Nhật có thể học hỏi từ kinh nghiệm sóng thần của Indonesia

T

T$

Guest
Đối với ông Kuntoro Mangkusubroto, những cảnh tượng hoang tàn do đợt sóng thần hôm 11 tháng Ba gây nên cho bờ biển nước Nhật đã khơi dậy nơi ông ký ức về những ngày tiếp theo sau trận sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004 gây tử vong cho hơn 230.000 người ở 11 quốc gia. 2/3 trong số này đã chết trong tỉnh Aceh của Indonesia.

Ông nói: "Sau khi một trận sóng thần ập tới thì điều xảy ra là hoàn toàn hỗn loạn. Không ai biết phải làm gì. Chính phủ địa phương không vận hành trôi chảy. Mọi người đều cần được giúp đỡ, nên các cơ quan hữu trách không biết xử trí ra sao."

Ông Mangkusubroto là giám đốc cơ quan Tái Thiết và Phục Hồi của Indonesia. Cơ quan này được thành lập 4 tháng sau khi sóng thần ập vào Indonesia.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật khiến cho các nỗ lực cứu trợ ở nước này khác rất nhiều trong một số khía cạnh. Nhưng ông Mangkusubroto nói rằng Indonesia cũng đã phải đối phó với một số tình huống đặc biệt gây trở ngại cho nỗ lực hồi phục.

Lúc đó tỉnh Aceh đang phải đối phó với cuộc nổi dậy vũ trang và khu vực này bị đặt dưới tình trạng quân luật và tất cả người nước ngoài đều bị cấm không được đến, kể cả nhân viên cứu trợ, các tổ chức phi chính phủ và các ký giả.

Ông Mangkisubroto cho hay điều đã giúp đem lại trật tự cho một tình huống hỗn loạn như thế là việc thành lập một cơ quan phục hồi với nhiệm quyền và quyền hạn do Tổng thống ủy nhiệm để vượt qua sự ràng buộc của mọi luật lệ hầu điều phối công cuộc cứu trợ.

Ông cho biết tiếp: "Một khi đã có cơ quan này rồi thì mọi chuyện được phối hợp suôn sẻ. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì cơ quan điều phối cũng là một cơ quan tân lập. Lúc đó chẳng ai có kinh nghiệm về một thiên tai với tầm cỡ như thế."

Ông Magkusubroto nói rằng tiến trình hồi phục tại Aceh, giống như hiện nay đang diễn ra tại Nhật, bắt đầu bằng các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cung cấp thức ăn, nước uống, chăm sóc y tế và chỗ tạm trú cho những người sống sót.

Indonesia phải mất 4 năm và hơn 7 tỉ đô la để tái thiết nhà cửa, xây dựng lại cơ sở kinh doanh, đường sá, trường học và bệnh viện tại Aceh.

Phần lớn tài trợ đến từ viện trợ quốc tế. Ông Mangkusubroto nói rằng ông không nghĩ là bất cứ một nước nào lại có thể hồi phục từ một thiên tai với sức tàn phá ở tầm cỡ như thế mà không có trợ giúp.

Ông không thể nói là phải mất bao lâu người sống sót mới thoát ra khỏi ám ảnh kinh hoàng của một trận sóng thần. Theo một cách nào đó, người dân Aceh có thể sẽ mãi mãi sợ hãi.

Trong lúc em Adi Satria dường như đang vui vẻ hồn nhiên đá banh với các bạn, đột nhiên em nín lặng khi được hỏi về trận sóng thần. Sau đó em trả lời rằng em rất đau đớn khi nhớ lại vì em mất rất nhiều bạn thân trong tai họa đó.

Những tàn tích của mức tàn phá của trận sóng thần giờ đây trở thành các địa điểm thu hút du khách lẫn những đài tưởng niệm. Ông Khadijah, đến từ thành phố Medan đã ghé thăm một bệnh viện đổ nát và một ngôi mộ tập thể rồi nhớ đến thảm họa này.

Ông phát biểu: "Không cần biết là bạn tài giỏi như thế nào, luôn luôn có một sức mạnh siêu nhiên vượt lên trên khả năng con người."

Nhưng với thời gian và hỗ trợ, người ta vẫn hồi phục và bắt đầu lại được.

Ông Mangkusubroto cho biết ông đành phải dễ dãi với một lệnh cấm tái thiết nhà cửa gần biển, vì ông không thể ngăn cản những dân chài trở về với lối sống có từ bao nhiêu đời nay.

Ông nói: "Thế rồi tôi mới hiểu thấu rằng nếu như tôi có đẩy những ngư phủ này lên tuốt trên đồi cao và biến vùng bờ biển này thành một khu vực đỏ cấm sinh sống thì rồi chắc chắn tôi sẽ thất bại, vì sẽ gặp chống đối của người dân."

Ông cho biết một bài học cuối cùng mà ông học được là trong lúc không thể buộc mọi người dọn đi nơi khác cư trú, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa số tử vong trong một trận sóng thần bằng cách thiết đặt hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng những tòa nhà cao, kiên cố trong các vùng dễ gặp loại thiên tai này và luôn luôn phải cảnh giác.
 
Back
Top