Ngôi mộ ở Hưng Yên có phải của Lý Thường Kiệt?

Jolie

Member
Cũng chung quan điểm với TS. Nguyễn Lân Cường, ông Tăng Bá Hoành cho biết, nước ta chưa từng tìm được ngôi mộ hợp chất nào trước thế kỷ 15, do đó, ngôi mộ này khó có thể là của Lý Thường Kiệt.


Mặc dù chưa công bố, song một số người đại diện của dòng họ Ngô có phần tin tưởng rằng, người nằm dưới ngôi mộ ngoài cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh (Như Quỳnh, Hưng Yên) là Thái úy Lý Thường Kiệt, danh tướng đặc biệt thời Lý. Ông Ngô Vui – Trưởng Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam cho biết, dòng họ Ngô đã chú ý tìm mộ danh tướng Lý Thường Kiệt từ lâu, song chưa tìm được. Khi nghe thông tin về ngôi mộ của thôn Ngọc Quỳnh, những người trong dòng họ Ngô rất phấn khởi và có niềm tin về ngôi mộ này.

t344808.jpg


Dù chưa rõ ràng, song một số người đã có niềm tin chắc chắn người nằm dưới ngôi mộ ở cánh đồng Ngọc Quỳnh là Lý Thường Kiệt. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Qua thu thập thông tin, tôi nhận thấy niềm tin của người dân thôn Ngọc Quỳnh rằng đây là mộ của Lý Thường Kiệt khá mơ hồ. Căn cứ để họ tin là mấy chữ mà các cụ trong làng dịch trên ván thiên. Tuy nhiên, ngay cả việc dịch chữ cũng không chắc chắn, vì người thì dịch là “Đại thị công khanh”, người lại dịch ra hai chữ “quan hoạn”. Điều đáng nói là mấy chữ ấy cũng biến mất ngay khi khai quật mộ, nên chẳng còn chứng cứ nào khẳng định lại.
Một căn cứ nữa để họ tin ngôi mộ này là của danh tướng Lý Thường Kiệt, là vì ngôi mộ nằm ở thôn Ngọc Quỳnh, lại cách đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan có vài trăm mét. Lịch sử ghi chép tường tận rằng Lý Thường Kiệt có nhiều năm phục vụ bà Ỷ Lan, trong khi bà Ỷ Lan quê ở Ngọc Quỳnh, nên mộ Lý Thường Kiệt cũng ở Ngọc Quỳnh!

t344809.jpg


Thiếu tướng Ngô Tiến Quý (đứng giữa) trao đổi về ngôi mộ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Theo đại diện dòng họ Ngô, dòng họ này đã có một số cuộc khảo sát thu thập thông tin, kể cả bằng phương pháp ngoại cảm, cảm xạ, và những phương pháp tâm linh này cho kết quả, đó là mộ của… Lý Thường Kiệt!
Có mặt trong đoàn khảo sát của họ Ngô là Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an. Ông Quý tham gia với tư cách là con cháu họ Ngô. Thiếu tướng Ngô Tiến Quý cho rằng, việc khẳng định đây có phải là mộ danh tướng Lý Thường Kiệt hay không còn quá sớm. Hiện tại, các thông tin có được chưa khẳng định điều gì. Những việc làm được mới là quá trình khảo sát. Để xác định niên đại ngôi mộ không có gì khó khăn, những vật thu thập được trong ngôi mộ là chìa khóa để mở ra một số bí mật.
Theo mô tả của những người tham gia đào phá ngôi mộ từ 30 năm trước, thì có thể tin rằng, đây là một ngôi mộ hợp chất. Họ kể rằng, sau khi phá lớp hợp chất giống như bê-tông thì xuất hiện quan tài bên trong. Quan tài gồm 2 lớp, một lớp dày chừng 10cm và một lớp bên trong mỏng hơn, chừng 2cm. Khi phá lớp hợp chất, mở nắp áo quan, thì có mùi thơm lan tỏa rất xa, hương thơm giữ được tới cả tháng trời.

