Những chuyện kỳ bi về thế giới tâm linh – Kỳ 3

Jolie

Member
Kỳ 3: Trở về đất mẹ​


Trả lại tên cho các anh

Cũng trong thời gian ở K’Bang, đoàn công tác đã chia đội ngũ các nhà ngoại cảm ra làm 2 nhóm nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm hài cốt của gần 500 liệt sĩ còn vùi sâu đâu đó khắp K’Nak. Nhà ngoại cảm Thẩm Thuý Hoàn, Nguyễn Khắc Bảy làm một nhóm. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, đại tá Hàn Thuỵ Vũ, nhà giáo Đoàn Thanh Hương (thư ký Đoàn) làm một nhóm khác cùng đông đảo các nhân chứng. Và kỳ diệu như trong chuyện cổ tích, các nhà ngoại cảm với khả năng đặc biệt siêu phàm như thấu thị, đối thoại (nhìn thấy và trò chuyện với các vong hồn) đã nhanh chóng tìm thấy các hố chôn tập thể hài cốt liệt sĩ giữa mênh mông đồng bãi, ngút ngàn cỏ lau, điệp trùng suối, núi, hơn thế, còn xác định được danh tính của từng người, điều mà với những con mắt trần thường tình của người đời là điều không thể.

bich-hang-trai-va-tham-thuy-hoan-phai-dang-ngoi-tro-chuyen-voi-vong-linh-ls-minh.jpg

Bích Hằng (trái) và Thuý Hoàn (phải)​

đang ngồi trò chuyện với vong linh LS Minh​


ở hố chôn thứ nhất, dọc con suối Đắc-lốp, trong lùm cây rậm rạp, dưới gò mối lớn tìm được 22 liệt sĩ. Qua Bích Hằng, các liệt sĩ cho biết: đây là hố chôn tập thể. Phần nửa phía tây, gần căn cứ K’Nak, bị địch chất đống đổ xăng đốt nhưng mùi da thịt cháy khét lẹt bốc lên đồi khiến chúng không chịu nổi nên nửa hố phía đông, chúng dùng máy xúc đào đất lấp vùi. Bích Hằng lấy được tên tuổi, địa chỉ quê quán của cả 22 người. Điều đặc biệt là sau này, khi đối chiếu những tên tuổi này với danh sách các liệt sĩ ở Trung đoàn 95A và Tiểu đoàn đặc công 409 thì trùng khít.

ở hố chôn thứ 2, bên dãy cây bạch đàn có gò mối lớn, cách hố thứ nhất khoảng 100m, tìm được tên 12 liệt sĩ.

8h sáng ngày 1 tháng 4 năm 2002, Đoàn lên đồi thông K’Nak để xác minh một ngôi mộ vô danh. Đây chính là cứ điểm phía Bắc của cụm cứ điểm biệt kích K’Nak. Nhà ngoại cảm Bích Hằng thắp hương mời vong liệt sĩ lên trò chuyện. Liệt sĩ cho biết tên là Nguyễn Văn Minh, chính trị viên Đại đội 40, Tiểu đoàn đặc công 409, quê ở Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhân chứng tại chỗ, anh hùng lực lượng vũ trang, trung tá Nguyễn Ngọc Bình, nguyên Đại đội trưởng đại đội đặc công 40 (D409) xác nhận: thông tin trên hoàn toàn chính xác. Ông kể: khi quả pháo nổ trước mặt, anh Minh ngã vật xuống, anh Lê Xuân Hổ văng ra, đồng chí liên lạc hy sinh tại chỗ còn ông thì bị thương gẫy tay phải.

