Những người đàn bà đội đá vá nghèo

Jolie

Member
Chuyện “nữ nhi thường tình” đi làm những công việc cần sức lực vâm váp - được mặc định dành cho cánh đàn ông - để kiếm sống là chuyện chẳng hiếm. Thế nhưng, ở xã Quang Minh, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) có tới hàng trăm chị em tổ chức thành tổ nhóm, tỏa đi khắp tỉnh để đội đá, trộn bêtông tại các công trình xây dựng thì tôi dám chắc, ít ở nơi nào có được.
Những bông hồng... đá

Một sáng đầu tháng 3, tôi theo chân 6 phụ nữ của xã Quang Minh sang xã Quang Lịch cùng huyện Kiến Xương. Hôm nay họ sẽ đổ bêtông trần nhà cho một người dân tại xã này. Vừa đến nơi, chỉ kịp dựng gọn những chiếc xe đạp cà tàng vào góc sân, họ bắt tay vào việc. Máy trộn bêtông nổ phành phạch, tống khói khét lẹt mùi dầu nhớt vào mặt mọi người chung quanh. Chẳng ai bảo ai, mọi người tự động đảm nhận công đoạn của mình như đã được lên kịch bản sẵn: Từ đổ đá, cát, ximăng vào máy đến việc chuyển bêtông lên tầng cao.
1362727131-nghe-boc-vac2.jpg

Chị Nguyễn Thị Thúy (xóm 5, xã Quang Minh) đổ cát vào máy trộn bêtông
Bà Đặng Thị Nhạn tất tả dùng xẻng đổ đá dăm vào một loạt chậu, rồi rất nhanh, như một vận động viên cử tạ, dùng hai tay nâng cái chậu đầy đá đặt lên đầu, di chuyển khoảng 20m, đổ vào máy trộn bêtông. Chiếc máy này cao đến 1,5m, buộc bà phải đội chậu lên đầu rồi mới đổ đá vào máy được. Cứ vậy liên tục. Năm nay bà đã 55 tuổi mà sức khỏe, có lẽ phải đánh bật không ít trai tráng!

Tôi thử dùng tay nhấc chậu, nặng phải cỡ phải 30-40kg. Tôi cảm thấy mình cũng nâng được, nhưng chắc chắn rất chật vật, và có lẽ cũng chỉ nâng được vài lần rồi phải nghỉ để... thở. Ấy vậy mà những người phụ nữ làm việc ở đây, một ngày phải nâng lên, đặt xuống hàng trăm lần như vậy, với khối lượng vận chuyển lên đến hàng tấn. Khi lượng đá đã đủ, bà Nhạn lại chuyển sang đội cát. Trời khá lạnh, nhưng mới một lát, mồ hôi đã lấm tấm nơi áo của bà.
Tại máy bêtông, chị Đặng Thị Xuyến phụ trách “đầu ra”. Chị dùng xô đựng bêtông thành phẩm, rồi mắc vào dây tời để người bên cạnh dùng máy kéo lên tầng trên. Nhìn chị vất vả khống chế những chiếc xô đỏng đảnh đầy bêtông, tôi không khỏi lo cho sự an toàn của chị.

Tranh thủ trò chuyện lúc giải lao, chị Xuyến cho biết, năm nay chị 43 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” 10 năm làm nghề đội đá, trộn bêtông. Chị tâm sự: “Lúc mới bắt đầu làm nghề này thì thấy mệt lắm, nhưng sau quen dần...”. Buổi trưa, các chị chạy ra quán phở bình dân trong làng, ăn vội bát phở để chuẩn bị cho buổi chiều.

“Nhiều lần làm ở xã chẳng có quán ăn, thế là tôi phải mua mỳ tôm 3.000 đồng/gói, mượn chủ nhà cái bát rồi xin ít nước nóng, trệu trạo thế cũng xong một bữa trưa. Có hôm thì đổi sang ăn bánh mỳ”- chị Xuyến kể.
Cả làng đi đội đá

Tại sao xã Quang Minh lại có nhiều phụ nữ đi làm nghề trộn bêtông như vậy? Tôi đem câu hỏi này đến ông Nguyễn Văn Kiều, chủ tịch xã. Ông Kiều cho hay, là một xã thuần nông, diện tích canh tác bình quân 1,5 sào/1 người, nếu chỉ trông vào đồng ruộng thì không đủ ăn, nên người dân nơi đây - vốn rất chịu thương, chịu khó - đã tìm mọi nghề để cải thiện cuộc sống. Xuất phát từ nhu cầu xây dựng công trình ngày càng nhiều, họ tạo ra những tổ, chủ yếu là phụ nữ, đi theo những máy trộn bêtông.

