Nhập làng cửu vạn

G

Guest

Guest
Mặc bộ quần áo lao động cũ kỹ, chân đi dép tổ ong, đầu đội mũ cối, tôi gia nhập vào một đội quân cửu vạn ở Hà Nội để thấy hết được nỗi vất vả mưu sinh cực nhọc và những tâm sự riêng trong nghề này.
Gãy cả răng và bị quỵt tiền
Cửu vạn là người làm từ nghề lao động chân tay nặng nhọc: bốc vác, khuân hàng, đào móng, xây nhà, treo biển quảng cáo… đến những việc như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, thậm chí đóng chuồng nuôi con vật.
Những ngày cuối năm hối hả, các con đường thành phố ồn ào, người đông đúc. Dưới gầm cầu vượt đường Phạm Hùng, lố nhố tấp nập cánh xe ôm lẫn cửu vạn, kẻ đứng người ngồi. Tôi mạnh dạn đến gần một người đàn ông, trông anh cao, gầy, tóc xoăn tít: "Các anh cho em đi làm cùng với được không ạ?".



View attachment 6654 Anh Trung đang chở những cây luồng đi đóng chuồng nuôi gà chọi ở phố Khương Trung, Hà Nội.
Anh nhìn tôi chằm chằm, mấy người bên cạnh thấy lạ cũng đồng loạt ngó sang một cách dò xét và im lặng. Cái nhìn của họ làm tôi lo lắng nghĩ rằng họ sẽ không đồng ý. Nhưng sau vài giây, anh trả lời: "Thôi được, cứ ngồi đây với bọn này. Có việc thì đi làm, nhưng buổi đầu làm không công, chịu nổi không?".
Trời mùa đông buổi sáng lạnh lại có vài hạt mưa phùn nên càng lạnh thêm. Ngồi cạnh, tôi thấy họ đều ít nói. Mắt ai cũng chỉ chăm chăm nhìn sang hai bên đường, vào những chiếc bánh xe qua lại như mắc cửi, ngong ngóng như thầm cầu những chiếc bánh xe ấy sẽ lăn thẳng về phía họ. Tôi nghĩ mình phải đi bắt chuyện với một ai đó.
Mắt tôi dừng lại ở một người phụ nữ, trông mặt chị có vẻ hiền và thân thiện. Thấy tôi đến, chị hỏi: "Lính mới à, đi làm ở đâu chưa?". Tôi trả lời: "Em hôm nay là buổi đầu tiên, em vẫn chưa làm ở đâu cả".
Tôi nhìn chị rồi lại hỏi vài câu, chị trả lời chẳng chút dò xét, chắc chị đã tìm được người để tâm sự, giãi bày. Chị tên Lương, 45 tuổi, quê Ba Vì (Hà Tây cũ), làm nghề này hơn 10 năm có lẻ, ở quê ruộng ít, nghề phụ lại không có, bây giờ tiếng hộ khẩu Hà Nội nhưng quê chị vẫn còn nhiều người nghèo.
Phút trải lòng nhìn mắt chị buồn thăm thẳm, trông chị già trước tuổi, bàn tay hằn lên những vết sẹo và đường gân rõ mồn một: "Nghề cửu vạn vất vả lắm em à".
Chị thở dài rồi đưa mắt nhìn về chỗ người chồng cũng đang ngồi nói chuyện với mấy thanh niên cùng làng. Tôi biết lúc này chị đang buồn vì ngồi từ sáng tới giờ mà vẫn chưa có việc.
Chị bảo, dạo này ít việc hơn, chứ cũng độ này cuối năm ngoái, chị làm không xuể. Đợt ấy, chị đi đào đất móng nhà ở tít trên phố Kim Mã, một tuần ròng mà chị được hơn hai triệu tiền công, tổng vợ chồng chị làm được hơn 6 triệu. Đó cũng là tháng thu nhập cao nhất.