Liệt sĩ Minh hỏi Trung tá Bình (qua nhà ngoại cảm): “Anh Lê Xuân Hổ thế nào?”. Trung tá Bình, tay chắp trước ngực, mắt nhìn vào làn khói hương nghi ngút trên mộ đồng đội, trả lời, giọng run run: “Anh Lê Xuân Hổ lên giúp Tây Nguyên. Năm 1972, chuyển đơn vị về Chu Lai, làm trung đoàn phó chiến đấu ở Tuyên Phước. Trong lúc đi điều tra, anh ấy đã hy sinh”. Liệt sĩ Minh: “Anh Trần Tấn Ước (tiểu đoàn phó tiểu đoàn 409 – tác giả) có khoẻ không? Tôi rất xúc động khi gặp các anh. Tuy nằm ở trên đồi này mát mẻ nhưng tôi không thích vì gần đồn địch. Tôi muốn về quê. Bố tôi là Nguyễn Văn Tỉnh ở Thạch Khê, Hà Tĩnh nhưng đã mất. Còn em là Nguyễn Văn Tiến nhà nghèo, không đủ khả năng đưa tôi về. Trước mắt cho tôi về nghĩa trang liệt sĩ với anh em. Chân phải tôi bị gãy. Tôi nằm trong một khe đá nhỏ, không có người chôn. Giỗ tôi ngày 8 tháng 3″.

Người tìm thấy hài cốt liệt sĩ Minh là anh Giang Xuân Lâm, 40 tuổi, quê ở Thái Bình. Ngày 18 tháng 10 năm 1992 (Âm lịch), trong khi đào phế liệu, anh Lâm phát hiện cạnh tấm tôn có xương hàm nên bới cẩn thận, lật lên thấy hài cốt. Xương dài, cao. Xương chân bên trái còn có băng cuốn. Gia đình anh đã di chuyển mộ 2 lần. Năm 1995, đưa về an táng trên đồi thông.

9h30′ cùng ngày, đoàn khảo sát một số khu vực dọc suối, thuộc phía đông đồn cũ của địch, Bích Hằng phát hiện dưới vườn khoai lang của dân có 5 liệt sĩ. Do có nhóm công binh đi cùng, đoàn cho khai quật một hố nhỏ, rộng 0,60m, dài 1,2m, sâu 0,60 m thì tìm thấy một chiếc răng và mảnh xương. Sợ không đủ sức nên đoàn không dám đào thêm.

Sát mép suối, dưới gốc cây sung, Thẩm Thúy Hoàn đọc được tên 5 liệt sĩ. Liệt sĩ Việt bảo: “Cảm ơn đoàn đã bỏ nhiều công sức đi tìm chúng tôi. Cảm ơn anh em đồng đội đã đến đây. Tại sao khi chúng tôi đi có họ tên mà bây giờ vô danh không ai biết tới”. Thấy chị Đoàn Thanh Hương ngồi ghi chép tên tuổi, quê quán các liệt sĩ, liệt sĩ Việt nhắc: “Chị ghi nhầm quê của tôi rồi”.

Cuộc tìm kiếm kết thúc vào ngày 2 tháng 4 năm 2002. Đoàn đã xác định được 10 hố chôn với 128 liệt sĩ trong tổng số gần 500 người hy sinh tại K’Nak. Có danh sách cụ thể và đã đối chiếu với đơn vị. Các nhân chứng từng là cán bộ chỉ huy xác nhận là phù hợp với thực tế.

