Lâm Đồng: Chủ vườn đánh người như tra tấn thời trung cổ

Jolie

Member
[h=2]Đưa người lao động vào tròng bằng những lời dụ dỗ ngon ngọt, sau đó là một loạt các giấy tờ lằng nhằng lách luật, công ty GTVL đã thực hiện nhiều vụ trót lọt thu lợi lớn. Thậm chí phía công ty còn bỏ mặc người lao động cho chủ sử dụng lao động ngược đãi. Tình trạng trên đang diễn ra trong đường dây đưa người lao động từ TP.HCM lên Lâm Đồng làm việc.[/h]
Tin lời ngon ngọt của người giới thiệu việc làm, người lao động (NLĐ) chân ướt chân ráo lên Lâm Đồng làm việc. Không chịu nổi sự ngược đãi lao động, NLĐ bỏ trốn và bị bắt nhốt, đánh đập. Sau đó, chủ vườn còn ép NLĐ gọi điện kêu người nhà gửi tiền chuộc mới được thả.
Kế hoạch hoàn hảo
Quá tin vào những lời mời chào ngon ngọt của người giới thiệu, anh Nguyễn Mạnh Huy (SN 1982, quê xã Bình Thạnh 1, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) đã bị dụ dỗ đi làm mà không biết mọi rủi ro xảy ra với mình. Vì không có tiền lệ phí đi từ quê lên thành phố xin việc, nên anh Huy mới cầm đồ bằng lái xe và giấy chứng minh của mình để có tiền lộ phí. Xong, Huy mượn giấy CMND của bạn là Bùi Quang Thái (SN 1984, ngụ phường 3, thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp) lên bến xe Miền Tây, TP.HCM xin việc. Ngày 30/8, anh Thái (tức Huy) chân ướt chân ráo lên bến xe Miền Tây thấy bảng tuyển của công ty Miền Tây thì vào xin việc. Ngay tại công ty trên, anh Thái gặp bà Phạm Thị Nguyệt Hằng xưng là nhân viên phụ trách tuyển dụng lao động của công ty TNHH giới thiệu việc làm và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc (trụ sở tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và tin những lời dụ dỗ mật ngọt của bà này.
Bàng hoàng sau khi thoát khỏi kế hoạch hoàn hảo, anh Thái ngồi kể lại chuyện trong ấm ức. Anh cho biết: “Bà Hằng nói đi ra Đà Lạt làm vườn, một tháng 2,5 triệu đồng, bao ăn ở, cơm nước ba buổi chủ lo hết. Tiền xe mà người xin việc phải đóng là 1,7 triệu đồng nhưng người xin việc không phải đóng mà công ty sẽ có xe chở lên trụ sở chính là công ty Tâm Đức Lộc. Tại đây, nếu người xin việc không làm được thì mọi chi phí xe cộ mới phải chịu”. Vì là người khỏe mạnh, anh Thái cứ nghĩ mình có sức thì sẽ được trọng dụng. Hơn nữa trước đây anh từng đi lính nên cũng có thể được tin tưởng. Thời điểm trước khi anh rời quê ra đi anh đã từng làm nghề bốc vác nuôi vợ và con thơ. Tuy nhiên, mùa này nước nổi nên công việc cũng ít đi, nên anh mới phải dứt lòng mà đi.
Được xe của công ty đưa lên tới Đà Lạt, trong hai ngày 31 và mùng 1/9 anh Thái ở tại công ty Tâm Đức Lộc. Anh Thái cho biết: “Tại công ty này hai ngày, tôi thấy có nhiều người giống như mình cũng ở đây. Đến giờ ăn họ bới cho mỗi người một tô cơm rồi kêu ra sau ăn. Họ không cho chúng tôi ra ngoài đằng trước, không cho bước qua cổng, đằng sau họ rào lại không ai đi ra được hết. Buổi tối chúng tôi được ngủ chung trên giường trải dài. Giám đốc công ty là ông Mai Văn Quang nói chúng tôi nằm đợi nếu có ai lại thuê làm bất cứ công việc gì thì bắt buộc phải đi làm. Nếu không làm thì phải đền bù số tiền”.
no%20lehb.JPG

