Kim Huyền: Trải nghiệm hạnh phúc bằng khổ đau

KuteJac

Newcaster


Diễn viên Kim Huyền bảo có cay đắng, chị mới được như hôm nay. Cay đắng đã dạy chị bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn. Cay đắng đã cho chị vốn sống để trải lòng vào nhân vật.



Vai Duyên trong vở Người đàn bà uống rượu (kịch bản: Hữu Ước, đạo diễn: Quốc Thảo, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Hồng Vân) của Kim Huyền đã để lại dấu ấn đẹp ngời ngợi với sân khấu trước khi chị lên đường sang Nhật du học. Đó cũng chính là lý do Kim Huyền đã “uống rượu” với một cảm xúc chưa bao giờ mãnh liệt và dạt dào đến thế trong suất diễn cuối cùng vào tối 6-9 tại sân khấu Phú Nhuận.



kim-huyen-trai-nghiem-hanh-phuc-bang-kho-dau-b66856.jpg



Nghệ sĩ Kim Huyền. Ảnh: Hoàng Thùy Dung.



Diễn như nắm khúc ruột bứt ra



Người đàn bà một thời là thanh niên xung phong, vì muốn “để lại giọt máu” của người lính cảm tử mà ê chề nhận án phạt bị đuổi về hậu phương. Người đàn bà sau ngày hòa bình bị đày xuống làm công nhân quét rác, dọn nhà vệ sinh ở nông trường, bị rẻ khinh vì mang tiếng “chửa hoang”. Người đàn bà tay cầm trái chuối xanh, tay ôm chai rượu trắng nốc từng hơi, nửa tỉnh nửa say, thất thểu, vật vờ, miệng lè nhè câu hát. 



Cuộc đời ấy, hình ảnh ấy, nỗi đau ấy tưởng chừng “làm khó” Kim Huyền vốn quen thuộc với những vai hài tưng tửng. Nhưng không, với Duyên, có thể xem là sự kết tụ tất cả thế mạnh trong tài năng diễn xuất của Kim Huyền.



Hai giai đoạn của Duyên: Khi là nữ thanh niên xung phong sống lạc quan, yêu đời và lúc là công nhân vệ sinh ngang tàng, tủi nhục, Kim Huyền đều linh hoạt thể hiện. Khả năng biểu hiện nét hồn nhiên, tinh nghịch, lí lắc của chị là vô tận. Một sự thông minh, tinh tế, duyên nhưng không lố, duyên đến từng sợi tóc. Khi Duyên cuồn cuộn niềm đau thì ánh mắt, đài từ, dáng đi… của Kim Huyền đều chát chúa, xốn xang, đau tê buốt. Kim Huyền sở hữu đôi mắt buồn nhưng chị không khóc nức nở, chỉ đỏ lên thành từng vệt u uất. Một Kim Huyền nhỏ bé, mỏng manh là vậy nhưng làm bật lên những cảm xúc dồn nén.



Kim Huyền bảo gặp được vai Duyên như gặp đúng tri kỷ, Duyên lại gần như là chính chị. Kim Huyền diễn mà như nắm khúc ruột mình bứt ra. “Tôi sống với Duyên bằng sự day dứt. Sự day dứt ấy cùng nỗi ám ảnh của nhân vật khiến tôi trở thành Duyên” – chị cho biết.



Kim Huyền thường nói mỗi lần nhìn vai bi kịch, chị cứ thèm thuồng như kẻ bị bỏ đói mấy ngày thèm được dĩa cơm, cứ ước được ăn nhưng mãi không với tới. Giờ khi được chọn, được sờ, được chạm vào, dĩ nhiên là chị muốn tắm mình vào đó, đắm chìm, vùng vẫy. Chị thăng hoa đến ngất lịm. Đó là lúc chị sung sướng đến chết giấc.



Trong lúc vai Duyên tạo nên cột mốc trong sự nghiệp, Kim Huyền lại đi du học. Chị đã làm một điều mà nhiều người khác không dám. “Đó là một quyết định đầy khó khăn. Cuộc sống ít cho tôi có cơ hội chọn lựa một cái gì. Không biết lần đặt xuống và cầm lên này có đúng đắn hay không?”- chị trăn trở. Từng bỏ dở việc học một lần tại Khoa Đông phương của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM mấy năm trước nên lần này, chị quyết tâm làm lại.