Vợ chồng chị có tuổi nghề cao nhất so với những người cùng quê ở đây. Từng ấy năm đi làm, chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Nhớ nhất là một lần chị đi đội cát, do không ăn sáng, nên đội được vài thúng đã thấy bụng đói, người mệt mỏi, chân tay loạng quạng rồi vấp vào chỗ bậc cầu thang gãy mất hai chiếc răng.
Sau lần ấy, chị phải nghỉ ở nhà một tuần mới đi làm trở lại được. Chị còn kể lần được họ thuê đi nạo vét cống ở Mỹ Đình, dù đã thống nhất giá cả từ trước nhưng khi làm xong, chủ thầu lại ăn quỵt bớt số tiền.
Tức, thế là bọn chị cãi nhau với họ om cả lên, mãi về sau họ mới trả nốt số tiền còn lại. Chị còn định kể cho tôi nghe chuyện nữa nhưng vừa lúc ấy có hai người đàn ông đến thuê, mắt chị chợt sáng lên, mừng rơn.
Một số người ban nãy tranh thủ lúc rảnh việc dựa vào chân cầu ngủ gật nay bỗng tỉnh dậy như theo bản năng sinh tồn, họ ào ào chạy đến vây quanh. Tôi cũng bị giục chạy theo.
View attachment 6653
Nhóm cửu vạn cùng quê anh Trung đang đứng chờ việc ở đoạn Cầu Mới Ngã Tư Sở
Người thứ nhất thuê bốc 5 tấn xi măng, người thứ hai thuê đi đào móng nhà ở thị trấn Canh (Hoài Đức, Hà Tây cũ). Nhóm cửu vạn nói chuyện rất nhanh, rồi chia thành hai nhóm đi làm.
Tôi đi cùng anh Thắng - chồng chị Lương trên chiếc xe máy Wave Tàu đến một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Trường Chinh. Chiếc xe tải nhỏ đã đỗ sẵn và chỉ đợi người đến bốc hàng là chở đi. Đây là lần đầu tiên tôi vác bao xi măng. Tôi và họ làm liên tục trong khoảng hai tiếng đồng hồ thì xong.
Chân, tay, lưng, vai tôi như rã vụn. Ngồi nghỉ ngơi cho lại sức, tôi lấy lý do xin về trước. Thấy vậy, anh Thắng gọi tôi lại: "Em về nghỉ đi, buổi đầu làm chưa quen việc nên mỏi mệt là đúng".
Tôi gật đầu chào, hẹn lát sau về chỗ cũ - chân cầu vượt. Nói vậy nhưng tôi sẽ không quay lại. Bởi chiều nay tôi định gia nhập một nhóm cửu vạn khác.
Cửu vạn cũng làm thơ
Chiều, tôi đi ra chỗ đoạn cầu Mới - Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội). Nhóm cửu vạn ở đây đều quê ở Quảng Xương - Thanh Hóa, toàn là đàn ông khỏe mạnh. Cách đây hơn chục năm, ở quê rộ lên phong trào "người người đi cửu vạn, nhà nhà đi cửu vạn", vì thế cánh cửu vạn ở ngoài Hà Nội đa phần là người Thanh Hóa.
Ngồi nói chuyện được một lúc thì các anh đã giao việc đi làm. Công việc như sau: Tôi sẽ phải đi bộ 2km cùng với một anh tên là Trung chở 3 cây tre luồng vào cuối phố Khương Trung để đóng chuồng nuôi gà chọi cho một người đàn ông có thú đam mê đá gà.
Tôi hỏi anh mua 3 cây luồng này, chở đến chỗ họ nếu trừ chi phí anh lời lãi được bao nhiêu? Anh nói mỗi cây chỉ được lãi có 5 ngàn đồng, còn tiền công làm chuồng nuôi thì tính riêng.
Công việc cứ đều đều thì mới có tiền gửi về cho gia đình, anh cười khoe với tôi về hai cô con gái ngoan ngoãn, xinh xắn, đứa đang học năm thứ 3 trường Cao đẳng Sư phạm ở quê, đứa đang học lớp 12.
Chúng tôi đi rồi dừng lại một quán nước nhỏ, đằng sau có một khoảng đất khá rộng dùng để nuôi gà chọi. Tôi và anh Trung chuyển từng cây luồng vào rồi cưa thành từng đoạn.
