Vớt được xác không ai nhận, anh Dũng lại mang đến nghĩa địa nhỏ bên trong miếu Cô Trôi ngay làng đào Nhật Tân để chôn cất và lo hương khói.
Anh Nguyễn Văn Dũng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nghe những người trong làng kể lại miếu Cô Trôi được lập năm 1966. "Năm đó nước sông Hồng dâng cao, dân làng phát hiện xác một cô gái khoảng 18 tuổi dạt vào bãi. Bố tôi cùng một số người vớt xác lên bờ, không có ai đến nhận nên họ chôn cất ngay bên bờ sông. Không ai biết tên cô gái nên họ gọi là Cô Trôi và xây một am nhỏ để thờ", anh Dũng cho hay.
Bãi Nhật Tân nhiều năm về trước còn chưa được phù sa sông Hồng bồi đắp như bây giờ, lòng sông rộng, sóng đánh mạnh nên khu vực miếu Cô Trôi trước là nơi nằm sát mép sông. Theo năm tháng, khu nghĩa địa này cứ rộng dần, có lúc nơi đây có đến cả trăm ngôi mộ. Những xác chết được công an chụp hình nhận dạng, mãi sau mới có người nhà nạn nhân đến tìm, các ngôi mộ lại được bốc đi. Hiện nay, ở đây còn 66 ngôi mộ chưa biết tên.
Khu nghĩa địa nằm giữa vườn đào có tường rào bao quanh, có am nhỏ để thờ và thường xuyên được vợ chồng anh Dũng chăm lo hương khói. Ảnh: Phương Hòa.
Người danh xung quanh truyền tai nhau rằng miếu rất thiêng nên nhiều xác người chết đuối dạt vào bãi Nhật Tân, giống như Cô Trôi giữ cho xác họ khỏi bị cuốn đi, giúp người thân tìm thấy. Những ngôi mộ cỏ mọc xanh tốt quanh am thờ đều là những nạn nhân chết trên sông Hồng, anh Dũng vớt được mang về đây chôn cất. Anh Dũng từ nhỏ đã gắn bó với những gốc đào Nhật Tân. Sống ở gần bãi sông Hồng, lại được phường giao trông coi hoa màu của người dân ven sông nên vớt được nhiều xác.
Anh Dũng có duyên với nghiệp làm việc thiện này từ khi còn là cậu bé 13 tuổi. Một lần cùng đám bạn chăn trâu, anh phát hiện có hai xác chết nổi trên mặt nước. Cậu bé vội lao xuống sông kéo họ lên bờ. Đó là xác hai nam thanh niên đang trong quá trình phân hủy, mặt mũi biến dạng. Chờ mãi không có ai đến nhận, anh đào huyệt chôn họ ngay cạnh miếu Cô Trôi.
Anh bảo sống gần sông nước, nhìn thấy người chết dạt vào bờ là chuyện thường gặp. Từ nhỏ, anh chứng kiến cảnh cha mình và nhiều người làng vớt xác nên cũng không thấy sợ. Vớt được xác, anh lại báo chính quyền và công an đến khám nghiệm tử thi, xác định danh tính. Nạn nhân nào không có người nhà đến nhận, anh lại mang vào khu vực miếu Cô Trôi chôn cất.
Mỗi lần vớt được người, anh lại vạch một đường kẻ ngang lên trên cột nhà vì không biết chữ. Hơn 30 năm qua, người đàn ông 44 tuổi đã vớt được hơn 500 xác chết trên sông Hồng, chủ yếu là những người tự tử trôi dạt. Những người nằm dưới mồ vớt được trong hoàn cảnh nào, anh đều nhớ rất rõ nhưng không nhắc lại vì muốn cho họ được yên lòng.
Năm 2006, anh Dũng mang gạch, vôi vữa xây tường rào bao quanh miếu. Dân làng quen với việc làm của anh nên chẳng ai nói gì. Họ còn mang đến xe cát, góp bao xi măng để cùng anh làm việc thiện. Có người còn mổ hẳn con lợn cho anh em thợ thuyền đánh chén lấy sức làm việc. Xây xong, anh cắm biển bên ngoài "Nơi chôn cất bà chúa sông, chúa ngòi". Ai có lòng thì thoải mái đến thắp hương.
