Liên quân sẽ không dễ hạ bệ Gadhafi

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) - ( 3:58 PM | 21/03/2011 )Bất chấp việc bị nội công ngoại kích toàn diện, đại tá Gadhafi vẫn thách thức phe liên quân. Thêm vào đó là thế bế tắc có khả năng kéo dài tại Libya càng khiến mục tiêu hất cẳng Gadhafi không hề đơn giản.

Ngay cả khi liên quân đã phát động không kích Libya, cuộc tranh cãi về hành động này vẫn tiếp diễn và nhiều nhà quan sát cho rằng nó sẽ mang tới rủi ro lớn về chính trị cho các nước tham gia. Những ví dụ tại Afghanistan và Iraq trước đây đều cho thấy một thực tế, hành động quân sự ban đầu của liên quân thường khá dễ dàng, nhưng những gì theo sau chiến dịch đó mới thực sự khó khăn.

Lien-quan-se-khong-de-ha-be-Gadhafi_Tin180.com_001.jpg

Đại tá Muammar Gadhafi trong một hội nghị quốc tế. Ảnh: EPA

Mục tiêu của chiến dịch không kích do Anh, Pháp và Mỹ đang tiến hành là đánh bại lực lượng của đại tá Gadhafi và buộc họ rút khỏi các thành phố do phe nối dậy chiếm giữ ở miền đông, đồng thời mở cửa bầu trời Libya cho một lệnh cấm bay đã được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Với lực lượng quân đội dàn trải của Libya, đây không phải là mục tiêu quá khó đối với liên quân gồm những nền quân sự mạnh nhất thế giới. Với sức mạnh của không quân đa quốc gia, đại tá Gadhafi gần như chắc chắn sẽ không thể mở các chiến dịch tấn công phe chống đối như trước đợt không kích đêm 19/3. Nhưng bản thân phe nổi dậy tại Libya lại không đủ lực để thách thức những vùng đất do phe thân Gadhafi kiểm soát ở phía tây đất nước.

Trong khi đó, liên quân chỉ dùng không quân đánh nhanh rút gọn, chứ không mạo hiểm đưa bộ binh vào hỗ trợ phe chống Gadhafi tại Libya. Điều này có khả năng tạo ra thế giằng co chia đôi đất nước Libya trong thời gian dài sắp tới, một kịch bản giúp đại tá Gadhafi vẫn giữ quyền lực như trước khi có cuộc không kích.

Với việc lãnh đạo Anh, Pháp và Mỹ đều đã công khai lên tiếng đòi đại tá Gadhafi phải ra đi, thì rõ ràng kịch bản nói trên sẽ không làm họ hài lòng sau khi đã đổ không ít tiền của cho chiến dịch không kích mang tên Bình minh Odyssee.

Hơn nữa, nghị quyết ủng hộ vùng cấm bay của Liên Hợp Quốc ngày 17/3 cũng nêu rõ mục tiêu của hành động can thiệp quân sự vào Libya là nhằm đạt được sự ngừng bắn tại đây và chấm dứt các vụ quân đội tấn công thường dân. Nghị quyết không nhắc gì đến thay đổi chế độ chính trị tại Libya, nên việc "nhân tiện" chiến dịch không kích để tiêu diệt luôn đại tá Gadhafi là không có cơ sở pháp lý.

Liên quân rạn nứt mục tiêu

Chính chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen cũng thừa nhận thế bế tắc có thể giúp đại tá Gadhafi tiếp tục tại vị, bất chấp việc liên quân đã mở chiến dịch không kích quy mô lớn. Telegraph dẫn lời ông cho rằng, kết quả của cuộc không kích "rất mông lung" và nhấn mạnh Washington không coi việc lật đổ lãnh đạo Libya là mục tiêu của chiến dịch Bình minh Odyssee.

Theo đó đô đốc Mullen cho rằng chiến dịch trên vẫn có thể được coi là thành công, ngay cả khi Gadhafi tại vị sau đó. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đang ở thăm Brazil khi trận không kích diễn ra cũng lảng tránh không nhắc lại lời kêu gọi Gadhafi từ chức mà ông đưa ra trước đây. Ông mô tả chiến dịch này là "hành động quân sự giới hạn tại Libya, nhằm hậu thuẫn cho các nỗ lực quốc tế bảo vệ thường dân Libya".

Đây có thể là mối rạn nứt giữa Mỹ với phần còn lại của liên quân là Anh và Pháp trong mục tiêu của chiến dịch. Nguyên nhân vì ngay khi kế hoạch can thiệp quân sự được Liên Hợp Quốc phê chuẩn, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng kết cục có lô gíc cho chiến dịch quân sự là hạ bệ đại tá Gadhafi. Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhiều lần nhắc lại yêu cầu lãnh đạo Libya phải từ chức khi nói đến kế hoạch can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox hôm qua thậm chí còn không cần úp mở khi tuyên bố rằng, cá nhân đại tá Gadhafi có thể là mục tiêu trong các trận không kích của liên quân, nếu điều này không gây rủi ro cho thường dân. Trên thực tế, đợt không kích đêm 20/3 đã phá huỷ toà nhà điều hành trong khu phức hợp của đại tá Gadhafi tại Tripoli, nhưng ông dường như vẫn bình an vô sự.

Thêm vào đó, Washington còn có dấu hiệu tìm cách hạn chế vai trò của mình trong chiến dịch đánh Libya, khi nhường cho Anh và Pháp lĩnh ấn tiên phong trong trận không kích. Sau khi chiến dịch mở màn ít lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết nước này sẽ sớm nhường lại quyền chỉ huy chiến dịch cho các đối tác trong liên quân, để Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Phương tây càng khó hạ bệ đại tá Gadhafi hơn khi ông này tỏ ra không nao núng sau đợt tấn công đầu tiên của liên quân, bất chấp việc gần như cả thế giới tuyên chiến với ông, các nước láng giềng muốn ông ra đi và một phần lớn người dân trên đất Libya coi Gadhafi là kẻ thù. Chưa hết, một số bộ trưởng thân cận với Gadhafi đã phản bội và chạy sang phe đối lập.

Nhưng trước vô số những thứ chống lại mình như trên, đại tá Gadhafi và quân đội ủng hộ vẫn không có ý định buông súng. Lực lượng này có những toan tính khi cuộc tấn công của liên quân cận kề. Ngày 18/3, chính quyền Gadhafi đã "câu giờ" Anh, Pháp và Mỹ thêm một ngày, với lời hứa sẽ ngừng bắn toàn diện để có thời gian chuẩn bị đón nhận đợt không kích gần như không thể tránh khỏi.

Sau đợt bắn phá đầu tiên vào đêm 19/3, đại tá Gadhafi xuất hiện trên đài phát thanh tuyên bố:

"Chúng tôi sẽ chiến đấu nếu các người tiếp tục tấn công chúng tôi. Điều cần thiết bây giờ là mở cửa các kho vũ trang để trang bị cho toàn thể nhân dân tất cả các loại vũ khí, nhằm bảo vệ nền độc lập, thống nhất và danh dự của Libya".

Thông điệp này báo hiệu bước đi tiếp theo của phe liên quân tại Libya sẽ "khó nhằn" chả kém Afghanistan và Iraq.

(theo vnexpress)
 
Back
Top