Nhìn thần chết ngẩng cao đầu

Jolie

Member
Tại Liên hoan phim Do Thái ở Jérusalem vừa kết thúc mới đây, bộ phim mang tính chất tiểu sử - tư liệu Bà nội và ông nội lên đoạn đầu đài được trao giải thưởng cao nhất về thể loại "phim tài liệu". Bộ phim kể về số phận của Ethel và Julius Rosenberg vốn nổi tiếng ở Mỹ như "những gián điệp nguyên tử từng làm việc cho cơ quan an ninh Liên xô KGB". Đạo diễn của bộ phim là Envy Miropol, cháu gái của hai vợ chồng người Mỹ bị hành quyết.
Etheo từng mơ ước trở thành nữ ca sĩ Opéra, còn Julius là một kỹ sư bình thường. Họ sinh hạ được hai cậu con trai và tin vào "tương lại sáng lạn của toàn thể nhân loại". Năm 1949 hai vợ chồng Rosenberg bị cơ quan phản gián của Mỹ bắt và bị kết tội trao những tài liệu bí mật về nguyên tử cho Liên Xô. Tòa án Mỹ tuyên án tử hình hai vợ chồng Rosenberg bằng ghế điện, và ngày 21/6/1953 hai người bị hành quyết.
Tội lỗi không được chứng minh
Nữ đạo diễn tương lai của bộ phim tài liệu Euvy Miropol - ở thời thơ ấu đã chịu nhiều đau khổ vì bị liệt vào loại gia đình của "những kẻ phản bội". Không một ai trong số họ hàng thân thích muốn kể cho cô bé nghe về bà nội và ông nội bởi lẽ hai người này bị xử tử với vết nhục là "những tên vô lại tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ". Tuy nhiên, cô cháu gái chỉ nhìn thấy ở họ những vị thánh tử vì đạo.

