LHQ 'không bảo vệ được người dân Syria'

T

T$

Guest
  • 12 tháng 3 2015
Chia sẻ
150312051757_1_640x360_reuters_nocredit.jpg
Các tổ chức nhân đạo nói 2014 là 'năm tồi tệ nhất' đối với thường dân tại Syria
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không thể thực hiện các nghị quyết nhằm bảo vệ và giúp đỡ cho thường dân tại Syria, báo cáo chung của 21 tổ chức nhân đạo cho biết.
Các tổ chức này, bao gồm Save the Children và Oxfarm, nói năm 2014 là năm "tồi tệ nhất" đối với thường dân Syria, trong lúc cuộc nội chiến bước vào năm thứ 5.
Một báo cáo về tình hình nhân đạo nói 83% ánh sáng đèn điện tại Syria đã biến mất khỏi hình chụp vệ tinh, kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng Ba năm 2011.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nói mục tiêu dài hạn vẫn là một giải pháp chính trị.
"Thực tế cay đắng là Hội đồng Bảo an đã không thể thực hiện các nghị quyết được đưa ra", ông Jan Egeland, tổng thư ký Hội đồng Người Tỵ nạn Na Uy, nói.
"Các bên tham chiến đã hành đồng tùy tiện và phớt lờ các yêu cầu của Hội đồng Bảo an, thường dân không được bảo vệ và khả năng tiếp cận hàng hóa cứu trợ của họ cũng không được cải thiện", ông nói thêm.
Các điểm chính trong báo cáo:
  • Thường dân không được bảo vệ: Năm 2014 là năm thảm khốc nhất trong cuộc chiến tại Syria, với ít nhất 76.000 người thiệt mạng.
  • Khả năng tiếp cận hàng cứu trợ của người dân không được cải thiện: 4,8 triệu người vẫn còn kẹt ở những khu vực được Liên Hiệp Quốc liệt vào dạng "khó tiếp cận", cao hơn 1 triệu người so với năm 2013.
  • 5,6 triệu trẻ em cần hàng hóa cứu trợ, cao hơn 31% so với năm 2013.
  • Trong năm 2013, 71% chi phí nhằm hỗ trợ cho thường dân tại Syria và người tỵ nạn ở các nước láng giềng được đáp ứng. Con số này đã giảm xuống 57% trong năm 2014.
Ba nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an thông qua hồi năm ngoái nhằm kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào thường dân, tăng cường nỗ lực nhân đạo cũng như cho phép Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Syria mà không cần sự cho phép của chính quyền Damascus, bên cạnh một số yêu cầu khác.
Trong một diễn biến riêng lẻ, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Syria cho biết khoảng 10 triệu người đã lâm vào cảnh vô gia cư sau bốn năm xung đột, trong khi tuổi thọ trung bình ở nước này đã giảm xuống khoảng 20 năm.
Hôm 11/3, một nhóm bao gồm 100 tổ chức nhân đạo và nhân quyền đã công bố các hình vệ tinh trong đó cho thấy lượng ánh sáng đèn điện ở Syria đã giảm đi 83% kể từ tháng Ba năm 2011 do những thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Cũng trong ngày 11/3, tổ chức Bác sỹ Không biên giới nói cần tăng cường khẩn cấp sự hỗ trợ về y tế cho người dân tại đây.
Tổ chức này ước tính có khoảng 2.500 bác sỹ làm việc tại Aleppo, thành phố lớn thứ nhì tại Syria, trước khi xung đột nổ ra.
Tuy nhiên con số này hiện chỉ còn khoảng hơn 100 người.
Số còn lại đã rời khỏi nước này, phải sơ tán hoặc bị bắt cóc và giết hại.
Khủng hoảng tại Syria nổ ra hồi năm 2011, sau các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Quân đội của ông này sau đó đã dùng vũ lực đàn áp những tiếng nói bất đồng, châm ngòi cho cuộc nội chiến.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top