Kỳ 4: Vượt ngàn trùng sóng … tìm cha
Cho đến tận bây giờ, khi nấm mồ của người cha thân yêu đã xanh rì cỏ mọc và câu chuyện đầy ly kỳ, huyền hoặc về hành trình vượt muôn trùng sóng nước tìm cha ở đảo Hòn Mê (Thanh Hoá) của ông Trần Văn Mắc đã bớt xôn xao trên những con phố nhỏ, ông vẫn không thể tin nổi rằng, có một ngày, ông lại có thể tìm thấy hài cốt của người cha bị mất tích trong cơn bão biển sau 17 năm sống trong vô vọng. Càng không thể tin nổi, người vẽ đường và giúp ông tìm cha là một người hoàn toàn xa lạ, chẳng có máu mủ hay quan hệ thân tình gì với gia đình ông, chẳng biết gì về trận bão khủng khiếp năm ấy và cũng chưa một lần đặt chân ra đảo Hòn Mê. Ngồi tít tận Hà Nội vẽ sơ đồ chỉ dẫn chi tiết, lạ kỳ thay, hành trình tìm kiếm đều diễn ra đúng như có sự sắp đặt của bàn tay tạo hoá. Một ngày cuối tháng 8 năm 2006, ngồi kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện ly kỳ ấy tại nhà riêng ở ngõ 33 Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, ông Trần Văn Mắc miệng không ngớt xuýt xoa: “Thần bí lắm! Huyền hoặc lắm! Đến mức nhiều khi không thể tin nổi. Cứ y như trong Liêu trai chí dị ấy”. Rồi giơ cánh tay chắc lẳn ra trước mặt tôi, ông thì thào: “Đấy, cứ nhắc đến chuyện ấy là tôi lại nổi hết da gà lên đây này”.
Cơn bão tang thương năm 1985 và cuộc gặp gỡ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy
Ông Trần Văn Mắc tại nhà riêng ở Hải Phòng
Ngày 20 tháng 10 năm 1985 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử thôn Lương Khê, xã Tráng Cát, huyện An Hải (Hải Phòng), quê của ông Trần Văn Mắc. Bởi đó là một ngày buồn đau thê lương nhất. Cơn bão cuối năm với gió giật cấp 6, cấp 7 đã nuốt chìm 4 chiếc thuyền đánh cá ngoài biển khơi, vĩnh viễn cướp đi riêng của thôn Lương Khê 13 người. Ông Mắc đau đớn nhất. Mất liền một lúc 3 người thân: cha (ông Trần Văn Mặc), em út Trần Văn Sùng mới 12 tuổi và em rể Trần Văn Dũng. Em Trần Văn Sùng lần đầu tiên theo cha ra biển chơi và đó cũng là lần cuối cùng trong đời.
Ròng rã suốt nửa tháng trời, gia đình ông Mắc cứ đội mưa dầm gió bấc, đi suốt dòng đục bến trong để tìm xác 3 người xấu số mà chỉ thấy muôn trùng sóng nước mịt mù nỗi u hoài thê lương. Ông Mắc vẫn đi, đi mãi. Đến tận mũi Cồn Mòi (vùng biển tỉnh Thái Bình) thì vớt được xác chiếc thuyền của cha.
Thấm thoắt 17 năm trôi qua. Hy vọng tìm thấy thi hài cha và các em đã trở nên vô vọng. Mẹ thì mỗi năm một già yếu mà nỗi nhớ chồng con cứ day dứt khôn nguôi. Nhiều lần, mẹ níu tay Mắc mà khóc rằng: “Con ơi! Bằng mọi giá phải tìm được bố và em. Dù chỉ là một mẩu xương khô cũng được. Nếu không, mẹ chết không nhắm được mắt đâu con ơi!”. Thương mẹ đứt ruột nhưng biết tìm cha ở đâu bây giờ?
Một ngày đầu tháng 5 năm 2002, trong một lần gặp gỡ ông Trần Tích Tiến, phó tổng giám đốc Công ty cao su INQUE Việt Nam, ông Mắc đã đem nỗi lòng u uẩn của mình ra giãi bày. Không ngờ, nghe chuyện xong, ông Tiến cười bảo: “Anh yên tâm! Tôi sẽ giúp anh tìm được mộ cụ”. Ông Mắc ngạc nhiên hỏi: “Bằng cách nào, thưa anh?!”. Ông Tiến bảo: “Tôi vừa nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy giúp cho bạn tôi tìm được mộ bố là liệt sĩ Vũ Duy Dư, chôn tít trên đỉnh núi bản Adiu, vùng sâu xa nhất của Đà Nẵng. Chuyện ly kỳ lắm. (Chuyện đi tìm mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư, chúng tôi sẽ kể chi tiết ở phần sau – PV). Anh hãy tin tôi đi”. Nụ cười ấm áp và cái bắt tay xiết chặt của ông Tiến khiến ông Mắc lòng khấp khởi mừng mà vẫn thấy lo lo. Bố và em chết ngoài biển cả. Biết trôi dạt nơi nào? Mười bảy năm rồi còn gì. Thời gian quá dài đủ để xoá đi tất cả những gì gọi là dấu vết còn lại.