d80Jerusalem-Jewish-Film-Festival2.jpg

Tại cuộc họp báo theo truyền thống thường được tổ chức sau khi Liên Hoan điện ảnh kết thúc, Miropol trông rất mệt mỏi. Giải thưởng cao quý dường như không đem lại niềm phấn khởi trên nét mặt của người nữ đạo diễn tài năng. Dường như cô cháu gái của ông bà Rosenberg đang chờ đợi một điều gì khác. Đối với câu hỏi của một nhà báo :"Cô có tin rằng đến một lúc nào đó tòa án của Mỹ sẽ minh oan cho bà nội và ông nội của cô không ?", Euvy trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi đáp: "Tôi tin vào công lý". Tại sao cô lại nói về công lý ? Có lẽ tại vì cách đây hơn nửa thế kỷ, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa hai vợ chồng công dân Mỹ lên ghế điện mà tội lỗi của họ cho đến nay vẫn chưa chứng minh được.
Hai cậu con trai mồ côi của ông bà Rosenberg nay đã trưởng thành, nhưng tên tuổi của Ethel và Julius Rosenberg vẫn bị bôi nhọ bằng sự phản bội. Tại sao lại như vậy ? Căn cứ vào luật pháp nào ? Hiện nay cô cháu gái của họ mong muốn có được lời giải đáp đối với những câu hỏi còn treo lơ lửng ấy.
"Tôi muốn biết chuyện gì trên thực tế đã xảy ra với họ Euvy Miropol nói. -Những hoàn cảnh nào đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy đối với bà nội và ông nội ? Điều gì đã khiến cho họ trở thành đồ đệ của ý thức hệ cộng sản và làm cho hai đứa con thơ của họ bị mồ côi ?"
Julius sinh năm 1918 trong một gia đình Do Thái ở New York. Trong khi theo học tại trường đại học, ông thường đến dự các cuộc hội họp của những người cộng sản, tại đây ông làm quen với Ethel Gringlass vốn hơn ông ba tuổi. Vào thời gian đó, Ethel được coi là một phụ nữ khả nghi về mặt chính trị. Bà nhiều lần tham dự các cuộc bãi công và các cuộc biểu tình chính trị. Ethel công khai đòi cải thiện điều kiện lao động và tăng lương cho các công nhân và viên chức.
Trong quá trình làm phim, Euvy đã có những cuộc gặp gỡ với các đảng viên đảng Cộng sản Mỹ, và một người ở tuổi đáng kính đã khẳng định: "Vào những năm ba mươi, tất cả những ai có đầu óc tỉnh táo và trái tim nóng hổi, tất cả những ai mong muốn một cuộc sống tôt đẹp hơn cho những người lao động thì không thể không đến với những người cộng sản".
Dưới vỏ bọc đại diện thương mại
Ethel và Julius làm lễ thành hôn vào mùa hè năm 1939, còn cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai thì bắt đầu vào ngày 1/9. Julius tình nguyện ra nhập quân đội Mỹ. Ông phục vụ trong binh chủng thông tin liên lạc. Cuộc chiến tranh đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời của hai vợ chồng Rosenberd. Họ tin tưởng vào Liên Bang Xô Viết, họ mơ ước về một nhà nước xã hội chủ nghĩa không có tình trạng bóc lột người, không có sự kỳ thị chủng tộc.
Năm 1938, Julius Rosenberg làm quen với kỹ sư Gaik Ovakimjan, một tình báo viên Xô Viết dày dạn kinh nghiệm đang làm việc ở Mỹ dưới vỏ bọc đại diện thương mại. Ovakimjan đã thử thách Rosenberg trong một thời gian dài và cuối cùng đã bố trí cho ông tiếp xúc với một điệp viên của cơ quan tình báo Liên Xô ở Mỹ tên là Aleksandr Feklisov những thông tin mật có liên quan đến việc trang bị những kiểu vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ cho quân đội Mỹ. Nguồn thông tin về vũ khí nguyên tử, Julius có thể nhận được từ David Gringlass vốn là em vợ làm tại xí nghiệp sản xuất bom nguyên tử đã từng được thử ở Hiroshima và Nagasaki.
Sự cộng tác của hai vợ chồng Rosenberg với cơ quan tình báo Liên Xô có thể mãi mãi giữ được bí mật đối với Cục điều tra liên bang Mỹ nếu như một điệp viên Liên Xô đào tẩu sang phương Tây không tiết lộ mối liên hệ của y với nhà khoa học Anh Quốc là Claus Fuks vốn đã chạy sang Los Angeles. Sau đó đã xảy ra "hiệu ứng dây chuyền". Fuks đã giao nộp người liên lạc của mình là Harri Gold, còn Gold lại dẫn các nhân viên phản gián Mỹ tới David Gringlass, nhân vật này tại cuộc thẩm vấn đã im lặng khá lâu. Để buộc người em trai của Ethel phải cung khai, cơ quan điều tra Mỹ đã bắt vợ anh ta là Rut, và hai đứa con nhỏ của họ trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa. Nỗi lo sợ cho số phận của lũ trẻ đã khiến David quỵ ngã và anh ta đã khai báo ra hai vợ chồng Rosenberg.

392nhan-giai-thuong-tai-LHP-Jerusalem3.jpg

Y đã kể với các điều tra viên rằng Julius và Ethel đã lôi kéo y vào mạng lưới gián điệp. Theo lời David , y đã chuyển cho anh rể và chị gái các biểu đồ, sơ đồ và bản vẽ khác nhau có liên quan đến việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Ethel đã đánh máy những tài liệu mật còn Julius thì chuyển chúng cho các đại diện của cơ quan tình báo liên xô.

