Nhọc nhằn “nghề” nhảy tàu

Jolie

Member
Không biết từ bao giờ, nhiều phụ nữ sống gần ga Kim Liên, quận Liên Chiểu - Đà Nẵng đã chọn cách mưu sinh bằng “nghề” nhảy tàu. Vì cuộc sống quá khó khăn, họ đành chấp nhận công việc đầy nguy hiểm này

Từ đầu năm đến nay, “làng nhảy tàu” cạnh ga Kim Liên luôn rúng động khi liên tiếp nhận được hung tin người thân của họ gặp nạn. Tưởng rằng những tai nạn rất thường gặp khi nhảy tàu sẽ khiến nhiều người chùn bước, nhưng không, vì cơm áo, gạo tiền, hằng ngày họ vẫn bươn chải nhảy tàu buôn bán.

Chờ và… nhảy!

Mới 5 giờ, nhiều phụ nữ ở “làng nhảy tàu” đã lục tục dậy để lo quét dọn nhà cửa, hâm lại nồi cơm nguội chiều qua cho chồng con ăn sáng. 6 giờ, cả làng rộn rã tiếng gọi nhau í ới, rủ đi lấy hàng ở các cửa tiệm gần nhà để chuẩn bị cho một chuyến nhảy tàu buôn bán.

Hàng mà những phụ nữ này thường lấy khi nhảy lên tàu buôn bán chỉ là vài món đồ thủ công mỹ nghệ của làng đá Non Nước, mấy con khô mực, dăm bịch mè xửng… Tất cả được đựng trong các chiếc túi cũ kỹ đã bạc màu theo những năm tháng nhảy tàu cùng với chủ. “Sao chị không lấy hàng nhiều để tích trữ mà ngày nào cũng đi lấy vài món cho cực?” – chúng tôi thắc mắc. Một chị tên Hạnh thở dài: “Ai chẳng muốn vậy nhưng không có vốn nên đành chấp nhận lấy hàng hằng ngày thôi”.

Gặp gỡ và trò chuyện với những phụ nữ hành “nghề” nhảy tàu ở cạnh ga Kim Liên, chúng tôi mới hiểu hơn về cái “nghề” nhọc nhằn của họ. Bà Trần Thị Cúc (45 tuổi), người có khuôn mặt rám nắng hiện rõ nỗi khắc khổ với vài vết sẹo vẫn còn in đậm trên má, đang ngồi đợi tàu trước sân ga. Bà Cúc cho biết đã có thâm niên nhảy tàu 25 năm nay. Bà Cúc có 5 con, người lớn nhất mới 20 tuổi cũng đã theo mẹ nhảy tàu hơn 3 năm nay. “Chồng tôi làm thợ hồ, kiếm tiền được ngày nào ăn ngày đó, chẳng đủ nuôi thân thì lấy gì mà nuôi vợ con! Bởi vậy, tôi và đứa con lớn không thể không nhảy tàu buôn bán”- bà Cúc tâm sự.


7-nhay-tau-2.jpg
Tai nạn luôn chực chờ những phụ nữ nhảy tàu buôn bán. Ảnh: Hoàng Dũng​



Bà Cúc cho biết mỗi ngày bà nhảy tàu 2 lần, lúc 7 giờ 15 phút và 10 giờ 30 phút khi 2 chuyến tàu TN2 và SE6 chạy qua. “Ngày nào cũng vậy, hôm may mắn bán được nhiều hàng, tôi kiếm khoảng 100.000 đồng, còn ngày nào ế ẩm thì được vài chục, thậm chí có bữa chẳng bán được đồng nào” – bà Cúc rầu rĩ.

Đồng hồ điểm 7 giờ. Một lát sau, khi đang trò chuyện với chúng tôi, nghe tiếng còi tàu vang lên, bà Cúc vội vàng xách túi hàng chạy thẳng đến bác xe ôm gần đó. Người này không cần hỏi khách đi đâu, liền phóng xe chạy thẳng ra cầu Nam Ô. Đội ngũ xe ôm ở đây vào giấc này thường rất đông. Họ chỉ chờ mỗi việc là chở các bà, các chị chạy ra cầu Nam Ô để nhảy tàu, cứ 5.000 đồng/chuyến 2 người. “Mấy bà chọn cầu Nam Ô để nhảy tàu vì tàu chạy qua cầu khi nào cũng chậm hơn những chỗ khác” - một anh xe ôm giải thích.

