T
T$
Guest
Xe tăng Mỹ diễn tập tại căn cứ quân sự Adazi ở Latvia
Hoa Kỳ sẽ sớm có quyết định về việc có cất giữ vũ khí hạng nặng bao gồm xe tăng và xe tác chiến trên bộ tại Ba Lan hay không, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan.
Ông Tomasz Siemoniak cho biết ông đã thảo luận những việc triển khai như vậy của quân đội Mỹ vào tháng trước với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ash Carter.
Quân đội Mỹ tiến hành những cuộc tập trận lớn với các đồng minh thuộc khối NATO ở Đông Âu trong bối cảnh tình trạng báo động tại khu vực liên quan tới vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ba nước Baltic cũng có kế hoạch sẽ cất giữ vũ khí hạng nặng của Mỹ, các viên chức nói.
"Sắp có quyết định", ông Siemoniak viết trên Twitter (bằng tiếng Ba Lan), xác nhận tin đăng trên báo New York Times hồi cuối tuần rằng việc cất giữ vũ khí hạng nặng của Mỹ ở Ba Lan đang được thảo luận.
Đây sẽ là lần đầu tiên có chuyện đặt sẵn vũ khí của Mỹ trên lãnh thổ các nước đồng minh Nato từng là cộng sản kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Nó sẽ không phải là biện pháp tạm thời, Bộ trưởng Quốc phòng nói, mà là "cho nhiều năm và nhiều thập kỷ".
Tin tức cho hay tới 5.000 binh lính Nato có thể được trang bị với các loại vũ khí được cất giữ ở Đông Âu. Nó được để sẵn cho một lữ đoàn tác chiến nhanh của NATO, được thỏa thuận tại hội nghị thượng đinh NATO hồi năm ngoái, để có thể triển khai ngay lập tức khi cần thiết.
Tòa Bạch Ốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ phải phê thuẩn việc cất giữ vũ khí hạng nặng này, và người ta chưa công bố vị trí chính xác nơi cất giữ.
"Đây là một bước tiến trong việc tạo lập một sự hiện diện lớn hơn của Mỹ tại Ba Lan và khu vực", ông Siemoniak nói với hãng tin Ba Lan PAP.
Nga lên án kế hoạch hỏa tiễn lá chắn này, và cáo buộc NATO đang phá hoại an ninh châu Âu. Nga được cho là đã triển khai hỏa tiễn Iskander tầm ngắn ở Kaliningrad, gần Ba Lan và các nước Baltic.
Nato và các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga gửi binh lính và vũ khí hạng nặng gồm xe tăng và hỏa tiễn cho các phần tử ly thân Nga ở miền đông Ukraine. Nga đã nhiều lần lặp lại phủ nhận của họ về chuyện này, và quả quyết rằng bất kỳ người Nga nào chiến đấu ở đó đều là "những tình nguyện viên".
Những vụ pháo kích đụng độ rải rác đã đe dọa thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng Hai giữa quân nổi dậy và và chính phủ Ukraine.
Ba Lan và ba nước cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ - Estonia, Latvia và Lithuania - đã đưa ra những lời kết án mạnh mẽ nhất đối với chính sách của Nga tại Ukraine.
Căng thẳng gia tăng hồi tháng Ba năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga.
Bulgaria, Rumania và Hungary cũng đã được nêu danh có thể là các địa điểm cất giữ vũ khí quân sự của Mỹ.
Theo BBC Vietnamese