Những người ăn đất cuối cùng ở Việt Nam

Jolie

Member
Thấy người đối diện chưa tin, bà cụ Biện nhanh nhảu dùng dao cạo sạch lớp đất bẩn bên ngoài, đến khi miếng đất có màu trắng muốt tựa như viên phấn, cụ lấy tay bẻ làm đôi rồi cho vào miệng, bỏm bẻm nhai ngon lành…
Đã được nghe kể nhiều về tục ăn đất của người dân Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nhưng phần khó tin, phần vì tò mò nên phóng viên Zing đã về Lập Thạch để mục sở thị cái cảnh người ta bày bán đất, rồi cầm miếng đất nhai ngon lành như trẻ con ăn kẹo…
Ăn là… nghiện
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND Thị trấn Lập Thạch không giấu vẻ tự hào: “Đây đúng là một trong những phong tục lạ nhất Việt Nam. Hầu như đoàn nào đến tìm hiểu về Văn hóa vùng này cũng hỏi về tục ăn đất (hoặc Ngói – theo cách gọi của người dân địa phương)”.
Tôi bày tỏ ý muốn tìm hiểu về nguồn gốc tục ăn ngói ở vùng quê này, anh Tuấn xua tay, thú thật: “Cũng nhiều người hỏi nhưng tôi cũng chịu không biết nó có từ khi nào. Từ khi tôi lớn lên, thậm chí là cha ông tôi sinh ra thì đã thấy có tục này rồi. Dễ đến hàng trăm năm chứ chả ít!”.
Theo anh Tuấn, cách đây 2 năm giáo viên Thổ nhưỡng và Quản lý đất đai có về tìm hiểu và kết luận rằng: Ngói mà người dân ở đây ăn chứa nhiều khoáng chất. “Có lẽ vì thế mà xưa kia nhiều phụ nữ trong thời kỳ thai nghén “nghiền” ăn ngói để bổ sung chất dinh dưỡng, đến lúc đẻ xong thì cũng nghiện luôn. Cái món này lạ lắm, ai đã không ăn thì thôi, chứ ăn vào là đất như đàn ông nghiện rượu, nghiện thuốc lá”, anh cười hỉ hả.

t340251.jpg

Cận cảnh đất (ngói).
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, đó chỉ là chuyện của hơn chục năm về trước. Giờ đây, tục này không còn phổ biến nữa. Trẻ con ở đây nghe nói đến việc “ăn đất” còn “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên. Thậm chí, chính anh cũng thừa nhận là chưa từng nếm cái vị bùi bùi, thơm thơm của món ngói nổi tiếng quê mình".
“Ngày nhỏ tôi cũng chống cằm “nuốt nước miếng” nhìn mấy bà hàng xóm nhai ngói ngon lành. Nhưng cũng không dám thử. Bây giờ tìm người còn ăn ngói ở Lập Thạch khó hơn… lên giời. May ra chỉ còn vài cụ già…”, anh Tuấn bảo. Nói rồi anh nhờ anh Dương Văn Việt, CA viên của thị trấn dẫn chúng tôi đi tìm những người còn “mặn mà” với món ngói.
Những người ăn đất cuối cùng
Theo chân anh Việt, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố Thống Nhất. Sau khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng, ông Bình bóp trán trầm ngâm: “Cụ Lạc, cụ Huệ… những người “nghiện” ngói nhất thì đã mất cách đây hơn một năm rồi. Cụ Hoạch, cụ Sao răng đã móm mém nên không còn ăn nữa”. Rồi bỗng hứng chí đập bàn bôm bốp: “ À, còn vợ chồng cụ Loa, cụ Biện, hai cụ vẫn ăn mà hơn thế còn bán cho những người muốn mua “ăn chơi” nữa…”.