Anh Thái vẫn sợ hãi mỗi khi nhắc lại chuyện bị lừa đi lao động cho một chủ vườn ở Lâm Đồng. Ảnh H.M
Khi đi làm thì anh Thái có đi chung với anh Thạch Thương (SN 1989, ngụ Trà Vinh) từ bến xe miền Tây lên. Tại công ty trên, ngày 1/9, chủ thuê người lao động là ông Phạm Ngọc Chắc (SN 1959, ngụ thôn 2, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) hợp đồng với công ty mướn ba người là anh Thái, Thương và Triệu Văn Hóa (SN 1986, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) về làm rẫy cà phê cho mình. Trong bản hợp đồng cung ứng lao động mà công ty Tâm Đức Lộc ký kết với ông Chắc có ghi rõ mỗi người lao động tạm ứng và chi phí 1.100.000 đồng. Trong khi đó người lao động không hề được giữ một cắc nào, rồi đến khi có chuyện chẳng lành xảy ra NLĐ lại gánh chịu tất cả chi phí ấy như kiểu ép buộc.
Đánh đập, tống tiền NLĐ?
Đem con bỏ chợÔng Quang cũng nói rõ quan điểm bên sai nhiều nhất là bên sử dụng lao động và bên NLĐ. Ông Quang chỉ chịu trách nhiệm khi NLĐ còn ở công ty của ông, khi đã giao NLĐ cho người sử dụng lao động thì công ty không còn quyền nào.
Sau hơn một ngày bị tra khảo tại tư gia của ông Chắc, anh Thái vẫn còn rất hoảng sợ. Anh Thái run rẩy: “Khi về tới nhà ông Chắc, chiều 1/9 chúng tôi được sắp đặt ngủ ở nhà củi, ngay sáng 2/9 chúng tôi đã được đưa ra vườn để làm. Buổi sáng đó chúng tôi không được ăn mà còn bắt đi cuốc đất ngoài vườn. Cả buổi sáng chúng tôi không có nước uống và phải làm trong vòng vây canh gác bởi bốn người nhà của ông Chắc. Họ bao gồm vợ ông Chắc, con trai ông Chắc (31 tuổi), con rể ông Chắc và một người cháu nữa. Họ không cho chúng tôi nghỉ mệt”.
Thấy có dấu hiệu bất thường cả ba người làm cho ông Chắc đều sợ hãi. Trưa ngày 2/9, anh Thạch Thương viện cớ đi vệ sinh để trốn khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của người nhà ông Chắc. Anh Thái cho biết: “Khi bà chủ vườn không thấy Thạch Thương liền cho người đi xem xét. Biết Thạch Thương đã trốn bà chủ kêu chúng tôi ngừng làm rồi cho người đi truy tìm Thạch Thương về. Cả gia đình, dòng họ nhà ông Chắc đi kiếm Thạch Thương và phát hiện Thạch Thương đang đứng đón xe buýt thì bắt về nhốt nhà củi. Tại đây chúng thay nhau đánh Thạch Thương. Tôi thấy Thạch Thương đổ máu, sợ nó chết nên vào can. Can mãi mà không được tôi phải quỳ xuống kêu người nhà ông Chắc tha cho nó ai ngờ họ kêu tôi chung phe với Thạch Thương rồi lao vào đánh luôn cả tôi. Lúc này một người nhà ông Chắc lao vào lột hết túi quần áo của chúng tôi rồi tịch thu điện thoại, bóp tiền”.
Anh Thái kể tiếp: “Khi thấy máu trên người Thạch Thương chảy nhiều, chúng bắt Thạch Thương cởi áo ra để lau hết các vết máu. Tiếp theo đó chúng thay phiên nhau lao vào đánh chúng tôi. Thạch Thương đau quá nên quỳ xuống van xin đừng đánh nữa, nó biết tội rồi nhưng người nhà ông Chắc vẫn không nghe và tiếp tục tra tấn, cứ 15 phút chúng lại lao vào tra tấn một lần. Nửa đêm hôm ấy chúng chốt nhà củi lại rồi kêu hai đứa tôi ra đánh tiếp, cấm không được la. Đến nỗi tôi đưa tay lên đỡ đòn chúng cũng không chịu. Chúng dùng tuýp sắt đánh vào cạnh sườn rồi dùng chân đá vào người chúng tôi. Người đánh dã man nhất tối hôm đó là ông Chắc. Khi đánh chúng liên miệng kêu: “Mày dám chạy hả, dám trốn hả, có thoát khỏi tay tao không?”.
Không những bị đánh đập, anh Thái và Thương còn bị tống tiền. Anh Thái cho biết: “Chiều 2/9, bọn chúng đưa điện thoại lại cho chúng tôi kêu gọi điện về cho gia đình. Chúng nói nếu muốn được về thì phải kêu gia đình đưa tiền chuộc là 1,8 triệu. Lúc ấy tôi không muốn ba mẹ buồn nên nhắn tin cho anh bà con là anh Trần Hiếu Thảo (SN 1979, ngụ xóm Đắc, phường 8, quận 11, TP.HCM) cầu cứu. Lúc đầu người nhà tôi ngỡ ngàng chẳng ai tin là có vụ tra tấn như nô lệ thời trung cổ hết. Sau một hồi nhắn tin qua lại với anh Thảo thì người nhà bọn chúng giật điện thoại và đọc tin nhắn. Chúng nghĩ là tôi báo công an nên lại lao vào đánh đập”.
Gửi tiền chuộc như bị... bắt cóc
Cũng tối 2/9, anh Thảo đã điện thoại cho công an tỉnh Lâm Đồng cầu cứu, công an bảo để họ ghi nhận lại sự việc. Người nhà anh Thái cho biết, đến ngày mùng 3/9 đã chuyển tiền lên theo yêu cầu của người nhà ông Chắc theo tên Bùi Thị Thúy Hà, số tài khoản 3404205050449 của ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Lâm Hà, Lâm Đồng số tiền là 2 triệu đồng. Tội nhất là Thạch Thương người Khơ-me, nhà nghèo nên có mỗi chiếc xe máy chở hàng cũng phải bán đi để gửi tiền chuộc anh ra. Khi nhận được số tiền 4 triệu đồng, ông Chắc đưa lại cho hai anh Thái và Thương mỗi người 200.000 đồng để về xe.
Ngày 4/9, anh Thảo liên lạc với ông Mai Văn Quang giám đốc công ty Tâm Đức Lộc thì ông này cho biết ngày mùng 2/9 công ty của ông nghỉ hết nên không ai làm việc. Ông Quang cũng trình bày thẳng rằng NLĐ không làm được thì cứ nói với chủ nhà là không làm được, đằng này lại trốn. Còn chuyện đánh đập thì không ai mong muốn cả. Trong cuộc trao đổi khi anh Thảo hỏi chuyện chuyển tiền giờ giải quyết thế nào thì ông Quang luôn miệng nói ra các khoản chi phí và cho rằng số tiền chuyển đó là hợp lý. Đồng thời ông Quang cho rằng anh Thái (tức Huy) đã qua nhiều trung tâm môi giới mới lên tới chỗ ông ta nên mới mất nhiều tiền, chứ lên thẳng chỗ ông thì không có chuyện mất nhiều như thế.
Hoàng Minh


Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn







 
Back
Top