Đêm ấy, về đến nhà, ông Mắc kể lại toàn bộ câu chuyện gặp gỡ ông Tiến hồi sáng cho mẹ và vợ nghe. Mẹ nghe xong khóc ầm lên, vừa khóc vừa giục ông Mắc đi gặp nhà ngoại cảm sớm. Vợ ông, bà Phan Thị Trinh thì bảo: “Em cứ thấy hoang đường thế nào ấy. Chả tin được. Ông Nguyễn Khắc Bảy có hoạ là thánh mới làm được như thế. Nhưng thôi, chiều mẹ, mình cứ đi. Được thì nhất. Không được cũng chẳng mất gì”.
Quyết định như thế nhưng mãi đến đầu tháng 10, ông Mắc mới có cuộc gặp gỡ với nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy. Ông Mắc kể lại: “Nhìn thấy Bảy, tôi hoàn toàn bất ngờ. Bảy cao, gầy, thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, hoàn toàn trái ngược với các ông đồng bà cốt tôi vẫn thường gặp ngoài đời. Sau một hồi nhìn chằm chặp vào chán tôi, Bảy reo nhỏ: “Thấy cụ rồi anh ạ!” rồi vội vàng lôi tờ giấy A3 đặt lên mặt bàn. Miệng nói, mắt nhìn chán tôi, tay vẽ. Bảy đưa các thông tin:
1. Bố tôi bị cá ăn mất bàn chân phải.
2. Bố tôi có mộ vì xác trôi dạt vào đảo Hòn Mê (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), được bộ đội vớt lên an táng.
3. Mộ nằm trong một cụm gồm 6 ngôi nằm ở phía Đông Bắc của đảo Hòn Mê, trên một vùng đất thấp, giữa một khe nước và hai lối đi nhỏ của bộ đội.
4. Trong 6 ngôi thì có 2 ngôi nằm song song, 2 ngôi nằm chèn ngang. Anh Dũng nằm ở ngôi thứ 3. Bố tôi nằm ở ngôi thứ nhất, cách mép nước khoảng 37m, cách khu bộ đội A9 khoảng 150m. Em ruột tôi là Trần Văn Sùng không có ở đây.
5. Những người đã mai táng bố tôi và anh Dũng là các anh bộ đội trên đảo, trong đó có các anh tên là: Định, Tuấn, Bính, Ngơi…
Sơ đồ Bảy vẽ khá chi tiết, chữ viết rõ ràng, rành mạch. (Xem ảnh).
Viết xong, Bảy đưa cho tôi, bảo: “Anh cứ dựa vào sơ đồ này, thể nào cũng tìm thấy bác và anh Dũng”. Thú thực, lúc đó đầu tôi cứ mụ đi. Người cứ như nửa tỉnh nửa mê. Nhưng tiễn Bảy về rồi mà lòng vẫn cứ bán tín bán nghi. Tôi bèn nhờ các anh công nhân bên Bảo hiểm hàng hải và Nhà Đèn xác minh hộ. Thông tin nhận được thật bất ngờ: Phía Đông Bắc đảo Hòn Mê đúng là có 6 ngôi mộ của dân, trong đó có những người chết trong trận bão tháng 10 năm 1985 được bộ đội vớt lên an táng”.
Thông tin phản hồi ấy như ánh nắng mặt trời xoá tan đám mây nghi ngờ u ám vốn bao phủ trong đầu vợ chồng ông Mặc bấy lâu. Gia đình ông vội vàng chuẩn bị và làm các thủ tục xin ra đảo Hòn Mê vì đây là hòn đảo quân sự, không có dân cư ở.
