Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao hầu hết các bộ phim siêu anh hùng bom tấn đều có những điểm chung dưới đây?
Với một rừng nhân vật cùng năng lực khác nhau và hàng trăm cốt truyện để khai thác, tại sao phần lớn các bộ phim siêu anh hùng lừng lẫy lại có vẻ… giống nhau đến vậy? Dưới đây là danh sách 10 tình tiết cực kì dễ gặp trong dòng phim này.
1. Thành phố bị hủy hoại nghiêm trọng trong một trận đánh
(Man of Steel, The Avengers, The Incredible Hulk…)
Thành phố bị tàn phá trong "Man of Steel"
Đáng lý ra, người anh hùng phải ra tay cứu thế giới dưới sự hủy hoại của nhân vật phản diện. Tuy vậy, trong số những trận đánh khổng lồ thì thể nào cũng có rất nhiều thương vong và thiệt hại cho tới con số hàng tỉ đô.
Cảnh tượng này có thể được dễ dàng nhìn thấy ở phần lớn các phim, và có thể nói phim có thiệt hại nặng nhất chính là Man of Steel, khi con số tính ra có khoảng 129,000 người bị chết và 250,000 người mất tích cùng 1 triệu người bị thương. Toàn bộ số tiền thiệt hại trong cuộc chiến được cho vào khoảng 2 nghìn tỉ đô. Và những gì chúng ta thấy trong trailer của Batman V Superman: Dawn of Justice, chắc chắn những thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
2. Kẻ phản diện là nạn nhân của một thí nghiệm khoa học không thành công
(The Amazing Spider-man, Spider-man, The Incredible Hulk, Iron-man 3…)
Dr. Octopus (Spider-man 2) là một ví dụ điển hình
Biết là rất khó khăn để có thể “vẽ đường” cho một con người bình thường có được siêu năng lực, nhưng tại sao phần lớn các trường hợp đều có dính dáng đến các chương trình khoa học? Điển hình cho điều này chính là dòng phim Spider-man khi Green Goblin, Dr. Octopus và The Lizard đều từng là những nhà khoa học triển vọng cho tới khi thí nghiệm của họ rẽ sang một lối đi khác.
3. Sự liên kết đầy trùng hợp giữa các nhân vật chính
(The Amazing Spider-man, The Dark Knight…)
Có hàng tỉ người trên Trái Đất và còn rất nhiều nữa nếu bao gồm cả vũ trụ giống như trong các bộ phim hiện tại. Ấy vậy mà trong các phim siêu anh hùng, những nhân vật chính được liên kết với nhau một cách nào đó đầy trùng hợp và khá thuận tiện.
Lại một lần nữa The Amazing Spider-man được đưa ra làm ví dụ: Peter chiến đấu với Curt Connors, người hướng dẫn cho bạn gái Gwen Stacy của anh. Bố của Gwen Stacy lại là một cảnh sát đã giúp Peter dưới danh nghĩa Spidey trong trận chiến cuối phim. Connors cũng là đồng nghiệp của bố Peter – Richard Parker trước khi ông biến mất.
4. Siêu anh hùng không phải bạn thân với cảnh sát
(X-men, The Amazing Spider-man, The Dark Knight…)
Cho dù đây là một điều khá dễ hiểu, nhưng dù sao thì nó cũng được lặp đi lặp lại khá nhiều lần trong các bộ phim nổi tiếng. Nếu một người thường bỗng dưng biến thành khổng lồ và có khả năng đập tan một tòa nhà thì tất nhiên là lực lượng cảnh sát sẽ phải cực kì để mắt tới.
Vậy nhưng sau khi xem cảnh phim này chán chê trong các bộ phim siêu anh hùng kinh điển, thì việc nhìn các siêu anh hùng giải quyết với cảnh sát dần trở nên chán ngắt đối với người xem.
5. Một cuộc nói chuyện đầy triết lý
(Gần như tất cả các phim)
Cho dù các siêu anh hùng của chúng ta mạnh mẽ và tài giỏi đến đâu, khi một lúc nào đó, họ sẽ cần đến một vài câu thoại cực kì triết lý, thường được đưa ra từ những người lớn tuổi hơn rất nhiều. 2 nhân vật điển hình của những câu thoại này là Bác Ben (Spider-man) – “With great power comes great responsibility” và Afred Pennyworth (The Dark Knight) – “Some men just want to watch the world burn”.
