T
T$
Guest
Di dân tại Macedonia chạy trốn chiến tranh, khủng bố và nghèo túng
Macedonia vừa lên tiếng bào chữa cho các biện pháp an ninh tại khu vực biên giới, nơi những di dân đang bị đẩy lùi bằng dùi cui và khiên chống bạo động.
Chính phủ đã phải hành động vì hơn 3.500 di dân tìm cách tiến vào nước này mỗi ngày, Ngoại trưởng Nikola Poposki nói, nhưng cũng khẳng định những người này không bị ngược đãi.
Các di dân, phần lớn từ Trung Đông, muốn đi qua Macedonia để đến các nước bắc Âu.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết di dân đã bị đối xử giống như những kẻ gây bạo động.
Macedonia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình.
Hàng trăm di dân đã đụng độ với lực lượng an ninh tại biên giới vào hôm 21/8.
Ông Poposki nói với BBC rằng ông không nhìn thấy hình ai bị đánh đập và đẩy lui, nhưng đã có một ‘sự can thiệp’ sau khi tình hình ‘diễn biến xấu đi đáng kể’.
Ông nói: "Trong mấy ngày qua lượng di dân đã tăng đáng kể, lến đến khoảng 3.000 đến 3.500 người mỗi ngày".
"Rõ ràng đây không phải là một vấn đề có thể xử lý dễ dàng với một quốc gia chỉ có hai triệu dân và nguồn lực hạn chế."
"Chúng tôi đã phải tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh bất hợp pháp vào lãnh thổ Macedonia".
Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF)cho biết họ đã chữa trị 10 người bị thương do lựu đạn gây choáng được quân đội Macedonia sử dụng gần làng Edomeni ở biên giới Hy Lạp.
Bà Gauri van Gulik, phó giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói chính quyền đã phản ứng ‘như thể họ đang đối phó với những kẻ bạo động chứ không phải người tỵ nạn đang chạy trốn xung đột và đàn áp’.
Đáp lại những lời chỉ trích, ông Poposki cho biết: "Macedonia chắc chắn không phải là một nơi mà những di dân và người tị nạn bị ngược đãi."
"Với một đất nước hai triệu dân và không có tài nguyên, cũng không phải là thành viên Liên minh châu Âu - nghĩa là không thể xin ngân sách về vấn đề di dân, chúng tôi đã xử lý cuộc khủng hoảng này khá tốt".
Hầu hết di dân muốn tìm đường đến bắc Âu
Một di dân nói với BBC ông đã chạy trốn xung đột ở Syria, trả tiền cho một kẻ buôn người từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.
Ông giải thích mình không muốn ở lại Hy Lạp vì cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông nói: "Tôi đang tìm kiếm một cuộc sống bình thường trong hòa bình và dân chủ. Chúng tôi không thể quay lại. Chúng tôi phải ra đi.
"Ước mơ của tôi là trở thành sinh viên một trường đại học".
Ông nói thêm rằng mình không thể đi qua ngả Bulgaria vì ‘quá nguy hiểm’.
Ông Poposki cho biết tất cả những di dân phải đăng ký khi vào Macedonia và họ có 72 giờ để quyết định mình sẽ xin tỵ nạn hoặc tiếp tục đi về hướng bắc Âu.
Phóng viên BBC James Reynolds cho biết lực lượng an ninh Macedonia có kế hoạch để hàng trăm di dân vào cùng một thời điểm hôm 22/8 với chuyến tàu khởi hành về hướng Serbia và bắc Âu.
Trong khi đó, Cơ quan Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), đã bày tỏ mối quan ngại trước ‘hàng ngàn người tị nạn và di dân dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em".
Họ thúc giục Macedonia ‘thiết lập một trật tự và bảo vệ biên giới’, trong khi kêu gọi Hy Lạp ‘tăng cường việc đăng ký và tiếp nhận di dân" ở biên giới.
UNHCR cũng cho biết Macedonia đảm bảo với họ rằng sẽ ‘không đóng cửa biên giới trong tương lai’, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Liên Hợp Quốc ước tính gần 160.000 người nhập cư vào Hy Lạp từ tháng 1/2015, và 50.000 người trong tháng Bảy.
Hầu hết di dân mong muốn đến các nước bắc và tây Âu phát xuất từ khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á. Nhiều người đến Macedonia để thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria.
Theo BBC Vietnamese