia trại, từ việc chăm sóc chuồng trại đến xuất bán gà giống. Mỗi tháng, ông chỉ nhận 600.000 đồng tiền xăng xe đi lại. Nhiều người dân địa phương chứng kiến sự thành công của chàng trai tật nguyền trên con đường vượt lên số phận đã không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực phi thường của anh.
Hiện nay, gia trại của “dị nhân” Sơn “phích” sau khi trừ chi phí mỗi năm thu về vài chục triệu đồng. Sắp tới, anh dự định sẽ nhân rộng lên 300 gà mái đẻ và xuất bán mỗi tháng hơn 5.000 con gà giống cho các thương lái trong huyện và tỉnh Ninh Bình… Ông chủ tật nguyền này giờ đây còn tạo việc làm cho 2 lao động là người địa phương với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng.
Trước khi chia tay gã “dị nhân”, tôi tế nhị đề cập đến chuyện tình cảm của anh. Nghe hỏi về chuyện này, Sơn “phích” như mở tấm lòng: “Cảm ơn chú đã hỏi thăm. Mình cũng đang định khoe để chú mừng. Hiện tại mình có người yêu rồi. Đăng ký kết hôn rồi”. Nói xong, Sơn “phích” cười “toe toét”. Tôi pha trò: “Đã đăng ký kết hôn rồi, thì phải gọi là vợ, sao lại gọi người yêu?”.
Sơn “phích” lại cười rung: “Ừ, xin lỗi. Nói thế, nhỡ vợ nghe được, giận chết. Hôm nay cô ấy đang đi công việc, hôm sau chú xuống chắc chắn sẽ gặp thôi. Cô ấy ở trên huyện Hà Trung, cách đây 20 cây số. Cô ấy cũng có hoàn cảnh khá trắc trở, đã ly dị chồng và có một đứa con lên 4 tuổi. Nói thật lòng, mình vui lắm lắm, nên mới kể vầy”.




 
Back
Top