T
T$
Guest
Kepler-452b cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng
Nasa thông báo kính viễn vọng Kepler của cơ quan này đã tìm ra một hành tinh với nhiều đặc điểm giống với Trái Đất.
Hành tinh Kepler-452b có đường kính lớn hơn Trái Đất 60%, xoay quanh một ngôi sao riêng biệt trong khoảng 385 ngày, tức dài hơn thời gian Trái Đất xoay quanh Mặt Trời 5%.
Các hành tinh như vậy thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học vì chúng đủ nhỏ và đủ nguội để chứa nước trên bề mặt, và vì vậy, có thể tạo điều kiện cho sự sống.
Ông John Grunsfeld, trưởng nhóm khoa học gia tại Nasa, gọi hành tinh này là "Phiên bản 2.0 của Trái Đất" và là hành tinh "giống Trái Đất nhất từ trước đến nay".
Hành tinh này cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng.
Kepler-452b bay theo quỹ đạo quanh một ngôi sao lớn hơn Mặt Trời chỉ 4% và sáng hơn 10%.
Ngôi sao chủ của Kepler-452b có tuổi thọ khoảng 6 tỷ năm, hơn Mặt trời 1,5 tỷ năm tuổi.
"Nếu Kepler-452b là một hành tinh đất đá thì vị trí của hành tinh này so với ngôi sao của nó đồng nghĩa với việc nó đang trải qua giai đoạn hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát", Tiến sỹ Doug Cladwell, thành viên trong nhóm các nhà khoa học làm nhiệm vụ Kepler, nói.
"Năng lượng ngày một lớn phát ra từ mặt trời của nó có thể đang hâm nóng bề mặt và làm cạn bất cứ đại dương nào trên hành tinh này".
"Kepler-452b có thể đang trải qua điều mà Trái Đất sẽ phải trải qua trong một tỷ năm tới".
Hành tinh này có thể đang trải qua giai đoạn hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát
Tiến sỹ Don Pollacco, từ Đại học Warwick, Anh quốc, nói với BBC: "Dữ liệu từ kính Kepler cho phép ước tính kích cỡ của một hành tinh cũng như ngôi sao chủ của nó. Nếu bạn biết được kích cỡ của ngôi sao chủ, bạn sẽ biết được kích cỡ của hành tinh đó".
"Tuy nhiên để xác định các chi tiết khác, ví dụ như đây có phải là một hành tinh đất đá hay không, thì cần phải đo được trọng lượng của hành tinh. Điều này rất khó thực hiện vì các ngôi sao ở quá xa".
"Vì vậy trên thực tế, họ không thực sự biết hành tinh này được cấu tạo từ gì. Nó có thể là hành tinh đất đá, nhưng cũng có thể là một khối cầu khí nhỏ".
Giáo sư Chris Watson, từ Đại học Queen's Belfast, Anh quốc, nói: "Ngôi sao chủ của Kepler-452b không quá khác so với Mặt Trời của chúng ta. Các hành tinh khác được kính Kepler phát hiện thường bay quanh quỹ đạo các ngôi sao nguội hơn Mặt Trời của chúng ta rất nhiều, và vì vậy chúng cần bay gần ngôi sao chủ hơn để nhận được lượng nhiệt tương tự".
"Vì vậy hành tinh [Kepler-452b] có thể là một siêu Trái Đất với quỹ đạo xoay giống Trái Đất. Sự kết hợp giữa ngôi sao chủ và quỹ đạo của nó khiến nó trở nên khác biệt, theo quan điểm của tôi".
Theo BBC Vietnamese