Đưa anh về với mẹ
doi-quy-tap-dang-tim-hai-cot-8-ls-duoi-long-ho-dac-lop.jpg

Đội quy tập đang tìm kiếm hài cốt 8 LS dưới lòng hồ Đắc-Lốp​


Lại một mùa mưa rừng qua đi. Giữa lúc lòng anh Mẫn nóng ran như người ngồi trên đống lửa vì hài cốt của người anh và đồng đội vẫn chìm dưới hồ nước bạc thì bất ngờ anh nhận được tin nhắn từ K’Nak: Hồ chứa nước trên dòng suối Đắc-lốp đã cạn. Anh Mẫn mừng rơn như người bộ hành trên sa mạc trong cơn khát cháy bỗng gặp nguồn nước mát. Anh tức tốc báo cáo với Ban chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý, đề nghị cử nhà ngoại cảm vào giúp đỡ khai quật ngay. Anh Mẫn kể lại: “Trước hôm trở lại K’Bang, tôi phải tổ chức buổi họp mặt gia đình gấp. Không hiểu sao, suốt 30 năm vượt thác băng rừng tìm anh, biết bao hiểm nguy rình rập, tôi không sợ. Vậy mà đêm ấy, lòng cứ thấp thỏm không yên. Tôi thông báo với gia đình toàn bộ việc làm của mình cùng toàn bộ hồ sơ, tài liệu, phòng khi gặp chuyện chẳng lành, con cháu có thể thay tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm. Nửa đêm, tôi dậy thắp hương cho anh Thành, thầm cầu nguyện vong linh anh sống khôn chết thiêng phù hộ cho tôi chân cứng đá mềm để tìm thấy anh. Và lạ kỳ thay, bát hương trên bàn thờ anh bốc cháy. Tôi hiểu, ở nơi rừng rú heo hút ấy, anh đã nghe được lời nguyện cầu của tôi”.

Sáng 27 tháng 7 năm 2002, nhà ngoại cảm Thẩm Thuý Hoàn (Bích Hằng có việc tại Liên Bang Nga nên vắng mặt) cùng bộ phận tìm kiếm vào đến suối Đắc-lốp. Nhưng đập chứa vẫn còn mênh mông nước. Bằng chính tấm tình tha thiết với các liệt sĩ, anh Mẫn đã thuyết phục được chính quyền và nhân dân huyện K’Bang làm một việc “động trời”: tháo đập nước Đắc-lốp. Sau nhiều ngày ăn trực nằm chờ, đập cạn trơ đáy. Lòng vừa khấp khởi mừng thì bất ngờ cơn mưa rừng ập đến. Mưa như trút nước. Mưa sầm sập từ ngày qua đêm. Đập nước lại đầy. Cả đoàn ngồi khóc. Anh Mẫn một lần nữa lại phải cầu xin những người giữ đập xả nước. Lần này, đích thân anh lặn xuống vực nước sâu hơn 4m ùng ục réo để nâng từng tấm gỗ chắn lên. Mọi người ngồi trên bờ sợ thót tim. Chỉ sơ sểnh một tý, cái xác thân vạm vỡ của anh sẽ bị dòng nước cuồn cuộn gào thét cuốn phăng. Nhưng cuối cùng, sức người, nói đúng hơn, lòng người đã thắng. Vài ngày sau, nước rút cạn.
bich-hang-dang-ngoi-tro-chuyen-voi-cac-vong-linh-ls-tren-ho-dac-lop.jpg

Bích Hằng đang ngồi trò chuyện với các vong linh LS​


Việc xác định các mốc: gốc cây lớn đã cưa cụt, đường xuống suối cũ, sườn đồi liên quan tới khu vực trạm trung phẫu đều khớp với những dự báo của Bích Hằng từ đợt trước. Về vị trí mộ cũng đã được xác định và cắm cọc từ đợt đó. Vậy mà 4 ngày đào bới cật lực vẫn không thấy dấu vết gì. Mọi người trong đoàn đều hoang mang. Anh Mẫn cũng nản lòng.

Đầu giờ chiều, vừa ăn cơm trưa xong, đoàn đang chuẩn bị đào bới một lần nữa thì mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến. Cả khu rừng tối sầm. Bầu trời đen kịt. Anh Mẫn quỳ sụp xuống lạy bốn phương, vừa lạy, vừa khóc. Lần đầu tiên anh khấn trách: “Cháu vào đây làm những việc chưa ai từng làm để tìm anh cháu và các chú, các bác. Vậy mà các bác không thương cháu. Lần này cháu lại phải về không rồi”. Đang tuyệt vọng than vãn như vậy thì bất ngờ, một tiếng reo to như thức tỉnh cả núi rừng: “Chú Mẫn ơi! Tìm thấy rồi”. Người cất tiếng reo vui ấy là Quang, một tân binh vừa tròn 20 tuổi. Cả đoàn hăm hở đào liên tục trong hai tiếng đồng hồ. Và đây rồi, các anh đã hiện ra. 8 bộ hài cốt nằm thành hai hàng, cách nhau 0,5m đều tăm tắp. Tiếng khóc xen lẫn tiếng cười cứ hoang hoải buông trong buổi chiều tàn giữa rừng sâu thăm thẳm.
37-nam-vui-sau-duoi-dong-nuoc-bac-hai-cot-cac-anh-con-it-qua.jpg