Lần thứ nhất ra đảo: Đào mộ nhầm và 2 cuộc báo mộng kỳ lạ
Tối ngày 5 tháng 11 năm 2002, gia đình ông Mắc gồm 7 người cùng nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy và bà Quan Lệ Lan, cán bộ nghiên cứu của Bộ môn cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) rời Hà Nội trên chiếc xe Toyota 14 chỗ tiến thẳng về huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Mất một ngày để lo các thủ tục. Sáng sớm hôm sau, đoàn thuê một chiếc tàu đánh cá ra đảo Hòn Mê. Được anh em chiến sĩ trên đảo đón tiếp nhiệt tình, ông Mắc cũng cảm thấy yên tâm phần nào. Tới phía Đông Bắc của đảo, cả đoàn sững người. Trong mờ mịt sương giăng, 6 ngôi mộ lần lượt hiện ra. Hai bên là khe nước và lối đi. Ông Mắc vội vàng lấy thước dây ra đo. Từ mép nước đến ngôi mộ thứ nhất đúng gần 38m. Ông giật mình, chân tay cứ run bắn lên. Những thông tin anh Bảy đưa ra đã trùng khớp với địa hình, địa vật ở đây.
Di ảnh ông Trần Văn Mặc
Cả 6 ngôi mộ đều được vun đắp cao ráo, chắc chắn, sạch sẽ. Bởi ngày rằm và mồng một, tháng đều đặn 2 lần, anh em bộ đội trên đảo hương khói chu toàn. Sau khi dâng lễ cúng thần linh, đoàn chuẩn bị khai quật ngôi mộ thứ nhất và thứ 3 (theo sơ đồ thì đó là mộ của bố anh Mắc và anh Dũng) thì bất ngờ, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy bảo: “Không! Nhầm rồi. Nhầm rồi. Đào ngôi thứ 4 và thứ 2 mới đúng”. Thầy bảo sao thì nghe vậy. Gia đình ông Mắc và các chiến sĩ ở đảo nhanh chóng khai quật. “ối giời! Các ông đào nhầm mồ mả người khác rồi”. Bà Trinh hét toáng lên. Cả đoàn tá hoả. “Toàn hài cốt phụ nữ đây này”. Miệng nói, tay bà run run cầm 2 chiếc vòng tránh thai giơ lên cho cả đoàn xem. Cả đoàn chết lặng. “Đây nữa, quần áo, khăn sống vẫn còn nguyên đây này”. Giời ạ! Đúng là toàn quần áo phụ nữ. Vì khi an táng, thi hài được bọc trong những tấm tăng dày nên xương cốt, trang phục còn nguyên vẹn. Bà Trinh khóc ầm lên vì sợ hãi. Mọi người cuống cuồng vùi lấp lại, rồi làm lễ tạ tội. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy thành kính thắp hương mời vong người đàn bà xấu số lên nói chuyện. Chị cho biết tên là Vân, cũng bị chết biển trong trận bão năm 1985. Có lẽ, vong linh của chị thiêng quá nên đã “ốp” vào nhà ngoại cảm, buộc anh chỉ nhầm. Đang thực hiện cuộc trò chuyện bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo tới. Gió ràn rạt thổi. Anh Bảy giục cuống cả lên. Anh bảo: “Bác Mặc đang hò hét tôi đưa các anh chị vào đất liền sớm kẻo bão”. Ngay chiều hôm ấy, cả đoàn rời đảo. Về đến thành phố Thanh Hoá thì mưa giông chớp giật. Cả đoàn hoàn hồn.
Trên đường ra Hà Nội, đoàn ghé thăm ông Trúc, nguyên đảo phó đảo Hòn Mê những năm 1980. Không hề hay biết gì về sơ đồ anh Bảy đã vẽ ở Hà Nội, ông Trúc nhiệt tình kể: Tháng 10 năm 1985, có 4 xác người chết dạt vào bờ. Anh Tuấn quân y được lệnh đi vớt và chôn cất. Sau đó, anh Tuấn về báo cáo lại, có một người đàn ông to lớn cao tuổi nhất bị cá ăn mất bàn chân phải. Xác ông cứ dập dềnh ngoài biển. Anh em bộ đội phải quăng dây câu để kéo vào thì xác lại vướng đá ngầm, không kéo vào được. Cuối cùng, anh Tuấn phải khấn xin rằng anh em sẽ an táng chu đáo, mới đưa được xác ông vào. Nghe chuyện, ông Mắc khóc oà. Người đàn ông luống tuổi cao lớn ấy đúng là bố rồi. Năm 1985, bố ông vừa tròn 51 tuổi, sức khoẻ tráng kiện, nổi tiếng cả làng chài về tài đạp sóng, vượt gió. Nếu không vì cậu con trai Trần Văn Sùng 12 tuổi, có lẽ ông không thể chết đuối được. Và phải chăng, vì không thấy xác con nên xác ông cứ nấn ná ngoài biển cả?
