Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) mới công bố danh sách 20 phim có cơ hội tranh tài tại hạng mục “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc” của Oscar 2016.
Ant-Man: Người Kiến là tác phẩm siêu anh hùng khép lại Kỷ nguyên Anh hùng II (Phase II) của Marvel Studios. Những cảnh biến tí hon của nhân vật chính, cũng như trận giao chiến giữa Ant-Man và Yellowjacket được hỗ trợ hiệu quả bởi hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh.
Avengers: Age of Ultron: Nhóm siêu anh hùng Avengers trở lại khi trí tuệ nhân tạo Ultron xuất hiện và đe dọa sự bình yên của nhân loại. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất trong phim là khi Ultron nhấc bổng cả thủ đô của Sokovia lên không trung, biến đây thành chiến địa không lối thoát. Tập phim trước, The Avengers (2012), từng nhận đề cử Oscar Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
Bridge of Spies: Bộ phim mang đề tài Chiến tranh Lạnh của đạo diễn Steven Spielberg và ngôi sao Tom Hanks thiên về lời thoại bởi đây vốn là “cuộc chiến không tiếng súng”. Tuy nhiên, Bridge of Spies vẫn đem tới cho người xem trường đoạn chiếc máy bay do thám U-2 của viên phi công Francis Gary Powers bị bắn hạ đầy kịch tính và được hỗ trợ bởi phần kỹ xảo ấn tượng.
Chappie: Không được khán giả và giới phê bình đón nhận bằng District 9 (2009),Chappie của Neill Blomkamp là câu chuyện về chú người máy ngây thơ, mang khao khát có cảm xúc và được yêu thương như loài người. Kỹ xảo hình ảnh là điểm sáng lớn nhất của Chappie.
Everest: Với kinh phí sản xuất chỉ là 55 triệu USD, Everest vẫn khiến khán giả choáng ngợp bởi phần hình ảnh hùng vĩ, được thực hiện tại các vùng núi ở Italy, Iceland và chính Nepal. Phim kể lại thảm họa trên đỉnh Everest vào ngày 10-11/5/1996, khi một cơn bão tuyết bất ngờ ập đến và cướp đi sinh mạng của 8 nhà leo núi.
Ex Machina: Bộ phim khoa học viễn tưởng độc lập có kinh phí chỉ là 15 triệu USD. Nhưng các nhà làm phim của xứ sở sương mù vẫn thành công tạo ra mẫu người máy Ava đầy mê hoặc và ấn tượng do Alicia Vikander thể hiện.
Fast & Furious 7: Vin Diesel từng tuyên bố Fast & Furious 7 sẽ thắng giải Phim truyện xuất sắc của Oscar 2016. Dĩ nhiên, đó chỉ là lời nói vui. Cơ hội dành cho bom tấn đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD chủ yếu nằm ở các hạng mục kỹ thuật. Những pha hành động giật gân, cháy nổ của Fast & Furious 7 gây hiệu ứng mãn nhãn khi được hỗ trợ bởi kỹ xảo hình ảnh. Ngoài ra, tái tạo hình ảnh Paul Walker từ phần đóng thế của hai người em trai tài tử cũng là một thành công của bom tấn.
The Hunger Games: Mockingjay – Part 2: Khi nữ nhi Katniss Everdeen tiến về Capitol để ám sát Snow, gã tổng thống độc ác quyết định biến thủ phủ của Panem thành một “đấu trường sinh tử”. Cô gái và những người đồng hành phải băng qua hàng loạt cạm bẫy khó lường, vốn là thành quả từ công nghệ kỹ xảo.
In the Heart of the Sea: Bộ phim kể lại bi kịch có thật của con thuyền đánh cá voi Essex vào năm 1820, sự kiện sau này truyền cảm hứng cho Herman Melville viết nên Moby-Dick huyền thoại. Những đại cảnh đại dương xanh ngắt và cuộc tấn công của con cá nhà táng mang lòng thù hận như loài người mới là điều Warner Bros. tập trung sử dụng để quảng bá cho bộ phim, thay vì các ngôi sao như Chris Hemsworth, Benjamin Walker, Cillian Murphy…
Jupiter Ascending: Trái đất và Mộc tinh mà chị em đạo diễn nhà Wachowski dầy công tạo nên cho Jupiter Ascending là rất ấn tượng và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, phần nội dung lại không xứng với điều đó. Khán giả không mặn mà với Jupiter Ascending và phim khiến Warner Bros. thua lỗ khoảng 100 triệu USD.