Lì lợm làm nghệ thuật



Kim Huyền ngồi nhớ lại thời ấu dại với từng khuôn hình của mẹ. Đôi quang gánh toàn mớ rau củ quả dập nát, mẹ chị oằn vai quảy đi bán, kiếm bạc lẻ mưu sinh. Mới lọt lòng mẹ còn đỏ hỏn, Kim Huyền đã bị viêm màng não. Sợ con gái có mệnh hệ gì thì biết sống làm sao, cha mẹ chị đưa con đi chạy chữa bằng những đồng tiền dành dụm được, đồ đạc trong nhà cũng bán sạch. Bệnh tật từ nhỏ cộng với cuộc sống kham khổ, thiếu thốn cơm ăn, áo mặc khiến Kim Huyền bé tỏng teo. Nghe con gái bảo muốn làm diễn viên, người mẹ cười mắng yêu: “Khùng quá!”.



kim-huyen-trai-nghiem-hanh-phuc-bang-kho-dau-09dcb4.jpg



Kim Huyền vai Duyên trong vở Người đàn bà uống rượu.



Nào ngờ, người nhỏ nhưng tinh thần không nhỏ. Năm đầu tiên thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu TP HCM, Kim Huyền rớt. Năm thứ hai, chị cũng rớt luôn. Lý do cho cả 2 lần rớt là chân ngắn, da lại không trắng. Chị đăng ký học hệ B của trường.



Thời đó, nhắc đến Kim Huyền thì có người bĩu môi, trêu chọc, có kẻ phớt lờ nhưng cũng lắm người tê dại vì nể phục. Họ nể phục ở chỗ chị không có ngoại hình mà vẫn đi thi, rớt lần thứ nhất thì thi lần thứ hai, rớt hệ A thì học hệ B. Kim Huyền làm nghệ thuật bằng sự lì lợm. Nhiều đồng nghiệp trêu chọc chị: “Mày diễn giỏi nhưng lì lợm càng giỏi hơn!”.



Chưa từng đóng mác với bất cứ danh xưng hoa mỹ nào, suốt hơn 10 năm qua, nghệ sĩ Kim Huyền chỉ được chọn lựa cho những vai phụ. Chiều cao, cân nặng và nhan sắc của chị không có một tí nào để có thể thành đào chánh. Sở hữu một đôi mắt buồn nhưng cái miệng lại tươi hơn mức bình thường giúp Kim Huyền biến hóa khôn lường trong các vai em bé, bà mẹ, người giúp việc nhà. Chị cũng có khả năng thể hiện sự nham hiểm khi đóng các phim xưa, vào vai đanh đá với cái giọng the thé, cái kiểu chanh chua.



Nếu như nhiều người xấu cứ muốn mình đẹp, mơ vai đào chánh thì Kim Huyền không tham lam và ảo tưởng như thế! Cái gì nằm ngoài khả năng thì chị chưa dám rờ đụng tới, chưa làm được thì không dám mơ. “Tôi không tin là mình đẹp thì làm sao bắt đạo diễn, khán giả tin mình đẹp được? Tôi chỉ tin mình có duyên” – chị cười.



Tên tuổi Kim Huyền chưa bao giờ “hot” nhưng cũng không dễ trồi sụt. Chị cũng đã có những vai diễn đủ để khán giả nhắc nhớ trong các vở: Người vợ ma, Nước mắt người điên, Sám hối hay các phim Ngọn cỏ gió đùa, Bên lề tội ác, Trả giá….



Thời gian hạnh phúc không nhiều



Cuộc đời Kim Huyền không có gì trọn vẹn. Đời chị như chiếc thuyền lênh đênh, tròng trành trên biển động, nhìn kiểu gì cũng thấy phong ba. Chị đã sống trong nỗi ẩn ức, bức bách vì không thể làm nghề, không có vai diễn.



“Nhiều khi tôi nằm giữa nhà, thở dài rồi khóc tức tưởi như đứa trẻ. Có lúc tôi nhìn trân trân lên trần nhà, tự hỏi: Tại sao mình cứ lận đận miết vậy? Mà có phải mình lười biếng gì cho cam?” – Kim Huyền nhớ lại. Cũng như chị, con nhện trên trần nhà cứ giăng tơ miệt mài, chị quét nó lại giăng. Phải chăng nó cũng gan lì và quyết liệt như chị?