37 năm vùi sâu dưới lòng nước bạc, hài cốt các anh còn ít quá!​


Khi đoàn làm lễ đưa các liệt sĩ lên xe về huyện đội K’Bang, trời giăng mưa trắng xoá. Thế là, sau 37 năm nằm lạnh lẽo dưới lòng nước bạc, không một nén hương tàn, không một lời thăm viếng, các anh lại trở về trong vòng tay đồng đội, trong niềm xúc động nghẹn ngào của người thân, gia đình.

Ngày đưa anh Thành về nghĩa trang quê nhà (xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) trong không khí long trọng và trang nghiêm cũng là ngày nước mắt mặn mòi của người mẹ 84 tuổi đổ thật nhiều. 37 năm vò võ đợi tin con. 9 lần phấp phỏng chờ Mẫn vào Tây Nguyên đưa Thành về là 9 lần mẹ mừng huỵt, 9 lần mẹ khóc oà tức tưởi. Tưởng vĩnh viễn đời này, kiếp này mẹ mãi mãi mất Thành. Nên lần này, mặc dầu Mẫn điện về thông báo đã tìm được hài cốt anh Thành, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Trường đang khẩn trương chuẩn bị đèn, hoa, kèn, trống để tổ chức đón nhận và làm lễ truy điệu cho anh, mẹ vẫn hồi hộp, thấp thỏm không yên. Mẹ sợ trái tim già nua không đủ sức chịu đựng trước trò đùa của tạo hoá lần nữa. Đầu giờ chiều, mẹ đã ra gốc đa đầu làng ngồi chờ. Đêm xuống, sương giăng lạnh, mẹ vẫn lặng câm ngồi như hoá đá. 37 năm, gần 14 nghìn đêm thâu mẹ đã chờ đã đợi. Giờ chờ thêm một đêm nữa có sao. Cho đến 1h sáng, khi chiếc xe trở Thành vừa đỗ, mẹ cuống cuồng lao đến, giang vòng tay gầy guộc ôm trùm lên chiếc tiểu sành phủ lá cờ tổ quốc. Mẹ khóc nấc lên. Ôi! Đứa con yêu của mẹ! Da thịt của mẹ! Máu xương của mẹ! Ngày tiễn con đi mẹ lén lau dòng nước mắt. Giờ đón con về nước mắt mẹ lại tuôn rơi. Có điều, nước mặt mẹ bây giờ mặn chát, chất chứa cả một đời thương đau.
me-ls-thanh-oi-dua-con-yeu-cau-me.jpg

Mẹ LS Thành: “Ôi! đứa con yêu của mẹ!”​


Nỗi băn khoăn được giải toả

Có một niềm băn khoăn, day dứt kể từ buổi trò chuyện với liệt sĩ Ngô Trọng Đãi trong buổi chiều ngày 26 tháng 3 năm 2002: “Nếu không đi Vĩnh Thạnh, chuyến đi của cậu sẽ chẳng còn ý nghĩa gì”. Mãi sau này, anh Phạm Văn Mẫn mới giải toả được. Chuyện là, được tin anh Mẫn tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ ở trận đánh K’Nak, gia đình ông Phạm Văn Minh (cùng quê Nam Định) đã tìm gặp anh Mẫn, đề nghị giúp đỡ tìm mộ em trai là liệt sĩ Phạm Xuân Ninh cũng hy sinh trong trận đánh đó. Anh Mẫn và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vui vẻ nhận lời.

