Phim chiến tranh Việt Nam dở vì thiên về tuyên truyền

KuteJac

Newcaster


'Phim khai thác một chiều, chưa đụng đến tính nhân bản của kiếp người, thiên về tuyên truyền nhiều vì làm phim bằng tiền Nhà nước…', biên kịch Nguyễn Anh Dũng nhận định.



- Ông đã từng viết những kịch bản cho phim thương mại ăn khách như “Lấy vợ Sài Gòn”, “Anh hùng râu quặp” , “Kẻ cướp cô dâu” (phim điện ảnh) và loạt phim truyền hình nhiều tập “Những mảnh vỡ phù hoa”, “Đồng tiền đen”…, vì sao cứ phải đau đáu mãi đề tài truyền thống?



- Tôi đã 11 năm làm lính chiến đấu ở chiến trường, đã tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn…. Tôi có nhiều vốn sống về chiến tranh. Tấm gương đồng đội, bạn bè hy sinh luôn thường trực trong tâm trí mình. Sự hy sinh của họ vượt xa sự mường tượng của lớp trẻ. Vì thế, mảng đề tài lớn nhất của tôi là người lính và chiến tranh cách mạng.



phim-chien-tranh-viet-nam-do-vi-thien-ve-tuyen-truyen-ea5df7.jpeg



Biên tập Nguyễn Anh Dũng



- Nghe nói, kịch bản đầu tiên của đời ông từng làm ông “lên voi xuống ngựa” mấy năm trời?



- Phim Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh của tôi đã bị cấm 6 năm nhưng sau đó lại phát hành rộng rãi và được chiếu đều đặn vào những dịp kỷ niệm chiến thắng của quân đội ta, trên các phương tiện truyền thông.



Hồi đó, có nhà quản lý đã từng chất vấn tôi: Vì sao không viết về những chiến thắng oanh liệt của quân đội ta mà đi mô tả một trận đánh thất bại. Tôi đã trả lời: Một trăm trận, chúng ta thất bại 70 trận, vì ta yếu hơn địch về mọi mặt cả về trang bị, kỹ thuật, vũ khí, số lượng quân và tiếp tế hậu cần… Tôi đã tham gia nhiều trận đánh phải bắn tiết kiệm từng viên đạn pháo, trong khi đối phương phi pháo khủng khiếp. Thất bại trong một trận chiến không phải là bản chất cuộc chiến, mà quan trọng là chúng ta thắng những trận quan trọng, mang tính chiến lược để đi tới thắng lợi cuối cùng. Bản chất anh hùng quân đội ta không chỉ biểu hiện ở chiến thắng, mà ngay ở những lúc khó khăn, thất bại nhất: Vẫn thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết tìm đường trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu…



Điều tôi muốn là mọi người hiểu chính xác mỗi chiến công của người lính đều thấm đẫm sự hy sinh xương máu, sự khốc liệt của chiến tranh là kinh khủng…



- Và sau sự thăng trầm của phim đầu, ông đã…



- Viết sao cho mềm hơn như Đêm miền yên tĩnh (Bông sen Bạc LHP quốc gia lần thứ 7). Rồi sau này là Vị tướng tình báo và hai bà vợ (Giải Vàng LHP truyền hình toàn quốc 2003, giải nhì kịch bản Bộ Quốc phòng Năm ngày trong đời vị tướng, Những người viết huyền thoại- Bông sen Vàng LHP quốc gia, Giải Vàng biên kịch…).



- Vì sao phim chiến tranh của ta không có sức sống lâu bền?



- Vì phim khai thác một chiều, chưa đụng đến tính nhân bản của kiếp người, thiên về tuyên truyền nhiều vì làm phim bằng tiền Nhà nước, chưa đi sâu vào thân phận của người lính. Bản thân tôi từng 21 ngày không một hạt gạo, sống bằng lá rừng và củ nâu, anh em quần áo rách tươm tả… Hy sinh cũng không còn “tăng” (bạt) lành để bó xác…



Chưa kể, nhiều phim chiến tranh làm bị giả vì kỹ xảo còn thấp. Nhiều cảnh chiến tranh như trò chơi điện tử, hay kỹ thuật hóa trang chưa thuyết phục…



- Vậy ông có “kế” gì hay để phim truyền thống hấp dẫn giới trẻ?



- Những phim bom tấn Mỹ cũng mô tả chiến công, người hùng mà hấp dẫn giới trẻ. Hình tượng anh hùng của ta không thiếu và rất mạnh mẽ, nhưng để lôi cuốn, thu hút sự quan tâm của lớp trẻ thì phim phải đề cao tính nhân bản, khai thác sâu sắc và chân thật con người VN. Kịch bản phải có kịch tính cao.



Thứ nữa, phải mạnh dạn đầu tư kinh phí cho phim lớn. 45 năm giải phóng miền Nam, tôi viết kịch bản “Sài Gòn 105 độ F” về những giờ phút cuối cùng của lính Mỹ rút khỏi Sài Gòn, với khoảng 30 – 40 nhân vật thực của lịch sử, tư liệu thật do Viện Lịch sử quân sự cung cấp. Nhưng chưa được duyệt vì kinh phí không đủ, theo tính toán phải lên tới 60 tỉ là tối thiểu, mà 60 tỉ là kinh phí cho ngành điện ảnh cả nước trong 1 năm.



Vì thế, tôi đang tìm hướng kết hợp với tư nhân làm phim truyền thống, phải tính tới thu hồi vốn, làm cho ăn khách, đó là bài toán khó giải. Nhưng tôi vẫn kiên trì đi theo hướng đó.



Hàm Luông dậy sóng có tư nhân sẵn sàng đầu tư. Nguyên mẫu là anh hùng Hoàng Lam, người từng có công đánh chìm 1 chiến hạm lớn của Mỹ, với 400 sĩ quan lính Mỹ và trên chiến hạm là cả một trận địa pháo và máy bay trực thăng). Trước đây có phim Đêm nước rong làm về ông nhưng kỹ xảo hồi đó chưa cao, lại bị hạn chế nhiều về quan điểm, nên chưa gây được ấn tượng.



Lần này, tôi đi theo hướng: Xây dựng con người thật của nhân vật, không anh hùng hóa, để nhân vật bộc lộ cá tính riêng: Nóng tính, bộc trực, uống rượu như nước… nên nhiều lần bị lãnh đạo khiển trách nhưng cực kỳ sáng tạo và anh hùng trong chiến đấu.



Hay kịch bản Đêm hồng phiến là câu chuyện kết hợp quá khứ, hiện tại nhưng khai thác sâu tính nhân bản của người phụ nữ VN. Để lôi cuốn khán giả trẻ, kịch bản đề cập tới những vấn đề nóng của xã hội, như tệ nạn ma túy…



- Ông viết có vất vả không? Tiền nhuận bút có đủ sống?



- Tôi viết không vất vả lắm, nhưng không quá nhanh, khoảng 10 ngày/ tập. Thu nhập đủ sống, không dư dả. Năm nhiều nhất kiếm khoảng 400 – 500 triệu đồng, còn ít hơn vài ba trăm, tóm lại là đủ nuôi ba con gái…



 - Mong ước của ông?



- Viết một tiểu thuyết chân thực về cuộc chiến, với câu chuyện của tôi và bạn bè tôi. Có những số phận đau đớn. Nhưng hiện tôi vẫn phải lăn lộn viết kịch bản phim để nuôi con…



Theo Zing









 
Back
Top