T
T$
Guest
epa
Image caption
Máy bay Nga rơi gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị tên lửa Thổ bắn tuần trước
Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chấm dứt tranh cãi về chiếc máy bay bị bắn rơi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giảm bớt căng thẳng, một tuần sau khi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Paris, ông Obama xác nhận lại Mỹ ủng hộ cho “quyền của Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ chính mình và không phận.”
Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nên “xuống thang” tranh chấp của họ.
“Chúng ta đều có một kẻ thù chung,” ông Obama nói, ám chỉ cái gọi là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Tôi muốn chắc chắn rằng chúng ta tập trung vào mối đe dọa đó,” ông nói.
“Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Nato,” ông cho biết thêm. “Và chúng tôi cam kết bảo vệ an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và chủ quyền của họ. Chúng tôi thảo luận làm thế nào để Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng nhau xuống thang căng thẳng và tìm ra con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề này.”
Ông Erdogan cũng nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp hôm thứ Ba. Ông nói chính phủ của ông mong muốn giảm căng thẳng và “quyết tâm theo đuổi cuộc chiến” chống lại IS.
Ông Obama và ông Erdogan là hai trong số 150 nhà lãnh đạo tham dự cuộc đàm phán khí hậu tại Paris.
Ông Erdogan đưa ra chỉ trích mới của ông về cuộc không kích của Nga chống lại phiến quân nói tiếng Thổ tại tây bắc Syria, phàn nàn rằng khu vực này đang bị “ném bom liên tục”.
Moscow tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ SU-24 của họ trong không phận Syria vào ngày 24 Tháng 11.
Thổ Nhĩ Kỳ nói phi cơ bay vào không phận của họ và đã liên tục cảnh báo phải rời khỏi trước khi nó bị bắn hạ.
Nga khẳng định phi cơ đã không vượt qua biên giới và rằng máy bay đã thông báo trước về đường bay đến Mỹ.
Một phi công Nga đã thiệt mạng và phi công còn lại được giải cứu. Một lính thủy Nga đã bị giết trong hoạt động cứu hộ.
[h=2]'Thiên đường khủng bố'[/h]Nga là đồng minh chính của Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad. Không kích của họ nhằm vào nhóm phiến quân, trong đó có IS.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói ông hy vọng Nga cuối cùng sẽ được thuyết phục về sự cần thiết để ông Assad từ bỏ quyền lực.
Ông cảnh báo sẽ không hy vọng “chuyển đổi 180 độ” trong chiến lược của Nga vào những tuần tới tuy nhiên “một sự thay đổi trong tính toán” có thể xảy ra trong vài tháng tới.
Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ phản đối ông Assad và bị cáo buộc làm ngơ để các chiến binh thánh chiến đi qua từ lãnh thổ của mình tới Syria.
Cho đến cách đây vài tháng, Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng đóng vai trò tích cực trong liên minh chống lại IS. Tuy nhiên, trong tháng Tám họ cho phép liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu sử dụng căn cứ không quân tại Incirlik.
Nga đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỹ do bắn rơi máy bay của họ, bao gồm hạn chế việc nhập khẩu thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ và kết thúc miễn thị thực du lịch với nước này.
Vào hôm thứ Hai Tổng thống Nga Vladimir Putin – cũng có mặt tại Paris – buộc tội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc tấn công phi cơ để che đậy việc trao đổi dầu bất hợp pháp với Nhà nước Hồi giáo.
“Chúng tôi có mọi lí do để cho rằng quyết định bắn hạ máy bay của chúng tôi được đưa ra vì mong muốn che đậy các đường cung cấp dầu cho lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ,” ông Putin nói.
IS kiếm được nhiều tiền từ các mỏ dầu mà họ điều khiển ở phía đông bắc Syria và miền tây Iraq.
Một số dầu được bán cho chế độ Assad và một số được nhập lập qua trung gian vào đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan nhắc lại bác bỏ chính phủ của ông có liên quan đến việc này.
Ông Putin cũng buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ chứa chấp “các tổ chức khủng bố” hoạt động “ở các vùng khác nhau của Nga, bao gồm cả phía Bắc Caucasus”.
Chính quyền Moscow trước đó nói phi cơ Su-24 đang trên đường tấn công “khủng bố” từ phía Bắc Caucasus căn cứ bên trong Syria thì máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công họ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối liên hệ kinh tế quan trọng.
Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn ba triệu khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái.
Theo BBC Vietnamese