Kỳ 6: Ngược ngàn thang đá lên bản Adiu
Điểm cao 463
Mặc dầu đã có tấm bản đồ chỉ dẫn khá chi tiết nhưng cũng phải mất hơn một tháng sau, gia đình chị Thắng mới quyết định lên đường tìm cha. Nhìn vào tấm bản đồ ấy cũng đủ thấy hành trình đi gian nan thế nào. Phải vượt qua sông qua suối, trèo núi cao vực sâu. Chị Thắng phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ những dụng cụ nhỏ nhất như đèn pin, dao, võng, áo mưa, thuốc men. Đoàn khởi hành từ Hà Nội vào chiều ngày 31 tháng 2 năm 2002 gồm 5 thành viên: Ông Trần Tích Tiến (trưởng đoàn), nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy (phó đoàn), anh Vũ Duy Đoàn, chị Vũ Thị Thắng, anh Nguyễn Văn Thành và bác sĩ Phạm Đỗ Bình. Sáng hôm sau, đoàn đã có mặt ở huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam. Biết đoàn vào tìm mộ liệt sĩ nên các đồng chí lãnh đạo và cán bộ phòng Lao động thương binh và xã hội huyện và Huyện đội tiếp đón rất chu đáo và tận tình giúp đỡ. Tuy không tìm thấy danh sách của liệt sĩ Vũ Duy Dư song những thông tin mà huyện đội cung cấp đã trùng khớp với một số tín hiệu được xác lập trên tấm bản đồ: có bản Adiu, có điểm cao 463. Biết đường lên Adiu quá hiểm trở nên huyện đội đã cử đồng chí Đức, người dân tộc Cà-tu đi làm hoa tiêu cho đoàn. Đi được chừng 8km trên đường mòn Hồ Chí Minh thì bắt gặp một chiếc cầu treo bắc qua con sông rộng. Xe ô tô Toyota 15 chỗ buộc phải dừng lại. Cả đoàn chỉ mang theo những thứ thật cần thiết. Mỗi người một chiếc ba lô. Lặng lẽ vượt qua suối, qua đồi. Chừng 3 tiếng đồng hồ thì tới xã A-roi. Đồng chí Đức cho đoàn tạm nghỉ giải lao rồi cùng ông Tiến, anh Bảy lên thăm đồng chí Thắng, nguyên là huyện đội trưởng, nay đã nghỉ hưu để hỏi thăm tình hình bản A-diu. Thông tin ông Thắng cung cấp thật bất ngờ: ở bản A-diu có ông Lai, ông Luật, ông Hạo. (Đúng như thông tin nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy cung cấp từ Hà Nội). Nhưng ông Luật mất rồi. Ông Hạo thì chuyển đi nơi khác. Hiện chỉ còn mỗi bố Lai thôi. Ông Tiến sốt sắng hỏi: “Thế ở xã mình có điểm cao 463 không?”. “Có đấy. ở ngay sau bản A-diu ấy”. Đồng chí Thắng đáp. Nghe vậy, ông Tiến mừng rơi lệ. Nhìn sang Bảy, thấy mắt anh cũng rưng rưng. Chỉ mỗi anh Đức là khuôn mặt vẫn bình thản vì đoàn chưa cho anh biết những điều huyền bí trong tấm bản đồ.
Anh Thắng (bên trái) và anh Bảy
Tạm biệt đồng chí Thắng, đoàn tiếp tục hành trình lên bản A-diu. Cả đoàn cặm cụi đi, không ai nói với ai một lời. Một niềm xúc động đang dâng trào trong mỗi người. Chừng một giờ leo núi, đoàn đặt chân đến bản, nghỉ tại nhà ông Lai. Bản A-diu nghèo xác xơ với gần một trăm hộ, hầu hết là người Cà-tu. Bản nghèo đến mức anh Đức hỏi mua gạo để nhờ gia đình nấu cơm cho đoàn mà chạy khắp bản không mua nổi một bơ. Cô con gái bố Lai cười lỏn lẻn: “ở đây chỉ có sắn thôi” khiến cả đoàn sững sờ. Chị Thắng rầu rĩ bảo, không ngờ ở đời còn có những nơi nghèo khổ thế này”. Một nồi sắn to nóng hổi dọn ra. Cả đoàn sà vào. Chỉ có sắn luộc chấm với muối dầm, ớt xanh mà sao thấy ngon thế. Chị Thắng thở dài đánh thượt: Chả bù ở Hà Nội, toàn sơn hào hải vị mà bữa cũng chỉ nuốt được bát cơm.