“Đã có lúc tôi bi quan cùng cực, làm biếng phấn đấu, toan tính chuyện bỏ nghề. Nhưng tôi không dám đốt đi ước mơ của cô gái nghèo mê nghệ thuật” – Kim Huyền tiết lộ. Có lẽ chị có một niềm tin tuyệt đối và mãnh liệt, rằng mình thuộc về nghệ thuật. “Tôi không tự tin với bất cứ thứ gì đang có, với bất cứ điều gì mình làm, trừ khi bước lên sàn diễn” – chị thổ lộ.



Thời tuổi xuân rực rỡ, Kim Huyền cũng có những phút lóe sáng trên sân khấu, tuy rất hiếm hoi. Chị đã phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ khi đứng trên sân khấu bằng thứ niềm tin không dời đổi ấy. Dò dẫm từng bước đi, âm thầm gầy dựng tên tuổi từ khi không ai quen mặt biết tên đến lúc có một vị trí khiêm tốn, be bé trong nghề, Kim Huyền nghĩ: “Tổ nghiệp thấy mình trắc trở hoài nên thương”.



Lần nào khơi lại quá khứ, mắt chị cũng rơm rớm. Kim Huyền thổ lộ: “Có cay đắng mới có hôm nay. Cay đắng đã nuôi mình từ gói mì tôm, từ dĩa cơm trắng. Cay đắng đã dạy mình bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn. Cay đắng đã cho mình vốn sống để trải lòng vào nhân vật”.



Tự nhận cuộc đời mình rất nhiều thiệt thòi, ít may mắn nên Kim Huyền đã trải nghiệm hạnh phúc bằng khổ đau. “Hạnh phúc của tôi ngắn ngủi, cứ lưng chừng và được trải nghiệm bằng nỗi đau, sự cô đơn, quay quắt. Tôi luôn khao khát một sự hoàn hảo, toàn diện nên luôn thường trực trong lòng nỗi bi quan, sợ hãi nhiều thứ. Tôi không lúc nào yên ổn thật sự” – chị trải lòng.



Mâu thuẫn, nhiều cá tính



Kim Huyền khá phức tạp và mâu thuẫn, chị có nhiều cá tính trộn lẫn. Lúc thì chị hồn nhiên, nhí nhảnh như đứa trẻ; khi lại mong manh, ngơ ngác như gái mới lớn. Lúc này chị âu sầu như đàn bà, khi khác lại khó tính như bà cụ non…



Nói chung, cảm xúc khi gặp chị rất thú vị. 20 phút đầu chị nói ít, 20 phút sau chị nói nhiều, có cười đùa và 20 phút cuối thì chị khóc. Quy trình này có thể ngược lại, tùy người đối diện là ai. Khi chị cười, người ta thấy dễ chịu; khi chị buồn, người ta thấy bất an; khi chị giận, người ta thấy run sợ; khi chị khóc, người ta chỉ muốn khóc theo…



Những người thân quen thường thấy Kim Huyền vui vẻ, xởi lởi, dễ gần nhưng thật ra chị là một người cực kỳ khó tính. Nếu mới gặp Kim Huyền, chưa thân thiết, người ta đề phòng, cảnh giác nhưng sau đó lại yêu thích, quý mến chị. “Tôi từng vấp ngã khi tin người quá mức. Thành ra, giờ tôi rất cẩn trọng và kỹ lưỡng trong từng bước chân mình đi để không nhận lấy những bài học cay đắng nữa” – chị lý giải.



Kim Huyền cũng thuộc dạng người cổ điển, đã tin, đã thích một thứ gì là tin và thích đến chết, có khó khăn mấy cũng dũng cảm đương đầu. “Tôi mạnh mẽ, lì lợm nhưng tận sâu thẳm cất giấu một tâm hồn đa cảm, dễ thương tổn mà khi chạm tới sẽ vỡ, khơi dậy sẽ đau” – chị bộc bạch.



Kim Huyền hiểu cái đích cuối cùng của người phụ nữ là gia đình. Nhưng cuộc đời chị đã một lần để tình yêu trôi tuột khỏi tầm tay. “Tính tôi cầu toàn, cả trong tình yêu. Khi mất nhau rồi, tôi mới nhận ra anh là người đàn ông tốt mà có lẽ rất khó trong đời này tôi có thể gặp lại” – chị tâm sự.



Theo Minh Nga/Người Lao Động









 
Back
Top