Để tìm hiểu về loài cá đặc biệt này, tôi đã đi dọc các làng chài ven biển Đông, từ khu vực cửa Nam Triệu (sông Bạch Đằng), qua cửa Văn Úc (sông Văn Úc), đến cửa nhỏ hơn như cửa sông Thái Bình, cửa sông Trà Lý (đều thuộc Thái Bình), cửa Lạch Giang (Nghĩa Hưng, Nam Định) đến tận cửa Đáy (Ninh Bình). Tuy nhiên, tôi chưa từng thấy dân chài nơi đâu săn được nhiều cá sủ vàng – loài cá đắt như vàng, như ở cửa Ba Lạt.
Tóm được sủ vàng là mơ ước của hàng vạn ngư dân vùng cửa biển. Ảnh: Phạm Phương Toàn.
Theo dân chài dọc ven biển Vịnh Bắc Bộ thì cửa Ba Lạt là mỏ sủ vàng, nhiều không đâu bằng. Hầu hết những người từng làm nghề chài lưới đều đã từng không ít thì nhiều săn được loài cá này. Thậm chí, có người nổi danh cả huyện Tiền Hải, mà khi nhắc đến, không người làm nghề chài lưới nào ở khu vực này không biết đến, đó là ông Nguyễn Văn Hiền, năm nay 75 tuổi.
Lòng vòng mãi trên con đường gập gềnh ổ voi, ổ trâu dẫn ra bờ sông Hồng, rồi tôi cũng tìm được nhà ông Nguyễn Văn Hiền ở thôn Tam Bảo (Nam Hồng, Tiền Hải). Khác với tưởng tượng của tôi về một lão ngư sống trong căn biệt thự xa hoa, hàng ngày cưỡi du thuyền đi hóng mát ngoài biển, ông Hiền sống trong một ngôi nhà tuềnh toàng ngay mép ruộng. Giữa trưa nắng chang chang, ông Hiền ngồi đánh cờ tướng cùng mấy ông bạn già.
Cụ Nguyễn Văn Hiền – "vua sủ vàng" một thời. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Tôi nói vui: “Nghe mọi người nói cụ là “vua sủ vàng”, vì bắt được nhiều cá sủ vàng nhất. Cứ nghĩ cụ sống trong biệt thự, ai ngờ cụ lại ở nhà rách thế này!”. Ông Hiền cười ha hả: “Nếu bây giờ ông có mấy trăm con sủ vàng thì đúng là ông có mấy trăm tỉ, thành đại tỉ phú rồi. Giờ mà có từng ấy sủ vàng, ông phải mua một hòn đảo, sắm máy bay đi cho sướng”.
Hỏi chuyện về cá sủ vàng, ông Hiền xoa cằm nói: “Sủ vàng hả! Hỏi chuyện sủ vàng mà gặp ông thì đúng rồi. Nhưng ông có đi chài lưới nữa đâu. Hết sủ vàng, ông cũng lên bờ. Không ai hiểu bí mật đằng sau con cá sủ vàng bằng ông đâu. Rồi ông sẽ nói cho…”.
Quả thực, ông Hiền là người cực kỳ hiểu biết về loài cá này. Ông nói vui: “Ông hiểu nó còn hơn vợ ông cơ. Ông biết mùa nào có nhiều sủ vàng, biết chỗ nào chúng hay đến và biết đánh bắt chúng thế nào, nên ông bắt được nhiều lắm. Ông nhớ không chính xác lắm, nhưng ông bắt được khoảng 700 con, chỉ tính những con nặng từ 30kg trở lên. Nếu tính cả lớn lẫn bé thì phải hàng ngàn”.
Tôi đang ngồi trò chuyện với ông, thì thấy một thanh niên tìm sang. Ông Hiền giới thiệu: “Đây là thằng Tuấn, hàng xóm, ông gọi nó sang đây để chứng minh, ông bắt được vô số sủ vàng, không ai bắt được nhiều bằng ông”. Anh Tuấn xác nhận rằng, trước kia, mẹ anh là người chuyên buôn sủ vàng. Bà thường mổ bụng lấy bong bóng chuyển cho ông Chánh ở Hải Phòng và ông Nhuệ ở Nam Hồng, là hai đại gia buôn sủ vàng nhiều nhất. Vảy cá thì cung cấp cho ông Hoàn, cửa hàng trưởng, người Nam Hải, còn thịt thì đổ cho các đầu mối ở chợ quê.
Người dân sắm rất nhiều loại lưới hiện đại những mong đánh bắt được cá sủ vàng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Anh Tuấn cũng khẳng định nguồn thu mua sủ vàng nhiều nhất là từ ông Hiền và hợp tác xã đánh bắt của ông. Riêng mẹ anh Tuấn đã từng mua của ông Hiền hàng trăm con sủ vàng.