Bố Lai ra huyện lĩnh lương từ sáng sớm, mãi đến sẩm tối mới về. Năm nay, bố khoảng 67 tuổi, người cao, gầy, nước da nâu đồng săn chắc. Bước chân đến sân, bố đã cười khơ khớ, để lộ hàm trên không còn một chiếc răng nào. (Đúng như tín hiệu anh Bảy cho). Bố hồ hởi kể cho đoàn nghe về các ngôi mộ mà khi làm rẫy, bố gặp song không phải ở bản A-diu. Bố cũng chẳng biết đấy là mộ của bộ đội hay địch vì ngày xưa đánh nhau, địch chết cũng nhiều và chôn ở những nương ấy. Biết đoàn từ Hà Nội lên tìm mộ liệt sĩ nên dân bản kéo đến rất đông. Chuyện nổ như ngô rang. Giữa lúc tiếng nói, tiếng cười râm ran khắp bản thì bất ngờ, một ông già tóc bạc như cước, người chắc lẳn như cây lim, cây táu bước đến trước mặt ông Tiến, hỏi: “Có phải đi tìm bộ đội Dư không? Tao biết nó đấy. Chính tao với thằng A-feng chôn nó vì hồi ấy, tao làm du kích bản mà”. Ông già ấy là bố A-mo. Bố kể: “Bộ đội Dư là bác sĩ. Nó bị thương, bộ đội để nó ở lại với dân bản. Nó đã cứu giúp dân bản, chữa bệnh sốt rét cho dân bản. Dân bản quý nó lắm. Nhưng đến lúc nó bị sốt rét thì hết thuốc nên nó chết đấy. Ai cũng khóc thương nó. Tao chôn nó ở đằng sau một cây to. Tao đánh dấu cây ấy rồi”. Cả đoàn sướng rơn. Ông Tiến hỏi mà lưỡi cứ líu lại: “Thế bố có nhớ bộ đội Dư mất năm nào không?”. Bố bảo, cuối năm 1969 nhưng tháng thì bộ chịu. Ông Tiến lại hỏi: “Bố có nhớ đường đến đó không?”. Bố A-mo cười: “Nhớ chứ. Nó ở trên núi cao đằng sau bản ấy. Đi lên đó, nếu mà người dân thì mất hai tiếng còn chúng bay phải mất 3 tiếng”. Ông Tiến đề nghị bố dẫn đường. Bố A-mo nhận lời ngay.
Đêm ấy, cả đoàn không sao chợp mắt được. Nằm chùm chiếu co ro mà cái rét vùng cao lạnh thấu thịt thấu xương. Nửa đêm, chị Thắng dậy ngồi bưng mặt khóc thút thít. Linh cảm về cuộc hội ngộ cha con sau bao năm cách biệt đang đến gần khiến chị xúc động.
Sáng sớm hôm sau, khi tiếng chim rừng vừa cất, đoàn đ lục tục chuẩn bị lên điểm cao 463. Đi cùng đoàn còn có 3 trai bản cường tráng do già làng cắt cử, tổng cộng 11 người, chia làm 3 tốp. Mỗi tốp do một người dân tộc dẫn đường, đề phòng có ai mệt, cần ngồi nghỉ, vẫn có thể sát nhập tốp cuối cùng. Núi sừng sững, lau sậy cao lút đầu. Lá sậy sắc lẻm như ngàn lưỡi dao cứa tướp máu đôi cánh tay trần của ông Tiến. Dốc dựng đứng. Đầu người dưới trạm chân người leo phía trên. Không ai dám nhìn xuống vì độ cao chóng mặt. Vực sâu thăm thẳm. Mây xoà vào mặt, quấn quýt lấy thân người. Mồm miệng thi nhau thở. Hơi phì cả ra đằng tai. ì ạch vượt qua ngọn núi đầy lau lách lại thấy hiện lên trước mặt dốc núi một cánh rừng nguyên sinh. Đi theo một khe suối cạn, hai bên vách đá dốc ngược, cây cối um tùm. Bố A-mo bảo, con đường này dân bản chẳng ai dám đi, chỉ có thợ săn thú thỉnh thoảng mới bước chân vào nên cây dại mọc chằng chịt, vừa leo vừa phải dùng dao phát quang mở đường. Nhiều đoạn phải đi trên vách đá treo leo, một bên là sườn núi cao, một bên là vực thẳm. Rừng rậm đến mức không có nổi một tia nắng mặt trời xuyên qua được kẽ lá. Mặt đất ẩm ướt, đầy lá mục. Bước chân đến đâu, vắt ngóc đầu quăng mình rào rào đến đây. Chị Thắng bị mấy con bám vào bụng chân, sợ quá, khóc thét, vừa nhảy, vừa kêu la.
