Phát hiện núi băng trên Sao Diêm Vương

T

T$

Guest

150716065224_1_640x360_nasa_nocredit.jpg

Hình chụp bề mặt của Sao Diêm Vương cho thấy các hoạt động địa chất đang diễn ra

Sao Diêm Vương có những ngọn núi băng cao tương đương với dãy Rocky ở Bắc Mỹ, các hình ảnh từ phi thuyền New Horizons cho thấy.
Các hình ảnh mới nhất cũng cho thấy dấu hiệu của hoạt động địa chất trên Sao Diêm Vương và mặt trăng Charon của hành tinh này.
Hôm 15/7, các nhà khoa học đã công bố các hình ảnh đầu tiên do phi thuyền New Horizons thu thập được trong chuyến bay lịch sử đi qua 'hành tinh lùn' (cách gọi thiên thể dưới cấp sao) này.
Họ cũng lấy tên nhà thiên văn học Clyde Tombaugh, người khám phá ra Sao Diêm Vương, để đặt cho vùng núi hình trái tim trên hành tinh này.
New Horizons đã bay ngang qua Sao Diêm Vương hôm 14/6, ở khoảng cách chỉ 12.500 km, và thu về một khối lượng lớn dữ liệu.
John Spencer, thành viên nhóm các khoa học gia thực hiện nhiệm vụ khám phá Sao Diêm Vương, nói với báo giới rằng hình chụp cận cảnh bề mặt của Sao Diêm Vương cho thấy dấu hiệu của các hoạt động địa chất, như núi lửa phun trào, trong vòng 100 triệu năm trở lại đây.
"Chúng tôi chưa tìm thấy hố va chạm nào trong hình này, điều cho thấy bề mặt này vẫn còn rất non trẻ", ông nói.
Trước đó, các hoạt động địa chất tương tự đã được nhìn thấy trên các mặt trăng băng. Điều này bắt nguồn từ nội nhiệt thủy triều, được tạo ra bởi quá trình tương tác lực hút với một hành tinh lớn.
"Hoạt động địa chất trên các hành tinh băng không cần đến nội nhiệt thủy triều. Đây là một khám phá rất quan trọng mà chúng tôi vừa đạt được sáng nay," Tiến sỹ Spencer nói.
Ông Alan Stern, trưởng nhóm khoa học gia, nói: "Chúng ta đang chứng kiến một hành tinh biệt lập, có kích cỡ nhỏ, bắt đầu hoạt động sau 4,5 tỷ năm".
Giáo sư Stern nói khám phá này có thể khiến 'nhiều nhà khoa học địa chất phải bắt đầu lại từ đầu'. ông nói.
Hình mới nhất cũng cho thấy một vùng với nơi cao nhất khoảng 3.300m mà nhóm các nhà khoa học đã so sánh với dãy Rocky ở Bắc Mỹ.
Ông John Spencer nói lớp khí methane, carbon monoxide và nitrogen trên bề mặt Sao Diêm Vương không đủ rắn để kết cấu thành các ngọn núi, vì vậy có lẽ chúng được tạo ra từ nền băng.
"Lớp băng, dưới nhiệt độ ở Sao Diêm Vương, đủ rắn để giữ các ngọn núi lớn," ông nói.
Ông Stern gần đây đã thực hiện một nghiên cứu chung với đồng nghiệp Kelsi Singer.
"Kelsi và tôi dự đoán rằng địa hình dốc trên Sao Diêm Vương với lớp khí phía trên cho thấy phải có có chuyển động bên trong làm nitrogen tuôn ra bề mặt thông qua quá trình phun trào núi lửa băng, mạch nước phun hoặc các hoạt động địa chất khác đang diễn ra trên hành tinh này," ông giải thích.
"Chúng tôi chưa tìm thấy các mạch nước phun cũng như các núi lửa băng, nhưng đây là bằng chứng đủ mạnh để khiến chúng tôi xúc tiến việc tìm kiếm".


Mặt trăng Charon của Sao Diêm Vương có các vùng lõm với độ sâu 4-6 dặm

Các nhà khoa học đã đặt tên cho vùng hình trái tim này là Tombaugh Regio, tên nhà thiên văn học khám phá ra Sao Diêm Vương năm 1930.
Hình chụp cận cảnh mặt trăng Charon của Sao Diêm Vương cũng cho thấy các lỗ sâu 4-6 dặm và cho thấy bằng chứng của các hoạt động địa chất.
"Ban đầu tôi nghĩ Charon có thể có một bề mặt lâu đời, bao phủ bởi các miệng núi lửa. Chúng tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh mới," Tiến sỹ Cathy Okin nói.
"Trải dài từ vùng đông bắc đến tây nam là một loạt các vùng lõm và đồi ... trải dài khoảng 600 trăm dặm. Đây là một vùng lớn và có thể được tạo ra từ các hoạt động trong lòng đất".
Một vùng tối ở vùng cực của Charon có thể là một lớp khí mỏng phủ phía trên một chất liệu màu đỏ, bà nói.
Nơi này được đặt tên không chính thức là Mordor, theo tên gọi của vùng đất trong truyện Chúa tể Những Chiếc Nhẫn.
Một hình khác chụp mặt trăng nhỏ của Sao Diêm Vương, Hydra, cho thấy hình dáng dài với phần lớn bề mặt nằm dưới băng. Các nhà khoa học cũng ước tính kích cỡ của thiên thể này là 43km x 33km.
"Hydra không phải là một hành tinh," Hal Weaver, một thành viên trong nhóm khoa học, đùa.
Hình chụp Hydra chỉ có vài pixel vì mặt trăng này ở rất xa. Tàu New Horizons đã chụp hình này từ khoảng cách 650.000 km.
Các hình ảnh đã được gửi về Trái Đất trong hai lần tải dữ liệu hôm 15/7.
Tất cả các hình này đều có độ phân giải cao hơn tất cả những gì chúng ta từng thấy.
Nhóm các nhà khoa học đã ra lệnh cho New Horizons gửi một lượng nhỏ các dữ liệu mà tàu này thu thập được.
Một phần nguyên nhân là do vệ tinh này vẫn phải tiếp tục quan sát Diêm Vương vào buổi tối.
Mục đích là để tiếp tục quan sát hành tinh lùn này trong hai chu kỳ xoay nữa, tương đương 12 ngày trên Trái Đất.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top