“Nghề này xuất hiện tại xã cách đây đã 15 năm. Bây giờ, số phụ nữ đi làm cái nghề “đội đầu” đã lên tới 300-400 người. “Thị trường lao động” của họ khắp tỉnh, thậm chí nhiều chị em còn lên cả Hà Nội hành nghề dài hạn. Thi thoảng xã cũng ghi nhận có những chị em bị tai nạn lao động, chủ yếu là gãy tay, gãy chân, gãy xương sườn...” - ông Kiều nói.
1362727131-nghe-boc-vac3.jpg

Chị Đặng Thị Xuyến mắc xô chứa bêtông vào tời để đưa lên tầng
Giúp tôi tìm hiểu kỹ hơn về nghề này, ông Kiều chỉ tôi đến nhà bà Tính ở thôn Bạch Đằng, vốn là người có thâm niên lâu nhất trong nghề đội bêtông trong xã, hiện giờ đã là “cai”, nhận việc rồi gọi chị em trong xã đi làm. Năm nay 53 tuổi, bà Tính tên thật là Hoàng Thị Chiến, nhưng được gọi theo tên của chồng. Cuộc đời bà đi lên từ hai bàn tay trắng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 1995, bà cùng chồng đi đội đá, than, cát ở bến thuyền. Khi có chút vốn, cách đây 7 năm, bà mua chiếc máy trộn bêtông đầu tiên với giá 15 triệu đồng.

“Với những mối quan hệ trong những năm đi đội đá, tôi kết nối, nhận việc từ các chủ thầu xây dựng, rồi gọi người trong xã, chủ yếu là phụ nữ, đi làm. Ngay cả khi có máy, tôi vẫn trực tiếp đội đá, nhưng 2 năm nay, do bị rối loạn tiền đình, nên chỉ chuyên tâm “quản lý, điều hành” thôi”- bà Tính kể.

Đến thời điểm này bà Tính đã có 4 máy trộn bêtông. “Dưới trướng” của bà có 20 “chân chuyên” (những người bà thường xuyên gọi đi làm, dù khối lượng công việc nhiều hay ít); còn nếu nhiều việc, thì bà có thể gọi được từ 50-100 người. Bà Tính tiết lộ: “Nếu nhận việc ở nơi xa, chị em phải đi xe máy thì tôi thêm 20.000 đồng tiền xăng cho một xe. Còn nếu gần mà họ vẫn đi xe máy, thì người ngồi sau sẽ trả tiền xăng. Còn tiền công, có khi chưa thu được ngay từ chủ thầu thuê mình, nhưng tôi vẫn trả trước cho chị em, để cuối ngày về họ có đồng tiền tươi mua thức ăn cho chồng con”.

Đội đá “vá”... những số phận

Tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tơ, 55 tuổi, ở thôn Chi Lăng, là “chân chuyên” của bà Tính. Bà Tơ có cái khắc khổ điển hình của người phụ nữ nông thôn phải chịu nhiều vất vả: Nước da sạm nắng, mái tóc bạc sớm, thưa thớt và bàn tay nứt nẻ, chai sần. Bà đã có 8 năm trong nghề đội đá. Khi nghe tôi nói về chuyện vất vả, nguy hiểm, bà Tơ chép miệng: “Biết là thế, nhưng muốn có tiền thì phải nhao đi làm thôi. Nhọc nhằn mấy tiếng, nhưng mà có tiền ngay. Vất vả nhất là khi trời nóng, mặt thì đỏ như gấc, quần áo thì ướt sũng”.

Bà Tơ cho biết, tiền công được trả theo khối lượng công việc. Một khối bêtông được trả 50 nghìn đồng. Nếu như một ngày làm 20 khối (tương đương cần tầm 6 người), thì mỗi người sẽ được trả khoảng 3 khối, tức là 150 nghìn đồng/ngày. Có hôm cao thì 200 nghìn đồng/người/ngày.

Câu chuyện với chị Nguyễn Thị Hạt, 42 tuổi, trú xóm 1 - người đi làm nghề đội đá từ khi 25 tuổi - đã giúp tôi trả lời câu hỏi tại sao phụ nữ ở đây không chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn, mà lại chọn nghề đội đá: “Chị em làm nghề này chủ yếu ngoài 30, đã có chồng con, vướng víu chuyện gia đình. Nếu làm công nhân, phải lu bu cả ngày ở công ty, tối mịt mới về thì ai chăm con cho. Làm “ôsin” ở Hà Nội cũng vậy. Còn với nghề này, tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng đổi lại mình còn chăm được con cái, nấu được cho chồng bữa cơm nóng, nuôi thêm được con lợn, con gà, lại tự do, mệt thì nghỉ, có người khác làm thay ngay”.

Chồng chị Hạt cũng làm nghề trộn bêtông, nhưng ở tổ khác để... đảm bảo ngày nào vợ hoặc chồng cũng có việc, có đồng tiền nuôi con. Bao năm nay, những đồng tiền dính bụi ximăng, cát đá đó đã giúp vợ chồng chị nuôi 3 con nhỏ ăn học đàng hoàng. Bà Tính nói đa số các chị trong “chân chuyên” của bà đều có con học đại học. Như chị Xuyến, có con vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp bằng giỏi, hiện đã đi làm ở Hòa Bình. Còn ông Kiều - chủ tịch xã - thì “lưu ý” tôi, rằng ở xã ông hàng năm có khoảng 15-20 cháu vào đại học, không cháu nào phải bỏ học vì nhà nghèo khó cả. Ông ví von phụ nữ xã ông là những bà Nữ Oa đội đá vá trời trong truyền thuyết.





Theo Đoàn Tất Thảo (Lao Động)




 
Back
Top