Ngày 18 tháng 1 năm 2003, đoàn xuất phát từ Hà Nội. Trời cuối đông rét cắt da, cắt thịt, cộng với mưa rừng khiến cuộc tìm kiếm vô cùng gian nan. Cuối cùng, Bích Hằng cũng tìm được hài cốt liệt sĩ Phạm Xuân Ninh gần rừng le phía bờ suối cạn. Hài cốt liệt sĩ còn đủ với các đặc điểm được gia đình ông Phạm Xuân Minh công nhận. Trên đường trở ra Hà Nội, anh Mẫn đề nghị đoàn đi vòng đường Vĩnh Thạnh, cách K’Nak khoảng hơn 60km. Đến nghĩa trang huyện Vĩnh Thạnh, anh Mẫn dẫn mọi người tới một ngôi mộ có bia đề tên: Liệt sĩ Phạm Văn Thành (Miền Bắc). Anh Mẫn kể: Từ năm 1995, ông đã đến đây nhiều lần thắp hương và khóc thương người anh của mình nhưng trong lòng vẫn nghi ngờ. Nay lại tìm thấy hài cốt anh Thành ở suối Đắc-lốp. Vậy ngôi mộ này là thế nào?

Bích Hằng làm lễ và thực hiện cuộc trò chuyện với người dưới mộ. Liệt sĩ cho biết đúng tên là Phạm Văn Thành nhưng hy sinh tháng 6 năm 1966 tại trạm xá 210. Quê ở Aí Mộ, Bồ Đề, Gia Lâm (Hà Nội). Nay liệt sĩ còn người anh là Phạm Văn ất khoảng 80 tuổi. Anh Mẫn lập tức điện thoại ra Hà Nội nhờ người đến Aí Mộ để xác minh. Và thật bất ngờ, những thông tin trên hoàn toàn chính xác. Ông Phạm Văn ất hiện vẫn còn nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có điều kiện vào thăm và đưa hài cốt em mình về quê được. Đến đây, nỗi băn khoăn, vướng mắc bao ngày, anh Mẫn mới giải toả hoàn toàn. Điều đó, càng khiến ông biết ơn vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi.

Hành trình tìm kiếm còn dài
anh-man-1.jpg

Anh Mẫn: “Chừng nào còn sức, còn tiền là tôi còn đi tìm kiếm hài cốt các LS”​


Tìm được hài cốt anh Thành, hơn thế, đưa được anh trở về quê hương, ước nguyện một đời của anh Mẫn đã hoàn thành. Nhưng đêm đêm, anh vẫn thảng thốt giật mình khi chợt nhớ, ở núi rừng K’Bang heo hút, giá lạnh, vẫn còn đó những đồng đội của anh Thành thân xác đang nằm dưới chuồng lợn, nhà xí, dưới hồ sâu, cỏ hoang. Không! Anh phải đi, phải tiếp tục đi tìm cho tới khi tất cả các liệt sĩ được về yên nghỉ tại nghĩa trang. Không thể để cho các anh hy sinh thêm một lần nữa. Và thế là, cứ một năm vài lần, tạm gác lại khối công việc đồ sộ của giám đốc S.phone Hà Nội, anh cùng nhiều cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử, lại khoác ba lô đưa các nhà ngoại cảm vào K’Bang tìm kiếm hài cốt. Thành quả của những chuyến đi ngược ngàn ấy là hơn hài trăm hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và quy tập tại nghĩa trang huyện K’Bang. Điều ấy, khiến anh Mẫn vui lắm. Anh bảo: “Chừng nào còn sức, còn tiền là tôi còn đi”.


