Trên thực tế, bộ phim "Bridge of Spies" của Steven Spielberg theo khá sát những sự kiện xảy ra ở ngoài đời thực xung quanh cuộc trao đổi tù binh giữa Mỹ và Liên Xô năm 1962.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước phần lớn nội dung của bộ phim
Điều gì dẫn đến việc FBI bắt giữ gián điệp Rudolf Abel của Liên Xô?
Ở ngoài đời thực, Reino Häyhänen, một trợ lý của Rudolf Abel, là người đã bán đứng ông cho nước Mỹ. Sau 10 năm làm gián điệp tại xứ sở cờ hoa, Abel cảm thấy không hài lòng với Häyhänen bởi anh này thường hay say xỉn, cãi vã với vợ và lang chạ cùng gái bán hoa.
Hình ảnh viên gián điệp Rudolf Abel ở ngoài đời và trên phim do Mark Rylance thể hiện.
Abel quyết định báo cáo mọi chuyện về Moscow, khiến tay trợ lý bị điều về nước. Lo sợ trước viễn cảnh bị trừng phạt, thậm chí phải nhận án tử hình, Häyhänen tháo chạy tới Đại sứ quán Mỹ tại Paris, Pháp và thú nhận thân phận điệp viên KGB của bản thân cũng như danh tính của sếp. Kết quả là Rudolf Abel bị FBI bắt giữ vào ngày 21/6/1957.
James B. Donovan có lưỡng lự khi quyết định xem có nhận biện hộ cho Rudolf Abel hay không?
Giống như trong Bridge of Spies, Toà án Liên bang để Hiệp đoàn Luật sư Brooklyn chỉ định luật sư biện hộ cho Rudolf Abel. Luật sư bảo hiểm James B. Donovan là người được chọn.
Hình ảnh luật sư James B. Donovan ở ngoài đời thực và trên màn ảnh do Tom Hanks thể hiện.
Cũng giống như nhân vật của Tom Hanks thủ vai, Donovan ban đầu rất ngại đề nghị này. Song, ông tin rằng ai cũng có quyền được biện hộ, dựa trên lời phát biểu của nhân vật vào năm 1962: “Những nguyên tắc của chúng ta đã được khắc sâu vào lịch sử cũng như luật pháp của quốc gia. Nếu thế giới tự do không trung thành với những quy tắc đạo đức của chính nó, người ta sẽ chẳng còn khao khát bất cứ xã hội nào hết”.
Tại sao Hiệp đoàn Luật sư Brooklyn chỉ định James B. Donovan biện hộ cho Abel?
Như bộ phim của Steven Spielberg đã đề cập, dù là thường dân, Donovan từng có kinh nghiệm khi ông còn là công tố viên phụ tá gián tiếp cho Thẩm phán Toà án Tối cao Robert H. Jackson trong các phiên toà xét xử tội ác chiến tranh Nuremberg.
Trước đó, vào năm 1942, ông từng giữ chức luật sư cố vấn cho Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học Mỹ – nơi từng chứng kiến sự ra đời của bom nguyên tử. Một năm sau, ông tiếp tục làm cố vấn chung cho Văn phòng Chiến lược OSS, nơi có nhiệm vụ xử lý những vụ việc phá hoại, tình báo và nhiều vấn đề khuất tất khác.
Vợ của Donovan có phiền lòng khi chồng bà đứng ra biện hộ cho một tên gián điệp hay không?
Dựa theo lời kể của chính Donovan, điều này hoàn toàn có thật. Ông kể lại: “Khi tôi bảo với vợ rằng mình được đề nghị biện hộ cho một gián điệp của Liên Xô, bà ấy đã hét lên”. Trong cuốn hồi ký Strangers on a Bridge, vị luật sư còn cho biết bà Mary vợ ông cảm thấy không vui bởi thời gian ông dành cho gia đình sẽ phải xẻ bớt cho Rudolf Abel.
Chi tiết có người bắn vỡ cửa sổ nhà Donovan trong phim là hư cấu. Song, gia đình ông nhận được không ít những lá thư khinh miệt và cuộc gọi điện thoại nặc danh đe dọa. Cuối cùng, Donovan phải chuyển sang một số điện thoại không công khai cho đến khi vụ xét xử kết thúc. Bạn bè của Mary thậm chí còn hỏi thẳng rằng liệu chồng bà có mất trí hay không, còn con của hai người thì bị đám bạn học đàm tiếu và rêu rao suốt ngày.
Có đúng là James B. Donovan đã thúc đẩy thẩm phán không kết án tử hình Rudolf Abel bởi người điệp viên có thể mang giá trị ở các cuộc trao đổi tù binh trong tương lai hay không?
Việc này hoàn toàn có thật. Ban đầu, Donovan đưa ra luận điểm rằng chính quyền đã vi phạm Đạo luật sửa đổi bổ sung IV của thân chủ bằng việc khám nhà, tịch biên mà không có giấy tờ hợp lệ. Đến ngày 15/11/1957, ông thuyết phục thẩm phán Mortimer W. Byers không kết án tử hình Rudolf Abel ngay tại phiên toà.
Những sự kiện xung quanh việc xét xử Rudolf Abel của Mỹ diễn ra trong Bridge of Spiestheo rất sát thực tế.
Donovan biện hộ: “Trong tương lai có thể lường trước, việc một công dân Mỹ với cấp bậc tương tự bị Liên Xô hoặc một đồng minh của họ bắt giữ là điều có thể xảy ra. Lúc đó, một cuộc trao đổi tù nhân qua các kênh ngoại giao có thể được coi là lợi ích quốc gia lớn nhất cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.
Cuối cùng, thẩm phán Byers kết án Rudolf Abel tổng cộng 45 năm tù giam cùng khoản phạt 3.000 USD. Vụ việc trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế, đẩy danh tiếng của luật sư James B. Donovan xuống vực thẳm, rồi dần lắng xuống.
Mãi đến tháng 5/1960, khi quân đội Nga bắn hạ máy bay do thám U-2 và bắt giữ viên phi công Francis Gary Powers, vụ án của Abel mới được xem xét lại và người ta thấy Donovan đã hoàn toàn đúng. Bộ phim Bridge of Spies đã rút ngắn đáng kể quãng thời gian giữa sự kiện bắt giữ Abel và cuộc trao đổi tù nhân diễn ra tại Berlin, Đức.
Sự kiện máy bay do thám U-2 của Mỹ bị Liên Xô bắn hạ gây ảnh hưởng như thế nào?
Francis Gary Powers cất cánh chiếc U-2 từ một căn cứ không quân tại Pakistan để thực hiện nhiệm vụ bí mật chụp hình các doanh trại nằm sâu bên trong không phận Liên Xô. Tuy nhiên, Mỹ không hề biết rằng đối phương đã cải thiện tầm phóng đầu đạn để chống lại sự thâm nhập của các máy bay do thám. Kết quả là quả tên lửa đã phá hỏng chiếc máy bay mà Powers điều khiển, khiến anh buộc phải rời khỏi buồng lái và bung dù tiếp đất.
Hình ảnh viên phi công Francis Gary Powers ở ngoài đời thực và trên màn ảnh Austin Stowell thể hiện.
Phía Liên Xô xử phạt anh tổng cộng 10 năm: ba năm tù giam, bảy năm lao động công ích. Song, chính quyền đương thời của Tổng thống Mỹ Eisenhower cho rằng chiếc máy bay của CIA lẫn viên phi công điều khiển đều đã bị tiêu diệt.
Họ cố gắng che đậy vụ việc trước báo chí bằng cách biến chiếc U-2 thành khảo máy bay khảo sát thời tiết đi chệch khỏi lộ trình và không cố ý vi phạm không phận nước bạn. Tuy nhiên, mọi việc bị bại lộ khi Thủ tướng Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev công bố chuyện bắt giữa Francis Gary Powers.
Quãng thời gian Francis Gary Powers bị chính quyền Liên Xô giam giữ bắt đầu từ 1/5/1960 cho tới 10/2/1962 – tức ngày cuộc trao đổi tù binh giữa hai cường quốc diễn ra.
Tại sao James Donovan lại trở thành người đàm phán trong vụ trao đổi tù binh Abel – Powers?
Bridge of Spies theo khá sát những sự kiện xảy ra ở ngoài đời thực. Ban đầu, cha của viên phi công là ông Oliver Powers liên lạc với Rudolf Abel về ý định yêu cầu chính phủ Mỹ thực hiện một cuộc trao đổi tù binh. Cùng lúc đó, vợ của Abel viết thư cho James B. Donovan để nghe ngóng về một cơ hội khoan hồng dành cho chồng.
Dù nghi ngờ bức thư là một sản phẩm của chính quyền Liên Xô, Donovan vẫn liên hệ với Bộ Tư pháp và việc biện hộ cho Abel trong quá khứ đã giúp ích cho ông rất nhiều. Sau vài tháng đàm phán, ông có cơ hội gặp gỡ Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Liên Xô tại Đông Đức, ngài Ivan A. Schischkin.
Thường đi công tác châu Âu hàng năm, Donovan nói dối vợ rằng mình có công chuyện tại Scotland và sắp đặt gửi thư tín từ London, Anh để bà yên lòng. Trên thực tế, ông đã tới Đức để đàm phán, hàng ngày phải một mình vượt qua bức tường Berlin bởi phía Mỹ lo ngại rằng sự có mặt của một viên chức chính thống là nỗi xấu hổ về mặt ngoại giao.
Giống như trong phim, Donovan gặp gỡ vợ, con gái và một người họ hàng của Rudolf Abel tại Đại sứ quán Liên Xô ở Đông Đức. Song, ông cũng nghi ngờ rằng họ chỉ là những người đóng thế được phía nước bạn thuê để khiến mình lung lạc.
Tuy nhiên, có hai chi tiết bộ phim hư cấu nên. Đầu tiên là việc Donovan bị một nhóm thanh niên Đông Đức “xin đểu” chiếc áo khoác, khiến ông bị cảm lạnh. Ở ngoài đời, ông bị cảm chỉ đơn giản bởi quên bật lò sưởi trong một đêm ở Berlin.
Bên cạnh đó, ông cũng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cảnh lực lượng cảnh sát Đông Đức bắn hạ những người cố gắng leo qua bức tường Berlin để trốn sang phía bên kia thành phố. Ở cuốn hồi ký, Donovan chỉ viết rằng ông trông thấy rất nhiều lực lượng mang vũ trang hạng nặng và súng máy trên các chòi canh tại bức tường.
Cuộc trao đổi diễn ra khi nào và ở đâu?
Trong thời gian đàm phán, Donovan được biết về một tù nhân người Mỹ khác tại Đông Đức là sinh viên ngành kinh tế Frederic L. Pryor. Bị bắt với tội danh gián điệp do tiếp cận những thông tin mà phía chính quyền sở tại cho là tuyệt mật khi anh đang thực hiện nghiên cứu luận án tiến sĩ, Pryor phải nhận án tử hình.
Cầu Glienicke là nơi diễn ra cuộc trao đổi Abel – Powers. Cùng lúc đó, chàng thanh niên Pryor được chính quyền Đông Đức trao trả tại trạm kiểm soát Charlie.
Đây là nỗ lực của phía Đông Đức trong việc khiến nước Mỹ công nhận chính quyền của họ. Luật sư James B. Donovan nhất quyết đổi Abel lấy cả Powers và Pryor. Không khác mấy so với phiên bản điện ảnh, Pryor được thả về tại trạm kiểm soát Charlie nổi tiếng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngay sau đó, Abel được trao đổi với Powers tại cây cầu Glienicke vào ngày 10/2/1962.
Vì sao Francis Gary Powers lại bị chỉ trích sau khi được thả?
Nhiều người Mỹ cho rằng viên phi công đã tiết lộ thông tin cho phía KGB quá dễ dàng. Một số còn bày tỏ quan điểm rằng Powers đáng lẽ nên tự sát thay vì để bị bắt.
Trong cả bộ phim Bridge of Spies lẫn câu chuyện ngoài đời thật, Francis Gary Powers đều mang một đồng xu 1 USD bằng bạc, có giấu kim tẩm độc để tự sát phòng khi bị phát hiện. Vào khoảnh khắc bị bắn hạ, anh cũng không kịp kích hoạt chế độ tự huỷ của chiếc máy bay U-2.
Tuy nhiên, cuộc thẩm tra và những thử thách sau đó của CIA chứng minh rằng viên phi công đã không làm gì sai trái.
Trailer bộ phim 'Người đàm phán'
Theo Zing