Những phận đời xích lô ở Huế

Jolie

Member
[h=2]Xahoi - Ở TP Huế có nhiều người phu xe đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Hằng ngày họ phải gòng mình đạp xe xích lô chở hàng, chở khách để mưu sinh, kiếm sống.[/h]
xich-lo.jpg

Các chú xích lô đang đứng đón khách ở ngã tư.
Ngày trước nghề đạp xích lô dễ thở, khách khứa đi nhiều, phương tiện lại ít nên người phu xe chỉ cần đạp mối quen cũng đủ sống. Nhưng giờ đây khách đi xích lô ngày một ít, người đạp xe thì nhiều, việc thì ít người thì đông nên kiếm được đồng tiền càng nhọc nhằn, khó khăn…
Ba đời “nối nghiệp” xích lô
Ông Lê Khanh, tổ trưởng tổ xích lô 12 - khách sạn Duy Tân là người có thâm niên và uy tín trong nghiệp đoàn xích lô. “Nhà tui có ba đời theo nghiệp xích lô. Ngày trước cha tui đạp xe xích lô nuôi anh em tui, giờ tui tiếp tục đạp xích lô nuôi các con và con trai tui cũng theo nghiệp xích lô kiếm sống”-ông Khanh tâm sự. Ông kể rằng, ngày trước cha ông nói đạp xe xích lô vất vả nên cho ông học nghề thợ mộc, thế nhưng thời điểm đó nghề mộc làm không đủ sống nên ông Khanh lại gắn với chiếc xích lô nối nghiệp cha. “Nghề xích lô bấp bênh, vất vả nhưng phải bám riết lấy nó để kiếm miếng ăn. Tui có bốn người con, giờ chỉ hi vọng vào hai đứa đang học phổ thông, phải cho chúng được học hành, sau này kiếm cái nghề để có tương lai”-ông Khanh giọng buồn rầu. Ông tâm sự rằng, mấy năm nay xích lô du lịch “đói” khách bởi các tour du lịch trong và ngoài nước khi đến Huế đều bị các trưởng đoàn chèo kéo tranh giành khách. “Họ nói những điều không tốt về xích lô tụi tôi nhằm “hốt” hết khách. Các trưởng đoàn đã dẫn khách đi bằng xe du lịch tới những địa điểm bán đặc sản không có thương hiệu nhưng được thỏa thuận từ trước để lấy phần trăm hoa hồng”-ông Khanh chia sẻ. Ông Khanh với vẻ mặt khắc khoải âu lo, đôi mắt sâu thẳm đăm chiêu nhìn ra đường phố hi vọng có khách hàng thuê đạp xe.
xichlo1jpg1368861707.jpg

Đoàn xe du lịch chở khách vòng quanh cố đô.
Ở nghiệp đoàn xích lô du lịch của TP Huế có nhiều gia đình có hai ba đời theo nghiệp xích lô. Trước đây, khi nghề xích lô du lịch làm ăn thịnh vượng nghiệp đoàn có đến 240 thành viên, sống nhờ du khách đến Huế chọn xích lô làm phương tiện đi lại. Thế nhưng hiện nay nghiệp đoàn này chỉ còn 190 thành viên bám trụ với nghề, bởi nghề xích lô du lịch ngày càng vắng khách. Nhiều người đã phải rẽ sang nghề khác để kiếm miếng ăn.
12h trưa, Chú Nguyễn Hữu Phước (40 tuổi), tổ xích lô 12 khách sạn Duy Tân vẫn đợi khách trước cổng khách sạn. "Mấy ngày ni tui không đạp được “cuốc” nào, nản lắm! – Chú Phước bắt đầu câu chuyện. Chú nói rằng ông ngồi chầu chực cả ngày để đạp xe cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, chỉ đủ nuôi sống bản thân, vợ con phải tự bươn chải kiếm sống. Những ngày ế khách, chú Phước phải đi chở hàng, không có hàng thì đi làm phụ hồ để kiếm ít tiền sống qua ngày. Bao nhiêu năm theo nghiệp xích lô đắng cay đếm đủ, chú vẫn cảm ơn và gắn bó với nghề này. Chú nói rằng nghề xích lô ít vốn liếng, nếu chịu khó cày cuốc cùng với may mắn thì cũng sống được bằng nghề.
Ông Trần Hữu Tý (51 tuổi), đạp xích lô ở chợ Đông Ba ngồi nép mình ở cổng chợ chờ khách. Suốt cả buổi sáng ông mới được một người thuê đạp, kiếm được 15 ngàn đồng. “Mỗi ngày tui đạp xe kiếm được năm bảy chục ngàn. Ngày mô hên lắm thì được 100 ngàn, cũng có ngày đạp xe không chẳng có đồng nào, nhiều khi xe hư phải đi vay nợ để sửa chữa”-ông Tý tâm sự.
xichlo3jpg1368861707.jpg

