T
T$
Guest
Sẽ hơi vô lý nếu nói Lionel Messi và Cristiano Ronaldo còn thiếu thứ gì đó trong sự nghiệp.
Đây là bộ đôi làm mưa làm gió trên cầu trường thế giới hiện tại, đua tranh với nhau về các con số thống kê ấn tượng, phá vỡ kỉ lục của nhau, và biến những điều không thể trở nên tầm thường.
Nhưng khi World Cup lần thứ ba của họ đến gần, cả hai vẫn còn một đỉnh núi cuối cùng chưa chinh phục được.
Điều gì khiến Messi và Ronaldo vẫn chưa là tượng đài bất tử của bóng đá thế giới? Chắc chắn đó không phải là số bàn thắng, danh hiệu câu lạc bộ, hay danh hiệu cá nhân.
Bởi nếu vậy, cả hai đã song hành cùng Pele và Maradona, và có lẽ đã vượt qua cả Zinedine Zidane lẫn Johan Cruyff.
Điều còn thiếu chính là World Cup. Không chỉ là một pha solo ấn tượng hay một chiến thắng đơn lẻ vĩ đại, họ cần thống trị toàn bộ một vòng chung kết World Cup.
Diego Maradona làm được điều này vào năm 1986, nhảy tango trên sân cỏ và đưa Argentina lên ngôi vương. Pele là mũi nhọn của Brazil vô địch năm 1958 và là linh hồn của các vũ công Samba 12 năm sau đó.
Ngay cả khi thất bại, Cruyff (1974) và Roberto Baggio (1994) cũng tỏa sáng tại các kì World Cup góp mặt.
Đó là sức mạnh của giải bóng đá số một thế giới. Danh tiếng được chuyển hóa. Huyền thoại thành bất tử.
‘Cơ hội cuối cùng’
Messi và Ronaldo đạt được vô số vinh quang ở cấp câu lạc bộ. Bộ đôi này có trong tay 5 cúp vô địch Champions League, và cả 6 danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Quả bóng vàng (Ballon D’Or awards), trong vòng 6 năm qua.
Trong độ chín của sự nghiệp, khi tốc độ và tầm ảnh hưởng chưa bị lu mờ, đây là cơ hội cuối cùng để hai người tạo ra sự khác biệt.
Trong 571 phút thi đấu ở World Cup, Messi chỉ ghi một bàn, bằng với con số của hai trung vệ Matthew Upson and Gary Breen. Trong 754 phút thi đấu, Ronaldo ghi được 2 bàn.
Để tiện so sánh, hãy nhìn vào số bàn thắng của một vài ngôi sao khác: tiền đạo tầm trung của Đan Mạch Jon Dahl Tomasson có 5 bàn, Pele có 12 bàn, và người ngoài hành tinh Ronaldo của tuyển Brazil có 15 bàn.
Để trở thành cầu thủ vĩ đại của mọi thời đại, anh phải tỏa sáng tại World Cup, tất nhiên nếu may mắn được sinh ra tại một nước đủ mạnh, huyền thoại bóng đá Anh Gary Lineker nói.
Đó thực sự là một thước đo tàn nhẫn, bởi World Cup chỉ tổ chức 4 năm một lần.
Nhiều cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử đã không có cơ hội tung hoành trong giải đấu, vì đội tuyển quốc gia (George Best, Alfredo di Stefano, George Weah), chấn thương hoặc bất hòa (Bernd Schuster), hay những tấm thảm kịch ngoài sân cỏ (Duncan Edwards, Valentino Mazzola).
Không gì bằng World Cup
Bước vào thế kỷ 21, nhiều người cho rằng Champions League là giải đấu chính xác hơn để đo tầm ảnh hưởng của một siêu sao: nhiều trận đấu hơn, sức ép lớn hơn, và các đối thủ cũng mạnh hơn.
Messi đã có ba chức vô địch Champions League, Ronaldo có hai chức với hai đội bóng khác nhau. Cả hai đều là nhân tố chính đưa câu lạc bộ của họ lên đến đỉnh vinh quang.