t344812.jpg


Ngôi mộ ở cánh đồng Ngọc Quỳnh có phải mộ hợp chất như ngôi mộ ở cánh đồng Nhật Tân? Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
PGS-TS. Nguyễn Lân Cường, nhà nhân chủng học hàng đầu Việt Nam, người từng tham gia khai quật rất nhiều mộ hợp chất, thì mộ hợp chất có một đặc điểm chung nhất là có quách hợp chất bao ở bên ngoài. Quách hợp chất thường được làm bằng 3 loại nguyên liệu chính là vôi, cát, mật. Ngoài ra, người ta còn trộn thêm vỏ nhuyễn thể đã bị hun, nghiền nhỏ hay giấy bản hoặc nước cháo loãng... Quách hợp chất có tác dụng ngăn không cho nước thấm từ ngoài vào, tạo môi trường yếm khí tuyệt đối.
Xác được giữ nguyên vẹn hàng trăm năm, ngoài môi trường yếm khí, còn nhờ các loại dầu ướp xác. Loại dầu dùng để ướp xác thường là tinh dầu ngọc am. Gỗ dùng làm quan tài cũng thường là gỗ ngọc am.
Theo PGS. Nguyễn Lân Cường, ở Việt Nam chưa từng khai quật được ngôi mộ hợp chất nào trước thời Hậu Lê, tức là trước thế kỷ 15. Tuy nhiên, danh tướng Lý Thường Kiệt lại mất năm 1105, tức là đầu thế kỷ 12, do đó, ngôi mộ này khó có thể là của Lý Thường Kiệt.
Ông Lê Ngọc Cam, trưởng thôn Ngọc Quỳnh cho biết, sau khi phá ngôi mộ chừng một tuần, thì đoàn cán bộ của Bảo tàng Hải Hưng (cũ), dẫn đầu là ông Tăng Bá Hoành, có về khảo sát, đào bới, tuy nhiên, kết quả ra sao, thì không thấy báo lại cho thôn.
Tôi đã tìm gặp ông Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương tại nhà riêng ở TP. Hải Dương. Theo ông Hoành, ngay khi nhận được tin báo nhân dân thôn Ngọc Quỳnh phá mộ, ông đã cùng đoàn khảo cổ về khảo sát. Chỉ cần nhìn những mảnh hợp chất vứt bừa bãi trên mặt ruộng, ông Hoành đã khẳng định đây là mộ hợp chất, loại mộ phổ biến ở nước ta thời Hậu Lê.

t344814.jpg


Ông Tăng Bá Hoành bên một ngôi mộ tháp thời Trần. Theo ông Hoành, thời Lý và thời Trần thường hỏa táng rồi đưa tro cốt vào mộ tháp. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Cũng chung quan điểm với TS. Nguyễn Lân Cường, ông Hoành cho biết, nước ta chưa từng tìm được ngôi mộ hợp chất nào trước thế kỷ 15, do đó, ngôi mộ này khó có thể là của Lý Thường Kiệt.
Tôi đặt nghi vấn rằng: Thông thường, mộ hợp chất phải có tinh dầu để giữ xác tươi nguyên, thường là tinh dầu ngọc am, thế nhưng, theo mô tả của những người đào phá mộ, thì trong mộ lại không có tinh dầu. Nếu không có tinh dầu, thì phải có một số vật liệu hút ẩm như gạo rang, than hoạt tính, trà khô… và như vậy, xác phải khô quắt lại, chứ không thể giống người nằm ngủ như những người phá mộ mô tả. Vậy liệu đây có phải mộ hợp chất?
Tuy nhiên, ông Hoành khẳng định rằng, mộ hợp chất không nhất thiết có tinh dầu ngọc am. Ông Hoành lấy ví dụ, hồi khai quật mộ bà chúa Chén, xác bà chúa này được bảo quản trong môi trường yếm khí, được ướp đơn giản bằng gạo rang và một số nguyên liệu khác. Vì ướp xác bằng cách đó, nên xác bà chúa Chén khô đét lại. Khi người dân vô ý để nước tràn vào quan tài, xác chết liền thấm nước và xác bà chúa Chén trở nên… rất đẹp, y như người mới chết. Tất nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, xác chết đã xỉn màu và thối.
Có một thắc mắc, đó là, những người đào mộ khẳng định không có tinh dầu ngọc am, không có nguyên liệu gì như gạo rang, trà, than hoạt tính… trong mộ. Thế nhưng, những người phá mộ lại chắc chắn rằng, dưới đáy áo quan có 7 lỗ, gọi là “thất tinh”, có tác dụng thấm nước từ xác chết ra ngoài. Điều này khá mâu thuẫn, vì nếu không có nguyên liệu thấm nước từ xác chết, thì nước từ xác chết thấm đi đâu? Theo ông Hoành, chuyện xảy ra đã 30 năm, nên những người đào phá mộ không nhớ hết được thông tin cũng là lẽ thường.
Một số nhà khoa học cho rằng, tư liệu mộ táng thời Lý – Trần là một khoảng trống. Sử sách gần như không ghi chép mấy, trong khi lại chưa khai quật được ngôi mộ nào có niên đại này. Ông Hoành thì cho biết, thời Lý – Trần, hình thức mai táng chủ yếu của nước ta là hỏa táng, nên ít tìm thấy mồ mả cũng là lẽ thường. Loại mộ chủ yếu tìm thấy thời Trần là mộ tháp, kiểu như mộ tháp của các nhà sư, là nơi đặt tro cốt.

