T
T$
Guest
Trước khi World Cup 2014 khởi tranh, bên cạnh những vấn đề an ninh ở Brazil, một số chuyên gia bóng đá đã tỏ ra lo ngại về khả năng giải đấu thứ 20 được tổ chức trên đất Nam Mỹ sẽ nhàm chán và có chất lượng không cao như kỳ vọng.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra tại loạt trận vòng bảng đã ít nhiều làm hài lòng một bộ phận lớn người hâm mộ và cũng không tồn tại quá nhiều vấn đề về mặt chuyên môn để các chuyên gia có thể chê trách, ngoại trừ công tác trọng tài.
Liên hệ một chút thì lượt trận vòng bảng này có nhiều nét tương đồng với giải Ngoại hạng Anh mùa 2013-2014: bất ngờ và kịch tính đến phút chót; nhiều bàn thắng, những giá trị mới được đề cao và một số giá trị cũ đã đến thời kỳ quá độ. Chúng ta hãy cùng nhìn lại 48 trận đấu vừa qua dưới một góc nhìn tổng quan.
Mưa bàn thắng
Chắc hẳn đây là yếu tố đầu tiên khiến người hâm mộ hài lòng nhất và là một trong những minh chứng cho sự hấp dẫn của World Cup năm nay.
Một phép so sánh đơn giản để thấy được sự khác biệt: World Cup 2010 tại Nam Phi có tổng cộng 93 bàn thắng được ghi ở lượt trận vòng bảng, còn giải đấu năm nay đã chứng kiến 136 lần lưới của các thủ môn rung lên!
Những trận đấu có 4, 5 bàn thắng đã không còn là hiếm. Có thể thấy sự cống hiến và lối chơi rực lửa của bóng đá Nam Mỹ đang là tinh thần chủ đạo; những trận đấu mang nặng tính chiến thuật và đề cao sự chắc chắn đã nhường chỗ cho những cuộc đôi công không ngừng nghỉ.
[h=2]Tái Hiện 3-5-2[/h] Điểm sáng lớn nhất về mặt chiến thuật và lối chơi tại Brazil 2014 chính là sự trở lại của sơ đồ chiến thuật 3-5-2, hay nói rộng hơn một chút là thiên hướng phòng ngự với 3 trung vệ.
Đây là đội hình nghiêng về khả năng tấn công nhanh, tổng lực và cống hiến với minh chứng rõ ràng nhất là Hà Lan thời kỳ 1988-1992 với bộ ba Gulit, Van Basten, Rijkaard. Đây cũng là đội hình mà đến nay nhiều CLB tại châu Mỹ và một số tại châu Âu vẫn sử dụng và nó đã cho thấy hiệu quả tuyệt vời tại giải đấu năm nay.
Đơn cử lại chính là Hà Lan, đội bóng đến World Cup với một đội hình trẻ trung, lạ lẫm, một vị tân HLV và kèm theo nhiều ngờ vực của đa số chuyên gia bóng đá. Cuối cùng thì ông Val Gaal cùng các học trò đã có câu trả lời cho những nghi ngờ bằng những trận đấu cực kỳ ấn tượng.
Ngoài Hà Lan, một loạt những đội bóng đến từ Châu Mỹ như Chile, Mexico hay hiện tượng Costa Rica cũng đều chơi với đội hình này.
Thậm chí những đội bóng ra sân với 4 hậu vệ như thông thường cũng thường cho phép 2 hậu vệ cánh dâng lên rất cao và kéo 1 tiền vệ phòng ngự về chơi thấp, ngang hàng với 2 trung vệ.
Để minh hoạ cho cách vận hành lối chơi này có thể kể ra Brazil hay Argentina (cả Luiz Gustavo và Javier Mascherano đều lùi sâu, thi đấu như một trung vệ thứ 3), và kết quả ra sao thì chúng ta đều đã biết.
Với 3 trung vệ ở hàng thủ, người ở giữa sẽ đảm nhận trọng trách đọc trận đấu, chỉ huy hàng thủ và phán đoán tình huống, thậm chí kiến thiết lối chơi từ tuyến sau và 2 cầu thủ 2 bên sẽ là những trung vệ dập.
Hai cầu thủ đá cánh sẽ được di chuyển khá tự do 2 bên hành lang và là những cầu thủ có khả năng chuyển đổi thế trận của đội nhà từ tấn công sang phòng thủ và ngược lại.
Cách chơi này chú trọng vào triển khai tấn công nhanh, trực diện, thậm chí sẵn sàng nhường quyền kiểm soát bóng cho đối phương.
Cùng với sự trở lại của 3-5-2 là sự thoái trào của 4-2-3-1 mà minh chứng rõ ràng nhất là những Tây Ban Nha, Ý hay Anh.
Những đội bóng kể trên luôn vào sân với vị thế cửa trên, chiếm nhiều quyền kiểm soát bóng nhưng lại không đủ tốc độ và sự sắc bén để xuyên phá hàng phòng ngự đối phương để rồi phải nhận quả đắng.
Tựu chung, lối chơi kiểm soát bóng với đội hình cơ bản 4-2-3-1 thống trị thế giới những năm qua đã thực sự lép vế trước 3-5-2 tấn công nhanh, chí ít là tại World Cup lần này.
