Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam

Jolie

Member
(Petrotimes) - Sẽ rất bất ngờ nếu như bạn đọc biết được thông tin rằng, Hồ Việt Sử chẳng liên quan gì đến vụ Năm Cam, và Hồ Việt Sử còn có công trong một chuyên án đấu tranh chống tội phạm hình sự… Cuộc đời thật trớ trêu.

Thấm thoắt mà Chuyên án Z501 điều tra về băng nhóm xã hội đen do Năm Cam cầm đầu đã đi qua được hơn chục năm. Một số trong băng nhóm này, kẻ thì chết vì phải ra pháp trường chịu hình phạt, kẻ thì chết vì bệnh tật. Cũng lại có những người vốn từng là quan chức cao cấp hẳn hoi liên quan đến vụ án cũng đang dở sống dở chết…
Nhưng cũng có những người thì sau khi được trả tự do lại ăn nên làm ra, và trở thành ông chủ theo đúng nghĩa tốt đẹp của từ này.
Hồ Việt Sử, một người từng được mệnh danh là “đàn em của Năm Cam”, là “ông trùm cờ bạc, cá độ đất Sài Gòn”; là “kẻ ném đá giấu tay siêu hạng” và nhiều “danh hiệu… đen” khác – là một người như thế.
Sẽ rất bất ngờ nếu như bạn đọc biết được thông tin rằng, Hồ Việt Sử chẳng liên quan gì đến vụ Năm Cam, và Hồ Việt Sử còn có công trong một chuyên án đấu tranh chống tội phạm hình sự… Cuộc đời thật trớ trêu.
Phóng sự này sẽ giúp cho bạn đọc hiểu thêm chút ít những khoảng sáng về một con người tưởng như tăm tối, và “khoảng tối” trong một chuyên án tưởng như có hào quang.
I – Tôi tù không oan nhưng… chẳng đúng?
Trong vụ án Năm Cam, tôi là người theo khá sát và được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu về băng nhóm này. Mà nguồn tài liệu đầu tiên lại chính là của Tổng cục An ninh. Hồi năm 2000, chính Tổng cục An ninh đã có báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công an về hoạt động của Năm Cam. Trung tướng Trịnh Lương Hy – Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (ngày ấy còn là Thiếu tướng) đã cho tôi tài liệu này. Tuy nhiên, đối với Hồ Việt Sử, tôi hoàn toàn không quan tâm đến, bởi lẽ trong các báo cáo của công an, không thấy có nói đến nhân vật này. Mặc dù về sau, có không ít bài báo nói về những hành vi phạm tội của anh ta.
Tôi chỉ để ý đến Hồ Việt Sử từ năm 2007, trong một lần ăn sáng tại quán cà phê Cỏ May ở con phố ngắn Nguyễn Cảnh Chân. Một đồng nghiệp chuyên viết phóng sự xã hội và là người rất am hiểu giới giang hồ Sài Gòn nói với tôi rằng quán này là của Hồ Việt Sử, mới được ra tù.
1ads120120821161622.jpg


