Tác phẩm điện ảnh trau chuốt về mặt hình ảnh và âm thanh của Victor Vũ chưa làm hài lòng những fan ruột truyện "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Nguyễn Nhật Ánh.
Trong cơn bão phim kinh dị và hài nhảm đang áp đảo tại các rạp phim, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ được chào đón như một tác phẩm điện ảnh tử tế. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhanh chóng tạo được sức hút với hàng trăm nghìn lượt đặt vé. Thậm chí, bản lậu của bộ phim cũng có dấu hiệu rò rỉ trên mạng internet.
Thành công không chỉ đến từ những suất chiếu phủ kín chỗ ngồi mà đôi khi, ở những tranh luận trái chiều của khán giả. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđã tạo được không khí bàn luận sôi nổi đó. Bộ phim trau chuốt về mặt hình ảnh và âm thanh làm hài lòng nhiều khán giả những khiến không ít người cảm thấy… khó chịu. Âm nhạc được sử dụng đắc địa nhưng lại ít nhiều lấn át nội dung mà đạo diễn thể hiện trong phim.
Truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ dựng thành phim.
Gạt sang một bên mặt kỹ thuật tạo nên một bộ phim, không ít khán giả thưởng thức phim chưa hài lòng với hướng khai thác của Victor Vũ. Nỗ lực mang đến dấu ấn cá nhân trong một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng chưa thuyết phục được fan ruột của truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Đạo diễn Quả tim máu không giấu giếm ý đồ tiết chế lại các mạch truyện khác nhau trong nguyên tác. Anh giữ lại câu chuyện tình anh em giữa Thiều và Tường làm sợi chỉ xuyên suốt. Chính vì điều này, trong quá trình làm phim, Victor Vũ từng đặt tên cho tác phẩm là Dear Brother. Ngay trong buổi ra mắt tại Hà Nội, đạo diễn Việt kiều thừa nhận anh làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vì xúc động; bộ phim gợi nhớ đến câu chuyện cá nhân với em trai của đạo diễn.
Có thể nói, Victor Vũ đã thể hiện được chất thơ cũng như những tình cảm chân thật giữa hai anh em từ nguyên tác. Khán giả cảm nhận được nhân vật Thiều – một người anh ích kỷ, hẹp hòi. Sự ích kỷ đó hiện lên qua hành động "thiếu quân tử" trong trò chơi ném đá với Tường ở đầu bộ phim; hay ánh mắt đầy giận dữ đánh em trai liệt người chỉ vì hiểu nhầm.
Thiều (Thịnh Vinh), Tường (Trọng Khang) và Mận (Thanh Mỹ) là nhân vật xuất hiện xuyên suốt trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Tường, nhân vật người em trai của Thiều xuất hiện trong phim gần như trùng khít với những gì mà độc giả đọc truyện từng tưởng tượng. Ngoài gương mặt thanh mảnh giống như Nguyễn Nhật Ánh mô tả, Tường là một đứa trẻ đẹp trai, đáng yêu và thương anh hết mức. Những câu thoại có phần vụng về hoặc hơi kịch khiến cho nhân vật này gây ấn tượng cho khán giả.
Tình cảm anh em được Victor Vũ thể hiện rất thơ nhưng cũng rất đời. Khán giả thấy được niềm vui, nỗi buồn, sự đố kỵ và cả những giọt nước mắt chứa đầy sự hối hận, cũng như vị tha. Tập trung khai thác câu chuyện, Victor Vũ cũng trực tiếp xây dựng những nét tính cách đậm nét, xếp chồng lên nhau qua diễn biến của mạch phim khiến cho khán giả thấy được sự ngây thơ, trong trẻo của tuổi thơ.
Tuy nhiên, không ít độc giả từng đọc nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh cho rằng Victor Vũ mới chỉ được 1/3 của chặng đường chuyển thể tác phẩm lên phim. Việc quá tập trung vào câu chuyện anh em Thiều – Tường khiến cho Victor Vũ để rơi những tình tiết, nhân vật hấp dẫn khác. Nếu như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cài cắm vào câu chuyện tình yêu, những nhân vật phản diện và đặt ra những vấn đề về cái ác, sự vô tâm khá đậm nét thì trong tác phẩm của Victor Vũ gần như đã quên đi điều này.
