Những phận đời ở "xóm hoàn lương"

Jolie

Member
Không biết bao nhiêu cuộc đời từng lầm lỡ, sau khi mãn hạn cải tạo, được tự do đã khao khát vươn lên. Những cuộc đời ấy đã tìm đến với nhau tạo thành những xóm nhỏ, cùng xây dựng lại cuộc sống. Cu Đê, nơi trú ngụ của mấy chục con người là một xóm như thế. Không ai ngờ, mảnh đất trước đây không có bóng người, nay lại vang lên tiếng học bài ê a của con trẻ...

Những phận người từng… nhuốm chàm

Xóm Cu Đê - thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc - Hòa Vang - TP. Đà Nẵng nằm heo hút giữa núi và sông, là nơi tụ hội của gần 20 hộ gia đình mà chủ nhân của nó từng phải cải tạo ở Trại 05-06 Đà Nẵng. Mỗi người một hoàn cảnh, một con đường phạm tội khác nhau, người thì dính vào ma túy, người thì bị cuộc đời xô đẩy làm gái bán dâm… Và kết cục là họ phải vào trại cải tạo. Trong những tháng ngày ở đây, nhiều người đã cảm mến nhau rồi thành vợ, thành chồng. Khi hết thời hạn cải tạo họ được cán bộ tạo điều kiện làm đám cưới và ra ngoài sinh sống.

Ra trại, mặc cảm trước những con mắt dò xét, e ngại của người đời, quay về nhà thì sợ làm liên lụy đến người thân, họ không biết đi đâu về nên đã rủ nhau về nơi heo hút Cu Đê (cách Trại 05-06 không xa) để lập xóm. Rồi xóm đông dần lên. Cái tên “xóm hoàn lương” cũng có từ đó.

Tổ trưởng tổ 1, chị Trần Thị Phúc quê ở Sông Bé (cũ) là người phụ nữ từng chịu nhiều tủi hổ. Từ năm 1975, do hoàn cảnh xô đẩy, chị phải bước chân vào chốn lầu xanh. Đằng đẵng chịu đựng nhiều tháng trời kiếm miếng ăn mà nước mắt giàn giụa. Trong một lần bị bắt, chị bị phạt 4 năm cải tạo. Đúng năm cuối cùng ở trong trại, chị đã gặp anh Nguyễn Văn Tài, cùng là trại viên. Năm 1980 họ tổ chức đám cưới, rất nhiều trại viên chúc mừng. Hai vợ chồng đi một số nơi làm thuê, làm mướn. Họ sinh được một đứa con, vất vả nhiều nhưng hạnh phúc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, mấy năm trước, chồng chị - anh Tài đã mất vì bạo bệnh.
Chị Lê Thị Thu Thuỷ (49 tuổi, quê Hà Tĩnh) từng có một tổ ấm. Nhưng rồi “nàng tiên nâu” đã cuốn phăng tất cả. Mất chồng con, tổ ấm, chị phải chịu mức án 8 năm tù giam. Khi mãn hạn tù, vì mặc cảm, vì thấy có lỗi với gia đình đã không dám trở về quê hương. Rồi chị được chính quyền tạo điều kiện, cấp đất như những người khác. Hàng ngày, chị đi đốn củi thuê kiếm ăn. “Cuộc sống khó khăn, thật ra chúng tui cũng chẳng biết cuộc sống sau này thế nào. Chỉ biết giờ cần phải sống tốt!”.
1366519493-xom-hoan-luong.jpg

Những phụ nữ xóm hoàn lương

Cần có những bàn tay

Đa số những người được hỏi chuyện đều có nguyện vọng được sống thanh thản, hướng thiện. Họ cũng mong xã hội sẽ tiếp nhận, đưa tay ra giúp đỡ nhiều hoàn cảnh từng lầm lỡ khác. Anh Nguyễn Đình Phú (quận Cẩm Lệ) nói: “Tôi cũng là người từng lầm lỡ, khi đã thức tỉnh rồi, trả xong cái giá cần phải trả rồi, tôi làm ăn lương thiện vì cũng cần cuộc sống hạnh phúc như nhiều người khác. Bởi thế, tôi ơn vợ lắm. Nếu cô ấy không giúp tôi, thì làm gì có ngày hôm nay”. Anh Phú ở tổ 2, năm nay 43 tuổi. Năm 1982, vì lầm lỡ mà phải vào cải tạo. Năm 1992 ra trại, anh không dám về thành phố sống, mà tìm về Lộc Mỹ lấy chị Kim Anh hàng xóm làm vợ. Hai người đã lần lượt cho ra đời 4 đứa con. Dù vất vả nhưng họ cảm thấy thanh thản hơn.

