Một bước sa chân của những bóng hồng “ký sinh” chốn đèn mờ

Jolie

Member
[h=2]Đứng trên lằn ranh mong manh giữa được và mất, nhiều nữ tiếp viên “ký sinh” chốn đèn mờ đã không vượt qua được cám dỗ của ma lực đồng tiền để rồi đánh mất mình trong tích tắc. Không ít người sau khi sa chân vào vũng lầy của tệ nạn xã hội, bị nhiễm sống buông thả, thói bài bạc, nghiện hút, mại dâm… đến lúc sực tỉnh thì đã quá muộn. Vì mặc cảm bản thân hoặc không đủ bản lĩnh để quay đầu, họ thường buông xuôi “phó thác” cho số phận.[/h]
karaoke1-d79a2.jpg

Nghề “đào di động” khó tránh khỏi cạm bẫy. Ảnh minh họa


Đa lao, theo lao

Hơn 3 tiếng đồng hồ hò hát, nhảy múa, nốc bia…, mấy vị khách vẫn hào hứng với những bản tình ca xen lẫn tiếng nhạc xập xình. Dù đã cố diễn nhiều bài để chiều lòng khách nhưng giọng ca ngọt ngào của Kiều Duyên (25 tuổi, quê Kiên Giang) khiến cô vẫn không được những kẻ thừa tiền cho nghỉ, buộc cô phải song ca tiếp. Miễn cưỡng cầm micro, Kiều Duyên đổi giai điệu trầm buồn: “Có phải em về trong đêm nay, bước thấp bước cao ngả nghiêng trên đời này…”. Bản tình ca “Mèo hoang” Kiều Duyên cất lên như than vãn cho số phận. Đã bao nhiêu đêm, cô phải làm phận “mèo hoang” và bước thấp bước cao ngả nghiêng trên vỉa hè, dưới bóng đèn đường vàng quạch (?). Kiều Duyên không thể nhớ nổi. Chỉ biết để được bo nhiều tiền mỗi đêm, cô phải chiều lòng khách bên bàn nhậu, trong những căn phòng mờ ảo và cố dề tấm thân ra để những gã đàn ông thừa tiền rửng mỡ thoải mái thực hiện những hành vi khiếm nhã.

Kiều Duyên tâm sự, đã rất nhiều lần cô bỏ nghề, cố đi tìm những công việc khác tránh xa chốn đèn mờ, nhưng rồi không đủ nhẫn nại để kiếm những đồng tiền thấm mồ hôi, vậy là cô chặc lưỡi quay lại phận “ký sinh”. Vẫn biết đã bước chân vào nghề này thì có ngàn lẻ một lý do để bào chữa nhưng tôi vẫn thấy Kiều Duyên có cái lý riêng. Cô nói: “Thôi thì đời mình coi như vứt, hy sinh đời chị củng cố đời em”, khi nào hai đứa em tốt nghiệp đại học thì hẵng tính, chứ giờ mình nghỉ làm thì lấy tiền đâu ra nuôi chúng nó?”. Duyên cho biết hiện tại tất cả chi phí ăn học của người em trai kế (21 tuổi, học năm hai Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) và em gái (19 tuổi học năm một Đại học Cần Thơ) đều do một tay cô chu cấp.

Kiều Duyên kể, mười mấy năm trước cha mẹ cô li dị, mỗi người bỏ xứ đi xây dựng hạnh phúc mới. Từ lúc ấy, ba chị em cô đã phải về bên ông bà nội sống để được cưu mang. Năm 13 tuổi, Kiều Duyên phải tự bươn chải, mưu sinh đủ nghề sau đó trôi dạt lên Sài Gòn để làm mướn, san sẻ gánh nặng cho ông bà, kiếm tiền nuôi các em đi học. Dù không được cắp sách tới trường nhưng dường như sự từng trải, va chạm nhiều với cuộc sống phố thị khiến Kiều Duyên chín chắn và sâu sắc hơn những tiếp viên khác mà tôi từng gặp. Cô không đua đòi, không ham giàu sang mà chỉ ao ước sau này nhìn thấy các em của mình ra trường có việc làm ổn định. Đến lúc đó, cô sẽ thôi làm nghề “ký sinh” này để đi làm công nhân hoặc kiếm một công việc gì đó khác xa chốn nhơ nhớp hiện tại. Thế nhưng, liệu đến lúc có đủ điều kiện, cô có dám chắc rằng sẽ không lặp lại như vài ba lần dứt nghề bất thành trước đó (?). Nghe tôi hỏi vậy, Kiều Duyên chỉ im lặng.

quan-karaoke-d79a2.jpg

Ảnh minh họa


Làm cùng quán với tôi trong những ngày thực hiện loạt bài này, “đào” Kim Muội (29 tuổi, quê Vĩnh Long) trông lúc nào cũng đầy vẻ bất cần. Từng “lỡ một lần đò” và có đứa con trai 4 tuổi, chị xem nghề này như một phương thức kiếm tiền dễ dàng để nuôi miệng hai mẹ con. Ngày chưa tan vỡ, người chồng biết Kim Muội làm nghề “tai tiếng” này nên nhiều lần đánh đập khiến chị phải bỏ nghề đi làm công nhân. Nhưng vạ vật một thời gian không quen được cuộc sống cơ cực, chị lại quay về với nghề cũ, hàng đêm chầu trực bên những bàn nhậu bật bia, uống mồi chài, nói chuyện mua vui… để lấy những đồng tiền bo của khách. Chị nói với giọng bất cần: “Trước mắt, nghề này còn kiếm được tiền, khi nào “hết duyên” (nhan sắc tàn phai) thì tính tiếp”.