Ngược ngàn thang đá
Chừng hơn 3 tiếng sau, đoàn đặt chân đến một khu rừng có mấy cây cổ thụ, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây con và dây leo chằng chịt. Bố A-mo ngắm nghía một hồi rồi hạ lệnh dừng lại. Bố khoát tay chỉ, chính nơi này, sau những gốc cây kia, bố đã an táng liệt sĩ Dư. Hơn chục người lao vào phát quang bụi rậm, tạo thành một khoảng trống rộng để xác định vị trí ngôi mộ nhưng tìm mãi chẳng thấy nấm đất nào. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy kiểm tra lại tín hiệu rồi khẳng định, mộ liệt sĩ Dư đúng ở chỗ gốc cây cụt. Ông Tiến vội bày lễ vật, hương hoa, nải quả lên trên gốc cây, thắp hương lầm rầm khấn. Chị Thắng, từ lúc lên, cứ ngồi phệt xuống đất khóc réo gọi bố. Sau khi làm xong thủ tục tâm linh, đoàn bắt đầu đào bới. Anh Đoàn – con trai cả của liệt sĩ, dưới sự chỉ dẫn của anh Bảy, là người bập nhát cuốc đầu tiên ở ngay gốc cây cụt, nơi vừa thắp hương, đằng sau gốc cây cổ thụ to nhất. Đây chính là cây mà bố A-mo đã đánh dấu trên thân cách đây 33 năm bằng cách dùng dao chặt tước vỏ. Nay, vết chém vẫn còn, dài khoảng 60 cm, rộng 30cm. Mọi người thay nhau đào. Đến 12 h trưa, hố đào đã được mở rộng 1,5m, sâu chừng 70cm mà vẫn chưa thấy dấu hiệu gì. Ông Tiến lo ra mặt, hỏi bố A-mo có nhớ nhầm không? Bố khẳng định chắc nịch: “Đúng ở cây to này mà. Nhưng tao không nhớ bên phải hay bên trái. Tao chôn bộ đội Dư trước, rồi chôn 3 cái dân sau mà”. Nói đoạn, bố tóm tay ông Tiến, dẫn đi cách cây cổ thụ chừng 10 m về bên trái, chỉ vào chỗ bụi cây rậm rạp: “Mộ 3 cái dân ở chỗ ấy đấy”. Ông Tiến vạch cành len vào trong thì nhìn thấy một nửa thân gỗ to, dài chừng 2m nằm trên mặt đất, lá rừng phủ dầy bên trên. Đồng chí Đức giải thích, người dân tộc Cà-tu mai táng người chết như thế. Họ xẻ thân cây gỗ làm hai mảnh. Sau đó đục rỗng rồi đặt người chết vào đó. Hố chôn sâu chừng 60cm, do đó nửa trên của thân cây vẫn nổi trên mặt đất.
Như vậy, vị trí bố A-mo xác định nơi mai táng liệt sĩ Vũ Duy Dư là chính xác nhưng sao đào mãi vẫn không thấy. Ông Tiến bàn với đồng chí Đức cho đào hố thứ hai dịch về phía bên phải cây cổ thụ, cách hố thứ nhất khoảng 4m. ở vị trí này cũng có một gốc cây cụt. Hố thứ hai đào rộng 1,5m, sâu 50 cm thì gặp một lớp đá ong. Bố A-mo bảo: “Không phải chỗ này rồi vì ngày xưa tao đào không gặp lớp đá như thế”. Ông Tiến nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy xin thêm tín hiệu tại hiện trường để xác định. Bảy bảo: “Để em thắp hương xin con ong chỉ dẫn”. Khoảng 5 phút sau, một con ong to bằng ngón tay út bỗng từ đâu vù đến, bay xung quanh mặt chị Thắng hai vòng rồi dừng lại, đậu vào trán chị. Chị Thắng sợ quá, mặt tái mét. Anh Bảy trấn an: “Cứ bình tĩnh, đừng sợ”. Nghe vậy, chị Thắng đứng yên, hai tay chắp trước ngực, miệng khấn xin bố chỉ dẫn. 30 giây sau, con ong rời khỏi trán chị Thắng, xà xuống, bay xung quanh nơi anh Bình đang nằm nghỉ vì mệt, cách miệng hố thứ nhất 40cm rồi bay thẳng vào rừng sâu.