Là người sinh ra trên thuyền, giỏi nghề chài lưới, nên ông Hiền được mời vào HTX Bắc Hải, là HTX đánh bắt hải sản, gồm những con thuyền neo đậu ở bến Đa Nhân. Hàng ngày, ông chỉ huy một tốp người, điều khiển hai con tàu căng lưới quét ngoài biển Đông. Khi đó, thuyền nhỏ, tàu công suất bé, nên chỉ đánh bắt ven bờ, thậm chí chỉ loanh quanh ở các cửa sông. Những năm 50-60 của thế kỷ trước cá nhiều, tàu thuyền của HTX lại hiện đại, nên đánh được nhiều cá lắm. Có những mẻ lưới được nhiều cá đến nỗi bây giờ kể lại ít người tin. Nếu trúng đàn cá gúng, thì một mẻ lưới có thể được… 100 tấn cá. Giống cá gúng đi theo đàn, bâu đen cả mặt nước, trải dài hàng km trên mặt biển.
Cũng có những “trận đánh”, ông chỉ huy bủa lưới quây đàn cá sủ vàng đang nô đùa giữa dòng nước cuồn cuộn. Nói không ngoa, kéo một mẻ, được hàng chục con sủ vàng, con nào con nấy to như lợn nái, cơ thể vàng óng ánh, giãy đành đành, kêu ụt ịt trên thuyền. Một mẻ được 20-30 sủ vàng, mỗi con trên dưới một tạ là chuyện bình thường. Số lượng sủ vàng mà HTX của ông bắt được thì ông không thống kê nổi, còn riêng ông, đánh bắt cho riêng mình, thì cỡ 700 con loại to như con lợn.
Công nghệ đánh bắt hiện đại đã tận diệt loài cá quý hiếm này. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Con lớn nhất trong đời mà ông Hiền bắt được là ở cửa sông Trà Lý. Con sủ vàng này nặng tới 140kg. Ông tóm được nó khi đang vào bờ đẻ ủng oảng với đàn cá chép. Lúc đau đẻ, cá sủ vàng rất yếu, nên khi mắc lưới, cứ nổi trương phình cái bụng to tướng lên. Ông Hiền phải gọi mấy người phụ giúp mới kéo nổi cái xác to tướng, dài đến 3m của nó lên thuyền. Mổ cá, đặt buồng trứng của nó lên bàn cân, thấy nặng tới 12kg. Điều đặc biệt là trứng loài cá này bé xíu, nhỉnh hơn đầu ngọn tóc một chút. Với bụng trứng như thế, nếu mỗi trứng đẻ được một con, thì một lứa nó có thể đẻ ra không biết bao nhiêu tỉ cá con. Tuy nhiên, những con cá mang bụng trứng thường ít giá trị, vì bóng mỏng và bé.
Mặc dù riêng mình ông Hiền bắt được khoảng 700 con sủ vàng, chưa kể đánh bắt cho HTX Bắc Hải, có thể tính bằng con số hàng ngàn, song ông đều bắt được chúng từ 20 năm trước đây, khi mà loài cá này chưa có nhiều giá trị. Thực tế, những năm 80 của thế kỷ trước, ngư dân đã lờ mờ hiểu giá trị của loài cá này, khi thấy thương nhân Hải Phòng tìm mua bóng cá ráo riết. Thời kỳ đó, các nước châu Âu đã thu mua bóng cá để làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật y tế.
Đến đầu thập kỷ 90, giá trị loài cá này bắt đầu bùng nổ, tăng chóng mặt. Một con cá khi đó có giá vài triệu, bằng cả một ngôi nhà. Ngư dân đánh bắt xa bờ thì trở về cửa sông, dân chài trong sông thì đổ ra cửa biển truy bắt sủ vàng. Giá trị con cá lên cao, bị săn lùng ráo riết, nên chỉ thời gian ngắn, loài cá sủ vàng gần như bị tuyệt diệt. Sau thời kỳ này, ngư dân bắt được loài sủ vàng, chỉ là những con cá rơi vãi còn sót lại từ nhiều năm trước.
Con cuối cùng ông “vua sủ vàng” Nguyễn Văn Hiền bắt được là năm 1990, nặng gần 100kg, bán được 5 triệu đồng. 20 năm trước, số tiền đó khá lớn, đủ mua một ngôi nhà trên bờ. Mua nhà rồi, ông giã từ nghiệp thuyền chài lên bờ sinh sống. Ông nhất quyết bắt con cái làm ruộng, chứ không cho xuống thuyền đi biển nữa.
Theo VTC