Nam, Bắc Triều Tiên đàm phán quân sự lần đầu tiên sau vụ pháo kích

T

T$

Guest
Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên cho hay ngày đàm phán sơ khởi đầu tiên tại một tòa nhà có tên gọi là “Nhà hòa bình”, ở khu vực phi quân sự, đã kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ kể cả một số thời điểm nghỉ giải lao.

Một người phát ngôn quân đội Nam Triều Tiên cho hay hai bên đang tìm cách thu hẹp những cách biệt về chương trình nghị sự và các vấn đề thủ tục khác để đạt được thỏa thuận về việc tiến hành các cuộc đàm phán giữa các giới chức cấp cao hơn của hai bên.

Giáo sư Kim Young-hyun giảng dạy tại khoa nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của trường đại học Dungguk nói rằng dường như cả hai bên đang gặp khó khăn trong việc khắc phục những khác biệt này.

Tuy nhiên, giáo sư Kim dự báo rằng hai bên sẽ đạt thỏa thuận vào ngày thứ Tư về các cuộc hội đàm cấp cao hơn. Oâng nói rằng Bình Nhưỡng và Seoul đang chịu áp lực từ các đồng minh của họ là Trung Quốc và Hoa Kỳ, về việc phải tiến hành các cuộc đối thoại rộng lớn hơn.

Truyền thông Nam Triều Tiên tường trình rằng Bình Nhưỡng không đưa ra lời xin lỗi nào, theo như đề nghị của Seoul, về vụ pháo kích hồi tháng 11, mà cũng không nhận trách nhiệm về vụ chìm một tàu chiến của Nam Triều Tiên ở Hoàng Hải cách đây 10 tháng. Thay vì thế, các giới chức Bắc Triều Tiên đang khăng khăng muốn mở một cuộc thương lượng ở cấp cao hơn nhằm làm giảm bớt căng thẳng về quân sự.

Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng những lời xin lỗi về vụ gây hấn hồi năm ngoái là điều kiện tiên quyết để sắp xếp những cuộc thảo luận cấp cao hơn.

Trong khi các vị đại tá đàm phán tại Bản Môn Điếm, thì tại thủ đô của Nam Triều Tiên, một đặc sứ Hoa Kỳ đặc trách vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên đã họp bàn với các nhà ngoại giao Nam Triều Tiên.

Đại sứ Robert King nói rằng chuyến thăm của ông là để tìm hiểu thực tế, trong đó có việc lắng nghe những người đào tị Bắc Triều Tiên và những người khác để tìm hiểu về thành tích nhân quyền ở nước cộng sản bị cô lập này.

Ông Kim nói: "Một điều vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ khi theo đuổi các chính sách đối với Bắc Triều Tiên là phải phối hợp với chính phủ Nam Triều Tiên. Chúng tôi có một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi cùng hành động. Chúng tôi cùng chia sẻ các phân tích, các ý kiến về tiến bộ đạt được. Tôi vui mừng nói rằng chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất tốt trong khi ở đây.”

Vị đặc sứ đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề liệu các cuộc đàm phán có đề cập tới việc Hoa Kỳ nối lại viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên hay không.

Trước đó, có tin cho hay Bình Nhưỡng đã thông qua phái bộ tại Liên Hiệp Quốc của họ ở New York để đưa ra đề nghị này.

Những hoạt động viện trợ như vậy của Hoa Kỳ đã bị đình chỉ vào năm 2009 giữa lúc có các quan ngại về các vụ thử phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên là một trong những nước nghèo nhất thế giới và phải trải qua tình trạng thiếu lương thực triền miên do mùa màng thất bát và khả năng quản lý kinh tế yếu kém.

Một trong các nhà ngoại giao Nam Triều Tiên, người mà ông King đã gặp ngày hôm qua, sắp lên đường đi Bắc Kinh. Bộ ngoại giao Nam Triều Tiên cho hay ông Wi Sun Lac, đặc sứ hàng đầu về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, sẽ hội đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc, ông Võ Đại Vĩ, vào ngày thứ Năm. Việc Bình Nhưỡng gần đây thừa nhận về chương trình uranium dự kiến sẽ là một trong các chủ đề được đưa ra thảo luận.

Nếu Bắc Triều Tiên có khả năng tinh chế uranium ở cấp độ cao thì đây sẽ là phương cách thứ hai để nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.
 
Back
Top