Nhìn quán cà phê bề thế, bài trí sang trọng và phục vụ rất tốt, tôi ngạc nhiên. Một nhân vật được coi là “cộm cán” trong giới giang hồ, vừa mới ra tù mà đã xây dựng được cơ ngơi to đẹp thế này. Như vậy, hẳn anh ta rất giàu cũng rất có thế lực. Nhưng rồi anh bạn tôi lại nói rằng Hồ Việt Sử bị tù oan. Những sai phạm của anh ta chẳng đến mức ấy. Rồi anh kể vanh vách cho tôi nghe về cuộc đời của Sử và những uẩn khúc của một số nhân vật trong vụ án Năm Cam.
Lúc ấy, tôi cũng chỉ nghe và biết thế còn nói chuyện Sử bị tù oan, tôi chẳng tin. Tòa đã xử qua hai cấp và với mức án phúc thẩm tới 9 năm tù thì oan khuất nỗi gì! Đến năm 2010, tôi đi điều tra về vụ án của ông Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Mạnh Lân ở Công ty Hương Thịnh bị bắt giam sai pháp luật và lại được ông Bằng kể nhiều về Hồ Việt Sử. Vụ án ấy, Báo Năng lượng Mới đã đăng 6 kỳ, và hiện nay “Một số người hùng trong vụ án Năm Cam” đã bị khởi tố và chờ ngày ra tòa xét xử.
Từ lời kể của ông Đỗ Cao Bằng, tôi nung nấu ý định viết về Hồ Việt Sử và một vài số phận éo le khác trong vụ án Năm Cam, trong đó có cả ông Trần Mai Hạnh, một người mà những anh em làm báo thế hệ chúng tôi luôn trân trọng ngưỡng mộ về tài năng viết báo và làm báo.
Qua một số bạn bè chơi với Hồ Việt Sử, tôi ngỏ ý muốn gặp anh ta. Nhưng Hồ Việt Sử đều từ chối khéo với lý do là quá bận cho việc của công ty. Hơn nữa, Sử thường phải ở Kiên Giang lo cho công trình đang giai đoạn thi công nước rút, nên rất ít về Sài Gòn. Hiện nay, Hồ Việt Sử đang làm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hoàng Gia và đang làm một công trình lớn ở Kiên Giang và làm nhà cho người thu nhập thấp ở Sóc Trăng.
Tôi hiểu lý do của Sử. Cũng phải thôi, Hồ Việt Sử xưa kia là người quảng giao, chơi với khá nhiều phóng viên. Nhưng khi Sử bị bắt thì không ít những ông bạn phóng viên đã có những bài “chan tương đổ mẻ” vào mặt Sử. Và tất cả những gì mà Sử đã tâm sự với họ về cuộc đời thì được họ khai thác triệt để tung lên mặt báo.
Nhưng rồi Sử cũng chịu gặp tôi và thật bất ngờ là Sử hứa sẽ kể hết…
Lần đầu, chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê ngay trước cổng cơ quan đại diện Bộ Công an ở phía Nam trên đường Nguyễn Trãi. Quán khá đông khách. Và cuộc nói chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi liên tục có người tới chào Sử. Ngồi với nhau được khoảng một giờ, và “thỏa thuận” với nhau một số “vấn đề”, Sử xin phép đi Kiên Giang, và hẹn vào dịp khác.
Bẵng đi gần tháng, mới lại gặp Sử và lần này là tại nhà riêng.
Tôi đến nhà Hồ Việt Sử vào một ngày cuối xuân tại nhà của anh – một căn nhà nhỏ trong con hẻm đường Trần Bình Trọng – TP Hồ Chí Minh.
Sử tiếp tôi ở tầng trệt. Nhìn căn nhà của Sử mà tôi thấy hơi lạ, bởi lẽ trong nhà chẳng có thứ đồ đạc gì đáng tiền. Chẳng hiểu “của chìm, của nổi” anh ta để đâu, chứ trong căn phòng này, ngay đến bộ salon tiếp khách, đem cho chưa chắc ai dám nhận.
Hồ Việt Sử có gương mặt cương nghị, ánh mắt sắc nhưng có ánh u buồn. Sử nói năng chậm chạp, từ tốn và rất ít thấy có nụ cười. Sau những câu chuyện về thời cuộc, về cái chết của một số đại gia, bỗng Hồ Việt Sử cười buồn rồi nói: “Ngẫm lại những ngày ở tù, tôi thấy vừa buồn cười, vừa cay đắng. Buồn cười là chẳng hiểu vì sao mà phải bị bắt tạm giam tới 3 năm 8 tháng mới được đưa ra xét xử với mức án là 13 năm và khi phúc thẩm còn 9 năm. Rồi lại đi lao động ở trại Z30A một năm 2 tháng nữa”.