Ông Trân gồng mình với chuyến xe nặng cuối ngày.
Những cuốc xe tuổi xế chiều
Ở chợ Đông Ba có nhiều người phu xe đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Hằng ngày họ phải gòng mình đạp xe chở hàng, chở khách để mưu sinh, kiếm sống. Ông Nguyễn Đình Tao, 72 tuổi, thân hình gầy gò, khuôn mặt đen sạm đang đạp xe quanh bến xe chợ để mong gặp người thuê chở hàng. “Ngày xưa nghề đạp xích lô dễ sống. Khách khứa đi nhiều, phương tiện lại ít nên tụi tui chỉ đạp mối quen cũng không hết. Rừa mà bây chừ khách đi xích lô ít lắm, người đạp xe thì nhiều, việc thì ít mà người thì đông nên kiếm được đồng tiền khó khăn…” - ông Tao chia sẻ. Ông Tao kể rằng gia đình ông vốn là cư dân vạn đò. Ông gắn bó với nghề xích lô hơn 50 năm nay. Nghèo khó nên cả chín người con, không có đứa nào được học hành. Năm 2011, ông Tao được hỗ trợ lên khu tái định cư Phú Hậu, nhưng vợ ông lại thường xuyên đau ốm, ông phải làm cả ngày lẫn đêm để kiếm thêm tiền thuốc men cho vợ. “Lớn lên mỗi đứa mỗi nơi, đứa thì đạp xích lô, đứa làm thợ hồ, không đưa nào giàu có cả” -ông Tao thủ thỉ.
Sẩm tối, ông Lê Văn An (74 tuổi), vẫn ngồi đợi khách ở bến xích lô gần khách sạn Sài Gòn Morin. Ông nói cố gắng đợi khách để mong có thêm ít tiền bởi cả ngày hôm nay mới chỉ kiếm được 30 ngàn đồng. Ông An kể hồi trẻ chạy xe ôm, sau đó chuyển sang đạp xích lô, thấm thoắt mà đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. "Tuy mệt mỏi nhưng tui thấy vui, nghỉ đạp xe vài ngày là buồn, lại thích ra ngồi vỉa hè đợi khách. Mỗi lần được giới thiệu về Huế với du khách thập phương là tui thấy rất vui”- ông An bộc bạch.
Còn ông Bùi Hữu Trân (trú phường Phú Xuân, TP Huế) đã bước qua tuổi 80 nhưng ngày ngày vẫn phải oằn mình đạp xe xích lô khắp ngõ ngách kiếm tiền nuôi hai người con điên dại. Ông vốn là chiến sĩ Trung đoàn Trần Cao vân 101 tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 30 năm cầm súng “vào sinh ra tử”, rời quân ngũ với quân hàm trung tá, ông chuyển ngành làm thợ máy một công ty cơ khí cho đến ngày về hưu. Vợ chồng ông Trân có ba mặt con, hai người con trai mắc bệnh tâm thần. Ông kể, 40 năm trước vì quá đói nghèo, vợ chồng ông đã phải bấm bụng để người con gái út đi làm con nuôi một người đồng đội. Đồng lương hưu ít ỏi của ông không đủ nuôi sống bốn miệng ăn, rồi tiền thuốc men, hiếu hỉ. Năm năm nay, căn nhà tình nghĩa – tổ ấm của gia đình ông trở nên lạnh lẽo bởi vợ ông chết vì bạo bệnh, ông rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Mới đây, ông đau đớn nhìn người con trai mắc bệnh tâm thần trút hơi thở cuối cùng. Thời gian này sức ông đã giảm nhưng phải gắng gượng kiếm mỗi ngày vài chục ngàn trang trải nợ nần. Nhiều người thương kêu ông chở ít vật liệu xây dựng, hay đồ dùng trong gia đình để ông có ít tiền, có người biếu ông bộ quần áo, đôi giày. “Còn chút sức lực thì tôi vẫn gắng mần mà nuôi con, trả nợ, ngả tay xin tiền thiên hạ răng được”- ông Trân tâm sự.




 
Back
Top