t344818.jpg


Mộ thời Trần có quách làm bằng gỗ. Hiện chưa tìm thấy quách hợp chất thời kỳ Lý-Trần. Đây là mộ quách gỗ khai quật ở Bình Giang do ông Hoành vẽ lại. Ảnh: Phạm Ngọc Dương chụp lại.
Có duy nhất ngôi mộ hung táng thời Trần mà ông Hoành nghiên cứu, khai quật được, là ngôi mộ ở xã Bình Xuyên (Bình Giang, Hải Dương). Đây là ngôi mộ quách cũi, xếp bằng gỗ (chứ không phải quách hợp chất), quan tài đặt bên trong. Điều đặc biệt là đã có tấm thất tinh bên dưới quan tài, dẫn nước từ xác chết xuống ngăn dưới, là nơi rải than và vôi bột, có tác dụng hút ẩm. Do quách bằng gỗ, không tạo được môi trường yếm khí như quách hợp chất, nên xác phân hủy sạch, chỉ còn một phần sương sọ.
Căn cứ vào các di vật tìm được, so sánh với những ngôi mộ tương tự tìm được ở Thái Bình và Nam Định, bước đầu ông Hoành nhận định đây là ngôi mộ thời Trần. Với sự xuất hiện của tấm thất tinh, than và vôi bột, đã đánh dấu sự chuyển biến từ mộ quách cũi bằng gỗ sang mộ hợp chất, làm bằng vôi, cát, mật… thời Lê Sơ.
Theo ông Hoành, hình thức mai táng thời Lý có thể là mộ gạch kiểu Hán, mộ gỗ hình cũi, mộ xếp gỗ, hoặc là hỏa táng xác thành tro, chứ chưa có dấu hiệu sử dụng hợp chất vôi, cát, mật làm mộ. Do đó, ngôi mộ hợp chất ở thôn Ngọc Quỳnh, khó có thể là mộ Lý Thường Kiệt.
TS. Vũ Thế Khanh – Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), người ủng hộ phương pháp tìm mộ bằng tâm linh thì suy luận: Chưa tìm thấy mộ hợp chất trước thời Hậu Lê, không có nghĩa là trước thời Hậu Lê không có mộ hợp chất. Lý do ông Khanh khẳng định như thế là vì ở Trung Quốc, Ai Cập, mộ hợp chất đã có từ hàng ngàn năm trước.

t344819.jpg


TS. Vũ Thế Khanh cho rằng, người nằm trong mộ hợp chất không có nghĩa là người thuộc thời Hậu Lê. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Ngoài ra, dù ngôi mộ này được xây dựng từ thời Hậu Lê, cũng không có nghĩa người nằm trong mộ sẽ là người của thời Hậu Lê. Theo ông Khanh, khi một người quan trọng trong dòng họ chết đi, nhiều thế hệ dòng họ đó sẽ thờ cúng, trông nom, tu sửa, thậm chí xây dựng lại mộ hoàn toàn. Do đó, vẫn có thể xảy ra hiện tượng xác trong mộ là ông Lý Thường Kiệt, nhưng ngôi mộ này được con cháu làm lại từ thời Hậu Lê. Ví như, hiện nay, chúng ta xây lại mộ cho tổ tiên theo phong cách hiện thời, dù tổ tiên đã mất từ 1.000 năm trước, thì 500 năm sau, con cháu chúng ta không thể căn cứ vào hình thức ngôi mộ để bác bỏ ông tổ 1.500 tuổi của mình. Điều này cũng giống như việc không thể căn cứ vào ngôi chùa làm toàn bằng bê-tông, mà có thể khẳng định niên đại của nó mới có vài chục năm, bởi ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, thậm chí xây lại…

t344820.jpg


Những di vật trong ngôi mộ này liệu có làm sáng tỏ được điều gì? Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Như vậy, ngôi mộ giữa cánh đồng thôn Ngọc Quỳnh vẫn còn chứa nhiều ẩn số chờ giải mã. Có lẽ, cách đơn giản nhất là khai quật lại ngôi mộ, rồi dùng các phương pháp khoa học để giám định xương cốt, sẽ sáng tỏ nhiều điều.
Theo VTC News​
 
Back
Top