Trong nguyên tác, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ lên 3 mối tình đẹp đẽ với những sắc độ khác nhau. Đó là chuyện tình yêu cổ tích công chúa- phò mã của Tường – Nhi ở cuối truyện. Chuyện tình yêu thuở học trò của Thiều – Mận. Và không thể không nhắc đến, mối tình vượt lên định kiến của cha mẹ của cặp đôi chú Đàn – cô Vinh.
Mối tình giữa Thiều và Mận hay Tường và Nhi gần như được Victor Vũ đưa xuống làm yếu tố phụ. Nhiều khán giả cảm thấy chưng hửng với chi tiết Mận biến mất theo chiếc xe lam đi lên thành phố. Đồng nghĩa với điều này, chuyện tình tuổi học trò giữa hai người cũng kết thúc quá đột ngột và ít những dư vị cảm xúc. Bên cạnh đó, chuyện tình cảm giữa Thiều và bé Xin cũng biến mất hẳn khi được dựng thành phim.
Nhiều mối tình đẹp trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đạo diễn Victor Vũ bỏ ngỏ khi dựng thành phim.
Nhiều khán giả ra rạp xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hẳn sẽ thấy chưng hửng về câu chuyện của 2 nhân vật chú Đàn và cô Vinh. Trong truyện, tình yêu của 2 người được đặt trong vòng lễ giáo với sự kiểm soát của thầy Nhãn. Hai nhân vật này cũng tự lập mưu để cùng nhau bỏ trốn sau khi lũ kéo về làng. Tuy nhiên, chuyện tình của cặp đôi này gần như không xuất hiện nhiều và thiếu những mối dây liên kết ở trong phim.
Đặt trong bối cảnh một làng quê nghèo tại miền Nam vào khoảng cuối năm 1989, truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn đưa vào những nhân vật phản diện, đặt ra những vấn đề về cái ác, sự vô tâm.
Sơn – bạn học cùng lớp Thiều là một trong những nhân vật phản diện, tạo chất keo kết dính liền mạch phim. Sơn là nhân vật cậy lớn ức hiếp bé, hành động thiếu quân tử và rất ích kỷ. Hành động trấn lột những hòn bi hay đánh Thiều của Sơn đã tố cáo điều đó.
Phim cũng chưa làm rõ được vấn đề cái ác, sự vô tâm mà Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến trong truyện. Nhân vật bố của Thiều và Tường trong phim không giống trong nguyên tác. Hình ảnh của bố Thiều xuất hiện đầu tiên với cây gậy đánh chó lúc đi đêm nhưng lại dùng để đánh Thiều là chủ yếu. Bên cạnh đó, con người hoạt ngôn thích bao đồng của bố Thiều cũng gần như không thể hiện ở trong phim.
Bộ phim được quay, dựng rất đẹp nhưng lại thiếu đi nét ưu tư, dư vị buồn về con người, sự vô tâm mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn nói đến trong nguyên tác.
Bên cạnh đó, thái độ sợ hãi, xa lánh với những người mắc bệnh phong như bố Mận của dân làng không được thể hiện đậm nét trong phim . Vì thế, cuộc sống của bố Mận cô độc và tự đốt cháy căn phòng như một sự giải thoát khỏi những sự vô tâm. Chi tiết này trong phim dường như được thể hiện qua góc nhìn của Mận mà chưa toát lên được sự vô cảm của con người trong xã hội.
Độc giả từng chùng xuống khi đọc đến những chương truyện về mùa lũ, cảnh đói ăn trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là hình ảnh “con tôm mặn chát”, “bọc muối như bọc tuyết” nhưng Thiều có thể ăn ba bát cơm. Hay “ánh mắt kém vui” của những đứa trẻ chịu đói gần như không được thể hiện qua chi tiết phim. Khán giả chỉ thấy cảnh nước ngập mênh mông, trâu chết nổi trương phềnh; nồi cháo trắng của với những hạt muối thay vì những chi tiết đầy xúc động trong nguyên tác.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ tiếp tục là thành công về mặt thương mại của Victor Vũ. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn gây tranh cãi về nội dung, kịch bản và cả lối kể chuyện có phần đơn giản. Bên cạnh đó, vị đạo diễn cũng chưa thể đi hết được con đường chinh phục những ai đã từng đọc và yêu thích nguyên tác của Nguyễn Nhật Ánh.
Theo Zing