Mặt trời đã ngả về Tây. Rừng rậm bắt đầu âm u. Nhìn đồng hồ đã 1h30′ chiều. Cả đoàn lo lắng. Nếu hôm nay không tìm thấy thì buộc lòng phải quay về bản vì không mang theo lương thực. Mà ngày mai lại tiếp tục lên tìm kiếm thì mọi người không đủ sức. Hôm nay leo núi đã oải quá rồi. Ông Tiến bàn với đồng chí Đức huyện đội và anh Bảy: “Tín hiệu con ong không cho biết rõ ràng nhưng cũng có xà xuống đất, bay quanh anh Bình nằm giữa hố 1 và 2. Theo tôi, chúng ta nên mở rộng hố 1 thêm 40 cm nữa về phía hố 2. Nếu vẫn không thấy thì đào một đường hào rộng 60 cm, sâu 60 cm, chạy dài từ hố 1 sang hố 2, cắt toàn bộ đằng sau cây cổ thụ. Vì thời gian không còn nhiều nữa”. Mọi người đều nhất trí, thay nhau đào. Anh Bảy ngồi xếp bằng, tay chắp trước ngực, lẩm bẩm khấn. Đột nhiên, anh nói: “Em vừa nhìn thấy một người con gái đứng đằng sau gốc cây kia. Anh Tiến ra xem nào”. Vừa nói, Bảy vừa chỉ vào cây cổ thụ phía đằng xa, cách chỗ mọi người đào chừng 15 m. Ông Tiến ngó nghiêng một hồi chẳng thấy gì. Anh Bảy lại nói: “Đấy, chị ấy vừa ló ra đấy. Chị ấy cắt tóc ngắn, mặc váy dân tộc mà. Anh ra xem có ngôi mộ nào ở đó không?”. Nghe vậy, bố A-mo bảo: “Có con A-lý chôn ở đấy”. Anh Bảy liền bước đến phía sau gốc cây to, thắp hương khấn: “Chị A-lý ơi! Tôi dân bản rất quý bộ đội Dư nên muốn giữ ở lại. Nhưng bộ đội Dư đã ở đây với dân bản, với chị A-lý hơn 30 năm rồi. Nay gia đình muốn xin dân bản cho đón bộ đội Dư về với ông bà, tổ tiên để thoả lòng thương nhớ. Chị A-lý linh thiêng hãy giúp đỡ phù hộ cho chúng tôi nhanh chóng tìm được bộ đội Dư chị nhé”.
Từ lúc mọi người tích cực đào bới, anh Đoàn cứ ngồi rũ ở gần mép hố 2. Anh Bảy đề nghị đào mở rộng hố 2 chỗ anh Đoàn ngồi. Vừa cuốc vài nhát, anh Đoàn reo lên: “Anh Tiến ơi! Hình như em thấy dây võng này”. Mọi người đổ xô vào. Bảy nhảy xuống hố, dùng tay khẽ bới. Sợi dây dù lộ dần ra. “Chính xác rồi”. Bảy nói to, giọng reo vui. “Chiếc võng ngày xưa làm bằng vải Tô Châu nên mặc dầu vùi sâu dưới đất hơn 30 năm nhưng những sợi ny-lon và dây dù buộc quanh đầu võng vẫn còn”.
Sau khi xác định được hướng nằm của chiếc võng, mọi người nhẹ nhàng đào rộng và dài dần ra. Có một sự trùng hợp đặc biệt là hướng chiếc võng đặt đúng vị trí anh Bình nằm nghỉ khi con ong xà xuống bay xung quanh. Điều đó, chứng tỏ rằng liệt sĩ đã nhận được lời cầu khẩn và sai linh vật hỗ trợ. Đặc biệt thứ hai là ông Tiến và anh Đức, lúc đầu, đào đúng vị trí chiếc võng mà không thấy. Chỉ đến khi anh Đoàn, con trai cả của liệt sĩ, xới thêm chừng 4 cm thì thấy. Như vậy, vấn đề huyết thống trong tâm linh rất quan trọng.
