Ngoại trưởng Mỹ: Lực lượng Gadhafi bị đẩy lui nhưng vẫn là mối đe dọa

T

T$

Guest
Phản ứng trước quyết định của NATO ở Brussels, bà Clinton xác nhận có tiến bộ đáng kể trong chiến dịch không kích cho đến nay được đặt dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Nhưng bà đã tỏ ý thận trọng khi nói rằng mặc dù đã bị đẩy lui từ cứ địa Benghazi của phe nổi dậy và những nơi khác, các lực lượng trung thành với ông Gadhafi vẫn còn là một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sự an toàn của dân chúng Libya.

Ngoại trưởng Clinton nói: “Trong những ngày sắp tới, khi mà NATO tiếp thu quyền chỉ huy và kiểm soát các trách nhiệm, sự an sinh của những người thường dân đó sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Chiến dịch này đã cứu được nhiều sinh mạng nhưng còn lâu mới hết nguy cơ. Chừng nào chế độ Gadhafi còn đe dọa dân chúng của mình và thách thức Liên Hiệp Quốc, thì chúng ta vẫn phải tập trung đề cao cảnh giác.”

Bà Clinton nói rằng giới lãnh đạo Ả Rập và sự tham gia vào liên minh là điều “thiết yếu” và bà hoan nghênh thông báo về việc các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất sẽ bố trí 12 máy bay để thực thi vùng cấm bay, và như thế sẽ là nước Ả Rập thứ nhì góp sức vào công tác này, cùng với Qatar.

Bà Clinton xác nhận bà sẽ dự cuộc họp cấp Bộ trưởng của các nước trong liên minh vào thứ ba tới do Anh tổ chức ở London nhằm triển khai một thỏa thuận ở Brussels theo đó NATO sẽ tiếp nhận trách nhiệm chỉ huy và kiểm soát từ tay Hoa Kỳ.

Chính quyền Obama đã nhấn mạnh ý muốn trở lại vai trò hỗ trợ sau khi đã đi trước trong các vụ tấn công ban đầu.

Bà Clinton nói những vụ tấn công bằng máy bay và phi đạn cruise đó đã khiến cho không lực và lực lượng phòng không của ông Gadhafi gần như bị vô hiệu hóa và giúp liên minh kiểm soát được vùng trời Libya.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Sứ mạng của chúng ta là sử dụng khả năng độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho vùng cấm bay và hỗ trợ trong việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về nhân đạo. Và đúng như trông đợi, chúng ta đã chứng kiến sự giảm thiểu đáng kể trong số các máy bay của Hoa Kỳ tham gia vào chiến dịch, trong khi số máy bay của các nước khác tăng lên.”

Bà Clinton đã dùng đường lối ngoại giao bằng điện thoại để mở đường cho thỏa thuận NATO, trong đó có một cuộc hội thoại viễn liên giữa 4 bên với các vị ngoại trưởng của Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Là quốc gia thành viên lớn nhất theo Hồi giáo của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh vào những hạn chế gắt gao đối với những hoạt động trên không của NATO để bảo đảm số thương vong tối thiểu về thường dân của nước bạn Hồi giáo Libya.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc bênh vực cách thức xử lý của chính quyền đối với vụ khủng hoảng Libya giữa những lời cáo buộc của các đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ ở Quốc Hội cho rằng đã không có sự tham khảo ý kiến đầy đủ về hành động quân sự của Hoa Kỳ.

Một số nhà lập pháp nói rằng chính quyền lẽ ra phải xin phép tiến hành chiến dịch ở Libya theo đúng Bộ luật và Quyền hạn Chiến tranh, nhưng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Day Carney nói rằng việc thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể được coi như một cuộc chiến tranh.

Phát ngôn viên Carney nói: “Đây là một hành động quân sự có hạn chế về thời gian và phạm vi, phối hợp với các đối tác quốc tế của chúng ta, với mục tiêu bảo vệ sinh mạng của thường dân ở Libya trước lực lượng của Muammar Gadhafi.”

Ông Carney so sánh cuộc hành quân ở Libya với chiến dịch không kích của NATO ở Kosovo năm 1999, cũng liên quan đến một vùng cấm bay và đã khởi sự mà không có quyết định trước của Quốc Hội.
 
Back
Top