Ở tổ 2 cũng có một người đàn ông đã đưa tay ra nâng đỡ đời chị Bùi Thị Sỹ. Anh đến Lộc Mỹ làm kinh tế, gặp chị Sỹ, dù biết chị có quá khứ “nhuốm chàm”, dù gia đình phản đối quyết liệt, nhưng năm 1986, anh chị vẫn quyết định làm đám cưới. Cưới xong hai vợ chồng khai hoang vỡ đất, hôm nay kinh tế của vợ chồng anh không đến nỗi nào. Trong nhà cũng có cái xe máy để đi, có tivi, có con trâu, con bò làm vốn. Chị Sỹ bảo rằng, ngã rồi biết đứng dậy thì tốt lắm, sẽ là người biết quý trọng bản thân và sức lao động, cũng chẳng còn là đồ bỏ đi nữa.

Tôi biết, đã có không ít “xóm hoàn lương” thế này nằm rải rác ở các địa phương. Những người đã thức tỉnh này muốn quên đi quá khứ, và quan trọng hơn là xã hội đã không quên họ, không xa lánh mà ngược lại giúp họ hòa nhập cộng đồng.

“Xóm hoàn lương” Cu Đê đã được chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, xóa dần nhà tạm. Dẫu cuộc sống bây giờ còn chồng chất khó khăn, nhưng những tổ ấm ở đây vẫn đang từng ngày khắc phục, sống hướng thiện và chuộc lại khoảng thời gian lầm lỗi xa xưa. Chị Võ Thị Lực (55 tuổi) tâm sự: “Dù lúc này một thân một mình bám trụ, sống với anh chị em khác nhưng tôi không buồn. Quá khứ xa rồi. Tôi cũng ít khi về quê, vì ngại lắm. Đành ở đây làm thuê làm mướn mà sống thôi”.

Ông Phạm Tân Minh, trưởng thôn Mỹ Lộc kể: “Trước đây, xóm này từng là ốc đảo, nay đường đi đỡ hơn. Một số chị em phụ nữ sống đơn thân, cũng tội nghiệp vì tuổi đã cao. Tất cả họ đã làm ăn lương thiện. Chúng tôi đã đề xuất chính quyền xã, hỗ trợ cho các chị cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn để làm kinh tế. Cuộc sống của các chị em ở đây tuy khó khăn nhưng họ đều sống hòa đồng, vui vẻ, đùm bọc lẫn nhau”.

Giờ đây về xóm nhỏ bên dòng sông Cu Đê, người ta không còn có cảm giác đây là nơi cư trú của những con người tội lỗi mà nó là một xóm nhỏ hiền lành với những cư dân nhọc nhằn lam lũ. Còn chính các cư dân ở nơi này, chắc họ cũng không muốn nhắc lại quá khứ.
Tất cả những gì họ đang làm chỉ là để chứng minh rằng, quá khứ đã lùi xa và họ đang sống tốt, sống thiện như những con người bình thường khác. Và ở cái xóm nhỏ ấy đã có bóng dáng những đứa trẻ con chạy đi chạy lại, và tiếng trẻ ê a học bài. Ở nơi này con cái họ đã trưởng thành, lập gia đình, sinh con. Có nhiều cháu đã đạt được những thành tích trong học tập. Cuộc sống đã đổi thay, những người dân lầm lỡ này cũng đang tích cực hòa nhập với cuộc sống, cần mẫn làm việc và tìm thấy niềm vui bên xóm nhỏ, ven dòng sông Cu Đê dịu dàng chảy.

Theo Hữu Cường








 
Back
Top