Dễ đánh mất mình

Ông T.V.D (47 tuổi) được giới thiệu là chủ có tiếng một công ty buôn bán gỗ, vị khách mà tôi quen ngay lần đầu tiên dấn thân ở một quán Karaoke thuộc quận 9. Ông tướng mạo điềm đạm, ăn nói nhẹ nhàng trông có vẻ là người đứng đắn. Trong cuộc hát ban đầu, ông giải thích với tôi việc “đi hát” của mình: “Vì ngoại giao phải chiêu đãi đối tác nên mới vào chốn này hát giải trí chút cho vui”. Thế nhưng khi có hơi men, ông ta “lại hát ít hơn làm”, thế rồi ông ta không ngần ngại ghé tai tôi đề nghị: “Tối nay đi chơi với anh nhé (?). “Hai lá” (2 triệu - PV), OK (?), vì ngay lần đầu gặp anh đã thích em”. Tôi vờ vịt thắc mắc đi chơi ở đâu, tại sao lại cho tiền thì ông ta trả lời sỗ sàng: “Anh biết bọn em làm nghề này chỉ là hình thức thôi chứ không “đi với khách” thì làm sao có dư (?). Nếu thích nhau đâu chỉ riêng đêm nay mà sau này mình còn alo nữa”. Tôi vờ lý do có người ở quê lên nên phải về đón nên từ chối và hẹn lần khác.

Ngồi kế bên tiếp viên N.Q (27 tuổi, Bạc Liêu, chúng tôi đã nói ở kỳ 2) nghe hết câu chuyện. Thấy tôi từ chối nên chị ta liền tiếp lời với ông khách: “Nếu anh cần “đi” thì để em giới thiệu cho nhỏ bạn. N.Q cho biết, những nhân viên kiêm “đi khách” như người mà cô giới thiệu ở đây không ít, nhưng điều này rất bí mật chỉ có 3 người biết để tránh công an “sờ gáy”.

Quá trình tìm hiểu sau đó giúp tôi ngộ ra, phần lớn những “đào” karaoke chấp nhận đi khách là những người đã một vài lần lỡ làng, bị chồng phát hiện hắt hủi hoặc ăn chơi bài bạc, nợ nần không thể quay đầu. Phương Uyên (22 tuổi, quê Tây Ninh) đang là sinh viên, dù biết Ông H. (53 tuổi) đã có gia đình nhưng cô vẫn chấp nhận lén lút làm “bồ nhí” suốt 2 năm nay để móc hầu bao. Cô kể khi cặp ông H. thì cô đồng thời yêu một cậu sinh viên tên N. (sinh viên Trường ĐH Hồng Bàng), nên mỗi tháng dù tình già chu cấp cho 5 triệu vẫn không đủ để cô nuôi người yêu. Cách đây gần 5 tháng, người cô yêu ra trường và về thẳng quê Đà Nẵng làm việc và chủ động cắt đứt liện lạc với cô. Bao lời “thề non hẹn biển” ngày còn nhau đều tan biến, N. đau buồn, suy sụp và hụt hẫng. Mất hết niềm tin vào tình yêu, từ đó N.Q. tự nhủ chỉ đến với những người đàn ông có tiền.

Không như N., trường hợp của Thanh Thúy (25 tuổi, quê Sóc Trăng) lại do ăn chơi nợ nần, quá túng bấn mà sa chân. Có đêm, cô dẫn lần lượt mấy người đàn ông về phòng để “đi khách”, do ít hiểu biết, không phòng tránh nên nhiều lần phải nạo phá thai. Cách đây không lâu đi khám phụ khoa ở Bệnh viện Từ Dũ, nghe bác sỹ bảo sau này chẳng còn khả năng sinh con nữa, Thúy chán nản bật khóc. Những ngày sau đó, Thúy lao mình vào chốn đèn mờ như con thiêu thân, sẵn sàng ngủ với bất cứ người đàn ông nào nếu cho cô nhiều tiền. Mới 25 tuổi nhưng thân thể đã có dấu hiệu tàn tạ, Thúy đang có ý định gom tiền để đi bơm ngực, sửa lại mũi, nâng mông với mục đích sang Singapore làm tiếp. Nghe đâu ở đó, Thúy cũng làm nghề tiếp viên quán karaoke và không có ý định về nước nữa.

Kiếm tiền không tốn mồ hôi, nhưng cuộc đời trôi theo tiếng nhạc dập dìu, theo tệ nạn phía sau ánh đèn mờ của các “đào di động” cũng thật đắng chát. Quá nhiều cái giá phải trả, quá nhiều sự đánh đổi mà nếu không tận mắt chứng kiến, tôi chắc chắn không thể nào tin. Vậy mà nghiệt ngã thay, mỗi ngày trôi qua, những quán karaoke vẫn tiếp tục… tuyển hàng. Một vòng quay tất yếu để… thay thế những “đào di động” già cỗi, không còn sức hút nữa bị thải loại. Những số phận đó rồi cũng chẳng biết sẽ về đâu.

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top