Jurassic World: 14 năm sau Jurassic Park III (2001), loài khủng long có màn trở lại không thể ấn tượng hơn trên màn ảnh. Hòn đảo Isla Nublar được tái tạo với loài sinh vật đã tuyệt chủng từ cách đây 66 triệu năm, hút hồn người hâm mộ trên toàn cầu. Jurassic World hiện vẫn là bom tấn ăn khách nhất 2015 với 1,66 tỷ USD và công lớn chính là phần kỹ xảo cầu kỳ, giúp tái sinh các sinh vật khủng long.
Mad Max: Fury Road: Sau ba thập kỷ, đạo diễn George Miller đưa khán giả trở lại thế giới hậu tận thế tràn ngập lửa, cát và bạo lực của Max Điên, gặt hái vô số lời ngợi khen từ giới phê bình khó tính dù đây chỉ là tác phẩm mang tính giải trí. Hầu hết các pha hành động trong phim đều được thực hiện bằng người thật, đạo cụ thật. Còn các màn kỹ xảo bão cát và một số pha cháy nổ được xử lý điêu luyện trong quá trình hậu kỳ.
The Martian: Ra mắt hồi tháng 10, The Martian của đạo diễn Ridley Scott và tài tử Matt Damon tiến băng băng tại phòng vé và hiện là ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar 2016Phim truyện xuất sắc. Phần kỹ xảo trong phim tiếp tục cho thấy Ridley Scott là bậc thầy trong thể loại phim khoa học viễn tưởng tại Hollywood.
Mission: Impossible – Rogue Nation: Tom Cruise tiếp tục đem đến hàng loạt pha hành động mãn nhãn trong phần năm của series Nhiệm vụ bất khả thi. Dĩ nhiên, người hùng Ethan Hunt cũng cần đến sự hỗ trợ nhất định từ đội ngũ kỹ xảo hình ảnh để biến các trường đoạn giật gân trở nên chân thực hơn.
The Revenant: Sau thành công của Birdman (2014), đạo diễn Alejandro González Iñárritu lập tức bắt tay thực hiện The Revenant với tài tử Leonardo DiCaprio và nhà quay phim lừng danh Emmanuel Lubezki. Việc tác phẩm có tên trong danh sách là điều bất ngờ bởi đoàn làm phim từng nhiều lần cho biết họ không muốn lệ thuộc vào hiệu ứng kỹ xảo để đem đến cho khán giả những hình ảnh thiên nhiên chân thực nhất.
Spectre: Tập phim thứ 24 về điệp viên James Bond không nhận được phản hồi thực sự tích cực. Nhưng các pha hành động của 007, đặc biệt là ở đầu phim, vẫn khiến người xem mãn nhãn.
Star Wars: The Force Awakens: Bom tấn được dự đoán đạt doanh thu toàn cầu 2 tỷ USD phải tới ngày 18/12 mới ra mắt. Tuy nhiên, Viện hàn lâm vẫn ưu ái dành cho The Force Awakens một suất trong danh sách bởi sự hứa hẹn mà các đoạn trailer của tác phẩm đã đem lại.
Terminator: Genisys: Hãng Paramount giờ đã ngưng kế hoạch thực hiện hai phần tiếp theo cho Genisys. Tập phim Kẻ hủy diệt mới thậm chí còn không kiếm nổi 100 triệu USD nội địa và chỉ may mắn được “giải cứu” bởi thị trường Trung Quốc. Hiệu ứng kỹ xảo cho các pha hành động, tạo hình nhân vật, hay tái tạo phiên bản Arnold Schwarzenegger thời trẻ tuổi có lẽ là điểm tích cực hiếm hoi của Genisys.
Tomorrowland: Giống như Jupiter Ascending hay Terminator: Genisys, Tomorrowlandchỉ được công chúng và giới phê bình đánh giá cao về mặt kỹ xảo. Phim khiến hãng Disney thất thu tới hơn 120 triệu USD, dù ra rạp tại thời điểm kỳ nghỉ Lễ Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) hồi tháng 5.
The Walk: Chiến lược marketing hời hợt của TriStar và Sony đã làm hại The Walk. Phim có kinh phí sản xuất 35 triệu USD, nhưng mới chỉ thu được 41,8 triệu USD. Tuy nhiên, giới phê bình hay những ai đã theo dõi The Walk dành rất nhiều lời khen cho tác phẩm, đặc biệt là phần kỹ xảo hình ảnh, khi đoàn làm phim tái tạo tòa tháp đôi World Trade Center và màn trình diễn nghệ thuật “những bước đi trên mây” căng thẳng tới nghẹt thở vào năm 1974 của Philippe Petit.
Theo Zing