Lời khai rợn người của bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non

Jolie

Member
Cho trẻ ăn không kịp thở vì không có thời gian, bóp cổ, quăng thùng nước là để dọa cho các bé sợ mà nuốt thức ăn, ói ra múc lại cho ăn tiếp vì đồ ăn thức uống cũng có giới hạn,…
images1302950_4.jpeg

Ảnh trích từ video clip. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.


Vụ việc bảo mẫu tại trường mầm non Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) bạo hành trẻ đã làm cho dư luận không khỏi sửng sốt và bàng hoàng. Nhiều phụ huynh có con bị bạo hành đã vô cùng phẫn nộ.
Tại CQĐT, những “cô giáo” tại trường mầm non Phương Anh đều quanh co biện minh cho cách “dạy” trẻ tàn độc của mình. “Bé bị ói và khó ăn nên em mới đánh vào mông và nhấn đầu xuống cho bé khỏi ói”, bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) bào chữa cho hành vi của mình.
images1303093_hinh_anh._Bao_mau.jpg
Phương và Lý tại cơ quan điều tra chiều ngày 17/12
Đồ ăn thức uống có giới hạn?!
Bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý khai do bà Phương (bà Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ Q.8, chủ nhà trẻ) bắt buộc phải ép các bé ăn, để khi cha mẹ các bé đón con về không nói là nhà trẻ bỏ đói trẻ.
"Việc trẻ ăn ói ra phải đút lại vì thức ăn có giới hạn, nếu đổ đi thì không có thức ăn cho ăn tiếp", Lý giải thích.
Theo lời Lý khai, bà Phương đã dặn rằng do giá cả đắt đỏ, đồ ăn thức uống có giới hạn. Mỗi tháng cha mẹ các bé chỉ trả từ 1,2 - 1,4 triệu đồng tiền công giữ trẻ, nên phải tiết kiệm đồ ăn thì mới lãi, cuối tháng có tiền trả lương.
Về việc đánh đập, hành hạ các bé dã man, Lý khai đó chỉ là hành động để dọa cho các bé sợ mà nuốt thức ăn.
Lý cũng thừa nhận do các bé “khó ăn” hay nôn ói nên cứ đút thức ăn lia lịa, thức ăn ói ra thì tiếp tục dồn vào miệng các bé; thậm chí Lý thừa nhận đã bế thốc 1 cháu bé cho vào thùng nước cũng chỉ với mục đích hăm dọa.
Qua clip bạo hành trẻ nhỏ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, CQĐT đã xác định các bé bị hành hạ năng nhất gồm bé Lê Tuấn Khanh (1 tuổi); Nguyễn Trần Hào (2 tuổi) và Bùi Ngọc Diệp (4 tuổi).
Phụ huynh căm phẫn, dư luận bàng hoàng
Nhiều người dân sống tại đường Hiệp Bình gần cơ sở mầm non tư thục Phương Anh cho biết, sau khi xem clip, ngay từ sáng sớm nhiều phụ huynh có con từng bị bạo hành đã đến trước cửa nhà trẻ tìm những bảo mẫu tại đây đòi “tính sổ” vì họ không thể giấu nổi và kìm lại sự phẫn nộ trước hành vi tàn ác của những người mang danh sư phạm này.
Tiếp xúc với những người cha, người mẹ khi biết con mình bị bạo hành bởi chính những người “mang danh sư phạm” mà bản thân đã tin tưởng giao phó, họ chỉ biết khóc nấc ôm con vào lòng trong sự căm phẫn đến tột độ.
images1302964_15.jpeg
Ảnh cắt từ clip. Nguồn Tuổi Trẻ
“Tôi không đủ can đảm để xem tiếp đoạn phim. Thật kinh khủng, họ quá dã man và độc ác”, chị Bùi Thị Thanh Lệ có con là bé Lê Tuấn Khang đã bị bảo mẫu hành hạ tại nhà trẻ Phương Anh phải thốt lên trong nước mắt.
“Bản thân cũng có con nhỏ và tôi hiều được nỗi đau của người cha, người mẹ khi chứng kiến cảnh tượng con mình bị hành hạ như súc vật như vậy tôi cũng không thể kiềm chế được. Nhìn các cháu tái mặt vì sợ nhưng vẫn không dám khóc mà muốn ứa nước mắt, họ quá tàn nhẫn”, chị Nguyễn Thị Thảo, có con 2 tuổi bức xúc.
Nhiều người sống tại khu vực cũng hết sức bàng hoàng vì nhiều lần thấy khi nhận trẻ từ tay cha mẹ, những “cô giáo” tại đây đều rất ân cần và niềm nở. Không ai tin được rằng đằng sau đó lại là những cái tát bôm bốp, những cái bóp cổ, bịt mũi và thậm chí dúi đầu trẻ xuống thùng phuy đầy nước.
Đa số những gia đình phải gửi con cho bảo mẫu trông đều là những người nghèo, họ phải tất bật mưu sinh để lo cho cuộc sống. Trong khi không chỉ ở những vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn, tình trạng trẻ nhỏ bị bạo hành đã và đang diễn ra hằng ngày thì liệu có người cha, người mẹ nào có đủ lòng tin để giao con mình cho những người bảo mẫu chăm sóc?
Những vị bảo mẫu nói trên đều đã trải qua trường lớp, bà Lê Thị Đông Phương đã từng tốt nghiệp Đại học loại khá ngành giáo dục mầm non, có nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và từng 7 năm làm giáo viên mầm non.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra đó là tại sao một người đã từng trải qua trường lớp, nhiều khóa đào tạo và có kinh nghiệm như vậy lại có những hành vi đi ngược lại với quy định của pháp luật và thậm chí là chuẩn mực nhân cách của một con người? Phải chăng như nhiều ý kiến cho rằng, xã hội ngày một đi lên nhưng đạo đức và nhân phẩm con người thì lại đi xuống?!. Trong khi đó, những cấp quản lý, cơ quan chức năng thì vẫn buông lỏng và chưa thực sự xiết chặt để để có những biện pháp giải quyết ngăn chặn thực trạng này.

icon_thebox.jpg
Theo báo Đất Việt

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn






 
Back
Top