Theo chân những người ở “làng nhảy tàu” ra cầu Nam Ô, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hàng chục phụ nữ đủ độ tuổi, người cột chặt túi hàng vào bụng, người gửi giỏ cho bà bán nước dưới chân cầu… rồi loay hoay chọn chỗ thuận lợi chờ tàu đến. Khi đoàn tàu dài ngoằng chạy ngang, những người phụ nữ rùn chân xuống để lấy đà và lần lượt nhảy. Một tay họ bám vào những gì có thể bám ở toa tàu, tay kia nhận lại túi hàng từ người dưới đất đưa lên.

Sau đó, họ lần mò trèo lên nóc tàu. Người ngồi, kẻ nằm đủ các tư thế, vừa canh chừng nhân viên bảo vệ tàu vừa đợi những toa mở cửa để leo vào bên trong bán hàng. “Nếu không lọt được vào bên trong toa thì đợi cho đến khi tàu dừng ở ga Nam Hải Vân, chúng tôi sẽ leo xuống bán” - chị Lê Thị Tý tiết lộ. “Nghề này cực lắm, nguy hiểm lắm nhưng không làm thì lấy chi ăn? Nhiều khi nghĩ cũng buồn vì mình phải làm cái nghề chẳng ra hồn” - chị Tý bộc bạch.

Tai nạn chực chờ

Một ngày nhảy tàu buôn bán chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nhưng những mối nguy hiểm lại luôn rình rập các phụ nữ này. Chuyện rớt xuống đường ray, bị điện giật, bị bảo vệ đuổi đánh… thường xuyên xảy ra như cơm bữa. “Đành chấp nhận chứ biết làm sao bây chừ” - một người phụ nữ nói giọng Huế tâm sự. Những người bị rớt xuống đường ray khi nhảy tàu không hiếm và các bà, các chị vẫn chứng kiến hằng ngày. “Nhiều lúc thấy cũng ớn lạnh nhưng không thể bỏ nghề” - bà Cúc bộc bạch.

Chị Phương nhà tận huyện Hòa Vang – Đà Nẵng nhưng phải bỏ 4 con nhỏ ở lại cho ông bà ngoại chúng, một mình xuống cạnh ga Kim Liên thuê phòng trọ để tham gia đội quân nhảy tàu bán hàng rong. Chị cho biết: “Bảy năm nhảy tàu, hai lần tôi bị bảo vệ bắt và thu hết đồ, nhiều lần nhảy tàu bị trượt chân ngã lăn dưới đất, tay chân bị xây xát phải nghỉ mất cả tuần nhưng vẫn ráng theo nghề. Phải cố thôi, khi nào đôi chân không thể nhảy, không thể leo được nữa thì mới nghỉ”.


7-nhay.jpg
Vì nghèo khó, nhiều người phải nhảy tàu buôn bán mưu sinh​
Trong những người đàn ông làm “nghề” nhảy tàu, bi đát nhất có lẽ là trường hợp anh Lê Xuân Bé. 38 tuổi, anh vẫn một thân một mình, không nơi nương tựa. Ngày ngày, anh bám theo tàu mưu sinh, đêm về vật vờ ở sân ga hoặc mái hiên nhà dân để ngủ. Cách đây 7 tháng, một lần nhảy tàu về mệt mỏi nên anh thiếp đi bên đường ray, chẳng may bị tàu lửa va quệt. Người dân đã phát hiện kịp thời, đưa anh Bé vào bệnh viện cấp cứu. Mỗi người giúp một ít và còn chia nhau vào bệnh viện chăm sóc anh. Sau vụ tai nạn, anh Bé bị điếc nhưng vẫn phải tiếp tục nhảy tàu để mưu sinh.

