Mánh làm ăn lọc lừa của 'cò' mai táng

Jolie

Member
Nhiều người xa quê, đến các thành phố lớn để mưu sinh, khi gia đình đột ngột có ma chay, không bà con, người thân bên cạnh, họ chỉ trông nhờ đến các dịch vụ chuyên nhận tổ chức mai táng từ A đến Z. Và đây là cơ hội cho các tay “cò” tận dụng đến người vừa chết để kinh doanh.
Chị Lê Thị Thanh Hương (sinh năm 1977, quê Hà Tĩnh) cùng mẹ già vào TP HCM sinh sống, lập nghiệp tại quận 2 từ năm 2001, bằng nghề bán quán ăn nhỏ. Vào một ngày, người mẹ đột ngột lâm bệnh và qua đời. “Khi lối xóm hay tin mẹ tôi mất, nhiều người ghé thăm chia buồn, cũng không ít người hỏi thăm, có ai lo việc ma chay cho mẹ chưa để họ giới thiệu giúp. Sau đó, liên tục có nhiều người nhận tổ chức làm lễ mai táng đúng nghi thức của từng tôn giáo, bao trọn gói từ A đến Z. Gia đình đang bối rối, đơn chiếc lại gặp người đứng ra nhận làm chu toàn việc ma chay cho mẹ nên tôi không hề suy nghĩ, tính toán gì. Người đó giới thiệu tên Quang, chuyên nhận làm mai táng khắp nơi trong thành phố, giá cả sẽ tính phải chăng”, chị Hương kể.
Chị cho biết thêm, Quang đưa ra hai dịch vụ, hỏa táng và đào huyệt chôn. Anh ta cũng cho biết có 3 loại giá là 25, 35 và 45 triệu đồng, bao trọn gói gồm một quan tài, một xe vàng (xe chở quan tài), một xe khách 50 chỗ, một xe dẫn đường, áo tang và các nghi thức tẩm liệm, ướp xác bằng trà, rải giấy vàng mã, khiêng chuyển quan tài đến lúc hoàn thành. Ngoài những phần trên, gia đình phải chịu tính phí phát sinh riêng.
“Chúng tôi sẽ phục vụ tất cả các chương trình nếu gia đình có nhu cầu làm mai táng lớn như mời thầy tụng chuyên nghiệp, thổi kèn tây, ảo thuật xiếc, kèm luôn chương trình ca nhạc. Chúng tôi sẽ nhận tiền hợp đồng trước 50 %, riêng các chương trình kêu thêm phải đặt và thanh toán trước. Chị nên chọn hòm tốt, loại bao trọn gói giá 45 triệu đồng, cứ xem như là lần trả hiếu cho mẹ mình lần cuối đi”, chị Hương thuật lại những lời “cò” Quang nói.
an_tang2.jpg