Anh Dũng là chủ vườn đào hơn 3.000 gốc và trang trại hàng trăm con lợn, gà. Anh bảo việc vớt xác người trên sông là cái nghiệp phải mang. Ảnh: Phương Hòa.
Những người nằm đây đều được anh Dũng bỏ tiền túi ra lo hậu sự chu đáo. Trước nghèo khó, không có tiền mua quan tài thì anh dùng tạm manh chiếu bó xác lại rồi mang đi chôn. Giờ nhiều phen anh bán cả lợn gà để lấy tiền sắm cỗ quan tài, áo quan, bát hương an táng cẩn thận. "Nếu không bỏ tiền túi chôn cất những xác người vớt được, lão ấy đã để dành được cả trăm triệu. Hễ nghe tin có xác người dạt vào bãi, đang làm gì lão cũng bỏ dở để đi", anh Dương Anh Sỹ, một người bạn anh Dũng cho hay.
Mỗi xác chết có người nhà đến nhận, anh Dũng đều được họ gửi tiền để cảm ơn, có người gửi 50 triệu đồng nhưng anh không nhận. Thậm chí nhiều người đến miếu Cô Trôi thắp hương, biếu tiền nhưng anh cũng từ chối. Cuối cùng, họ phải nài nỉ, bảo coi góp tiền mua hương khói cho vong hồn ở đây thì anh mới chịu.
Cuối tháng 7/2013, một đôi nam nữ được đem về đây chôn. Dù không biết họ là ai nhưng hai ngôi mộ được đặt nằm cạnh nhau. Đó cũng là hai người cuối cùng được nằm trong khu nghĩa địa của miếu Cô Trôi. Vì đất đã hết chỗ, nên những xác sau này đều phải mang đến nhà tang lễ để hỏa thiêu.
Hàng ngày, cây sung già mọc ngay miếu Cô Trôi xanh tốt, tỏa bóng mát trùm lên cả khu nghĩa địa vô danh. Ngày rằm, mùng một vợ chồng anh Dũng đều mang hương vàng, hoa quả đến đây thắp hương và cầu mong họ sớm được đầu thai kiếp khác. "Dẫu sao cũng là một kiếp người, có thể lo chu toàn với họ thì mình cứ làm, thế thôi", ông chủ vườn đào trầm ngâm nói.
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn
Anh Nguyễn Văn Dũng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nghe những người trong làng kể lại miếu Cô Trôi được lập năm 1966. "Năm đó nước sông Hồng dâng cao, dân làng phát hiện xác một cô gái khoảng 18 tuổi dạt vào bãi. Bố tôi cùng một số người vớt xác lên bờ, không có ai đến nhận nên họ chôn cất ngay bên bờ sông. Không ai biết tên cô gái nên họ gọi là Cô Trôi và xây một am nhỏ để thờ", anh Dũng cho hay.
Bãi Nhật Tân nhiều năm về trước còn chưa được phù sa sông Hồng bồi đắp như bây giờ, lòng sông rộng, sóng đánh mạnh nên khu vực miếu Cô Trôi trước là nơi nằm sát mép sông. Theo năm tháng, khu nghĩa địa này cứ rộng dần, có lúc nơi đây có đến cả trăm ngôi mộ. Những xác chết được công an chụp hình nhận dạng, mãi sau mới có người nhà nạn nhân đến tìm, các ngôi mộ lại được bốc đi. Hiện nay, ở đây còn 66 ngôi mộ chưa biết tên.
Khu nghĩa địa nằm giữa vườn đào có tường rào bao quanh, có am nhỏ để thờ và thường xuyên được vợ chồng anh Dũng chăm lo hương khói. Ảnh: Phương Hòa.
Người danh xung quanh truyền tai nhau rằng miếu rất thiêng nên nhiều xác người chết đuối dạt vào bãi Nhật Tân, giống như Cô Trôi giữ cho xác họ khỏi bị cuốn đi, giúp người thân tìm thấy. Những ngôi mộ cỏ mọc xanh tốt quanh am thờ đều là những nạn nhân chết trên sông Hồng, anh Dũng vớt được mang về đây chôn cất. Anh Dũng từ nhỏ đã gắn bó với những gốc đào Nhật Tân. Sống ở gần bãi sông Hồng, lại được phường giao trông coi hoa màu của người dân ven sông nên vớt được nhiều xác.