Chưa có lối thoát

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, cho biết việc các phụ nữ tham gia nhảy tàu buôn bán hàng rong diễn ra tại địa phương từ lâu và đã có nhiều sự cố đáng tiếc. Trước tình trạng trên, UBND phường đã họp các phụ nữ này lại, yêu cầu cam kết không tiếp tục mua bán hàng rong trên tàu, đồng thời hứa sẽ tạo điều kiện cho họ vào buôn bán ở chợ.

Tuy nhiên, dù đa số chị em muốn chuyển đổi ngành nghề nhưng lại lo sợ thất bại. Hơn nữa, muốn chuyển qua nghề khác phải có vốn nhưng hiện nay chỉ có người nghèo mới được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, còn các đối tượng cận nghèo thì chưa được vay. Vậy là các bà, các chị lại tiếp tục “nghề” nhảy tàu.

Mới đây, một số công ty thủy sản đã liên hệ với Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc cho biết có ý định tiếp nhận 100 phụ nữ nhảy tàu vào làm việc nhưng nhiều người vẫn không chấp nhận. Theo những người nhảy tàu, công ty thủy sản này chỉ nhận những công nhân trẻ, trong khi đa số họ lại quá tuổi nên cũng khó.

Hơn nữa, mỗi lần nhận công nhân, các công ty thường cần 50-60 người, trong khi các phụ nữ ở “làng nhảy tàu” đến xin việc chỉ đi lẻ tẻ 5-6 người nên doanh nghiệp không chịu nhận. Thậm chí, nhiều phụ nữ “làng nhảy tàu” còn cho rằng công việc nhảy tàu buôn bán ngày chỉ 2 chuyến, họ còn có thời gian rảnh để lo cho chồng con; còn đi làm công nhân thì cả ngày phải làm ở nhà máy. Cứ vậy, “nghề” nhảy tàu vẫn tiếp tục tồn tại, không chỉ vì cuộc mưu sinh mà còn do ý thức của những phụ nữ nghèo khó này.
Không chỉ có phụ nữ​
Ở các khu vực quanh ga Kim Liên, không chỉ phụ nữ mới tham gia nhảy tàu buôn bán. “Làng nhảy tàu” ở đây còn có cả đàn ông tham gia “nghề” này. Trong đám đông phụ nữ chờ nhảy tàu gần cầu Nam Ô, chúng tôi cũng bắt gặp vài thanh niên, có cả những người đàn ông tuổi đã ngoài 60.

Tại ga Kim Liên, chúng tôi gặp một người đàn ông tuổi chừng 65, gầy gò với làn da đen xỉn, cũng xách một túi hàng. Ông nằm dài trên chiếc ghế kê trước sân ga để đợi tàu. Hỏi chuyện, chúng tôi mới biết ông không thể nhảy tàu được như cách của các phụ nữ kia mà bằng cách khác.

“Tuổi tôi nay đã cao, 10 năm trước lại gặp tai nạn trong một lần nhảy tàu, bị gãy chân nên giờ phải đi khập khiễng. Bởi vậy, tôi không thể ra cầu Nam Ô nhảy tàu mà đợi tàu vô ga để lên tàu buôn bán” – ông cho biết. Ông cụ đang nằm nghỉ để đợi chuyến tàu SH6 chạy vào ga Kim Liên, dừng lại để tránh tàu khác. “Lúc tàu dừng, tôi mới có thể leo lên để mời khách mua hàng” – ông nói.

Bên cạnh ông là một cô bé trạc 8-9 tuổi, cũng kiếm sống nhờ những con tàu. Cô bé mang theo một chiếc hộp nhỏ đựng vài phong kẹo cao su và ôm một xấp báo. “Con cũng đang đợi tàu dừng để lên mời hành khách mua giúp”- cô bé giới thiệu tên Liên nói. “Sao cháu không đi học mà lại nhảy tàu buôn bán thế này?” – chúng tôi dọ hỏi. Cô bé cúi mặt, khẽ khàng: “Cháu cũng muốn đi học lắm nhưng nhà nghèo, không có tiền cho ăn học”.


Hoàng Dũng - Diệp Nguyễn





<!--@vbbanners:0@-->
 
Back
Top