Hai vợ chồng Rosenberg bị bắt, nhưng trong các cuộc thẩm vấn, họ đã bác bỏ tất cả những lời khai của David. Tuy thế, tòa án vốn bắt đầu xét xử vào ngày 6/3/1951, đã tin lời David chứ không phải tin lời ông bà Rosenberg.
Ngày 28/3, bồi thẩm đoàn đã thừa nhận hai người là có tội. Sau một tuần suy nghĩ, ngày 5/4 năm đó, chánh án Irving Kafman đã tuyên án tử hình hai vợ chồng Rosenberg, bản án này phải được tổng thống Mỹ phê duyệt. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng hồi đó là Harry Truman đã vin vào cớ là thời hạn quyền hành của ông ta sắp hết nên khước từ ký quyết định. Sau đó ít lâu, vị tổng thống mới nhận chức Dwight Eisenhower đã bác bỏ tất cả những đơn xin ân xá và đã phê duyệt bản án tử hình đối với vợ chồng Rosenberg. Giải thích quyết định của mình, vị tân tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố: "Tội lỗi của hai vợ chồng Rosenberg còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc hạ sát một công dân khác. Đây là một sự phản bội độc ác đối với cả một dân tôc, nó hoàn toàn có thể dẫn tới cái chết của rất nhiều, rất nhiều công dân vô tội". Kurchatov đã thừa nhận
Tuy nhiên, xét theo quan điểm pháp lý, việc hai vợ chồng Rosenberg công nhận mình có tội là không đúng pháp luật. Bởi lẽ đã số các nhà vật lý sau khi đã làm quen với các bản vẽ mà David chuyển cho "các tên gián điệp nguyên tử", đều giễu cợt chúng. Filipp Morrison, một trong những người xây dựng bản thiết kế về việc sản xuất quả bom nguyên tử "Manhattan" đã gọi "những bản vẽ của Greenglass là "bức tranh biếm họa thô lậu", đầy sai sót và thiếu những chi tiết cần thiết để hiểu biết và sản xuất thứ vũ khí này". Tuy vậy, nhà vật lý Xô Viết nổi tiếng, viện sĩ Igor Kurchatov, người tổ chức các công trình nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật nguyên tử ở Liên Xô và Leonid Kvasmikov, người lãnh đạo cơ quan tình báo Hải Quân Liên Xô, đã thẳng thắn công nhận "sự đóng góp quan trọng của các chiến sĩ tình báo vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô". Của đáng tội, chúng ta không rõ ông muốn nói tới chính những tình báo viên nào. Xét cho cùng, cơ quan đại diễn tình báo Liên Xô ở Mỹ có khá nhiều chi nhánh và hai vợ chồng Rosenberg đâu phải là cơ sở duy nhất trên đời.
Viện sĩ Juli Khariton, người cũng từng tham gia vào bản thiết kế bom nguyên tử của Liên Xô trước khi mất ít lâu đã thừa nhận rằng quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô được thử vào năm 1949, là một phiên bản chính xác quả bom nguyên tử của Mỹ.
Ghế điện
Việc thi hành bản án tử hình đối với hai vợ chồng Rosenberg sẽ diễn ra tại nhà tù liên bang "Sing-Sing". Họ không chịu đầu hàng. Những lá đơn kháng cáo được liên tục gửi đi. Các tổ chức xã hội và chính trị khác nhau đã lên tiếng ủng hộ hai người bị kết án. Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như Albert Einsten và Jean-Paul Sartre, đức Giáo hoàng La Mã, Thủ lĩnh đảng "Đoàn kết nhân dân Pháp", tổng thống tương lai của nước Pháp Charles de Gaulle, các nhà văn Thomas Mann, François Moriac, Martin du Gard đã kêu gọi sự khoan hồng đối với ông bà Rosenberg. Cả hai cậu con trai còn ít tuổi của đôi vợ chồng lĩnh ánh tử hình cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản kháng. Trong một bức ảnh chụp vào những năm đó, Michael và Robert hồi bấy giờ mới 10 tuổi và 6 tuổi, vác hai tấm biểu với dòng chữ "Đừng giết bố mẹ của chúng cháu"

Khi tổng thống Eisenhower bác đơn xin ân xá, Ethel đã nói những lời vĩnh biệt với hai con: "Mới sáng nay thôi, hình như chúng ta lại có thể ở bên nhau. Giờ đây, khi điều này không thể thực hiện được nữa, mẹ muốn rằng các con biết tất cả những điều mà mẹ biết. Lúc đầu, tất nhiên, các con sẽ đau buồn về bố mẹ, nhưng các con hãy nhớ rằng bố mẹ không có tội và không thể hành xử chống lại lương tâm mình".