Sau đó anh Trung tự pha, vót luồng thành thanh, đóng đinh làm chuồng, còn tôi chỉ đứng quanh quẩn làm chân sai vặt. Anh Trung làm chuồng nuôi rất đẹp, gọn và vuông vức.
Anh bảo: "Làm nghề cửu vạn phải đa - gi - năng. Hôm nay buổi đầu coi như cho chú học việc. Chịu khó học để lần sau còn đi làm một mình". Hai tiếng sau, anh Trung chở tôi về bằng chiếc xe thồ lúc nãy.
Anh nói chiếc xe này anh đóng ở Hà Đông giá gần triệu bạc, chiếc xe trước anh mang từ quê còn tốt hơn nhiều nhưng đã bị mất trộm cách đây vài tháng.
Về đến nơi "trụ sở" chân cầu thấy anh nào cũng lấm tấm mồ hôi. Thì ra các anh vừa đi dọn kho hàng trong một xưởng cơ khí gần đây, làm một tiếng rưỡi mỗi người được năm mươi ngàn. Cầm tờ tiền vừa nhận còn mới cóng trên tay, anh Đông làm động tác giơ lên cao.
Thấy vậy anh Trung nói câu bông đùa "mày xem số sêri bao nhiêu còn biết mà đánh đề, nhỡ trúng, ăn đủ". Các anh ồ lên cười. Tôi biết để có được đồng tiền ấy, các anh phải đánh đổi bao giọt mồ hôi, những vết sẹo ngang, dọc ở tay, chân rồi những nguy hiểm trong nghề đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát.
Anh Trung kể, chỉ cách đây vài tháng anh Trọng được thuê đi treo biển quảng cáo, khi leo lên cây buộc dây, không may chân trượt ngã, bị gãy tay trái đến nay vẫn phải ở quê điều trị.
Anh Trung rút bao thuốc "Du lịch" ra hút, trong cái lạnh Hà Nội chiều cuối năm nhìn mặt anh càng buồn. Anh bảo: "Ít việc, không bằng những năm trước việc nhiều đến nỗi dịp tết, tối 30 tết bọn anh mới ra bắt xe về nhà”. Đoạn anh cầm điếu thuốc hút nốt rồi vứt vào đống rác bên đường.
Trời tối nhanh. Bóng đèn điện cao áp thành phố vàng vọt trong sương lẫn khói bụi. Tôi đi theo các anh vào một quán cơm bình dân ngay đầu chợ Cầu Mới, nghe anh Trung kể ông chủ quán cơm này cùng quê với bọn anh, trước đây là dân cửu vạn nhưng có máu mê kinh doanh, mở quán cơm bọn anh cũng được nhờ.
Chúng tôi ngồi túm tụm, anh Trung bảo: "Lâu lắm bọn anh mới uống rượu, hôm nay uống tý cho vui...". Nhìn thức ăn làm sạch sẽ, rất ngon và nóng hổi, tôi bèn hỏi: "Giá suất cơm cho hai người ăn ở đây bao nhiêu?".
Anh trả lời "20 nghìn", tôi giật mình vì giá rẻ nhưng anh nói thêm "chỗ quen biết mà", rồi anh chạm chén uống trăm phần trăm với tôi. Phút anh ngẫu hứng thành thi sĩ làm tôi bất ngờ, lúc này trông anh hoàn toàn khác với con người thô kệch trước đó.
"Nghề cửu vạn vất vả lắm em ơi!
Suốt cả ngày anh ngồi lê đường phố
Khi có việc anh vui mừng khôn xiết
Hết việc rồi anh lại ngồi nhớ em"
Mọi người cười giòn tan vỗ tay tán thưởng rồi cùng nâng chén uống trăm phần trăm chúc mừng thơ hay. Tôi không có lý do gì để từ chối.
Theo Đình Trinh
 

Attachments

  • 1..jpg
    1..jpg
    21.5 KB · Views: 0
  • 2..jpg
    2..jpg
    22.1 KB · Views: 0
Back
Top