Những điều ông Trúc kể càng thắp thêm niềm tin, hy vọng tìm thấy hài cốt cha trong ông Mặc. Ông quyết tâm quay lại đảo vào một ngày gần nhất.
Có hai điều vô cùng huyền bí mà đến tận bây giờ, ông Mắc vẫn không thể nào lý giải được. Chuyện là, khi về đến nhà, đã thấy người mẹ già nước mắt vắn dài, bảo: “Đào nhầm mộ bố rồi phải không?”. Cả đoàn sửng sốt, không hiểu sao bà cụ ở nhà lại biết. Bà thở dài, bảo: “Đêm qua, u nằm mơ thấy thầy con về. Thầy đứng đầu giường u, tay phe phẩy quạt nan, cười khà khà bảo: Mộ bố không đào lại đi đào mộ hàng xóm. Nhưng không sao, rồi sẽ tìm thấy tôi”. Chưa hết ngạc nhiên. Trưa hôm sau, vừa ăn cơm xong, ông Mắc thấy một người phụ nữ chừng 35 tuổi đến nhà ông gõ cửa, xin gặp ông Mắc, bà Trinh. Hai vợ chồng ông còn đang ngơ ngác thì người phụ nữ đã hỏi: “Có phải ông bà vừa ở đảo Hòn Mê về phải không? Có phải ông bà đã đào nhầm mộ người phụ nữ tên Vân có phải không?”. Ông Mắc gật đầu xác nhận. Người phụ nữ khóc oà rồi sụt sùi kể: chị chính là em gái của chị Vân. Tối qua, chị Vân về báo mộng cho chị, rằng muốn tìm thấy mộ chị, hãy đến địa chỉ số nhà 4, ngõ 33 phố Kỳ Đồng, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng, gặp vợ chồng ông Mắc, bà Trinh. Chị đi mà lòng dạ cứ bán tín bán nghi. Và thật kỳ lạ, mọi chuyện xảy ra đúng như lời người báo mộng.
Lần thứ 2 ra đảo: sự trùng khớp lạ kỳ
Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy và tác giả
Ngày 28 tháng 11 năm 2002, được sự giúp đỡ của ông Sơn – nguyên đảo trưởng đảo Hòn Mê, ông Trúc – nguyên đảo phó, ông Tuấn – quân y, những người đã từng công tác ở đảo năm 1985 (nay đã nghỉ hưu), gia đình ông Mắc và chị Vân lại ra đảo. Xem sơ đồ anh Bảy vẽ, các ông Sơn, Trúc, Tuấn đều khẳng định đúng như thực tế lúc đó. Năm 1985, ông Sơn đang triển khai xây dựng nhà A9 còn ông Tuấn là người trực tiếp chôn 4 thi hài chết trôi. Ông Trúc là đảo phó chính trị nên nắm rất rõ các chi tiết.
7h sáng ngày 29 tháng 11 năm 2002, ngôi mộ thứ nhất nằm cách mép nước gần 38m được khai quật. Thi hài một người đàn ông bị mất chân phải hiện ra. Lắp hai chiếc răng rụng vào hàm thì vừa khớp. Cả nhà khóc oà khi nhận ra sợi dây chun quần thắt rất nhiều nút để tăng tính đàn hồi mà ông Mắc đã làm cho cụ. Đây đích thực là xương cốt của bố rồi, không còn nghi ngờ gì nữa.
Khai quật tiếp ngôi thứ 3, mở nắp quan tài ra, lại những tiếng khóc vỡ oà khi gia đình anh Dũng nhận ra bộ quần áo bò vá gối anh Dũng mặc hôm ra khơi.
Khai quật lại ngôi thứ 4, gia đình chị Vân nhận ra tấm mề đay mang hình đức Mẹ mà chị luôn mang bên mình. Ba ngôi còn lại vì chưa xác định được nhân thân nên anh em chiến sĩ trên đảo khai quật lên, ghi lại những dấu vết còn lại của từng bộ hài cốt, tắm rửa, sang tiểu rồi chôn lại.
Thế là, sau 17 năm sống trong vô vọng, cuối cùng, ông Mắc cũng tìm được và đưa hài cốt người cha thân yêu về với quê nhà, thoả một đời ước nguyện của mẹ. Ông nghẹn ngào nói: “Đời này, kiếp này, chúng tôi chịu ơn nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy và Bộ môn cận tâm lý, chịu ơn tấm tình nồng hậu mà các chiến sĩ đảo Hòn Mê đã dành cho gia đình chúng tôi. Thế giới này quả là rộng lớn và có biết bao điều lỳ lạ. Một lần nữa xin được tạ ơn với đời, với người”.