Để kết thúc bài viết bày, chúng tôi xin được mượn những vần thơ đong đầy nước mắt mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã đọc trong buổi chiều mưa rừng mịt mù tiễn đưa linh hồn liệt sĩ Ngô Trọng Đãi về quê hương. Đây được xem như những nén tâm nhang chứa chan lòng biết ơn và cả niềm tiếc thương vô hạn đối với những chiến sĩ đã hy sinh thân mình vì nước mà xác thân còn vùi sâu dưới nước lạnh, cỏ hoang, trong sự thờ ơ, lãng quên vô cảm của người đời.

Cầu xin cho linh hồn các anh được siêu thoát.
Lời ru ngọn cỏ​

Cỏ xanh bên mộ khẽ ru​

à ơi! Rừng đã vào thu lá vàng​

Người ơi dù có muộn màng​

Dẫu chưa về được nghĩa trang quê nhà​

Nơi đây nhiều cỏ, ít hoa​

Hãy say giấc ngủ như là tuổi xanh​

Mặc ai xây mộng viễn hành​

Mặc ai ngắt lá, bẻ cành, rung hoa​

Đất này dù đất miền xa.​

Thân thương như đất quê nhà người ơi!​

Lá vàng lại lá vàng rơi​

Lẻ loi lại vắng xa nơi đất rừng​

Ru người giữa chốn mông lung​

Giọt sương cũng muốn đọng ngưng nỗi niềm​

Dấu chân đã trải trăm miền​

Về đây ấm với Tây Nguyên nghĩa tình​

Người hy sinh, đất hồi sinh​

Máu người hoá ngọc lung linh giữa đời​

Thương đau ru đến muôn đời​

Và xanh xanh mãi những lời ru êm​

à ơi! Ai nhớ ai quên​

Thì đây cỏ biếc vẫn bên mộ người.​

K’Bang ngày 2 tháng 4 năm 2002​

Phan Thị Bích Hằng​


Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh:

thuong-tuong-nam-khanh.jpg


Thượng Tướng Nguyễn Nam Khánh và tác giả​


“Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chưa có trận đánh nào chúng ta bị tổn thất nặng nề như trận đánh căn cứ biệt kích của địch ở K’Nak năm 1965. Việc tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đó là rất tốt, góp phần thực hiện chính sách của Đảng, đồng thời sẽ có thêm kinh nghiệm để chỉ đạo việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên phạm vi cả nước. ở riêng Quân khu 5, có khoảng 10 trận đánh tổn thất như thế này”.

Thiếu tướng Châu Khải Địch: “Số lượng anh em hy sinh quá lớn. Nếu tính cả dân quân du kích địa phương, số hy sinh trong trận này lên tới hơn 1.000 người. Lại bị chôn tập thể. Nhiều chiến sĩ bị địch chất đống đổ xăng đốt mất xác nên dẫu tìm kiếm hết sức cũng không thể nào hết được. Cần xây dựng đài tưởng niệmi để chính quyền, nhân dân địa phương, gia đình thân nhân liệt sĩ đến viếng thăm”.

Ông Phan Minh Túc – chủ tịch huyện K’Bang:

ong-tuc.jpg



Với sự giúp đỡ tận tình, đầy trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Bộ quốc phòng, Bộ môn cận tâm lý – Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, đồng đội và thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và gia đình ông Phạm Văn Mẫn đã giúp cho huyện K’Bang tìm kiếm, cất bốc, quy tập và đưa vào an táng tại nghĩa trang huyện hơn 200 hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ K’Bang đã bị quá tải. Việc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nghĩa tranh để thời gian tới, có thể quy tập thêm nhiều hài cốt liệt sĩ. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị Bộ lao động thương binh và xã hội sớm có kế hoạch và kinh phí đầu tư cho địa phương triển khai xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ trong trận đánh đồn K’Nak trong năm 2006 và đầu năm 2007, kịp khánh thành vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 2 năm 2007.

* Trong bài viết này, chúng tôi có sử dụng một số tư liệu của Bộ môn cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.








 
Back
Top