Khóc – cười với ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’

KuteJac

Newcaster


 Gây sốt ngay từ khi mới tung ra trailer, bộ phim chuyển thể từ nguyên tác văn học cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh là thành công mới đối với đạo diễn Victor Vũ.



Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim điện ảnh gây được nhiều sự chú ý ngay từ khi đạo diễn Victor Vũ công bố dự án. Công chúng ngạc nhiên khi một đạo diễn chuyên làm phim “hù dọa” người khác, thích đề cập tới mặt trái showbiz, nay bỗng dưng chuyển sang làm phim tâm lý mang đề tài thiếu nhi.




  Trailer mới bộ phim 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'



Tuy nhiên, sự hoài nghi ấy bị xóa bỏ khi đoạn trailer chứa đựng những hình ảnh đẹp như mơ của bộ phim được tung ra. Phản ứng của người hâm mộ tốt đến nỗi lại nảy sinh ra e ngại khác, rằng, liệu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhcó đáp ứng được sự kỳ vọng lên quá cao ấy hay không? Hay mọi tinh hoa, hình ảnh đắt giá nhất đều đã nằm trong trailer và bộ phim chỉ là sự minh họa nối dài của đoạn phim quảng cáo đó?



May mắn thay, tác phẩm hoàn chỉnh của Victor Vũ không lặp lại điều mà không ít nhà phim Việt Nam, hay thậm chí là cả Hollywood từng giẫm phải. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tròn trịa, chỉn chu, giàu cảm xúc. Có người gọi phim là “chiếc vé trở về tuổi thơ”, nhưng đối với không ít, phim có thể coi là giấc mơ về một tuổi thơ mà họ chưa bao giờ có, tuổi thơ mà họ chỉ được đọc trong sách của Nguyễn Nhật Ánh rồi nuôi dưỡng qua trí tưởng tượng, tuổi thơ chưa từng thực sự được trải qua.



khoc-cuoi-voi-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-b2c7b8.jpg



Bộ phim của đạo diễn Victor Vũ bám rất sát tinh thần và cốt truyện của nguyên tác văn học.



Giống như nguyên tác văn học, bộ phim chuyển thể của Victor Vũ là câu chuyện về hai anh em Thiều và Tường, cùng nhau lớn lên tại một vùng quê nghèo ven biển trong cuối thập niên 1980. Thiều mọt sách, thương em, nhưng cũng mang nhiều mặc cảm ghen tỵ với em trai.



Tường thần tượng anh trai, là “cái đuôi” sẵn sàng lẽo đẽo đi theo Thiều tới khắp mọi nơi. Cậu em không thông minh bằng Thiều, nhưng lại “trên cơ” anh về trí trưởng tượng và các trò chơi. Hai anh em cãi cọ, đánh lộn, bảo vệ, chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Nhưng rồi nhiều chuyện xảy ra khi cô bé hàng xóm hiền lành, ít nói, hay cười tên Mận sang tạm ở cùng họ.



Những người gọi phim là “chiếc vé trở về tuổi thơ” hoàn toàn có lý. Nhiều trò trẻ con như chọi cỏ, bắn bi, thả diều, nhảy dây, mót khoai… được tái hiện hồn nhiên và chân thực trên màn ảnh. Victor Vũ nói anh may mắn khi tìm đến mảnh đất Phú Yên. Hàng loạt các đồ vật trên phim trông rất nghèo và xưa cũ, nhưng thực ra chúng vẫn được sử dụng, truyền tay nhau cho tới tận ngày bộ phim bấm máy.



khoc-cuoi-voi-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-ec92a2.jpg



Những hình ảnh thế này hẳn khiến người xem hoài niệm về tuổi thơ của mình.