Đến thời điểm hiện tại, đội bóng duy nhất vẫn thành công dù không sử dụng sơ đồ 3-5-2 là Đức, với đội hình 4-3-3, tuy nhiên cách vận hành 4-3-3 của người Đức rất linh hoạt và bóng được luân chuyển nhanh chứ không đơn thuần là kiểm soát bóng.
Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến vòng đấu loại trực tiếp sẽ xác định xem đội hình nào, lối chơi nào thực sự là vua ở thời điểm hiện tại.
Cúp vô địch sẽ không rời Nam Mỹ?
Trong lịch sử giải đấu, mỗi khi World Cup được tổ chức tại Nam Mỹ thì chiếc Cup luôn thuộc về tay các đội bóng thuộc khu vực và rất có thể năm nay cũng vậy.
Thêm vào đó, rất nhiều đội bóng thuộc châu Mỹ đang thi đấu trên cả tuyệt vời, hơn rất nhiều các đối thủ đến từ Lục địa già.
Ngoài lối chơi và chiến thuật như đã đề cập ở trên, các đội bóng châu Mỹ quen thuộc về thời tiết, dường như vào sân với một tinh thần luôn cao và có lợi thế lớn về mặt thể lực, nhất là những đội bóng không có nhiều tuyển thủ thi đấu tại châu Âu.
Cái tên gây ấn tượng nhất chắc chắn là Costa Rica, đội bóng được đánh giá là lót đường nhưng lại thi đấu rất thành công tại bảng tử thần trước những Anh, Ý hay Uruguay.
Ngoài ra những Colombia, Mexico hay Chile cũng thi đấu tuyệt hay trước những đối thủ lớn và đường hoàng tiến vào vòng 16 đội.
Thậm chí một quốc gia mà bóng đá chưa bao giờ là môn thể thao số 1 như Mỹ cũng thi đấu sòng phẳng trước Đức và Bồ Đào Nha và đã có một suất ở vòng sau.
Kỷ lục cá nhân
Cho đến thời điểm này của giải đấu, chưa có một Vua phá lưới tiềm năng nào lộ diện do có quá nhiều ứng cử viên! Ngoài những Thomas Mueller, Lionel Messi và Neymar đã có được 4 bàn, những Karim Benzema, Robin van Persie hay Arjen Robben với 3 bàn, đều có thể giành Golden Boot khi mà tất cả những cái tên nêu trên đều có mặt tại vòng knock-out.
Những kỳ World Cup gần đây, một cầu thủ thường giành vua phá lưới khi có được 5 bàn thắng, nhưng có vẻ như điều đó sẽ thay đổi tại giải đấu lần này. Những ngôi sao lớn nhất của mỗi đội đang thực sự mang đến một cuộc đua làm hài lòng rất nhiều fan hâm mộ.
Ngoài những cái tên kể trên, còn có những cầu thủ đã ghi tên mình vào lịch sử. Asamoah Gyan tuy không thể cùng Ghana đi tiếp nhưng đã phá kỷ lục của Roger Milla khi trở thành cầu thủ châu Phi ghi nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup với 6 bàn.
Trong khi đó, lão tướng Miroslav Klose của Đức đã chính thức vượt qua 14 bàn của tiền bối Gerd Mueller để sánh ngang với Người ngoài hành tinh Ronaldo với tư cách những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup với 15 bàn.
Cùng với đó, những Enner Valencia (Ecuador) hay James Rodriguez (Colombia) cũng đang có một giải đấu bùng nổ và hứa hẹn sẽ có tên trong danh sách những CLB lớn mùa sau.
Vấn đề 'vua áo đen'
Giải đấu năm nay tại Brazil chứng kiến sự chính xác của công nghệ Goal Line; sự đơn giản mà tiện dụng, hiệu quả của công nghệ sơn tự tan trên tay các vị trọng tài, nhưng vấn đề lớn nhất cho đến thời điểm này lại đến chính từ những vị "vua áo đen".
Rất nhiều quyết định gây tranh cãi đã được đưa ra, những chiếc thẻ vô lý được rút và những quả penalty không xứng đáng được thổi đã gây nhiều bức xúc cho các đội bóng tham dự cũng như tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.
Nếu như tại World Cup năm 2010, sau 64 trận đấu có 9/17 thẻ đỏ trực tiếp và có 9 pha Penalty, thì ở World Cup 2014, chỉ vừa mới trải qua vòng đấu bảng với 48 trận đấu thì đã có 9 pha thổi phạt penalty cùng với 7/9 thẻ đỏ là trực tiếp.
Những con số trên thực sự không phản ánh tính bạo lực trên sân cỏ đang tăng lên, nhưng nó lại cho thấy sự dễ dãi của các vị "vua áo đen" trong việc ra quyết định của mình, những quyết định thay đổi khá nhiều cục diện trận đấu.
Ngoài ra, vụ việc đáng chú ý nhất chính là hành vi cắn vào vai Chiellini của Luis Suarez. Hành vi đã cướp đi phần còn lại giải đấu của chàng tiền đạo lắm tài nhiều tật người Uruguay để lại ấn tượng không đẹp ở World Cup và tất nhiên anh đã phải xách vali về nước sớm với án phạt nghiêm khắc từ FIFA.
Giải đấu đã đi qua được nửa chẳng đường và với những gì đã diễn ra, World Cup Brazil 2014 thực sự đã mang đến cho người hâm mộ rất nhiều cảm xúc, phản ánh nhiều khía cạnh của bóng đá đương đại, thực sự là một ngày hội không thể bỏ qua.
Theo BBC Vietnamese