Đôi khi nó cũng đến từ lãnh đạo của một nhóm/tổ chức nào đó, ví dụ như Nick Fury luôn dùng để gia tăng sức mạnh tinh thần cho cả team Avengers, hay bài phát biểu của Peter Quill nhằm đưa các Vệ binh dải ngân hà tiến tới chiến thắng.
6. Câu chuyện gốc
(Man of Steel, The Dark Knight, The Amazing Spider-man,…)
Đây là trường hợp hay xảy ra với những bộ phim đã có nhiều phiên bản và được “đập đi làm lại” vài lần trong lịch sử phát triển.
Mỗi siêu anh hùng đều có một câu chuyện riêng, nhưng việc nhìn Peter Parker bị cắn tới vài lần trên màn ảnh, bác Ben (lại) hy sinh, hay xem Siêu nhân (lại) dằn vặt với sức mạnh không thuộc về Trái Đất không phải lúc nào cũng thú vị bằng việc xem họ chiến đấu và (tất nhiên là) chiến thắng.
Rất nhiều bộ phim siêu anh hùng rất thành công mà không cần phải “gợi lại quá khứ” đầy đau thương ấy.
7. Anh hùng giấu mặt
(Man of Steel, The Dark Knight, The Amazing Spider-man, Arrow, The Flash…)
Oliver Queen (Arrow) những phần đầu có cách giấu mặt rất lộ liễu
Mặc dù danh tính của các siêu anh hùng được giữ bí mật để làm tăng sự hấp dẫn cho phim, thì đôi khi khán giả lại phải lắc đầu vì… các siêu anh hùng quá lộ liễu. Giống như Clark Kent khi ra đường chỉ cần thu gọn lại cơ thể và đeo thêm cặp kính nhưng không ai nhận ra, hay James Gordon mãi đến phần 3 của The Dark Knight mới biết Bruce Wayne là Batman nhưng cũng… chẳng để làm gì. Việc giấu mặt các siêu anh hùng một cách hời hợt khiến người xem chỉ muốn hét vào màn hình một câu “Thế mà sao không nhận ra?!”.
8. Kẻ ác “giải thích” kế hoạch của mình
(The Avengers, Superman 1978, Sin City,…)
Tại sao các kẻ phản diện lại thích nói toàn bộ kế hoạch của mình cho các siêu anh hùng trước khi giết (hụt) họ đến vậy? Những cảnh phim được sử dụng để giải thích luôn cho người xem, nhưng việc lặp lại nó liên tục ở nhiều phim khiến nó càng ngày càng gượng ép, và chẳng có vẻ gì là “thiên tài” khi mà anh hùng sẽ trốn thoát được rồi dựa vào những gì tên phản diện tiết lộ để chống lại hắn.
9. Bắt cóc người yêu
(Spider-man, Sin City, Iron Man, The Dark Knight,…)
Cho dù thủ đoạn của những tay phản diện cao siêu đến đâu, thì phần lớn thời gian chúng đều dùng để bắt cóc người yêu của các siêu anh hùng. Mary Jane Watson, Gwen Stacy, Rachel Dawes, Pepper Potts… đều đã ghi danh mình vào danh sách nữ chính bị bắt cóc.
Ít ra, Christopher Nolan đã làm mới tình tiết này bằng cách để Batman thất bại trong việc cứu Rachel Dawes trong The Dark Knight, hay Gwen Stacy cũng không qua khỏi dù đã được cứu.
10. Một quá khứ đầy đau thương
(The Dark Knight, The Flash, Daredevil, Man of Steel, Spider-man,…)
Một cách nào đó, các siêu anh hùng nổi tiếng nhất luôn có một tuổi thơ đau thương theo sau họ. Nổi bật nhất trong những tình tiết này là cái chết của bố mẹ hoặc một nhân vật gần gũi với nhân vật chính.
Thomas và Martha Wayne, bác Ben, Jonathan Kent chính là các hình tượng phụ huynh đã tác động mạnh đến tâm lí những đứa trẻ mà sau này là những siêu anh hùng nổi tiếng. Ngoài ra, Magneto cũng từng sống trong một trại tập trung giữa Thế Chiến, hay Matt Murdock cũng bị mù từ nhỏ vì chất thải phóng xạ. Một tuổi thơ đau khổ chính là bước đệm tư tưởng cho họ, biến họ thành những người hùng không chỉ bằng sức mạnh chân tay mà còn bằng sức mạnh tinh thần.
Theo Hiếu Chấy / Trí Thức Trẻ