33bquang-canh-LHP2.jpg



Sau khi biết tin về quyết định của tổng thống Eisenhower, Julius đã viết cho Ethel: "Cũng như em, em thân yêu ạ, anh thậm chí khó mà lường hết được rằng quyết định này sẽ là như thế nào đối với hai con trai vô giá của chúng ta. Nỗi đau quá lớn là làm thể nào để bảo vệ chúng khỏi những hậu quả khủng khiếp của cuộc đời chúng ta".

Julius đã nhờ luật sư của mình là Emmanuel Blok chăm nom hai con của ông: "Hai đứa con của chúng tôi - đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi, niềm tự hào của chúng tôi và cũng là tài sản lớn nhất của chúng tôi. Mong anh sẽ yêu quý chính bằng tất cả trái tim và hãy bảo vệ chúng để chúng trở thành những người khỏe mạnh, bình thường... Tôi không thích vĩnh biệt, tôi tin rằng những sự nghiệp tốt lành sẽ sống lâu hơn con người, song có một điều tôi muốn nói : Tôi chưa bao giờ yêu cuộc sống đến thế... Nhân danh hòa bình, bánh mì và hoa hồng, chúng tôi đã gặp tên đao phủ một cách xứng đáng..."
David Gringlass bị kết án 15 năm tù giam, nhưng sau mười năm đã được tha. Còn số phận của chị gái và anh rể thì được quyết định vào ngày thứ sáu, 18/6/1953. Những đơn kháng cáo và phản đối không giúp được gì. Tòa án tối cao đã y án tử hình đối với hai vợ chồng và quyết định thi hành bản án vào 11 giờ đêm cùng ngày hôm đó. Nhưng "để không làm vấy bẩn ngày thứ bảy đang tới gần", thời điểm hành quyết được chuyển sang 8 giờ tối ngày hôm sau, khi, theo luật lệ của đạo Do Thái, ngày chúa nhật đang tới. Người đầu tiên ngồi vào ghế điện là Julius.
Henry Staingart, người mới đây vừa qua đời ở tuổi 107 tại nhà dưỡng lão, đã nước mắt lưng tròng nói với Euvy Miropol rằng suốt đời cụ mang ơn ông bà Rosenberg. Để thoát khỏi vụ hành quyết, người ta đưa ra cho hai vợ chồng tử tù một "giải pháp đơn giản" - hãy chọn lấy tên một kẻ "thế mạng" trong danh sách 25 đảng viên tích cực của đảng cộng sản Mỹ. Trong bản danh sách ấy có cả tên của Henry. Cho đến nay, cụ vẫn tin chắc rằng nếu như hai vợ chồng Rosenberg chỉ vào tên cụ thì cụ dứt khoát không tránh khỏi bị tử hình. Euvy Miropol gặp người vợ góa của một cha đạo Do thái giáo trông nom nhà tù là Ervin Kuslov. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, cha đạo đã luôn luôn sống giữa những người đồng đạo và đồng hương. Theo lời kể của bà vợ góa, sau khi Julius bị hành quyết, chồng bà đến gặp Ethel và nói: "Julius đã chết rồi. Cô hãy nhớ rằng cô sẽ để lại trên trần gian hai đứa con mồ côi của mình. Cô hãy gọi ra bất kỳ một cái tên nào đó, dù một cái tên bịa đặt ra cũng được và điều này sẽ cứu được cô". Câu trả lời của Ethel đầy vẻ quyết đoán: "Tôi không gọi bất cứ một cái tên nào. Tôi vô can trong cái tôi mà người ta buộc cho tôi. Tôi sẵn sàng chết".