t340249.jpg

Cụ Nguyễn Thị Biện "nhai" đất ngon lành. Ảnh Lê Trang.
Giữa trưa nắng gay gắt của buổi tháng 5, ông Bình dẫn chúng tôi dọc theo con đường làng đầy sỏi đá tìm đến nhà cụ Loa, cụ Biện. Khi chúng tôi đến nhà thì thấy hai cụ đang ngồi bên bàn uống nước, bên cạnh là túi… ngói đã được hai cụ phơi nỏ và cất kỹ, thỉnh thoảng thèm lôi ra… nhai.
Gần như là những người cuối cùng còn lưu giữ tục ăn ngói, nên khi chúng tôi hỏi hai cụ hồ hởi ra mặt. Cụ bảo, ở cả làng này, không chỗ nào nhiều ngói như đồi Gò Vàng nhà cụ. Hiện trên đồi vẫn còn dăm bảy cái hố sâu do vết tích của các hố đào ngói từ xưa để lại. Không những thế, ngay ở vỉa ao nhà cụ cũng dễ dàng đào được ngói ăn.
Nói rồi, cụ xắn quần, lội bì bõm xuống ao trước sân nhà, dùng xà-beng cậy những vỉa ngói nằm ngập dưới dòng nước đục ngầu. Chưa đầy 5 phút sau, cụ khệ nệ bê lên tảng ngói nặng cỡ 7-8 kg, cười hỉ hả dặn cụ bà phơi rồi cất… ăn dần.

t340250.jpg

Cụ Loa, cụ Biện - một những người ăn đất cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh Lê Trang.
Theo lời cụ Khổng Văn Loa (78 tuổi), để lấy ngói, người ta sẽ đào những hố sâu 3-5m, đường kính 6 -70 cm là có thể gặp lớp ngói. Lớp ngói khi đào lên có màu vàng sậm, cứng hơn đất thường và có hình dáng tựa như phiến đá nhỏ. Sau đó, “tảng đá” mới đào lên được đem phơi ngoài nắng hoặc đem để góc nhà chờ khô. Tảng ngói khô được chẻ nhỏ, bổ dọc theo thớ đất, thành những miếng mỏng.
Miếng ngói sau khi chẻ, cạo sạch lớp ken đất bên ngoài chỉ còn màu trắng tinh tựa như viên phấn, được để vào chiếc xảo thưa, dùng lá sim tươi hun để khói bắt màu vào đất. Khoảng 30 phút sau, ngói sẽ có màu vàng tươi, thơm lừng, thế là ăn được! “Khói lá sim quyện vào ngói tạo thành mùi rất đặc biệt. Ngửi thấy mùi ngói hun thèm lắm! Miếng ngói lúc bấy giờ có mùi thơm, vị bùi bùi, càng nhai càng ngon”, cụ bà Biện kể.
Kể về thời món ngói còn “hưng thịnh”, cụ Biện bồi hồi: “Cách đây chục năm, ngói được bày bán ngoài chợ như mớ rau, cái kẹo. Nhiều người ăn thành nghiện cả, nhất là phụ nữ. Bà nào đi chợ cũng sà vào hàng ngói đầu tiên. Cầm miếng ngói trên tay, vừa đi vừa bỏm bẻm nhai, xong mới đi đâu thì đi”.
t340252.jpg

Cụ Loa phấn khởi với tảng đất vừa đào được dưới ao.
Cụ kể, nhà cụ mấy đời được nuôi sống cũng nhờ món… ngói. Mẹ cụ, cụ rồi đến con dâu cụ cũng làm nghề buôn ngói. Trước, mỗi ngày cụ cũng bán được 300 nghìn (so theo giá trị hiện nay), nhờ đó cả gia đình đủ ăn đủ tiêu.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, người ăn ngói ít dần, nghề buôn ngói vì thế mà cũng mất dần đi. Con dâu cụ cũng phải đổi nghề bán hoa quả đầu làng. Rồi cụ chép miệng: “Chẳng còn mấy người ăn ngói nữa, chắc chúng tôi chết đi rồi thì cái tục này cũng mất đi luôn…”.
Nghe cụ nói tôi bỗng thấy bùi ngùi, nuối tiếc. Tục ăn đất đã được coi là một nét văn hóa độc đáo, được xem như một di sản văn hóa đang dần mất đi. Chả mấy năm nữa người ta sẽ không còn bắt gặp hình ảnh: Hai ông bà cụ, bẻ chia nhau một miếng đất cuối cùng.


zing
 
Back
Top