Hàng loạt hãng hàng không lớn kêu gọi các chính phủ xem xét lại lệnh cấm bay sau khi các phi cơ bay thử qua bụi núi lửa trên không phận châu Âu mà không gặp sự cố.
Một máy bay Airbus 320 hạ cánh tại sân bay Toulouse-Blagnac sau khi bay thử vào ngày 18/4. Ảnh: AFP.
Theo AP, hãng hàng không KLM Royal Dutch của Hà Lan cho các máy bay không chở khách của họ di chuyển qua bầu trời Đức và Hà Lan hôm qua ở độ cao khoảng 3.000 m. Hãng tiến hành bay thử ở độ cao này vì tro bụi núi lửa tập trung ở độ cao từ 6.000 tới hơn 9.000 m. Các hãng Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) và Austrian Airlines (Áo) cũng bay thử ở bên dưới tầng khói bụi dày đặc.
Những chuyến bay thử thành công nói trên khiến nhiều hãng cho rằng giới chức các nước đã quá thận trọng về nguy cơ bụi núi lửa tại Iceland có thể phá hỏng động cơ máy bay.
“Với điều kiện thời tiết hiện nay – trời quang mây và không có những đám mây bụi dày đặc – chúng tôi cho rằng không có lý do gì để trì hoãn việc nối lại các chuyến bay. Chúng tôi đang đề nghị các quan chức đánh giá tình hình thật khách quan, bởi mức độ an toàn không thể đạt tới 100%”. Steven Verhagen, phó chủ tịch Hiệp hội Phi công Hà Lan, phát biểu.
AFP đưa tin 36 hãng hàng không lớn tại châu Âu cũng kêu gọi các chính phủ "đánh giá lại lệnh cấm bay ngay lập tức" bởi nó đang gây nên hậu quả to lớn đối với ngành hàng không và có thể không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
"Các phi cơ phải được bay ở những vùng trời an toàn. Đó là điều mà hành khách yêu cầu chúng tôi", AFP dẫn tuyên bố của Hiệp hội Hàng không châu Âu.
Reuters cho biết, ông Siim Kallas, ủy viên phụ trách vận tải của Liên minh châu Âu, hy vọng 50% không phận châu Âu có thể được tuyên bố an toàn trong hôm nay.
"Chúng ta không thể đợi cho đến khi tro bụi tan hết", ông nhận xét.
Ông Diego Lopez Garrido, quan chức Tây Ban Nha phụ trách các vấn đề châu Âu, dự đoán khoảng một nửa số chuyến bay sẽ được cất cánh hôm nay.
"Lufthansa thực hiện 11 chuyến bay thử, KLM thử 9 chuyến, Air France thử 7 chuyến và kết quả cho thấy tất cả máy bay đều an toàn. Tro bụi núi lửa không gây nên bất kỳ tác động nào", ông Garrido nói.
Italy và Áo thông báo họ sẽ cho phép các sân bay mở cửa trở lại trong ngày 19/4.
Theo các hãng sản xuất máy bay, tro bụi của núi lửa có thể chui vào động cơ. Trong đó, các hạt nhỏ li ti nóng chảy gây tắc ống dẫn, làm thay đổi áp lực của dòng nhiên liệu và khiến động cơ bị rối loạn. Năm 1982, một máy bay Boeing chở khách của hãng hàng không British Airways từng bị tro bụi núi lửa chui vào động cơ. Cả bốn động cơ của phi cơ này ngừng hoạt động, máy bay đã phải lượn một chặng dài trước khi các động cơ hoạt động trở lại, giúp nó hạ cánh an toàn ở Jakarta, Indonesia.
Cơ quan Kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol) cho biết, 63.000 chuyến bay bị hủy vì tro bụi núi lửa Iceland kể từ ngày 15/4, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho các hãng hàng không và khiến 6,8 triệu hành khách mắc kẹt tại các sân bay.
Cơ quan Khí tượng Iceland thông báo núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull rung lắc ngày càng mạnh hơn, song độ cao của cột khói bụi chỉ còn khoảng từ 4.000 tới 5.000 m. Trong những ngày trước đó tro bụi tập trung ở độ cao 6.000 - 9.000 m. Thậm chí có nơi tro bụi bay lên tới độ cao 11.000 m.
Minh Long
express