So với Liên hoan phim (LHP) VN 18 thì LHP 19 khởi sắc hơn cả về lượng và chất.
Vàng cho Nước…, Bạc cho Đập cánh…
20 phim khá đa dạng đề tài. Phim nhà nước đi vào các đề tài lãnh tụ, hậu chiến, dã sử. Phim tư nhân chọn đề tài trong giới ca nhạc, showbiz, giới trẻ trong cuộc sống đương đại, xã hội đen – giang hồ, người tốt – việc tốt và cả đề tài thuộc diện hot không chỉ ở VN: Lưỡng tính. Có phim dạng con lai như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - nhà nước đặt hàng, tư nhân thực hiện. Một số phim đã xuất hiện và thắng nhiều giải quốc tế tại Italy, Pháp, Slovakia như Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp hay trình chiếu khai mạc chương trình Toàn cảnh tại LHP Berlin như Nước 2030 của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Có phim thắng giải Cánh diều của Hội Điện ảnh VN như Những đứa con của làng, Lạc giới… và cả phim từng gây bão trong dư luận khi không bán được vé vì nhiều lý do chủ quan và khách quan như Sống cùng lịch sử.
Sự cạnh tranh còn đến từ những đạo diễn thuộc diện sắp già như Vương Đức, Thanh Vân, Phi Tiến Sơn… đấu với những đạo diễn đang độ chín ở tài năng như Victor Vũ, trẻ hơn chút nữa như Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp và cả trẻ măng như Đinh Tuấn Vũ.
Nước 2030 của Nguyễn Võ Nghiêm Minh (ảnh) dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Nước như nước mắt làm từ năm 2011 là phim hay, vừa pha trộn hình sự, hiện thực, lãng mạn và cả viễn tưởng. Phim vừa mang tính cảnh báo về môi trường, vừa là hiện thực nghiệt ngã về lòng tham con người – tạo nên sự biến đổi gene ở các loài thực vật để hủy hoại chính cuộc sống con người, lại là câu chuyện tình yêu nhuốm màu bi kịch. Hình ảnh kết phim đẹp và lãng mạn nhưng đầy u ẩn neo lại trong tim người xem, sự sống và hủy diệt, tình yêu và hận thù, sinh sôi và tận diệt… tất cả như hòa vào nhau trong một ý tưởng sâu có tính triết học.
Dù Nước 2030 đôi chỗ có đoạn nên chăng xử lý thô ráp hơn, hoang dại hơn, thay vì sự mượt mà, nhưng trên mặt bằng phim dự thi, nó hoàn toàn đủ mạnh để đoạt giải vàng.
Nhưng thực tế đã chứng minh, không phải phim hay nhất là phim thắng Bông sen vàng. Một phim lên ngôi vương phải hội tụ nhiều yếu tố, mà việc chấm giải giống như chơi cờ vậy.
Như bộ phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh tại LHP VN 15 tổ chức tại Nam Định năm 2007 từng được coi là ứng viên số 1 mà rồi thất bại nhìn phim Hà Nội, Hà Nội lên ngôi.
Vàng cho Nước 2030 và bạc cho Đập cánh giữa không trung và thêm một số phim khác sẽ là một lựa chọn táo bạo và mang tính đổi mới triệt để. Nhưng đây chỉ là ảo tưởng!
Giải pháp an toàn
Nhìn vào thành phần Ban giám khảo (BGK) phim truyện điện ảnh, dễ thấy xu hướng thận trọng và an toàn có lẽ là chủ đạo. Hơn thế, việc chấm giải phải nhìn trước ngó sau, cho hãng này giải này thì phải nhường hãng kia giải khác để không có ai đi lạc đường. Rồi làm sao thể hiện sự bình đẳng không phân biệt phim nhà nước – phim tư nhân, nhưng cũng phải chứng minh đồng tiền do Nhà nước bỏ ra là hiệu quả, dòng phim chính luận, truyền thống là quan trọng, không thể thiếu trong nền điện ảnh VN. Cái mới mà kén khán giả chưa hẳn đã được đánh giá cao bằng cái cũ, cái an toàn, cái cẩn thận, chỉn chu.
Và hiệu ứng xã hội cũng được nhắc đến, nhất là những giọt nước mắt của khán giả dễ rơi không hẳn vì quá xúc động, mà vì cảnh huống của phim gợi lại một hoàn cảnh mà họ đã từng trải qua trong cuộc đời.
Nếu nhìn như thế, trong số những phim tranh Vàng, Nhà tiên tri- phim về Bác Hồ của đạo diễn – NSƯT Vương Đức – sẽ nổi lên như ứng cử viên hàng đầu, dù phim này không phải là tác phẩm thật xuất sắc. Tiếp sau là những Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ, Trúng số của Dustin Nguyễn, rồi Những đứa con của làng - đạo diễn Nguyễn Đức Việt, Đường xuyên rừng - đạo diễn Xuân Cường, rồi Lạc giới, Hương Ga hay Cuộc đời của Yến không phải là không sáng cửa! Phim về Bác thứ hai trong LHP 19 Thầu Chín ở Xiêm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng vì nhiều lý do khó cạnh tranh được với Nhà tiên tri, trong đó có yếu tố: Tính khái quát của Nhà tiên tri cao hơn khi làm về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ hơn trong cuộc đời lãnh tụ.
Điện ảnh Quân đội có 13 phim tranh giải LHP 19
Chưa lần nào Điện ảnh Quân đội tham gia hùng hậu như ở LHP lần thứ 19 này, có tới 13 phim được lựa chọn dự tranh giải và có những ứng cử viên nặng ký cho các giải Bông sen vàng, Bông sen bạc…
Về phim tài liệu và phim khoa học – thể loại được coi là thế mạnh, Điện ảnh Quân đội năm nay có tới 10 tác phẩm tham dự như 30/4 – Ngày thống nhất của đạo diễn – NSND Lê Thi, Bồ câu hỏa tuyến của Vũ Anh Nhất, Cung đường tiếp lửa của Phạm Hồng Thắng, Điện Biên Phủ – Sức mạnh lòng dân của Nguyễn Quang Quyết”, Khát vọng người của NSƯT Phạm Huyên, Nét văn hóa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh của đạo diễn – NSƯT Lưu Quỳ… Thể loại phim truyện, Điện ảnh Quân đội có 3 tác phẩm dự thi, trong đó nổi bật nhất là phim truyện điện ảnh Người trở về - đạo diễn Đặng Thái Huyền. Hai phim truyện còn lại của thể loại phim video, gồm Cánh rừng không yên ả - đạo diễn Trần Trung Dũng nói về sự hy sinh, mất mát của những người lính công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn và Đất lành - đạo diễn Đặng Thái Huyền, là một câu chuyện đẹp về tình yêu thời hậu chiến giữa những con người từng ở hai chiến tuyến khác nhau.V.V
Theo Việt Văn/Báo Lao Động