Anh Dũng có duyên với nghiệp làm việc thiện này từ khi còn là cậu bé 13 tuổi. Một lần cùng đám bạn chăn trâu, anh phát hiện có hai xác chết nổi trên mặt nước. Cậu bé vội lao xuống sông kéo họ lên bờ. Đó là xác hai nam thanh niên đang trong quá trình phân hủy, mặt mũi biến dạng. Chờ mãi không có ai đến nhận, anh đào huyệt chôn họ ngay cạnh miếu Cô Trôi.
Anh bảo sống gần sông nước, nhìn thấy người chết dạt vào bờ là chuyện thường gặp. Từ nhỏ, anh chứng kiến cảnh cha mình và nhiều người làng vớt xác nên cũng không thấy sợ. Vớt được xác, anh lại báo chính quyền và công an đến khám nghiệm tử thi, xác định danh tính. Nạn nhân nào không có người nhà đến nhận, anh lại mang vào khu vực miếu Cô Trôi chôn cất.
Mỗi lần vớt được người, anh lại vạch một đường kẻ ngang lên trên cột nhà vì không biết chữ. Hơn 30 năm qua, người đàn ông 44 tuổi đã vớt được hơn 500 xác chết trên sông Hồng, chủ yếu là những người tự tử trôi dạt. Những người nằm dưới mồ vớt được trong hoàn cảnh nào, anh đều nhớ rất rõ nhưng không nhắc lại vì muốn cho họ được yên lòng.
Năm 2006, anh Dũng mang gạch, vôi vữa xây tường rào bao quanh miếu. Dân làng quen với việc làm của anh nên chẳng ai nói gì. Họ còn mang đến xe cát, góp bao xi măng để cùng anh làm việc thiện. Có người còn mổ hẳn con lợn cho anh em thợ thuyền đánh chén lấy sức làm việc. Xây xong, anh cắm biển bên ngoài "Nơi chôn cất bà chúa sông, chúa ngòi". Ai có lòng thì thoải mái đến thắp hương.
Anh Dũng là chủ vườn đào hơn 3.000 gốc và trang trại hàng trăm con lợn, gà. Anh bảo việc vớt xác người trên sông là cái nghiệp phải mang. Ảnh: Phương Hòa.
Những người nằm đây đều được anh Dũng bỏ tiền túi ra lo hậu sự chu đáo. Trước nghèo khó, không có tiền mua quan tài thì anh dùng tạm manh chiếu bó xác lại rồi mang đi chôn. Giờ nhiều phen anh bán cả lợn gà để lấy tiền sắm cỗ quan tài, áo quan, bát hương an táng cẩn thận. "Nếu không bỏ tiền túi chôn cất những xác người vớt được, lão ấy đã để dành được cả trăm triệu. Hễ nghe tin có xác người dạt vào bãi, đang làm gì lão cũng bỏ dở để đi", anh Dương Anh Sỹ, một người bạn anh Dũng cho hay.
Mỗi xác chết có người nhà đến nhận, anh Dũng đều được họ gửi tiền để cảm ơn, có người gửi 50 triệu đồng nhưng anh không nhận. Thậm chí nhiều người đến miếu Cô Trôi thắp hương, biếu tiền nhưng anh cũng từ chối. Cuối cùng, họ phải nài nỉ, bảo coi góp tiền mua hương khói cho vong hồn ở đây thì anh mới chịu.
Cuối tháng 7/2013, một đôi nam nữ được đem về đây chôn. Dù không biết họ là ai nhưng hai ngôi mộ được đặt nằm cạnh nhau. Đó cũng là hai người cuối cùng được nằm trong khu nghĩa địa của miếu Cô Trôi. Vì đất đã hết chỗ, nên những xác sau này đều phải mang đến nhà tang lễ để hỏa thiêu.
Hàng ngày, cây sung già mọc ngay miếu Cô Trôi xanh tốt, tỏa bóng mát trùm lên cả khu nghĩa địa vô danh. Ngày rằm, mùng một vợ chồng anh Dũng đều mang hương vàng, hoa quả đến đây thắp hương và cầu mong họ sớm được đầu thai kiếp khác. "Dẫu sao cũng là một kiếp người, có thể lo chu toàn với họ thì mình cứ làm, thế thôi", ông chủ vườn đào trầm ngâm nói.
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn