Philippines ăn mừng 25 năm dân chủ

T

T$

Guest
Lễ kỷ niệm ngày hôm nay đặc biệt có ý nghĩa đối với Tổng thống Philippines Benigno Aquino vì cha mẹ ông đã đích thân góp phần phục hồi thể chế dân chủ tại nước này cách đây 25 năm.

Phát biểu trong một buổi lễ khánh thành một bức tượng của một trong những người lãnh đạo cuộc cách mạng, ông nhắc nhở cho dân chúng về ý nghĩa của ngày này.

Ông Aquino nói người dân Philippines đã chứng tỏ cho nhiều quốc gia thấy rằng có thể có được một cuộc cách mạng hòa bình. Đây là một “quà tặng cho thế giới.”

Vụ nổi dậy chống lại ông Ferdinand Marcos, đã cai trị Philippines hơn 20 năm, bắt đầu sau sự kiện được coi như một cuộc bầu cử nhiều gian lận.

Trong 4 ngày vào tháng 2 năm 1986, hơn nửa triệu người đã tụ họp trên một xa lộ của Manila gọi là EDSA để ủng hộ đối thủ của ông Marcos trong cuộc bầu cử là bà Corazo Aquino.

Sau khi quân đội quay ra chống ông Marcos, Hoa Kỳ và đưa ông và gia đình ra khỏi nước bằng máy bay. Bà Aquino, thân mẫu của đương kim tổng thống, được thừa nhận là tân tổng thống.

Bà Corazon Aquino, qua đời năm 2009, là quả phụ của đối thủ mạnh nhất của ông Marcos, ông Benigno Junior. Bà bị đẩy vào chính trường sau khi chồng bà bị ám sát 3 năm trước đó.

Tổng thống Aquino đầu tiên đã làm việc để phục hồi các cơ chế dân chủ như ủy ban bầu cử. Bà đã dẫn đầu các nỗ lực cải tổ hiến pháp, củng cố thể chế dân chủ trong nước.

Nhưng các cải cách vẫn chưa toàn thành tất cả những gì người dân Philippines theo đuổi.

Bà Edna Co là khoa trưởng trường cao học Hành chánh thuộc Viện Đại học Philippin.

Bà Co nói: “Sự tham gia của các công dân, chẳng hạn, đã được ghi trong hiến pháp năm 1986, tuy nhiên, phẩm chất và sự tham gia cụ thể của người dân vào việc thực hiện quyết định trong các quá trình chính quyền vẫn còn nhiều vấn đề.”

Tham nhũng và thiếu hiệu năng là các vấn nạn của chính phủ. Đất nước vẫn còn chịu đau khổ vừa vì một cuộc nổi dậy của phiến quân cộng sản, vừa vì một phong trào ly khai Hồi giáo ở miền nam. Ở một số khu vực, các chính trị gia địa phương và các chủ đất nhiều thế lực có những đội dân quân riêng. Trong nhiều năm, hàng chục người hoạt động cho nhân quyền, ký giả và nhân viên chính trị đã bị sát hại, mà chỉ có một vài kẻ sát nhân bị bắt giữ.

Bà Co nói đã không có sự cam kết nghiêm túc của các nhà lãnh đạo cũng như người dân thương, để bảo đảm rằng những thay đổi do cuộc cách mạng EDSA mang lại được duy trì.

Bà Co nói tiếp: “Chúng ta tiếp tục đầu hàng trước cùng một bối cảnh và chúng ta đã chưa có biện pháp quyết liệt nào và một hành động tập thể chung nào để thay đổi hệ thống hiện hữu. Và vì thế tôi cho rằng mọi sự đã trở nên tệ hại hơn bởi vì chúng ta chưa thay đổi được hệ thống đó.”

Bà Co nói tình trạng nghèo khó trở nên tệ hại hơn so với cách đây 25 năm.

Nhưng cho dù có những khuyết điểm, cuộc cách mạng EDSA vẫn được coi như một mẫu mực cho các nước khác, như Indonesia chẳng hạn. Nó nằm trong khuôn khổ một xu hướng hòa bình toàn bộ hướng tới dân chủ và tách rời khỏi các chính phủ độc tài ở Đông Á trong thập niên 1980 kể cả Nam Triều Tiên và Đài Loan.
 
Back
Top