Tất cả đoàn đều thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Đồng hồ đã chỉ 14h30′. Mọi người vội vã tập trung tìm kiếm hài cốt và kỷ vật của liệt sĩ. Đúng như tín hiệu anh Bảy đã báo trước ở Hà Nội, do mai táng trong rừng rậm, đất ẩm nên hài cốt không còn nhiều. Những chiếc khuy áo, nắp hộp thuốc mỡ dạng tuýp, một tấm vải dù đùng để nguỵ trang khi hành quân còn nguyên vẹn đã ngả sang màu vàng nhạt. Tất cả được gom lại, niệm trong miếng vải màu lá cờ tổ quốc rồi trang trọng đặt trong ba lô. Đoàn xuống núi.
23h ngày 4 tháng 3 năm 2002, chiếc xe ô tô trở di hài của liệt sĩ Vũ Duy Dư đã về tới thôn Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mặc dầu trời đã khuya song nhân dân địa phương vẫn tập trung rất đông để đón đứa con của quê hương trở về sau 33 năm xa cách. Sáng ngày 5 tháng 3, lễ truy điệu liệt sĩ đã được huyện đội Thanh Trì, hội cựu chiến binh, các ban ngành địa phương cùng gia đình cử hành trang trọng. Hài cốt liệt sĩ đã được mai táng tại nghĩa trang quê nhà.
Mộ liệt sĩ Nguyễn Duy Dư tại nghĩa trang huyện Thanh Trì
Cuộc trò chuyên giữa tác giả và ông Trần Tích Tiến:
PV: Là người theo suốt cuộc hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư, ông có nhận xét gì về tấm sơ đồ và những thông tin, tín hiệu mà nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy đã cung cấp tại Hà Nội?
Ông Trần Tích Tiến: Sơ đồ vẽ đẹp, rõ ràng từng khu vực, từ đồi núi, sông suối, ruộng nương, bản làng… Có thể nói, tín hiệu được xác lập từ Hà Nội, qua thực địa, chính xác đến 90%. Chính nhờ tín hiệu này mà đoàn tìm kiếm đã đạt kết quả tốt trong thời gian rất ngắn. Cụ thể:
1. Mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư mai táng tại bản A-diu, huyện Hiên (Quảng Ngãi). Địa danh này hoàn toàn chính xác.
2. Bản A-diu có ông Lai, ông Luật, ông Hạo biết thông tin về phần mộ liệt sĩ.
3. Có điểm cao 463. Và thực tế, mộ liệt sĩ đã nằm trên đỉnh của điểm cao.
4. Liệt sĩ hy sinh ngày 14 tháng 10 năm 1969. Về thông tin này, tôi cho là chính xác. Vì theo giấy báo tử, liệt sĩ Dư hy sinh ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại mặt trận phía Nam nhưng sau khi xác minh nhân chứng là bố A-mo, người trực tiếp mai táng liệt sĩ , bố khẳng định liệt sĩ mất khoảng cuối năm 1969.
PV: Vậy còn những thông tin chưa chính xác?
Ông Trần Tích Tiến: Thứ nhất, là thông tin về sự hy sinh của liệt sĩ. Nhà ngoại cảm cho biết: trong lúc đang cứu chữa bệnh nhân trong một lán trại, do máy bay địch oanh tạc, chiếc lán bị sập. Y sĩ Vũ Duy Dư đã hy sinh. Nhưng khi gặp bố A-mo và một số người già bản A-diu, được biết, liệt sĩ Dư bị thương, khi đơn vị chuyển quân đã để lại nhờ bản chăm sóc. Trong thời gian ở lại bản, thấy dân bản bị sốt rét nhiều quá, y sĩ Dư đã cấp phát thuốc chữa bệnh cho dân. Khi y sĩ Dư bị sốt rét thì hết thuốc nên đã mất. Chính vì nghĩa cử cao đẹp này mà đồng bào rất biết ơn liệt sĩ.
Thứ hai, trong mộ liệt sĩ có bát cơm cúng hoá thạch, có lọ thuốc ký ninh bên trong đựng tờ giấy mờ hết chữ. Trong túi áo bên trái còn hộp dầu con hổ. Tại thực địa, khi khai quật mộ, không thấy những thứ đó. Chỉ có tuýp thuốc mỡ, mảnh vải dù được gấp gọn gàng dưới phần đầu của liệt sĩ.