Ethel bị đặt lên ghế điện. Bà gày gò và nhỏ bé, mà những điện cực thì ngắn ngủn. Lần phóng điện thứ nhất chưa giết được bà - trái tim bà vẫn tiếp tục đập. Chỉ đến lần đóng cầu dao thứ hai mới vĩnh viễn chấm dứt nỗi đau đớn của người phụ nữ đáng kính này.
Ethel là người phụ nữ đầu tiên bị hành quyết ở Mỹ. Sau khi ông bà Rosenberg bị tử hình, hai cậu con trai của họ đã được Abel và Euvy Miropol nhận làm con nuôi. Michale và Robert đã đồng thanh khẳng định rằng bố mẹ nuôi của các em là những người tuyệt vời và họ đã làm tất cả những gì có thể để ở một chừng mực nào đó thay thế cho bố mẹ của hai trẻ mồ côi.
Nhiều người Mỹ gốc Do Thái do sợ bị buộc tội là không trung thành với nhà nước nên đã cắt dứt quan hệ với gia đình Rosenberg. Nghĩa trang Do Thái ở New York đã từ chối mai táng hai vợ chồng bị xử tử. Gia đình nào mà những thành viên có chân trong "Uy ban giải cứu vợ chồng Rosenberg" cũng rất khó tìm được phần đất tại một trong những nghĩa trang nhỏ bé: ban quản trị nghĩa trang thoạt nhiên tưởng rằng người được chôn cất ở đây sẽ là những nạn nhân của một vụ tai nạn ô tô.
Nhưng khi hơn mười nghìn người đến dự lễ mai táng "những tên gián điệp" bị hành quyết thì tất cả mới vỡ lẽ ra rằng người được chôn cất là ai. Không người nào dám hủy bỏ lễ mai táng. Vốn là những người theo chủ nghĩa vô thần, ông bà Rosenberg được mai táng theo nghi lễ tôn giáo của người Do Thái.
Một tình yêu đến giây phút cuối cùng
Euvy nói rằng giới báo chí Mỹ trong một thời gian dài giới thiệu bà nội của cô như là "một phụ nữ vô cảm và nhẫn tâm vốn yêu quí Liên bang Xô Viết nhiều hơn con cái của mình". Nhưng cô cháu gái của ông bà Rosenberg hoàn toàn không đồng ý với quan điểm như vậy. Cô cho rằng Ethel Rosenberg "đã hy sinh không phải vì Liên Xô mà bởi lòng chung thủy đặc biệt với người chồng mà bà coi là một người bạn và một người đáng yêu".
Euvy tin chắn rằng bà nội và ông nội của cô là một cặp uyên ương tinh tế và họ cảm thấy cần phải luôn luôn ở bên nhau cho đến trọn đời, bởi lẽ nếu làm khác đi thì những đứa con đã trưởng thành "sẽ không tha thứ cho họ vì sự phản bội đối với nhau".
Những bức thư viết trong tù đã nói lên cách ứng xử cảm động của hai ông bà Rosenberg. Julius viết cho Ethel: "Em thân yêu... Những giọt nước mắt ứa ra trên mắt anh khi anh định thổ lộ tình cảm của mình trên trang giấy. Anh chỉ có thể nói rằng cuộc đời có ý nghĩa là bởi vì bên cạnh anh có em. Tất cả trò bẩn thỉu, tất cả sự dối trá và xuyên tác của cái màn kịch chính trị lố bịch ấy không thể đánh quỵ được chúng ta mà ngược lại, đã truyền cho chúng ta lòng quyết tâm đứng vững chừng nào chúng ta chưa được hoàn toàn thanh minh. Ôm em trìu mến và yêu em..."
Cũng tại chính cuộc họp báo sau Liên hoan phim nói trên ở Jérusalem, một nhà báo bản địa đã hỏi Euvy Miropol rằng cô có thích lấy lại cái tên họ Rosenberg không. Đối với câu hỏi này, người cháu gái của đôi vợ chồng bị hành quyết đã trả lời như sau: "Hồi trẻ bố tôi đã nghĩ đến chuyện này, nhưng sau đó ông quyết định rằng cần phải đền ơn đáp nghĩa đối với bố mẹ nuôi của mình. Tôi chưa bao giờ là Rosenberg cả, bởi vậy tôi không có ý định lấy lại cái tên họ đó. Tôi chỉ tự hào rằng cái tên mang tính chất "trung gian" của tôi là Ethel.

Lê Sơn
Theo Ekhoplanety số ra 12 năm 2009​
 
Back
Top