Mồ chôn tập thể người Kurd được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ

T

T$

Guest
Công tác khai quật hai ngôi mộ tập thể gần thị trấn Bitlis tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ thật là ghê rợn. Cả hai địa điểm nằm gần một hố đổ rác được cảnh sát địa phương sử dụng.

Cho đến nay đã có 20 thi thể được tìm thấy. Người ta tin rằng các nạn nhân là những người mà người Kurd gọi đơn giản là “thành phần bị mất tích”.

Cha của cô Ayfer nằm trong số những người này. Năm nay 25 tuổi, cô kể rằng khi mới lên 10, cô đã chứng kiến cảnh cha bị lính lôi ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm. Cô Ayfer đã bỏ ra cả đời mình để đi tìm tung tích của cha. Cô nói:

“Cha tôi không có lấy một ngôi mộ. Ông hoàn toàn cô độc. Khi tìm ra ông, chúng tôi sẽ đào một huyệt mộ cho ông tại nghĩa trang, như thế ông sẽ có một nơi yên nghỉ trên cõi đời này.”

Cô Ayer nói tiếp:

“Thật là đau khổ khi lớn lên trong tình cảnh không biết cha mình đang ở đâu.”

Ayfer là một trong hàng ngàn người cố công đi tìm hài cốt của người thân. Cha của cô là nạn nhân của cuộc chiến tranh bẩn thỉu do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ phát động chống tổ chức người Kurd nổi loạn, gọi tắt là PKK.

Tổ chức PKK đã đấu tranh để đòi quyền cho người Kurd từ năm 1984 tới nay.

Bà Emma Sinclair thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ nói những vụ mất tích này nằm trong chính sách của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khủng bố dân địa phương. Bà Webb nói:

“Đầu những năm 1990, có chính sách vây bắt hàng trăm, hàng ngàn thường dân. Những người này không được xét xử theo đúng nghĩa dựa trên tiến trình pháp lý, mà bị đe dọa, tra tấn. Trong suốt giai đoạn này, những vụ tra tấn có hệ thống diễn ra và một số người không bao giờ được nghe đến nữa. Trong vùng này, hàng ngàn người đã mất tích, nhiều bộ hài cốt cũng được tìm thấy vào thời gian đó, nhưng không sao nhận diện được và cũng không có cố gắng nào để phát hiện những vụ giết chóc đã xảy ra như thế nào và dưới tay của ai. Vì thế mà tại đây có một quá khứ kinh khủng, diễn ra trong bối cảnh không ai bị trừng phạt vì những tội ác đã phạm, trong các vụ mất tích và giết chóc.”

Các nhà quan sát nói rằng quá khứ đen tối đó vẫn tiếp tục là một vết thương chưa lành tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc phát hiện các ngôi mộ tập thể khiến hàng ngàn người Kurd biểu tình phản đối điều mà theo họ, là sự im lặng của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.

Trong những năm qua, chính đảng của người Kurd kêu gọi mở điều tra về những người mất tích, tuy nhiên nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ đòi hỏi đó, nói rằng đó là tuyên truyền của các phần tử khủng bố. Cho tới bây giờ.

Ông Sezgin Tanrikulu là một luật sư người Kurd lừng danh, đang đặc trách vấn đề nhân quyền cho CHP, đảng đối lập chính. Ông nói Thổ Nhĩ Kỳ phải trực diện với những gì đã xảy ra trong cuộc tranh chấp này. Luật sư Tanrikulu phát biểu:

“Điều chúng tôi yêu cầu hôm nay, có thể đặt chúng ta trên con đường đi đến hòa giải và thực thi công lý liên quan tới các vụ giết chóc, giải quyết vấn đề người Kurd, và dẫn tới dân chủ.”

Luật sư Tanrikulu kêu gọi Quốc hội thành lập một Ủy ban Sự thật trên căn bản không đảng phái.

Ông nói Ủy ban này nên điều tra các vụ ám sát chính trị chưa tìm ra thủ phạm, và những ca liên hệ đến những người mất tích, đã xảy ra từ cuộc đảo chánh quân sự năm 1980.

Cho đến nay đảng AK cầm quyền vẫn bác bỏ lời kêu gọi này. Tuy nhiên áp lực đang tăng từ Liên hiệp Châu Âu giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang vận động để được gia nhập khối EU.

Ông Richard Howitt, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc hội châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ, nói chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi thái độ. Ông nói:

“Hiện vẫn có nhiều chống đối trong giai cấp cầm quyền ở Ankara, chống lại các quyền của người Kurd. Lập trường hiện nay của chính phủ Thổ nhĩ kỳ và những người chung quanh giai cấp cầm quyền, đơn giản là tấn công các hành động khủng bố của đảng PKK.”

Áp lực đang tăng đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã bắt đầu có hiệu quả. Cuối tuần qua, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã gặp các bà mẹ của những người mất tích, một diễn biến được công bố rộng rãi.

Thủ tướng Erdogan hứa sẽ xem xét những trường hợp cá nhân, nhưng ông từ chối lời kêu gọi nên mở một cuộc điều tra Quốc hội về vấn đề này.
 
Back
Top