Lễ an táng mẹ chị Hương.
“Nghe lời thuyết phục của “cò” Quang, tôi chọn loại hòm tốt, bao trọn với giá 45 triệu đồng. Nhìn chiếc quan tài rất đẹp, khi mở nắp quan tài ra thấy lồng kính rất uy nghiêm. Tuy nhiên, khi nắp quan tài vừa đóng lại, tôi mới phát hiện ra một góc cạnh chiếc hòm bị bong tróc, chỉ là một lớp gỗ mỏng trang trí đẹp bên ngoài quan tài, bên trong là một loại ván ép trông rất xốp, màu nước sơn vẫn chưa khô ráo”, chị Hương bức xúc.
Chị Hương chia sẻ, nghĩa tử là nghĩa tận, mọi chuyện qua rồi chị không muốn nhắc lại, nhưng chị muốn tâm sự cùng những ai nếu gặp hoàn cảnh tương tự hãy lưu ý hơn. Tuy trong lúc gia đình đang tang gia bối rối, nhưng cũng không nên quá tin lời của những tay “cò” tổ chức mai táng.
Một tay “cò” tên Tuấn (sinh năm 1960, quê miền Tây, sinh sống ở TP HCM) bày chiêu: "Tôi chỉ hướng dẫn phần cơ bản thôi, nghề dạy nghề, công việc này phải lanh lẹ, nói chuyện phải khéo léo, thuyết phục. Một ngày chết có mấy người đâu, làm “cò” mà chỉ hết bí quyết lấy gì mà sống. Bước đầu, đến các cơ sở, trại hòm bán quan tài, hỏi người ta, nắm rõ hết các khung giá đưa ra về việc mai táng trọn gói.
Khi phát hiện gia đình nào vừa có người chết, vào “chào hàng” liền, làm giá được hay không là do tài năng nói chuyện. Nếu bước đầu chưa quen, mình chỉ cần gọi điện thoại, giới thiệu có người chết là có được tiền hoa hồng rồi”.
Tại cơ sở phục vụ mai táng Trại hòm tại quận 12, anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1967, người quản lý trực tiếp ra báo giá) cho biết, hiện có rất nhiều loại “cò” môi giới tổ chức làm mai táng. Họ lưu động khắp nơi, giao tiếp khá rộng, khi một gia đình nào có người vừa qua đời, họ liền có những người quen xung quanh "alô" thông báo. Ký được hợp đồng, họ trích tiền cà phê cho người thông báo, sau đó đem hợp đồng đến ký tại các trại hòm quen biết để được nhận tiền phần trăm.
Ông Hùng cho biết thêm, hiện cơ bản có hai loại “cò”. Loại thứ nhất, với những “cò” mới vào nghề, nắm được khung giá từ trại hòm đưa ra, sau khi nói chuyện với khách hàng xong, họ mời khách (gia đình người chết) đến trực tiếp cơ sở, hai bên làm việc rõ ràng, ký xong hợp đồng, “cò” chỉ việc nhận tiền phần trăm hoa hồng, trách nhiệm còn lại là thuộc về cơ sở trại hòm.
Cũng không ít “cò” yêu cầu phải kê giá thêm gần cả 10 triệu đồng, nếu không “cò” đưa khách đi trại hòm khác. Vậy, “cò” vừa hưởng lời từ tiền kê giá lẫn cả tiền nhận phần trăm là hơn chục triệu đồng trên mỗi lần nhận làm mai táng.
Loại “cò” thứ hai, sau vài lần đưa khách đến cơ sở ký hợp đồng thành công, những lúc đang tổ chức lễ mai táng, “cò” này luôn đi cùng. Có được nhiều kinh nghiệm, “cò” tự trực tiếp ký hợp đồng tại tư gia của khách hàng, lên danh sách chương trình làm lễ, rồi tự ra giá. Cuối cùng, tay “cò” đi nhiều nơi đặt và thuê hàng tận gốc. Thuê mướn từng bộ phận riêng, như xe, kèn tây, mời thầy tụng, liên hệ lò hỏa thiêu, đặt quan tài tại cơ sở sản xuất…, nhằm hưởng lợi nhuận cao hơn. Các cơ sở trại hòm cũng phải chấp nhận theo yêu cầu của “cò”, nếu từ chối xem như mất mối vì “cò” không đưa khách đến.
Tại một cơ sở sản xuất quan tài lớn, nơi đã có trên 3 đời làm nghề đóng và bán hòm. Thương hiệu này có tiếng mấy chục năm qua tại TP HCM do bà Huỳnh Lý Hoa (sinh năm 1950, ngụ quận Tân Bình) quản lý.
“Nhiều người không tỉnh táo, cứ chăm chú nhìn mẫu mã bên ngoài mà không hề hiểu rõ được về chất lượng gỗ nằm ở lớp giữa hoặc phía bên trong của chiếc quan tài thế nào”, bà Hoa bộc bạch. Bà Hoa cũng cho biết, gỗ đóng hòm có rất nhiều loại, nếu gỗ quý có loại lên đến gần 50 triệu đồng cho một chiếc quan tài, nhưng cũng có loại quan tài chỉ có vài triệu đồng.
Về lương tâm, khi một người đứng nhận tổ chức mai táng bao trọn gói cho khách hàng, biết gia đình người ta có nguyện vọng hỏa táng thì nên chọn mẫu quan tài nắp vuông, có giá tiền rẻ nhất, chất liệu gỗ cháy nhanh, sẽ giảm bớt sự tốn kém rất nhiều.
“Các mẫu quan tài khi mở nắp ra, thấy lồng kiếng uy nghiêm, trông rất đẹp. Thật ra, đó chỉ là chất liệu mica mỏng, loại chất nhựa trong suốt. Nhiều tay “cò” đến đặt hàng chúng tôi cần đóng gấp, yêu cầu bên ngoài mẫu mã thật đẹp giống như gỗ quý, nhưng bên trong lại là một loại ván thường rẻ tiền, với lý do vì sẽ đưa vào lò hỏa thêu. Tất cả các quan tài khi đi hỏa táng, bên ngoài trạm trỗ thế nào đi chăng nữa, nhưng bên trong các cơ sở sản xuất vẫn làm bằng chất liệu gỗ bình thường, dễ cháy. Chính vậy, không nên chọn loại nhiều tiền, vừa mất tiền lại rất phí”, bà Hoa chia sẻ.
Bà Hoa tiết lộ, khi các tay “cò” nhận tổ chức mai táng trọn gói, họ luôn giới thiệu sẽ chọn hòm có chất lượng gỗ tốt cho gia chủ. Để đánh lừa tâm lý khách hàng, trước khi khiêng quan tài đến, gia đình khách hàng, tuy trọng lượng rất nhẹ nhưng cả nhóm khiêng lại “diễn” ra vẻ khá nặng nhọc. Trong thời điểm đang tang gia bối rối, không gia đình nào kiểm tra chất lượng nặng nhẹ, tốt xấu của chiếc quan tài. Chính thế, khách hàng cần cẩn thận và lưu ý khi các “cò” mai táng hét giá cao “ngất ngưỡng”. Riêng chất lượng thế nào thì chỉ có người đi đặt mẫu quan tài và nhà sản xuất mới biết.
Theo Pháp Luật







 
Back
Top