Những thành tích này không phải siêu sao nào cũng đạt được. Và dù chung kết Champions League thu hút ít người xem hơn (chung kết 2013 có 150 triệu khan giả, ít hơn 6 lần so với chung kết World Cup 2010), lượng người xem lũy tiến qua các năm có thể thu hẹp khoảng cách đó.
Và có lẽ truyền thông hiện đại đã tạo ra sự bão hòa. Rất ít người trong chúng ta được theo dõi Pele và Maradona trực tiếp, trên sân cỏ hoặc TV, trong khi ai cũng có thể theo dõi Ronaldo và Messi thi đấu hàng tuần.
Liệu có phải điều này đã xóa mờ vầng hào quang xung quanh quá khứ? Liệu có phải chúng ta coi Pele là thiên tài chỉ bởi những clip ghi bàn, biểu diễn xuất sắc nhất không bao gồm những thời khắc ông có phong độ kém?
Người ta hay đánh giá thấp kỉ lục ghi bàn đáng kinh ngạc của Messi và Ronaldo bởi chất lượng của giải Primera Liga đang đi xuống, một phần là do sự thống trị về tài chính của Real Madrid và Barcelona.
Nhưng liệu hàng phòng ngự mà Pele phải đối mặt liệu có được tổ chức tốt và đầy sức mạnh như Messi và Ronaldo trải qua? Liệu cả hai có được tự do thi triển kỹ thuật theo cách mà Maradona từng làm?
Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần đến World Cup. Bạn chỉ có thể đánh giá một cầu thủ trong thời đại của họ. Pele và Maradona đã biến World Cup thành show diễn của mình.
Messi và Ronaldo, ngưỡng mộ quá khứ của họ, hiểu điều đó hơn ai hết.
Messi sẵn sàng đổi lấy tất cả các vinh quang tại Barcelona để vô địch World Cup, Osvado Ardiles, thành viên đội tuyển Argentina vô địch năm 1978, nói.
Lionel Messi | Cristiano Ronaldo | |
Ngày sinh | 24/6/1987 (26 tuổi) | 5/2/1985 (29 tuổi) |
CLB từng thi đấu | Barcelona | Sporting Lisbon Manchester United Real Madrid |
Số trận thi đấu | 277 | 386 |
Ra mắt đội tuyển QG | 17/8/2005, gặp Hungary | 20/8/2003, gặp Kazakhstan |
Số trận thi đấu cho QG | 84 | 110 |
Bàn thắng cho tuyển QG | 37 | 49 |
Danh hiệu CLB | 6 cúp ngoại hạng, 3 Champions League, 2 cúp Quốc gia, 2 cúp vô địch thế giới các câu lạc bộ | 4 cúp ngoại hạng, 2 Champions league, 3 cúp Quốc gia, 1 cúp vô địch thế giới các câu lạc bộ |
Danh hiệu cá nhân | 4 Quả bóng vàng | 2 Quả bóng vàng |
‘Bây giờ hoặc không bao giờ’
Thời cơ và lịch sử gọi tên cả hai.
Với Ronaldo, đội trưởng của Bồ Đào Nha, anh là nhân tố chính đưa đội nhà vượt qua vòng loại (cả 4 bàn thắng trong trận tranh vé vớt với Thụy Điển đều do anh ghi). Năm nay 29 tuổi và thi đấu 110 trận cho tuyển quốc gia, đây chính là cơ hội vàng của anh.
Với Messi, anh ít được ngưỡng mộ tại quê nhà như Maradona, hay thậm chí là Carlos Tevez, nhưng lần này vận may đang đứng về phía anh.
HLV Argentina Alex Sabella đã xây dựng đội hình xoay xung quanh anh, điều mà HLV hồi 2010 Maradona chưa bao giờ làm.
Và khi World Cup được tổ chức tại sân nhà của đại kình địch Brazil, chính trị và văn hóa cũng sẽ đứng về phía anh.
Tất nhiên lịch sử chỉ gọi tên một người. Nếu một trong hai có được danh hiệu vô địch, có lẽ cuộc tranh luận bất tận về việc ai hơn ai sẽ kết thúc.
Đó là điều kì diệu của World Cup: hoàn tất sự nghiệp, và trao vương miện cho các vị vua.
Theo BBC Vietnamese