Nghe Sử nói thế, tôi hỏi lại: “Vậy anh nghĩ là đã bị sao?”. Sử châm thuốc hút (ờ, mà anh chàng này hút thuốc như… ăn kẹo). Tôi để ý thấy cứ khoảng 15 phút Sử lại châm thuốc. Mà điếu nào cũng hút rất nhiệt tình cho đến tận đầu lọc. Sử lắc đầu: “Tôi thấy mình cũng chẳng bị oan. Nhưng đúng thì cũng chưa hẳn”.
Thật là chuyện lạ. Một người bị ngồi tù ngần ấy năm, nay bảo mình bị như vậy là “chẳng oan”, nhưng bản án lại “chưa đúng”. Nghe rõ là mâu thuẫn. Dường như hiểu sự thắc mắc của tôi, Hồ Việt Sử giải thích: “Chuyện tôi chơi cá độ bóng đá là có; chuyện tôi đánh bạc là có, chuyện nhân viên của tôi đánh nhau gây thương tích là có… nhưng chẳng ai bắt được quả tang tôi chơi, chẳng thu được đồng xu cắc bạc nào, và chuyện tôi chơi cá độ lại là thông tin từ cả gần chục năm trước… Ví dụ như thế”.
Điều Hồ Việt Sử nói thì tôi chả lạ gì. Vào những năm ấy, loại án được xử theo kiểu “bỏ túi” không phải là hiếm. Không ít vụ án, các cấp tòa cho xử “điểm”, xử để “làm gương”, để “răn đe”; thậm chí cả cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng tham gia bàn bạc và “quyết” mức án cho bị cáo trước khi tòa khai mạc. Trong phiên tòa, bị cáo khai gì, mặc kệ. Luật sư cãi gì, quý Viện Kiểm sát ngồi ngủ gật và cuối cùng buông câu gọn lỏn: “Viện giữ nguyên quan điểm trong cáo trạng”. Và cuối cùng, thẩm phán tuyên mức án cho “đúng chỉ đạo”.
Tôi hỏi Hồ Việt Sử: “Nghe nói chính tướng Việt Thành cho bắt anh rồi cũng chính tướng Thành có văn bản đề nghị Hội đồng đặc xá Trung ương xét giảm án cho anh?” – Hồ Việt Sử gật đầu: “Đúng thế!”. Vậy lý do để tướng Thành xin giảm án tù cho anh là gì? Sử cười nhạt: “Là vì tôi đã có công giúp công an bắt một vài đối tượng gây trọng án”.
Lại có chuyện thế nữa, trong đầu tôi thầm nghĩ: “Chắc anh chàng này ngày xưa là cơ sở của một đơn vị cảnh sát nào đó”. Công an nào mà chẳng sử dụng các đối tượng ngoài xã hội làm cơ sở bí mật cho mình. Làm công an – nhất là cảnh sát hình sự mà không biết gây dựng mạng lưới cơ sở thì đó là công an hạng bét”.
Nghĩ thế, tôi hỏi Sử: “Vậy anh từng là cơ sở bí mật của Công an?”. Sử lắc đầu: “Nếu tôi được công an tuyển làm cơ sở thì chẳng đến nỗi bị tù đày như thế”. Sở dĩ có chuyện ấy là vì tôi biết rất nhiều về giới giang hồi Sài Gòn. Tôi chơi cá độ bóng đá, cờ bạc, lại làm vũ trường Metropolis kia mà. Có mấy ai hiền lành, tử tế, lao động chân chất lại có tiền vào các chốn ấy… Vì thế, khi công an nhờ tôi việc này, việc khác, giúp được gì là tôi giúp. Tôi là người theo Phật giáo, từng đi tu từ bé, và đến giờ, tôi không thể quên được những điều Phật dạy.
Cho nên, với những kẻ ác phạm tội giết người, tôi thấy mình phải có bổn phận giúp công an tìm ra chúng. Tôi nói điều này, có thể anh sẽ coi tôi là kẻ nói dối. Nhưng ông Dương Minh Ngọc, ông Nguyễn Mạnh Trung là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thời đó còn sống đấy, anh có thể gặp mà hỏi”.
Tôi thật sự ngạc nhiên về những điều Sử nói, nếu đúng thế thì cuộc đời đúng là lắm bí ẩn.
(Xem tiếp kỳ sau)
N.P



 
Back
Top