Khán giả thế hệ 7X và đầu 8X, những người từng trải qua tuổi thơ êm đềm ở vùng thôn quê, có lẽ sẽ dễ xúc động trước nhiều khung cảnh rất đỗi thân thuộc nhưng đã “một đi không trở lại”. Đó là cánh đồng xanh mướt, những đàn bò thong thả băng qua một dòng nước cạn, phiên chợ quê nghèo, ngôi trường mái ngói xập xệ, đêm trung thu huyền ảo…



Dù có chút lạm dụng, những cú flycam của nhà quay phim K’Linh đem tới hàng loạt cảnh quay đẹp mê hoặc từ trên cao nhìn xuống. Ngoài ra, phần âm nhạc của Christopher Wong cũng là điểm sáng. Sử dụng giai điệu của ca khúcThằng Cuội làm chủ đạo, phần nhạc nền của bộ phim mộc mạc, da diết, chạm tới trái tim người xem.



Diễn xuất bộ ba Thịnh Vinh, Trọng Khang, Thanh Mỹ thực sự ấn tượng. Thanh Mỹ năm nay mới chỉ 10 tuổi. Từng được khen ngợi qua phim ma Đoạt hồn(2014), giờ cô bé vào vai Mận rất dịu dàng, hồn nhiên. Trọng Khang cũng để lại ấn tượng đẹp khi sắm vai cậu bé Tường nhân hậu, mơ mộng và giàu lòng vị tha.



khoc-cuoi-voi-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-852366.jpg



Thịnh Vinh năm nay 15 tuổi. Cậu thực sự là linh hồn của bộ phim khi thể hiện tốt một vai diễn khó.



Nhưng ngôi sao của bộ phim thì phải là Thịnh Vinh trong vai Thiều. Thiều là “anh cả” của cả nhóm, có tính cách và tâm lý phức tạp. Ngoài sự hồn nhiên ngây thơ của một đứa trẻ, ở Thiều còn có cả sự ghen tỵ, mặc cảm, hối hận, day dứt và cả những rung động đầu đời với Mận. Sở hữu gương mặt rất điện ảnh, cậu bé 15 tuổi vào vai tự nhiên và đầy thuyết phục.



Một điều đáng trân trọng ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là các diễn viên nhí diễn không bị gồng, cứng hoặc gượng gạo như trong nhiều phim thiếu nhi khác của điện ảnh Việt Nam. Công lớn đến từ sự chỉ đạo của đạo diễn Victor Vũ, cũng như đội ngũ biên kịch do Việt Linh đứng đầu đã tạo ra những lời thoại thực sự gần gũi, chân thực.



Phim có một vài gợn nhỏ: chọn cảnh cận ngay mở đầu phim chưa hợp lý, trường đoạn slow motion trong mưa rất đẹp nhưng hơi sến, thậm chí không cần thiết. Có ý kiến cho rằng nửa sau của bộ phim hơi đuối, không liền mạch với nửa đầu hay thậm chí nếu có cắt đi nửa sau thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ để lại cảm xúc đầy đặn hơn.



Tuy nhiên, Victor Vũ chọn cách trung thành với nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh nhất có thể, đồng thời tập trung vào tình anh em giữa Thiều và Tường (tên gốc tiếng Anh của bộ phim là Dear Brother). Như anh nói, Mận chỉ giống như chất xúc tác, giúp hai anh em thêm trưởng thành và gắn bó với nhau hơn. Vả lại, nếu bỏ đi nửa sau bộ phim, có lẽ những ai chưa đọc truyện sẽ không thể hiểu được tựa đề mang đậm chất thơ của tác phẩm.



Nếu gọi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là kiệt tác thì hơi quá. Nhưng phim là tác phẩm chỉn chu, tử tế, có thể khiến người xem lúc cười, lúc khóc. Mà nếu có so sánh với mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam hiện tại, chẳng phải đó là một thành công hay sao?



Zing.vn đánh giá: 4/5



khoc-cuoi-voi-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-8f39ec.jpg



Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khởi chiếu trên toàn quốc từ 2/10.



Theo Zing









 
Back
Top